Tiêu điểm: Nhân Humanity

Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EU

(VOH) - EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm gần 15% tổng nhập khẩu toàn cầu.

Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Do vậy, Việt Nam đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Thông tin được nêu tại Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”.

Bộ trưởng Bộ Công thương – Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU. Hiện thị trường này có kinh ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm gần 15% tổng nhập khẩu toàn cầu.

Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sau khi được và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ đô la Mỹ; nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm hơn 8% trong tổng nhập khẩu của EU, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ký kết, 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 – 10 năm, đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ,… cà phê với mức thuế suất hiện nay trong khoảng 7,5-11,5% tùy từng dòng hàng sẽ được giảm về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Bộ Trưởng Bộ Công thương – Trần Tuấn Anh cho biết:  “Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8, và thậm chí cả hai bên Liên minh châu Âu và Việt Nam đang thể hiện quyết tâm và mong muốn thực thi hiệp định đúng thời gian, thuận lợi nhất hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp tổ chức và người dân cả hai bên. Chính vì vậy, việc chuẩn bị tâm thế mới cho chúng ta, tất cả hệ thống chính trị trong cả nước bước vào giai đoạn mới của phát triển. Thực thi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là những nội dung cơ bản trong năm 2020 và những năm tới mà Chính phủ tập trung điều hành và chỉ đạo”.

TPHCM xác định châu Âu là thị trường lớn để các doanh nghiệp TPHCM đa dạng hóa đối tác và khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là thị trường "khó tính" đòi hỏi các doanh nghiệp nỗ lực để cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để vượt qua những quy định của châu Âu, xa hơn nữa là chinh phục người tiêu dùng ở châu Âu.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay sau khi hiệp định EVFTA được ký kết, TP.HCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận và mở rộng thị trường: 

“Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội mở ra từ EVFTA, TPHCM tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như hướng dẫn theo quy trình sản xuất quốc tế, tổ chức các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp về thương hiệu hàng hóa, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả giữa trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp”.

Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hạn ngạch thuế quan, chia lại thị trường trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU lần này, đây là những điểm mới bên cạnh vấn đề thuế suất giảm về 0%: 

“Trong cả quá trình đàm phán với thị trường EU thì nhắm rất mạnh đến những chuỗi nông sản có giá trị cao, điển hình như mặt hàng gạo. EU dành hạn ngạch thuế quan đối với gạo thơm là gạo mà có giá trị cao hơn so với các thị trường khác và dự kiến giá bán được tốt hơn. Với góc độ là thị trường cao cấp thì chúng ta cũng hướng đến ngạch tiểu quan này, cũng như cắt giảm thuế và hướng đến phân khúc thị trường như vậy”.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên

Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, thị trường hàng hóa nông, lâm, thủy sản được mở rộng. Tuy nhiên, vấn đề đàm phán về kiểm dịch động, thực vật hiện vẫn đang là một bài toán cho các nước khi mở cửa thị trường hàng nông, thủy sản lẫn nhau… EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói… góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bình luận