Tiêu điểm: Nhân Humanity

"Trữ Ngọt" - Lời cảnh báo về tình trạng thiếu nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long

(VOH) - Tham gia Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV - 2022, Đài PT-TH An Giang mang đến câu chuyện thời sự về tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng tại ĐBSCL và những giải pháp thích ứng.

Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên. Nước lũ không về khiến đời sống người dân điêu đứng vì đồng ruộng bỏ hoang, cá tôm èo ọt... Có thể thấy, chưa bao giờ mà "tài nguyên nước" ở một vùng sông nước mênh mang như ĐBSCL lại trở nên cạn kiệt, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển bền vững của toàn vùng như hiện nay. Như vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tìm cách trữ ngọt.

"Trữ Ngọt" - Lời cảnh báo về tình trạng thiếu nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long 1
Phần thi của Đài PTTH An Giang.

Nói về lý do lựa chọn đề tài “Trữ Ngọt" trong phần thi phát thanh trực tiếp tại Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV - 2022, ông Lê Thành Trung - Trưởng Phòng Phim Tài liệu - Giải trí, Đài Phát thanh truyền hình An Giang chia sẻ: "Miền Tây càng lúc càng ‘đói lũ’, nguồn nước ngày cạn kiệt. Chúng tôi muốn gióng lên thêm những hồi chuông báo động về tình trạng này, chúng ta cần phải hành động ngay để giảm thiểu thực trạng này. Làm sao để đưa nước về lại ruộng đồng, đưa phù sa, tôm cá trở lại để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững".

Trước câu hỏi làm sao để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và đời sống trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay, với góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Nghĩa Hùng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam phân tích: "Chúng ta cần phải biết được nguồn nước ngọt của chúng ta được bao nhiêu, biến động như thế nào để từ đó có kế hoạch sử dụng, cân bằng và điều tiết cho con người, hệ sinh thái. Mặt khác cần chủ động sản xuất ít sử dụng nước ngọt hơn, tiết kiệm và thông minh, thích nghi hơn với điều kiện vùng".

Một trong những giải pháp quan trọng được nhấn mạnh là chủ động các khu trữ nước để khi thiếu nước ngọt, vẫn hạn chế được thiệt hại về kinh tế và môi trường. Và một yếu tố quan trọng khác là cần phải kiểm soát chất lượng nước, tránh ô nhiễm nguồn nước - vốn là bài học đắt giá của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong thời gian qua, công tác trữ ngọt tại tỉnh An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cũng được tập trung chú trọng và đầu tư nhằm ứng phó với với tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt. Đánh giá về dự án xây dựng hồ trữ nước ngọt và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn với tổng diện tích 3.050ha nhằm điều tiết lũ, cung cấp nước cho vùng cũng như khu vực ĐBSCL, PGS-TS Nguyễn Nghĩa Hùng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thông tin: "Hiện nay các tỉnh đầu nguồn đã và đang từng nước sản xuất thuận thiên, mùa lũ đã tích cực trữ lũ để thau rửa môi trường. Do đó, việc sản xuất dựa theo nước lũ là rất cần thiết và rất hiệu quả, các dự án đầu tư vùng lũ đang đi theo hướng này, do đó, việc có thêm diện tích trữ nước là cần thiết".

"Đối với việc làm hồ 3.000 ha là đúng theo xu thế, nhưng hiệu quả về trữ nước, cảnh quan môi trường và điều tiết nguồn nước cho tỉnh Kiên Giang và An Giang cần được tính toán cân nhắc rõ, trên cơ sở đa mục tiêu. Đồng thời cũng cần có giải pháp kỹ thuật để quản lý môi trường nước, tính toán bơm trữ thêm trong những năm lũ nhỏ", PGS-TS Nguyễn Nghĩa Hùng lưu ý. 

Phần thi của Đài PT-TH An Giang khiến khán, thính giả hiểu thêm về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, con người... đã gây ảnh hưởng đến diện tích nước ngọt của miền Tây, xâm nhập mặn gia tăng, độ phì nhiêu của đất và nguồn lợi thủy sản suy kiệt. Qua đó, đặt vấn đề về ứng xử của chúng ta ở hiện tại để đưa nước về với ruộng vườn, khai thác lợi ích từ lũ và sống thích ứng, thuận theo tự nhiên để phát triển ĐBSCL một cách bền vững.

Bình luận