Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhận biết tình trạng nhiễm giun kim ở trẻ em và cách điều trị

(VOH) - Nhiễm giun kim có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất. Khi mắc giun kim người bệnh sẽ gặp một số ảnh hưởng về sức khỏe, thậm chí có thể gây ra những biến chứng khác.

1. Bệnh giun kim ở trẻ em là gì?

Giun kim là một loại ký sinh trùng nhỏ có tên khoa học là Enterobius, có chiều dài khoảng bằng cây kim, thường sống trong ruột kết và trực tràng. Giun kim trưởng thành thường gặp chủ yếu ở ruột non, sau đó chúng sẽ duy chuyển xuống ruột già (đại tràng).

Giun đực và giun cái thường giao phối với nhau trong ruột người, sau khi giao phối giun đực chết, giun cái sẽ mang trứng đã thụ tinh ra rìa hậu môn để đẻ khoảng 4.000 – 16.000 trứng, sau khi đẻ trứng, giun cái sẽ chết.

Trứng đẻ sau vài giờ, nếu gặp điều kiện thuận lợi ấu trùng của giun kim sẽ được hình thành tại các nếp nhăn của hậu môn, phát triển thành giun trưởng thành và tiếp tục gây bệnh.

Vòng đời của giun kim ở trẻ em khoảng 1 – 2 tháng.

1.1 Ai thường bị nhiễm giun kim?

Giun kim là một loại bệnh rất phổ biến, bệnh có thể gặp ở nhiều đối tượng nhưng thường thấy nhất là ở trẻ em, đặc biệt là những bé từ 5 – 14 tuổi. Vì trẻ ở độ tuổi này thường hay chạm tay vào hậu môn, sau đó chạm vào thức ăn hay các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là mút tay.

Một số trường hợp trẻ sau khi đi vệ sinh mà không rửa tay kỹ, trứng giun có thể bám vào tay và lây lan sang người khác. Trứng giun có thể sống bám trên bề mặt đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đến 2 tuần.

Ngoài ra, giun kim còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng (tái nhiễm cho bản thân). Tức là, trứng giun kim phát triển thành ấu trùng tại các nếp rãnh hậu môn và nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này chui vào hậu môn và di chuyển ngược lên manh tràng để phát triển thành giun trưởng thành.

nhan-biet-tinh-trang-nhiem-giun-kim-o-tre-em-va-cach-dieu-tri-voh

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm giun kim nhất (Nguồn: Internet)

2. 4 dấu hiệu nhận biết giun kim ở trẻ em

Ngứa quanh hậu môn hoặc mông, đặc biệt vào ban đêm là triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm giun kim.

Các triệu chứng nhiễm giun kim ở trẻ em khác bao gồm:

  • Khó ngủ
  • Tấy đỏ da quanh hậu môn
  • Ngứa vùng âm đạo (đối với bé gái)

3. Trẻ bị giun kim sẽ gây ảnh hưởng gì?

Giun kim là một bệnh đường ruột mạn tính, không nguy hiểm nhưng làm rối loạn quá trình tiêu hóa khiến cho trẻ kém ăn, suy dinh dưỡng và nhiều hệ lụy khác.

Đầu tiên là ngứa hậu môn. Sau đó, rìa hậu môn tấy đỏ, sung huyết. Phân nát hoặc lỏng, đôi khi có máu hoặc chất nhầy như dịch mũi. Trẻ bị nhiễm giun kim có thể bị tiêu chảy do kích thích nhu động ruột, mặc dù trường hợp này không thường xuyên xảy ra.

Trẻ có thể bị chán ăn hoặc ăn không tiêu, thỉnh thoảng có buồn nôn hoặc nôn và đau bụng âm ỉ. Lâu dần sẽ khiến trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ bị giun kim còn có thể gây ra hiện tượng đái dầm.

4. Cách điều trị giun kim ở trẻ em

Trong dân gian hiện nay có lưu truyền nhiều cách bắt giun kim cho trẻ em như dùng lá mơ lông, rau sam, đu đủ, tỏi hay dùng hạt trâm bầu... Tuy nhiên, thông dụng và an toàn nhất chính là dùng thuốc tẩy giun cho trẻ.

Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu tất cả các thành viên trong gia đình cùng uống thuốc sổ giun kim để tránh bị ảnh hưởng. Có thể sẽ kê thêm kem hoặc thuốc bôi để làm giảm ngứa và khó chịu. Giun sẽ bị chết trong một vài ngày sau khi uống thuốc và sẽ hết ngứa trong 1 tuần.

Trong thời gian điều trị, các thành viên trong gia đình cần phải rửa tay và làm sạch móng tay thường xuyên. Nên tắm mỗi ngày và rửa sạch vùng hậu môn cẩn thận. Không bỏ tay vào miệng vì trứng giun có thể lây truyền qua đường này. Dùng nước nóng rửa chén, dụng cụ ăn uống, quần áo, giường chiếu và khăn tắm. Đồ chơi của trẻ cần làm sạch bằng thuốc sát trùng.

4.1 Có thể chẩn đoán giun kim ở trẻ em bằng kỹ thuật y tế nào?

Giun kim thường đi xuống hậu môn để đẻ trứng vào buổi tối, vì thế thời điểm kiểm tra tốt nhất là một vài tiếng sau khi trẻ đi ngủ hoặc ngay khi trẻ ngủ dậy vào buổi sáng. Cha mẹ có thể dùng đèn pin để nhìn rõ giun ở hậu môn.

nhan-biet-tinh-trang-nhiem-giun-kim-o-tre-em-va-cach-dieu-tri-1-voh

Có thể chẩn đoán giun kim thông qua cách kiểm tra bằng băng thử (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể giúp bạn chẩn đoán giun kim thông qua cách kiểm tra bằng băng thử. Bác sĩ sẽ sử dụng một miếng băng dán dán vào da ở hậu môn và và sau đó gỡ ra. Nếu có giun kim thì chúng sẽ bị dính trên băng và được nhìn thấy bằng kính lúp hoặc kính hiển vi. Việc kiểm tra này cũng nên được thực hiện vào sáng sớm trước khi tắm rửa và đi vệ sinh.

5. Phòng tránh nhiễm giun kim ở trẻ em bằng cách nào?

Để phòng mắc bệnh giun kim và cũng như khả năng bị tái nhiễm thì việc giữ vệ sinh cá nhân ở mỗi người là hết sức cần thiết.

  • Nếu trẻ đã mắc giun kim thì không để trẻ tái nhiễm bằng cách: Không để trẻ mặc quần thủng đít, không để trẻ mút tay và nên cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.
  • Người lớn và trẻ nhỏ trong gia đình nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Nếu mẹ dùng tay bắt giun kim cho trẻ ở rìa hậu môn thì sau khi tiến hành xong phải rửa sạch bằng xà phòng nhiều lần, dùng khăn lau khô và sau đó khăn phải được giặt hoặc nhúng khăn vào nước sôi để tránh trứng giun lây lan.
  • Không ăn các loại rau sống, thực phẩm chưa nấu chín và không uống nước chưa được đun sôi.
  • Cần khám sức khỏe định kỳ để biết và tẩy giun đúng cách.
Bình luận