Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bé mấy tháng biết ngồi sẽ không gây hại cho cột sống?

( VOH ) - Một trong những bước ngoặt mà rất nhiều cha mẹ đều mong chờ chính là thời điểm trẻ biết ngồi. Vì thế, việc bé mấy tháng biết ngồi được là thắc mắc chung của đa số bậc làm cha mẹ.

Ông bà ta có câu ‘3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò’ nhưng lại không có câu nói nào đúc kết để mẹ biết trẻ mấy tháng là biết ngồi cả. Bởi thế, việc tìm hiểu xem trẻ mấy tháng biết ngồi là mối quan tâm hàng đầu của mẹ sau thời gian ở cữ.

1. Bé mấy tháng biết ngồi?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều kiện để một em bé có thể ngồi vững chính là phần đầu và cơ cổ của bé phải mạnh mẽ và cứng cáp hơn. Những cơ bắp này bắt đầu phát triển dần dần khi bé mới sinh ra và mẹ có thể tăng cường chức năng của các cơ bắp bằng cách giúp nâng đầu bé dậy mỗi khi cho bé nằm sấp.

be-may-thang-biet-ngoi-se-khong-gay-hai-cho-cot-song-voh

Mẹ có thể tập cho bé ngồi khi bé được từ 4 đến 7 tháng tuổi (Nguồn: Internet)

Thông thường, mẹ có thể tập cho bé ngồi khi bé được từ 4 đến 7 tháng tuổi. Lúc này, bé đã biết lật và giữ cho đầu thẳng một cách thuần thục. Trước tháng thứ 8, hầu hết các bé có thể ngồi vững trong vài phút mà không cần đến sự hỗ trợ từ bố mẹ.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu bé chưa thể ngồi thẳng lưng và luôn bị nghiêng người về phía trước, thường dùng 2 cánh tay chống lên sàn nhà để giữ thăng bằng và bé cũng rất dễ bị ngã. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức quan sát, hỗ trợ con và đừng quên đặt gối, mềm xung quanh để tránh việc bé bị va đập.

Các mốc phát triển vận động của bé:

  • Sơ sinh: Nằm sấp
  • 4 - 6 tháng: Bé bắt đầu tập ngồi
  • 4 - 9 tháng: Bé ngồi vũng mà không cần sự hỗ nào.
  • 6 - 10 tháng: Bé bắt đầu tập bò.
  • 9 - 15 tháng: Bé bắt đầu tập đi.

2. Cách tập ngồi cho bé

Trước giai đoạn tập ngồi cho bé, mẹ nên tập cho bé biết lật, rèn luyện cho bé kỹ năng nằm sấp để có thể nâng phần đầu cũng như giữ vững cổ. Từ khoảng tháng thứ 4, cơ cổ của bé sẽ cứng cáp nhanh chóng, lúc này mẹ nên khuyến khích bé ngẩng đầu lên trên, sang trái, sang phải. Việc nâng đầu và ngực sẽ giúp bé tăng cường cơ bắp và phát triển sự kiểm soát đầu cần thiết khi tập ngồi.

Vào những tuần đầu tiên khi tập ngồi, bé sẽ tự nhổm dậy bằng cách nâng cánh tay và giữ ngực khỏi mặt đất. Khi được 5 tháng, bé có thể ngồi trong chốc lát mà không cần sự trợ giúp. Mặc dù vậy, mẹ vẫn nên ở gần để hỗ trợ và bao quanh bé bằng nhiều gối nhằm giảm bớt khả năng bị té ngã.

be-may-thang-biet-ngoi-se-khong-gay-hai-cho-cot-song-1-voh

Ban đầu bé sẽ học cách giữa thăng bằng bằng cách đưa 1 hoặc 2 tay về phía trước (Nguồn: Internet)

Sau đó, bé sẽ tự học được cách giữ thăng bằng bằng cách nghiêng người về phía trước bằng một hoặc 2 tay để tạo thành thế ‘kiềng 3 chân’. Đến tháng thứ 7, bé đã có thể ngồi mà không cần sự hỗ trợ, cũng như học được cách xoay người để chạm tới những vật bé muốn trong khi ngồi. Ở thời điểm này, nhiều bé thậm chí có thể chuyển từ vị trí nằm sấp thành vị trí ngồi bằng cách sử dụng các cơ ở tay để đẩy lên.

Khi bé ở tháng thứ 8, bé có thể sẽ ngồi vững mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào cả. Không chỉ quan tâm đến việc bé mấy tháng biết ngồi mà bạn cần phải chú ý các kỹ năng khác của bé.

Ngoài ra cũng có thể tập ngồi cho bé như sau:

  • Tập lại nhiều lần: Để bé có không gian riêng tập thử nghiệm, khám phá các chuyển động của cơ thể, đừng hỗ trợ bé mọi lúc để bé tiếp cận cách ngồi.
  • Đặt bé ở trên đùi hoặc giữa hai chân của bạn trên sàn, có thể đọc sách hoặc các trò chơi vận động nhẹ cho bé tập từ từ.
  • Để bé chơi nhiều trên sàn sẽ phần nào thúc đẩy sự độc lập của bé trong giai đoạn phát triển. Bạn nên đặt các đồ chơi xung quanh bé để bé chủ động ngồi dậy chơi.

3. Có nên sử dụng ghế tập ngồi cho bé ?

Ghế tập ngồi là một loại ghế hỗ trợ cho bé trong giai đoạn tập ngồi để bé ngồi đúng tư thế, đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe của bé. Giai đoạn tập ngồi là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, nếu trong giai đoạn tập ngồi cho bé nếu ngồi sai cách sẽ gây ảnh hưởng đến xương sống của bé.

Sử dụng ghế tập ngồi sẽ phần nào giúp các mẹ bỉm sữa yên tâm hơn khi tập ngồi cho bé, do giai đoạn đầu bé còn yếu xương nên dễ ngồi không vững, dễ bị ngã và sai tư thế. Chính vì thế các mẹ bỉm sữa có thể sử dụng ghế tập ngồi để giúp bé định hình tư thế ngồi chuẩn nhất.

be-may-thang-biet-ngoi-se-khong-gay-hai-cho-cot-song-2-voh
Ghế tập ngồi giúp bé định hình tư thế ngồi dễ dàng ( Nguồn: Internet )

4. Bé mấy tháng biết ngồi được coi là chậm phát triển ?

Nếu em bé đã tới 9 tháng tuổi mà chưa biết ngồi, thì bạn hãy dẫn bé đi bác sĩ nhi khoa khám để biết rõ tình hình phát triển của bé. Nếu con đã 9 tháng tuổi mà chưa biết ngồi thì có thể là chậm phát triển kỹ năng vận động và ngoài ra còn các dấu hiệu chậm trễ khác như: 

  • Cứng hoặc căng cơ
  • Các động tác, chuyển động của bé yếu
  • Không kiểm soát được phần đầu tốt
  • Chỉ đưa tay này sang tay khác
  • Không cầm hoặc đưa đồ vật lên miệng

5. Những lưu ý khi tập ngồi cho trẻ

  • Tập ngồi cho bé có điểm tựa trước khi để bé ngồi tự do. Có thể cho bé ngồi trên tấm nệm lớn hoặc mẹ có thể dùng gối, mềm để hỗ trợ bé tập ngồi và đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Mẹ cũng có thể đặt bé ngồi vào giữa trong lúc mẹ khoanh chân bắt chéo nhằm tạo cảm giác an toàn cho bé trước khi tập cho bé ngồi. Đây cũng là cách để bé tập giữ thăng bằng và rèn cơ cổ cũng như cơ lưng.
  • Luôn theo sát để hỗ trợ bé trong quá trình bé tập ngồi. Mẹ không nên để bé dựa hoàn toàn vào sản phẩm hỗ trợ, vì có thể làm bé trở nên ‘lười’ hơn do không cần phải nỗ lực nhiều mà vẫn ngồi được.
  • Ngay cả khi bé đã có thể ngồi vững, mẹ cũng không nên cho bé ngồi trên ghế xe hơi. Nếu cần di chuyển bằng xe hơi, mẹ nên dùng ghế ngồi dành riêng cho em bé.

Như vậy, đa số các bé đều có thể tự ngồi vững vào thời điểm 8 tháng tuổi và đã phần nào giải đáp thắc mắc việc bé mấy tháng biết ngồi. Chính vì vậy, nếu sau 8 tháng bé vẫn chưa thể ngồi, mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để được tư vấn thêm. Lưu ý, những em bé sinh non có thể sẽ phát triển chậm hơn so với trường hợp bình thường.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận