Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bà bầu ăn hồng giòn được không? Cách ăn an toàn cho sức khỏe

(VOH) – Trái hồng giòn ngọt thanh, thơm phức vốn là trái cây ‘được lòng’ rất nhiều người, trong đó có cả các mẹ bầu. Tuy nhiên bà bầu ăn hồng được không và liệu có gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe?

Cũng giống như việc bổ sung bất cứ nhóm trái cây nào vào khẩu phần ăn trong thai kì, chúng ta cần cẩn trọng tìm hiểu thành phần dinh dưỡng cũng như những tác động của trái hồng giòn tới sức khỏe mẹ bầu và em bé. 

1. Bà bầu ăn hồng giòn được không? 

Có thể nói, công đoạn lựa chọn thực phẩm, trái cây để thêm vào thực đơn hàng ngày cũng khiến mẹ bầu cảm thấy “rối bời”, vì phải đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và an toàn sức khỏe cho bản thân lẫn thai nhi. Vì thế, với nhiều mẹ bầu, dù trái hồng giòn là “món ruột” và thậm chí rất thèm ăn nhưng lại lo ngại loại quả này sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của con. 

Thế nhưng theo chia sẻ từ các chuyên gia dinh dưỡng, trái hồng giòn là trái cây bổ dưỡng và mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn thêm trong giai đoạn dưỡng thai, chỉ cần chú ý ăn đúng cách, liều lượng hợp lý. 

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn hồng giòn

Trái hồng giòn có kích thước không quá lớn song chứa khá nhiều dưỡng chất thiết yếu, bao gồm nhóm vitamin A, vitamin C hay vitamin B6 và khoáng chất như kali, mangan. Tiếp nạp thêm các nguồn chất dinh dưỡng này, một số vấn đề sức khỏe thường gặp khi mang thai sẽ được cải thiện hiệu quả.

2.1 Tốt cho đôi mắt

Hoạt chất beta – carotene (tiền chất vitamin A) được tìm thấy trong hồng giòn đảm nhiệm vai trò kích thích sản sinh sắc tố ở võng mạc, tăng tiết nước mắt và giảm tỉ lệ mắc chứng quáng gà khi mang thai. 

ba-bau-an-hong-gion-duoc-khong-cach-an-toan-cho-suc-khoe-voh-0
Tiền chất vitamin A có trong hồng giòn sẽ bảo vệ đôi mắt của mẹ bầu, phòng tránh các bệnh lý về mắt có thể xảy ra khi mang thai (Nguồn: Internet) 

2.2 Phòng chống tiểu đường thai kì

Trong hồng giòn có chứa các nhóm chất xơ hòa tan với đặc tính làm chậm quá trình phân giải và chuyển hóa đường glucose vào máu, hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở mức ổn định và giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường thai kì

2.3 Tăng cường sức đề kháng

Tăng cường sức đề kháng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình chăm sóc sức khỏe của phụ nữ mang thai, bởi đây được xem như cách bảo vệ cả mẹ và em bé khỏi những tác nhân mang mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. 

Theo đó, thói quen duy trì ăn thêm hồng giòn sẽ giúp mẹ hấp thu nhóm vitamin C – hoạt chất tham gia hình thành tế bào bạch cầu trung tính, kích thích tạo ra oxy phản ứng và cải thiện hoạt động hệ miễn dịch. 

Xem thêm: Sức đề kháng là gì? Tầm quan trọng của nó đối với cơ thể

2.4 Tính kháng viêm mạnh

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, có thể thấy trái hồng giòn đem đến nguồn chất chống oxy hóa vô cùng đa dạng, kể đến như quercetin, kaempferol, lutein hay zeaxanthin. Nhờ cung cấp các hoạt chất quý giá này mà hồng giòn được đánh giá là loại quả có tính kháng viêm khá mạnh, góp phần ngăn chặn những tổn thương DNA và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. 

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

2.5 Phát triển hệ vận động của thai nhi

Bên cạnh bổ sung hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, hồng giòn cũng chứa các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển hệ vận động của thai nhi gồm photpho, đồng và mangan. Những nhóm chất này được xem như thành phần quan trọng hình thành nên tế bào xương mới cùng các mô xương khớp của em bé. 

ba-bau-an-hong-gion-duoc-khong-cach-an-toan-cho-suc-khoe-voh-1
Các khoáng chất được hồng giòn hỗ trợ phát triển hệ vận động của thai nhi (Nguồn: Internet) 

3. Bà bầu cần lưu ý gì khi ăn hồng giòn?

Như đã chia sẻ, hồng giòn sẽ là trái cây lành mạnh, an toàn với mẹ bầu nếu được sử dụng đúng cách và liều lượng hợp lý. Do đó, tốt nhất mẹ nên tham khảo thực hiện một số lưu ý sau để hạn chế tối đa những tác hại nguy hiểm: 

  • Nên chọn trái hồng giòn chín tới, tránh ăn trái còn xanh và có vị chát vì lúc này hàm lượng tinh bột kháng tanin rất cao, dễ gây ra tình trạng táo bón, nghiêm trọng hơn là tắc ruột. 
  • Không ăn quá nhiều, mỗi bữa chỉ nên từ 2 -3 trái, trong tuần ăn tối 2 bữa. 
  • Hạn chế ăn khi đói bụng, thời điểm hợp lý nhất nên là sau bữa ăn chính khoảng 30 phút. 

Mong rằng với những chia sẻ trên đây mẹ bầu sẽ không còn lo lắng khi sử dụng hồng giòn trong thai kì, đồng thời cũng biết cách ăn khoa học và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 

Bình luận