Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bé bị sâu răng sữa: Có cách nào khắc phục và ngăn ngừa?

(VOH) – Bé bị sâu răng sữa, nếu không được xử lý kịp thời có thể gây ra những tác động tiêu cực đến việc mọc răng vĩnh viễn sau này của bé. Vì thế, mẹ cần biết cách xử lý đúng khi con bị sâu răng sữa.

Răng sữa chỉ tồn tại vài năm sau đó sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Với suy nghĩ đó, nhiều bậc cha mẹ thường lơ là trong việc chăm sóc răng miệng của trẻ nhất là trong giai đoạn trẻ đang mọc răng sữa.

Theo thống kê, có khoảng 85% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa do ăn nhiều bánh kẹo hoặc do chăm sóc răng miệng không đúng cách. So với răng vĩnh viễn, trẻ bị sâu răng sữa thường phát triển nhanh hơn. Đầu tiên là những tổn thương ở bề mặt răng, sau đó sâu răng sẽ tiếp tục phá hủy lớp men, lớp ngà răng và hình thành những lỗ sâu răng.

1. Trẻ bị sâu răng sữa có thể gây ra những ảnh hưởng gì?

Răng sữa tuy có “tuổi thọ” ngắn ngủi nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của răng vĩnh viễn cũng như sức khỏe thể chất của trẻ em. Đặc biệt với những bé mất răng sớm thì sự tác động này càng thêm nghiêm trọng.

be-bi-sau-rang-sua-co-cach-nao-khac-phuc-va-ngan-ngua-voh

Trẻ bị sâu răng sữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống hàng ngày (Nguồn: Internet)

Một số ảnh hưởng mà bé có thể gặp phải khi bị sâu răng sữa là:

  • Dưới mỗi răng sữa đều có một mầm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc. Vì vậy, nếu răng sữa bị sâu, vi khuẩn có thể làm hại đến nướu và mầm răng vĩnh viễn nằm bên dưới.
  • Răng sữa có “nhiệm vụ” duy trì khoảng cách của các răng trên cung hàm để sau này răng vĩnh viễn sẽ mọc đúng vị trí. Vì vậy, nếu bé bị sâu răng sớm, răng vĩnh viễn có thể sẽ mọc lệch, mọc không đúng vị trí làm ảnh hưởng đến khớp cắn và xương hàm. Thậm chí, khi bé bị sún răng có thể tác động tiêu cực đến khả năng phát âm.
  • Trong thời gian chờ răng vĩnh viễn mọc, răng sữa sẽ thực hiện các hoạt động nhai, nghiền thức ăn. Do đó, nếu trẻ nhỏ bị sâu răng thì sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống hàng ngày, làm tăng nguy cơ bé biếng ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng.
  • Không chỉ làm hại đến tất cả các răng, trẻ bị sâu răng sữa nếu không được điều trị đúng còn có thể gây hại đến tủy răng, khiến bé bị đau nhức. Một số trường hợp, tủy răng bị viêm sẽ dẫn đến hoại tử, áp-xe răng. Nguy hiểm hơn là tình trạng nhiễm trùng răng biến chứng thành nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng mặt.

2. Cách xử lý khi trẻ bị sâu răng sữa

Phần lớn các bé bị sâu răng sữa thường nằm trong độ tuổi từ 1 – 6 tuổi. Vì thế, ngay khi phát hiện con bị sâu răng, cha mẹ nên đưa bé đến nha sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời. Tùy thuộc vào mức độ sâu răng cũng như số tuổi răng mà nha sĩ sẽ có những cách xử lý khác nhau.

Với những trường hợp răng sâu chưa đến lúc thay, nha sĩ sẽ cân nhắc tìm cách giữ lại răng cho bé. Thông thường, nha sĩ sẽ điều trị vết sâu, sau đó trám lại răng cho bé để vi khuẩn không tiếp tục ăn mòn răng.

Những trường hợp răng sắp tới thời điểm rụng, bé có thể không cần phải trám răng mà có thể chờ để nhổ đi.

3. Ngăn ngừa tình trạng sâu răng sữa ở trẻ em bằng cách nào?

Để ngăn ngừa tình trạng trẻ bị sâu răng sữa mẹ có thể giúp bé ngay từ lúc bé còn ở trong bụng mẹ bằng cách ăn nhiều những thực phẩm có lợi cho men răng của bé sau này như: các loại cua, cá, ốc, sò, tôm,... Đây đều là những loại có chứa nhiều canxi, giúp lớp men răng của trẻ khi sinh ra sẽ không bị yếu và hạn chế được sự tấn công của vi khuẩn.

Ngoài ra, khi bé bắt đầu mọc răng sữa, mẹ nên giúp con bảo vệ hàm răng sữa bằng cách:

3.1 Vệ sinh răng miệng cho bé hàng ngày

Nếu bé còn nhỏ, mẹ có thể giúp bé vệ sinh răng miệng bằng cách dùng gạc vệ sinh, nhúng vào nước muối rồi nhẹ nhàng vệ sinh răng miệng cho con thật kỹ lưỡng.

Khi bé đến tuổi có thể sử dụng bàn chải và kem đánh răng, mẹ hãy tập cho bé thói quen vệ sinh bằng bàn chải. Lưu ý, dùng kem đánh răng dành cho trẻ em 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi bé đi ngủ.

be-bi-sau-rang-sua-co-cach-nao-khac-phuc-va-ngan-ngua-1-voh

Tập cho trẻ đánh răng là cách giúp ngăn ngừa tình trạng sâu răng ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để giúp ngăn chặn việc hình thành mảng bám ở kẽ răng.

3.2 Hạn chế ăn đồ ngọt

Vi khuẩn trong răng miệng cần chất đường để sống sót, do đó, hạn chế ăn các loại bánh kẹo ngọt là cách tốt nhất để ngừa sâu răng.

Ngoài ra, sữa mẹ và sữa công thức đều có chứa đường. Vì thế, nếu bé có thói quen ngậm bình sữa vào buổi tối khi bé đã lớn, mẹ nên giúp bé thay đổi thói quen này.

3.3 Thói quen dinh dưỡng tốt

Cho bé làm quen và duy trì những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe răng miệng như rau củ và trái cây, vì chúng có thể chuyển đổi nước bọt của bé thành khoáng chất, giúp hạn chế việc hình thành mảng bám trên răng, từ đó phòng ngừa sâu răng ở trẻ em.

4. Cách chăm sóc răng miệng cho bé

4.1 Trẻ sơ sinh

  • Làm sạch nướu ngay cả khi bé chưa mọc răng. Dùng khăn lau sạch nướu mỗi khi cho bé bú xong.
  • Tập cho bé đánh răng khi bé bắt đầu mọc răng. Nếu sử dụng kem đánh răng, hãy chọn loại không chứa fluor.

4.2 Trẻ mới biết đi

  • Đánh răng cho trẻ ít nhất 30 giây, ngày 2 lần.
  • Bắt đầu cho bé dùng một lượng nhỏ kem đánh răng có chứa fluor khi bé được 2 – 3 tuổi.

4.3 Trẻ mẫu giáo

  • Cho bé đánh răng với với cha/mẹ và nói cho bé biết lợi ích của việc đánh răng.
  • Có thể cho bé dùng bàn chải tay hoặc bàn chải điện.

4.4 Trẻ ở độ tuổi đi học

  • Để bé tự chải răng và súc miệng khi bé lên 6 tuổi. Thời gian chải răng khoảng 2 phút.
  • Sau khi bé chải răng xong, mẹ hãy kiểm tra xem bé đã chải sạch thức ăn và mảng bám vùng đường viền nướu răng chưa.

Ngoài ra, để đảm bảo tình trạng răng miệng của bé yêu được tốt nhất, mẹ nên đưa con đến khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng cũng như có các biện pháp điều trị phù hợp.

Bình luận