Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng theo cách truyền thống

(VOH) – Thức ăn dặm của trẻ 7 tháng tuổi cần được tăng dần độ thô để tập cho bé phản xạ nhai. Vậy thực đơn cho trẻ 7 tháng ăn dặm như thế nào mới là đúng "chuẩn" theo cách truyền thống?

1. Trẻ 7 tháng ăn dặm như thế nào?

Phần lớn các bé 7 tháng tuổi đều đã được làm quen với các thức ăn nghiền nhuyễn và rây mịn khi mới bắt đầu ăn dặm. Do đó, khi cho bé 7 tháng tuổi ăn dặm mẹ có thể tăng dần độ thô của thức ăn lên dạng hạt lợn cợn để tập cho con phản xạ nhai.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc tăng độ thô đột ngột có thể làm bé bất ngờ và e ngại, dẫn đến sợ ăn. Vì thế, các món ăn dặm trong giai đoạn này mẹ vẫn phải đảm bảo độ mềm và mịn ở một mức độ nhất định, có thể trộn thức ăn dạng thô hơn vào cùng với thức ăn rây mịn để bé làm quen dần.

tre-7-thang-an-dam-nhu-the-nao-la-dung-chuan-voh
Thức ăn trẻ 7 tháng tuổi có thể tăng dần độ thô (Nguồn: Internet)

Các bữa ăn của trẻ cần có sự đa dạng các thành phần dinh dưỡng (chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất). Việc cho trẻ trải nghiệm với nhiều loại thực phẩm khác nhau sẽ tạo cho bé nhiều cơ hội tiếp xúc dần với thực phẩm, giúp hệ tiêu hóa phát triển tốt, tránh được nguy cơ dị ứng thực phẩm về sau.

2. Trẻ 7 tháng ăn dặm mấy bữa 1 ngày?

Bắt đầu từ 7 tháng tuổi, bé có thể ăn dặm 2 bữa/ngày, mẹ nên kết hợp một bữa ăn ngọt xen kẽ với một bữa ăn mặn để bé đổi khẩu vị cũng như kích thích niềm vui ăn uống của bé.

Ngoài bữa chính, mẹ có thể tăng cường cho bé thêm các bữa ăn phụ như cho bé ăn sữa chua cho dành cho trẻ dưới 1 tuổi, váng sữa... Sau 19 giờ, mẹ nên cho bé bú sữa để tránh trường hợp bé bị đói vào ban đêm và quấy khóc.

Trẻ 7 tháng tuổi cũng đã bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, vì thế trong bữa ăn của trẻ mẹ có thể bày sẵn một vài loại rau củ luộc chín mềm để bé tự chọn. Đây là cách giúp cho bé tập mút và cắn thức ăn mềm.

Tuy nhiên, mẹ cần quan sát kỹ để tránh trường hợp bé nuốt cả miếng to vào dạ dày mà chưa được nhai kỹ.

Giai đoạn này, bé vẫn còn bú sữa khoảng 3 – 4 lần/ngày (tương đương 500 – 800ml sữa) và sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé. Do đó, khi tập cho trẻ 7 tháng ăn dặm mẹ nhớ phải luôn duy trì việc cho bé bú mẹ. Nếu trẻ không bú sữa mẹ thì nên bổ sung bằng sữa công thức.

Xem thêm: Để chăm con đúng cách mẹ cần phải biết sữa công thức để được bao lâu sau khi pha xong

3. Chất dinh dưỡng cần có trong thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng

Để đảm bảo sự phát triển của bé thì mẹ nên cho trẻ bổ sung các chất sau đây để tăng cường sức khỏe và tốt cho bé:

  • Tinh bột: Cơm, mì,...
  • Chất đạm: Thịt heo, trứng, đậu phụ và 1 vài loại cá trắng.
  • Chất xơ: Các loại rau quả như bông cải xanh, cải bó xôi, rau dền, rau ngót, rau lang, bắp cải,...và nên luộc, hấp rồi nghiền nhỏ cho bé ăn.
  • Vitamin và khoáng chất: Bổ sung các loại trái cây như dâu tây, dưa hấu, cam, quýt, đu đủ,...để bổ sung vitamin C. Bổ sung sắt từ thịt đỏ, ngũ cốc, đậu,,... và kẽm từ các thực phẩm như tôm, bí đỏ, đậu lăng,....

4. Các món ăn dặm cho bé 7 tháng theo phương pháp truyền thống

Để giúp các mẹ dễ dàng hơn trong việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi, dưới đây là các món ăn dặm theo phương pháp truyền thống dễ nấu dành cho trẻ 7 tháng tuổi mà mẹ có thể tham khảo:

4.1 Cháo bánh mì cá hồi

Nguyên liệu

  • 10g thịt cá hồi
  • ½ lát bánh mì gối hoặc bánh mì sandwich
  • 50ml nước

Cách làm bánh mì cá hồi cho bé 7 tháng ăn dặm

  • Cá hồi luộc hoặc hấp chín, bỏ da và xương (nếu có). Sau đó dùng thìa hoặc dĩa dằm nhỏ.
  • Bánh mì xé nhỏ cho vào nồi nấu cùng với nước, đun lửa nhỏ cho chín nhừ.
  • Cuối cùng, trộn cá hồi vào nồi bánh mì, đảo đều là hoàn thành món ăn.

4.2 Rau cải thảo nấu thịt gà

Nguyên liệu

  • 3 thìa cải thảo
  • 2 thìa ức gà
  •  30ml nước luộc thịt gà
tre-7-thang-an-dam-nhu-the-nao-la-dung-chuan-1-voh
Rau cải thảo nấu thịt gà (Nguồn: Internet)

Cách làm rau cải thảo nấu thịt gà

  • Rau cải thảo lấy nguyên phần lá, rửa sạch, luộc chín, sau đó thái nhỏ.
  • Thịt gà luộc chín, giã hoặc xé nhỏ.
  • Cho thịt gà, rau cải vào nồi xào, rồi cho nước luộc gà vào đun đến khi gần cạn nước là được.

4.3 Bí đỏ trộn táo

Nguyên liệu

  • 3 thìa bí đỏ
  • 2 thìa nước táo

Cách làm bí đỏ trộn táo

  • Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch. Sau khi luộc hoặc hấp chín, dùng thìa hoặc dĩa dằm nát.
  • Táo gọt vỏ, dùng nạo để mài nhuyễn. Sau đó lọc bỏ bã, chỉ lấy nước táo.
  • Trộn đều bí bỏ ở bước 1 với táo ở bước 2 là hoàn thành.

Xem thêm: Một số thực phẩm tốt cho trẻ ở giai đoạn ăn dặm

4.4 Súp lơ trắng sốt cà chua

Nguyên liệu

  •  2 thìa súp lơ trắng
  • 2 thìa cà chua
  • 2 thìa nước hầm xương

Cách làm súp lơ trắng sốt cà chua

  • Súp lơ trắng luộc chín, giã nhỏ
  • Cà chua bỏ vỏ, bỏ hạt, thái nhỏ cho vào nấu chín với nước hầm xương
  • Trộn súp lơ với cà chua là hoàn thành.

4.5 Cháo trứng

Nguyên liệu

  • Một thìa cháo
  • 2 – 3 thìa lòng đỏ trứng
  • 50ml nước hầm xương
tre-7-thang-an-dam-nhu-the-nao-la-dung-chuan-2-voh
Món cháo trứng cho bé ăn dặm (Nguồn: Internet)

Cách làm cháo trứng cho bé 7 tháng ăn dặm

  • Cháo nấu theo tỉ lệ 1:7, tức là cứ 10gr gạo thì cần nấu với 70ml nước.
  • Cho nước hầm xương vào nồi đun sôi, sau đó cho cháo vào nấu cùng,
  • Đánh tan lòng đỏ trứng, rồi cho vào nồi cháo, đảo nhanh tay. Đun thêm khoảng 2 – 3 phút để trứng chín kỹ là được.

Lưu ý: Đối với trẻ 7 tháng tuổi, trong thực đơn ăn dặm đã có thể bổ sung thêm chất đạm từ thịt, cá, trứng để đảm bảo cơ thể bé nhận được đầy đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, mẹ có thể thay thế nước hầm xương bằng cách loại nước dashi tốt cho sức khỏe của bé.

Xem thêm: Nước dashi là gì? Cách nấu nước dashi cho bé đang ăn dặm

5. Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng trong 1 tuần theo cách truyền thống

Việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ ở mỗi gia đình là khác nhau. Do đó, ngoài việc tham khảo thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 tháng dưới đây, mẹ có thể tham khảo thêm nhiều thực đơn ăn dặm khác để là phong phú hơn bữa ăn của trẻ.

  Sáng Trưa Chiều
Thứ 2 + thứ 4

6 giờ: bú mẹ hoặc sữa công thức (150-200ml)

9 giờ: ăn bột thịt lợn (thịt lợn + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

10 giờ: ăn ½ quả chuối tiêu

11 giờ: bú mẹ

14 giờ: ăn bột trứng (trứng gà + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

16 giờ: uống nước cam (nước cam + đường + nước lọc)
Thứ 3 + thứ 5

6 giờ: bú mẹ hoặc sữa công thức (150-200ml)

9 giờ: ăn bột thịt gà (thịt gà + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

10 giờ: ăn đu đủ (50g)

11 giờ: bú mẹ

14 giờ: ăn bột cua (nước lọc cua + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

16 giờ: Uống nước cam (cam + đường + nước lọc)

18 giờ: Ăn bột đậu xanh (bột đậu xanh + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

Thứ 6 + chủ nhật

6 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức (150-200ml)

9 giờ: Ăn bột thịt bò (thịt bò + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

10 giờ: Ăn ½ quả hồng xiêm

11 giờ: bú mẹ

14 giờ: Ăn bột tôm (thịt tôm + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

16 giờ: uống nước cam (Cam + đường + nước lọc)

18 giờ: Ăn bột thịt gà (thịt gà + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

Thứ 7

6 giờ: bú mẹ hoặc sữa công thức (150-200ml)

9 giờ: Ăn bột trứng (trứng gà + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

10 giờ: Ăn xoài

11 giờ: bú mẹ

14 giờ: Ăn bột thịt lợn (nạc vai + bột gạo + dầu ăn + rau xanh)

16 giờ: uống nước cam (cam + đường + nước lọc)

6. Những lưu ý cần nhớ trong cách cho trẻ 7 tháng ăn dặm theo cách truyền thống

Để mỗi bữa ăn của bé đều là niềm vui chứ không phải cuộc chiến, vì thế mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không ép bé ăn.
  • Không nêm gia vị vào thức ăn.
  • Bắt đầu kết hợp cháo với các loại rau, củ, đậu phụ, trứng... để đa dạng bữa ăn.
  • Thêm nhóm chất béo như các loại dầu ăn dành cho trẻ  khi chế biến món ăn dặm.
  • Khuyến khích bé chủ động khám phá các loại thực phẩm khác nhau bằng cách cho phép bé ăn thức ăn cầm bằng tay.
  • Đa dạng các loại thực phẩm, tuy nhiên, cần lưu ý với những trường hợp bé bị dị ứng.
  • Thiết lập thói quen ăn uống của trẻ bằng cách cho trẻ ăn đúng giờ, đúng nơi.
  •  Đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến. Thức ăn cho bé cần nấu chín. Các loại rau quả sống phải được ngâm rửa qua nhiều lần...

Nhìn chung, trẻ 7 tháng ăn dặm cần được xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ dưỡng chất để giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển. Mẹ có thể linh động các món ăn trong tuần theo nhu cầu và sở thích của con để tạo sự hứng khởi và vui vẻ trong bữa ăn của trẻ.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận