Phiên giao dịch ngày 18/4, đồng USD ổn định so với các đồng tiền chủ chốt khác khi đây là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, hầu hết thị trường đóng cửa khiến giao dịch trầm lắng.
Khối lượng giao dịch thấp đã hạn chế biến động trên thị trường.
So với rổ tiền tệ, đồng bạc xanh đang giữ ổn định gần mức thấp nhất trong 3 năm ghi nhận trong tháng này.

Đồng euro phiên này tiến gần mức 1,1370 USD, được thúc đẩy nhờ kỳ vọng về khả năng đạt được đàm phán về thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi hội đàm với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Nhà Trắng, đã khẳng định chắc chắn 100% về một thỏa thuận thương mại cuối cùng với châu Âu, mức độ chắc chắn cao nhất mà ông từng thể hiện về triển vọng của các cuộc đàm phán.
Đô la Australia dao động gần mức 0,6350 USD, kết thúc chuỗi tăng 7 ngày liên tiếp.
Việc ông Trump lạc quan về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và việc ông miễn áp thuế cho một số mặt hàng điện tử đã thúc đẩy triển vọng xuất khẩu của Australia.
Nhưng lo ngại khả năng kinh tế đình lạm của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cùng với quan điểm chưa cần thiết hạ lãi suất của Fed khiến USD không bị trượt giá mạnh, dẫn đến hạn chế đà tăng của đồng AUD.
Đồng USD đã giảm mạnh từ tuần trước do lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp thuế quan mới. Việc các chính sách thương mại trở nên mông lung đã thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng phân bổ tài sản ra thị trường nước ngoài.
Nhóm phân tích của ngân hàng Citi do ông Daniel Tobon, Giám đốc phụ trách mảng lãi suất của Nhóm 10 quốc gia có đồng tiền được sử dụng nhiều nhất thế giới (G10), nhận định: “Chúng tôi không cho rằng đây là làn sóng ‘phi đô la hóa’ thực sự và không thấy rủi ro lớn đối với vai trò dự trữ toàn cầu của đồng USD. Tuy nhiên, thế giới hiện đang nắm giữ quá nhiều tài sản Mỹ. Dòng tiền ‘bán tài sản Mỹ’ có thể tiếp tục gây sức ép lớn lên đồng USD trong năm nay.”
Chủ tịch Fed Jerome Powell vừa đưa ra nhận định rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại. Chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng nhẹ, nhập khẩu tăng mạnh do các doanh nghiệp tranh thủ trước khi bị áp thuế, và tâm lý thị trường có xu hướng xấu đi.
Theo đánh giá của Robert Pavlik, quản lý danh mục cấp cao tại Dakota Wealth, Fed đang chờ đợi thêm tín hiệu xác định lạm phát có phải chỉ là tạm thời hay không, và các biện pháp thuế quan sẽ kéo dài bao lâu, từ đó sẽ đưa ra hành động về lãi suất.