Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách xử trí dị vật đường thở ở trẻ em tại chỗ

Ngạt thở do dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ em, vật lạ rơi vào đường thở có thể gây hẹp hoặc tắc đường thở hoàn toàn, không xử lý kịp sẽ gây tổn thương não, thậm chí tử vong

Dị vật đường thờ là một thuật ngữ để gọi một vật la rơi vào trong đường thở. Tai nạn thường xảy ra khi trẻ đang ăn mà cười hoặc ăn không đúng cách. Ngoài ra, nếu trẻ nuốt phải hạt trái cây, đồng tiền hay những vật nhọn như đinh, kẹp tóc, kim băng, que... thì cũng có thể khiến trẻ bị hóc dị vật.

1. Triệu chứng dị vật đường thở ở trẻ em

  • Trẻ đang bình thường bỗng có dấu hiệu ho sặc sụa, tím tái, trợn mắt.
  • Sau đó là khó thở hoặc ngưng thở do tắc nghẽn đường hô hấp.
  • Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho dồn dập, mặt đỏ gay.

2. Các phương pháp sơ cứu dị vật đường thở

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, cha mẹ cần phải hết sức bình tĩnh và xem xét tùy từng trường hợp để có cách xử trí hợp lý.

  • Nếu trẻ bị dị vật đường thở nhưng còn hồng hào, còn khóc được, la được, không bị khó thở thì nên đặt trẻ ở tư thế ngồi, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.
  • Nếu nạn nhân tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, khóc không ra tiếng thì cha mẹ cần nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian chờ đến trung tâm y tế.

Cách xử trí dị vật đường thở ở trẻ em tại chỗ 1

Trẻ em là đối tượng rất dễ hóc dị vật lạ trong đường thở (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê - Trưởng khoa Nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, hiện nay có 2 loại thủ thuật can thiệp xử lý tình trạng dị vật đường thở ở trẻ em mà cha mẹ có thể thực hiện tại chỗ.

2.1 Xử trí dị vật đường thở chỗ cho trẻ dưới 2 tuổi

Với những trẻ dưới 2 tuổi, phương pháp vỗ lưng ấn ngực là một phương pháp quan trọng mà cha mẹ cần phải nhớ.

Cách sơ cứu

  • Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái, để phần đầu trẻ cúi thấp về phía trước, giữ chặt phần đầu và cổ trước bằng tay trái.
  • Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái liên tục vào vùng lưng trẻ ở khoảng giữa 2 xương bả vai.

cach-xu-tri-di-vat-duong-tho-o-tre-em-tai-cho-1-VOH

Cách xử trí dị vật đường thở cho trẻ dưới 2 tuổi (Nguồn: Internet)

  • Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu thấy trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng hõm dưới xương ức, 5 cái liên tiếp theo chiều từ dưới lên trên.
  • Thực hiện luân phiên động tác vỗ lưng và ấn ngực cho trẻ cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được thì ngưng và tiến hành đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra chính xác.

2.2 Xử trí dị vật đường thở tại chỗ cho trẻ hơn 2 tuổi 

Với những trẻ trên 2 tuổi, có thể thực hiện biện pháp ép bụng hay còn gọi là phương pháp Heimlich.

  1.  Trường hợp trẻ còn tỉnh
  • Người sơ cứu đứng (hoặc quỳ gối) phía sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt 2 bàn tay lại với nhau làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn.
  • Sau đó, ấn 5 cái một cách thật dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh.
  • Lặp lại từ 6 - 10 lần cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được

cach-xu-tri-di-vat-duong-tho-o-tre-em-tai-cho-2-VOH

Cách xử trí dị vật đường thở khi trẻ còn tỉnh (Nguồn: Internet)

  1. Trường hợp trẻ hôn mê
  • Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân.
  • Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.
  • Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.
  • Thực hiện lặp lại 6 - 10 lần cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở và bé khóc hoặc thở được.

Trong trường hợp đã thực hiện nhưng trẻ vẫn không thở được thì người sơ cứu phải hà hơi thổi ngạt 2 -3 lần và thực hiện xen kẽ khi làm thủ thuật Heimlich cho tới khi trẻ thở được hoặc khóc được thì ngưng và đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.

2.3 Những việc cần tránh khi sơ cứu dị vật đường thở ở trẻ

  • Không can thiệp nếu nạn nhân vẫn còn có thể ho, la hoặc khóc được.
  • Không cố gắng móc lấy vật lạ ra nếu không thể thấy được nó vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn, gây nguy hiểm cho nạn nhân.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ chia sẻ của bác sĩ  Nguyễn Thị Hạnh Lê tại audio bên dưới:

Bình luận