Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chăm sóc trẻ bị viêm phổi như thế nào để giúp con mau hồi phục

(VOH) - Viêm phổi ở trẻ em là bệnh lý phổ biến và hết sức nguy hiểm mà ba mẹ không nên chủ quan. Cùng với việc điều trị thì phương pháp chăm sóc trẻ bị viêm phổi là 1 yếu tố để giúp con sớm hồi phục.

Viêm phổi ở trẻ em bao gồm viêm phế quản phổi và viêm phổi thuỳ. Đây đều là các tình trạng viêm đường hô hấp và nhu mô phổi, khi đó một số loại vi khuẩn và virus phát triển tạo ra mủ, chất nhầy trong phế nang, làm cho oxy không tới được hệ tuần hoàn. 

1. Phương pháp chăm sóc trẻ bị viêm phổi

Tùy vào tình trạng viêm phổi mà bé mắc phải mà bác sĩ có thể chỉ định nhập viện để điều trị viêm phổi cho trẻ hoặc điều trị tại nhà. Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu viêm phổi cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, không nên tự ý mua kháng sinh về cho trẻ uống.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà dưới đây:

1.1. Hạ sốt 

Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm phổi đều có thể bị sốt. Hạ sốt cho trẻ là cách đầu tiên chăm sóc trẻ bị viêm phổi mà ba mẹ nên thực hiện. Ba mẹ thực hiện chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, thấy ấm là được).

Trường hợp bé sốt trên 38.5 độ C, trẻ cần được uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

1.2. Tắm bằng nước ấm 

“Trẻ bị viêm phổi có được tắm không?” là câu hỏi được nhiều ba mẹ quan tâm. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng việc tiếp xúc với nước khi trẻ đang viêm phổi có thể sẽ khiến bệnh trở nặng, cơ thể ngấm nước lại càng lâu hết bệnh hơn. 

ba-me-can-cham-soc-tre-bi-viem-phoi-nhu-the-nao-de-giup-con-mau-hoi-phuc-voh-0
Nhanh chóng ủ ấm cho trẻ sau khi tắm (Nguồn: Internet) 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trẻ bị viêm phổi vẫn nên tắm nếu không sốt quá cao, nhằm giúp trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, khô thoáng, đồng thời giảm bớt những khó chịu. Khi tắm cho trẻ, ba mẹ nên lưu ý những điều sau:

  • Không nên tắm quá lâu bởi khi cơ thể đang yếu con dễ bị nhiễm lạnh.
  • Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm.
  • Tắm nhanh, chỉ nên tắm trong khoảng 5-10 phút.
  • Tắm nơi kín gió.
  • Cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết rồi mới thay quần áo và tắm cho con.

Nếu không có đủ các tiêu chí trên, mẹ không nên tắm cho con mà có thể lau người cho con, đặc biệt lau kỹ ở các vị trí nách, cổ, bẹn, lưng của bé.

Xem thêm: Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị cúm có nên kiêng tắm?

1.3. Vỗ lưng, hút đờm

Phương pháp vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp tiêu đờm trong phế quản và thải ra ngoài dễ dàng. Khi thực hiện vỗ lưng, tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn.

Ba mẹ có thể tiến hành vỗ lồng ngực nhiều lần trong ngày qua các bước thực hiện sau:

  • Hút đờm dãi khỏi mũi họng của trẻ.
  • Đặt trẻ ở tư thế thích hợp, phủ một tấm vải mỏng lên người trẻ (nếu trẻ cởi trần), tránh vỗ trực tiếp vào da.
  • Khi vỗ lồng ngực, ba mẹ chỉ cần di chuyển cổ tay chứ không phải di chuyển cánh tay và vai. Vỗ lần lượt bên phải rồi sang bên trái. Cần chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống. 

1.4. Vệ sinh các cơ quan hô hấp

ba-me-can-cham-soc-tre-bi-viem-phoi-nhu-the-nao-de-giup-con-mau-hoi-phuc-voh-1
Thông rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lí (Nguồn: Internet) 

Việc giữ sạch cơ quan hô hấp sẽ ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn – một trong những tác nhân gây viêm nhiễm nghiêm trọng. Hàng ngày, đừng quên nhắc nhở bé thực hiện các bước vệ sinh sau: 

  • Mũi: Thông rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm ẩm niêm mạc mũi, giúp long đờm và loãng đờm. Ba mẹ nên dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng, nếu dùng khăn xô thì cần giặt và phơi khăn khô ráo. 
  • Họng: Vào buổi sáng và buổi tối, hướng dẫn bé súc rửa miệng bằng nước muối loãng, vừa có thể loại bỏ vi khuẩn gây hại cho răng miệng vừa làm dịu cảm giác đau rát khi ho.  

Xem thêm: Các nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm họng và cách đối phó cha mẹ phải biết

1.5. Giữ gìn không gian sống trong lành 

Không gian sống bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh xuất hiện. Chính vì vậy, khi chăm sóc các bé, đặc biệt là các bé đang phải điều trị viêm phổi, ba mẹ cần lưu vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. 

  • Nên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ thường xuyên. 
  • Người chăm sóc trẻ cần phải rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ. 
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh về hô hấp, hạn chế đến nơi đông người. 
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, mùi hóa chất độc hại. 

2. Bé bị viêm phổi kiêng ăn gì?

Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng giúp bé điều trị bệnh hiệu quả. Ba mẹ nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia thành nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.

2.1. Thực phẩm trẻ bị viêm phổi không nên ăn

Trường hợp không may mắc bệnh, bé sẽ cần kiêng ăn một số loại thực phẩm. Ba mẹ cần lưu ý để lựa chọn và chế biến món ăn phù hợp cho con. 

  • Đồ lạnh: Các bé thường rất thích các món ăn như kem, nước đá, nhưng đây lại là nguyên nhân gây tổn thương niêm mạc, khiến họng bị đau rát, sưng tấy và rất khó chịu khi nói hoặc nuốt nước bọt.
  • Đồ chiên: Các món ăn nhiều dầu mỡ thường sẽ gây khó tiêu, đầy bụng, điều này sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu hơn khi thể trạng còn yếu và hệ miễn dịch kém.
  • Đồ ngọt: Những thực phẩm có vị ngọt đậm sẽ khiến triệu chứng viêm nặng hơn, và gây nên hiện tượng khó thở, khò khè cho trẻ, dẫn tới việc điều trị viêm phổi ở trẻ trở nên khó khăn hơn.

Xem thêm: Bé ‘hảo’ ăn kẹo mẹ có nên chiều?

2.2. Thực phẩm tốt cho trẻ bị viêm phổi 

Bé bị viêm phổi sẽ cảm thấy mệt mỏi và lười ăn hơn thường ngày, tuy vậy, ba mẹ hãy động viên và khuyến khích bổ sung thêm các loại thực phẩm sau đây để sớm phục hồi thể trạng. 

  • Bổ sung nước: Tình trạng mất nước có thể xảy ra khi trẻ sốt cao, sưng viêm. Khuyến khích trẻ uống thêm nước, nếu cần có thể uống oresol để bù nước, điện giải. 
  • Trái cây: Tăng cường bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho trẻ từ các loại hoa quả như cam, chanh, việt quất, mâm xôi,… nhằm tăng cường sức đề kháng.  
  • Rau xanh: Các loại rau xanh như rau bina, bông cải xanh, cải kale,,.. không chỉ là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào mà còn giúp bổ sung thêm chất chống oxy hóa và kháng viêm hiệu quả. 

3. Trẻ bị viêm phổi cần đến gặp bác sĩ khi nào?

Chăm sóc chu đáo, đúng cách sẽ giúp bé đẩy lùi bệnh viêm phổi hiệu quả. Nhưng nếu theo dõi tình trạng sức khỏe của bé có dấu hiệu khác thường sau đây, cần đưa bé đi thăm khám và kiểm tra ngay. 

3.1. Thở khò khè

Nếu tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn, bé sẽ gặp khó khăn trong hoạt động hít thở do đường thở hẹp lại và luồng không khí đi nhanh qua đường thở tạo ra tiếng khò khè. 

Thông thường khi trẻ thở ra, ta sẽ nghe thấy tiếng khò khè, nhưng khi tình trạng hẹp đường thở trở nên nghiêm trọng, tiếng thở khò khè ngay cả khi trẻ hít vào. 

3.2. Lõm lồng ngực

Đây là triệu chứng cho thấy viêm phổi đang diễn biến nặng hơn. Bình thường phổi không bị viêm, khi bé hít vào lồng ngực sẽ căng lên nhưng nếu xuất hiện triệu chứng lõm ngực thì chứng tỏ bé đang bị khó thở do cơ hoành phân cách ổ bụng và lồng ngực cũng tham gia vào quá trình thở. Tình trạng này kéo dài có thể gây tắc nghẽn đường thở và xẹp phổi. 

3.3. Khó đánh thức

Tình trạng viêm nhiễm phổi làm tăng tiết dịch nhầy, và các cơ co thắt vùng bị phù nề, khiến đường lưu thông khí bị hẹp lại, làm giảm lượng oxy. Việc trao đổi khí do phổi thực hiện bị gián đoạn sẽ khiến máu lên não thiếu oxy, dẫn đến hiện tượng ngủ mê, bé có thể ngủ nhiều hơn bình thường và đôi khi rất khó đánh thức. 

Để con mau chóng hồi phục cũng như không bị tái phát viêm phổi trở lại, các bậc phụ huynh hãy lưu ý những phương pháp chăm sóc trên đây và đừng quên liên hệ các bác sĩ chuyên khoa nếu có bất cứ diễn biến nặng của bệnh. 

Bình luận