Thuế quan mới của Mỹ khiến mọi thứ tăng giá, một chiếc iPhone có thể tới 2.300 USD

MỸ - Chính sách thuế do tổng thống Trump công bố hôm 2/4 đã gây ra sự sụt giảm mạnh trên thị trường tài chính và vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo khắp thế giới.

Thuế quan của Mỹ được cho là sẽ tạo ra rào cản thương mại cao nhất trong hơn một thế kỷ: mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế mục tiêu cao hơn đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Điều đó có thể làm tăng giá mọi thứ tại thị trường Mỹ, từ cần sa, giày chạy bộ đến điện thoại iPhone của Apple. Một chiếc iPhone cao cấp có thể sẽ có giá gần 2.300 USD nếu Apple chuyển chi phí cho người tiêu dùng, dựa trên dự đoán từ Rosenblatt Securities.

Các doanh nghiệp đua nhau điều chỉnh. Nhà sản xuất ô tô Stellantis cho biết sẽ tạm thời sa thải công nhân Mỹ và đóng cửa các nhà máy ở Canada và Mexico, trong khi General Motors cho biết sẽ tăng sản lượng của Mỹ.

thue-trump-040425-3
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp đã ký về thuế quan, tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào ngày 2/4/2025 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá, mức thuế quan "có đi có lại" là phản ứng trước các rào cản áp dụng đối với hàng hóa của Mỹ, trong khi các quan chức chính quyền cho biết, mức thuế quan này sẽ tạo ra việc làm trong ngành sản xuất trong nước và mở ra thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, dù sẽ mất thời gian để thấy được kết quả.

Tuy nhiên, kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, các mối đe dọa về thuế quan ‘lúc có lúc không’ của ông đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ông Trump có thể lùi bước một lần nữa, vì thuế quan có đi có lại sẽ không có hiệu lực cho đến ngày 9/4 – theo Reuters.

"Kế hoạch thuế quan dường như không được cân nhắc kỹ lưỡng. Đàm phán thương mại là một lĩnh vực kỹ thuật cao và theo quan điểm của chúng tôi, những đề xuất này không tạo ra cơ sở nghiêm túc cho các cuộc đàm phán với bất kỳ quốc gia nào", James Lucier, đối tác sáng lập tại Capital Alpha cho biết.

Các nhà kinh tế cho biết mức thuế quan có thể làm bùng phát lạm phát, làm tăng nguy cơ suy thoái ở Mỹ và làm tăng chi phí cho một gia đình trung bình ở Mỹ lên hàng nghìn USD.

thue-trump-040425-2
Bản đồ hiển thị tỷ lệ thuế quan qua lại do chính quyền Mỹ áp dụng cho mỗi nền kinh tế - Nguồn: Reuters

Phản ứng với chính sách thuế mới của ông Trump, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết, Mỹ đã từ bỏ vai trò lịch sử của mình là nhà tiên phong trong hợp tác kinh tế quốc tế.

"Nền kinh tế toàn cầu hiện nay về cơ bản đã khác so với ngày hôm qua", ông phát biểu khi công bố một loạt biện pháp đối phó hạn chế.

Ở nơi khác, Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa việc Trump áp thuế 54% đối với hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tương tự như Liên minh châu Âu, nơi phải đối mặt với mức thuế 20%.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước châu Âu tạm dừng đầu tư vào Mỹ.

Các đối tác thương mại khác, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Ấn Độ, cho biết họ sẽ hoãn mọi hành động trả đũa vào lúc này vì họ đang cân nhắc nhượng bộ.

Các đồng minh và đối thủ của Washington đều cảnh báo về một đòn giáng mạnh vào thương mại toàn cầu. Nhật Bản, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này, hiện đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng quốc gia", Thủ tướng Shigeru Ishiba phát biểu.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết "mức thuế quan này rõ ràng là một rủi ro đáng kể đối với triển vọng toàn cầu trong thời điểm tăng trưởng chậm chạp".

"Điều quan trọng là phải tránh các bước đi có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế thế giới. Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các đối tác thương mại của mình hợp tác mang tính xây dựng để giải quyết căng thẳng thương mại và giảm bớt sự bất ổn", Georgieva cho biết.

Các nhà phân tích cho biết mức thuế quan này cũng có thể khiến các đồng minh ở châu Á xa lánh và làm suy yếu những nỗ lực chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Bình luận