Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu ước đạt 450 triệu USD, nhưng không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm trong hai tháng đầu năm.
Sầu riêng từng là mặt hàng chủ lực, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2024, sầu riêng đạt kim ngạch xuất khẩu 2,85 tỷ USD, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Tuy nhiên, hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2024, khiến kim ngạch mặt hàng này tụt xuống thấp hơn cả chuối và thanh long.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng là yếu tố chính tác động tiêu cực đến ngành rau quả. Trung Quốc đang kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam, tương tự như với Thái Lan.
Điều này dẫn đến tình trạng hàng hóa phải chờ lâu tại cửa khẩu, gây hư hỏng và xuống cấp chất lượng.
Hiện tại, sầu riêng nghịch vụ đã qua, và nhiều địa phương, đặc biệt ở miền Tây, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính.
Với tốc độ kiểm tra 100% như hiện nay, nguy cơ ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn cao.
Hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm 44,5% tỷ trọng giá trị xuất khẩu, tiếp theo là Mỹ (9,6%) và Hàn Quốc (6%).
Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 38,9%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng 65,5% và Hàn Quốc tăng nhẹ 0,1%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, Anh ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 77,8%, trong khi Trung Quốc giảm sâu nhất với 38,9%..
Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký ba nghị định thư với Trung Quốc, trong đó có hai mặt hàng rau quả là ớt và chanh leo.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu ớt và chanh leo sang Trung Quốc có thể tăng gấp đôi so với năm 2024, tức mỗi mặt hàng tăng thêm 100-200 triệu USD/năm.
Dù đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, hai mặt hàng này khó bù đắp được sự sụt giảm mạnh của sầu riêng. Các mặt hàng khác như chuối, dù có tăng trưởng, cũng chỉ đóng góp thêm khoảng 100-200 triệu USD.