Chờ...

Sinh mổ và những vấn đề mẹ bầu cần nên biết

(VOH) – Có nhiều mẹ bầu gặp khó khăn trong việc sinh thường nên bắt buộc phải lựa chọn sinh mổ. Vậy sinh mổ là gì? Những vấn đề nào cần quan tâm sau sinh mổ?

1. Sinh mổ là gì?

Sinh mổ (mổ lấy thai) là một thủ thuật y khoa đưa em bé ra ngoài thông qua vết cắt ở bụng và tử cung người mẹ.

Một số trường hợp mẹ bầu không thể sinh thường, cần phải tiến hành sinh mổ là:

  • Thất bại trong bước chuyển dạ, cổ tử cung không mở đủ để em bé di chuyển xuống âm đạo.
  • Dây rốn của em bé bị chèn ép hoặc nhịp tim thai nhi cho thấy không thể vượt qua cuộc sinh thường.
  • Mang đa thai như sinh đôi hoặc sinh ba.
  • Có vấn đề về nhau thai.
  • Kích cỡ của bé quá lớn khiến không thể sinh thường.
  • Mang thai ngôi ngược.
  • Thai phụ bị nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người hoặc herpes.
  • Thai phụ đang bị đái tháo đường hoặc huyết áp cao.

1.1 Phương pháp sinh mổ liệu có an toàn?

Không có phương pháp sinh đẻ nào là an toàn tuyệt đối, cho dù đó là sinh con thuận tự nhiên hay sinh mổ. Tuy nhiên, với những tiến bộ của y học hiện đại thì tỷ lệ rủi ro trong sinh mổ ít hơn, khả năng xử lý nếu có vấn đề phát sinh cũng sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ được bác sĩ chăm sóc vết mổ ổn định mới được phép xuất viện.

sinh-mo-va-nhung-van-de-me-bau-can-nen-biet-voh

Sinh mổ là một pháp sinh nở an toàn cho sản phụ (Nguồn: Internet)

Về cơ bản, nếu mẹ bầu được bác sĩ chỉ định sinh mổ thì đây là cách tốt nhất để em bé chào đời và đó cũng là biện pháp an toàn nhất.

1.2 Biến chứng nào có thể gặp phải sau sinh mổ?

Không phải bất cứ phụ nữ nào sau sinh mổ cũng đều gặp biến chứng, chỉ một số ít trường hợp sản phụ sau sinh có thể gặp một số biến chứng như: nhiễm trùng máu, mất máu, xuất hiện cục máu đông ở chân hay tại cơ quan vùng chậu hoặc phổi, tổn thương ruột hoặc bàng quang, phản ứng với thuốc gây mê được sử dụng. Tuy nhiên, những trường hợp này đều có thể điều trị một cách dễ dàng.

2. Quá trình sinh mổ diễn ra như thế nào?

Đầu tiên cần biết rằng, nếu mẹ bầu đẻ mổ chủ động thì cần đợi tới ngày thai nhi đủ ngày tháng, tức là tuần thai 38 – 40. Nếu mổ lấy thai khi thai còn non sẽ dễ gặp phải các nguy cơ như thai bị suy hô hấp, nhiễm trùng do sức đề kháng kém. Trẻ sinh non còn gặp nhiều biến chứng như bệnh võng mạc sơ sinh, xẹp phổi...

Trường hợp có các dấu hiệu dọa sinh non thì thai phụ cần được nằm viện theo dõi và cố gắng giữ con đến 38 – 40 tuần.

2.1 Cần chuẩn bị gì trước khi sinh mổ

Trước khi bắt đầu sinh mổ, y tá sẽ đặt một đường truyền vào tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay sản phụ để truyền thuốc hoặc nước trước khi phẫu thuật. Trong quá trình sinh mổ, bác sĩ sẽ rạch một vết xuống vùng bụng dưới, vì vậy mẹ bầu cần vệ sinh sạch sẽ vùng dưới của mình để tránh nhiễm trùng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt một ống thông vào niệu đạo để dẫn lưu bàng quang của sản phụ. Thủ thuật này nhằm giúp làm trống bàng quang và làm giảm nguy cơ bị thương trong quá trình phẫu thuật.

2.2 Các loại gây mê nào được sử dụng trong quá trình sinh mổ?

Những loại gây mê có thể được sử dụng trong quá trình sinh mổ bao gồm gây mê toàn thân, gây tê ngoài màng cứng và gây mê tủy sống.

  • Nếu sử dụng gây mê toàn thân, sản phụ sau khi tỉnh lại sẽ không thể nhớ những gì đã xảy ra trong trong lúc ngủ, bởi vì đây là thủ thuật sử dụng các thuốc gây ngủ sâu.
  • Nếu sử dụng gây tê ngoài màng cứng, nửa thân dưới của cơ thể sẽ bị tê liệt và mất cảm giác đau ở những vùng chịu lực nhiều nhất khi chuyển dạ. Sản phụ vẫn cảm nhận được những gì đang diễn ra nhưng không có cảm giác đau đớn.
  • Gây tê tủy sống cũng làm tê liệt nửa thân dưới. Thuốc sẽ được tiêm trực tiếp vào dịch tủy sống để gây tê.

2.3 Quá trình thực hiện

Bác sĩ sẽ rạch một đường trên bụng sản phụ. Đường rạch có thể nằm ngang đường mặc bikini hoặc theo chiều dọc gần rốn tới phía trên xương mu.

Tiếp theo bác sĩ sẽ rạch tiếp một đường ngang hoặc dọc thành tử cung. Thông qua vết mổ, em bé sẽ được đưa ra ngoài.

Sau đó, bác sĩ sẽ loại bỏ nhau thai, cắt dây rốn, làm sạch tử cung và khâu lần lượt các vết cắt bằng chỉ tự tiêu.

3. Hồi phục sau sinh mổ và những vấn đề liên quan

sinh-mo-va-nhung-van-de-me-bau-can-nen-biet-1-voh

Có rất nhiều vấn đề phụ nữ sau sinh mổ cần quan tâm (Nguồn: Internet)

3.1 Vết thương sinh mổ bao lâu mới lành?

Sau sinh mổ, sản phụ thường phải mất 3 – 4 ngày ở bệnh viện và 6 tuần nghỉ ngơi tại nhà để có thể phục hồi hoàn toàn.  

Mỗi phụ nữ có mức độ đau khác nhau và tình trạng sức khỏe khác nhau nên thời gian phục hồi cũng sẽ khác nhau. Hầu hết các bà mẹ sẽ cảm thấy bớt đau sau một vài ngày và hồi phục hoàn toàn sau 6 tuần. Ngoài ra, thời gian hồi phục còn tùy thuộc vào đó là lần mổ thứ mấy.

Vết mổ có thể lành sau 7 ngày. Tuy nhiên, do sẹo mổ cắt ngang qua dây thần kinh cảm giác nên tùy vào cơ địa và sức khỏe từng người mà cảm giác đau ở vết mổ có thể kéo dài đến 8 tuần sau sinh, thậm chí là vài tháng sau đó.

3.2 Sau sinh mổ bao lâu thì quan hệ được?

Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ ghi lịch hẹn yêu cầu sản phụ quay lại bệnh viện để kiểm tra sau khoảng 4 tuần. Ở lần kiểm tra này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám âm đạo, cổ tử cung, vết mổ, đo huyết áp và kiểm tra cân nặng, chỉ định siêu âm để kiểm tra tử cung. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng sức khỏe của sản phụ và đưa ra lời khuyên thích hợp về thời điểm quan hệ sau sinh mổ an toàn, cũng như tư vấn phương pháp tránh thai sau sinh.

Thông thường các bác sĩ thường khuyến cáo sản phụ chỉ nên quan hệ sau khi sinh mổ khoảng 6 tuần. Đây là thời điểm mà cơ thể đã phục hồi, những cơn đau từ vết mổ đã giảm đi rất nhiều.

Nếu muốn đặt vòng tránh thai, chị em có thể trao đổi ngay với bác sĩ ở lần thăm khám này. Bác sĩ sẽ giải đáp và tư vấn về thời điểm thích hợp tiến hành đặt vòng tránh thai cho sản phụ.

3.3 Sinh mổ sau bao lâu có thể làm việc nhà?

Trong thời gian đầu sau sinh mổ, chị em không nên làm quá nhiều việc nhà vì điều này có thể kéo dài thời gian hồi phục của cơ thể và khiến cơn đau kéo dài hơn. Tốt nhất là nên nghỉ ngơi nhiều cho tới khi các bác sĩ đông ý rằng chị em hoàn toàn có thể quay lại làm những công việc hằng ngày, thường là sau 6 tuần.

Tuy nhiên, nếu muốn đảm bảo sức khỏe, chị em cần tránh nâng nhấc vật nặng và làm việc nhà quá sức ít nhất khoảng 8 tuần sau sinh. Nếu cảm thấy vết mổ đau và khó chịu hơn, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để sớm tìm ra nguyên nhân, giúp khắc phục hậu quả và kiểm soát cơn đau tốt hơn.

3.4 Giảm cân sau sinh mổ

Việc giảm cân sau sinh mổ thường chỉ nên được bắt đầu sau sinh được 6 tuần. Để việc giảm cân sau sinh mổ đạt hiệu quả, chị em không nên ăn quá nhiều, tránh các thức ăn vặt và thực phẩm chứa nhiều năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng.

Lưu ý, việc thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và dùng thuốc hỗ trợ giảm cân để giảm mỡ bụng sau sinh mổ có thể gây hại cho bạn và bé (nếu bé bú sữa mẹ). Bạn nên giảm cân bằng cách giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn. Hãy tập thể dục các bài thể dục dành cho bà bầu sinh mổ với cường độ vừa phải 30 phút mỗi ngày. Đây là cách giảm cân hiệu quả và an toàn nhất.

Nhiều trường hợp chị em muốn giảm vòng eo sau sinh đã áp dụng phương pháp đắp muối nóng quanh bụng. Phương pháp này có thể được dùng cho mẹ sau sinh nhưng cần lưu ý về thời gian. Cụ thể, phụ nữ sinh thường là sau 7 – 10 ngày sau sinh, phụ nữ sinh mổ chỉ được áp dụng sau 15 - 20 ngày sau sinh. Tránh trường hợp áp dụng phương pháp này sớm hơn thời gian trên vì có thể dẫn đến tình trạng phỏng bên trong vết mổ (bên ngoài da đã lành nhưng vết thương bên trong vẫn chưa hồi phục hoàn toàn).

3.5 Sinh mổ một năm có bầu lại được không?

Khoảng cách tốt nhất giữa 2 lần sinh mổ nên là 2 năm nhưng nếu “lỡ” có bầu sau 1 năm, mẹ bầu phải thường xuyên đi khám và xin ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa vì nguy cơ bục tử cung có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đồng thời, trong thời gian mang thai lần 2 mẹ bầu cũng cần phải theo dõi thai chặt chẽ, nhất là những tháng cuối thai kỳ.

4. Chế độ ăn cho mẹ sinh mổ

Có rất nhiều chị em đều không biết “sau sinh mổ nên ăn gì” để đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng cho cả mẹ và con. Các bác sĩ cho biết, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Vì thế, hãy duy trì thói quen ăn uống lành mạnh khi còn mang thai.

sinh-mo-va-nhung-van-de-me-bau-can-nen-biet-2-voh

Chế độ dinh dưỡng cho sản phụ sinh mổ nên cần đa dạng các loại thực phẩm (Nguồn: Internet)

Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu protein, vitamin C, chất sắt để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Protein rất cần thiết cho sự phát triển của mô mới. Vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương và chống nhiễm trùng. Sắt có vai trò hỗ trợ hệ miễn dịch và cần thiết cho tế bào hồng cầu. Cơ thể sản phụ thường bị mất sắt khi bị mất máu qua ca mổ. Do đó, có thể bác sĩ sẽ kê toa cho bạn dùng bổ sung vitamin và sắt sau sinh để ngăn ngừa tình trạng thiếu chất.

  • Thực phẩm có hàm lượng protein cao là thịt, cá, thịt gà, trứng, các chế phẩm từ sữa, các loại hạt và đậu. 
  • Thực phẩm giàu vitamin C là cam, bưởi, dâu tây, dưa hấu và đu đủ. Đây cũng những loại trái cây tốt cho mẹ sau sinh mổ.
  • Thực phẩm giàu sắt là các loại thịt đỏ (thịt bò, cá hồi), gan, đậu khô, hoa quả khô và ngũ cốc giàu chất sắt. 

Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày các loại thực phẩm giàu vitamin A như rau xanh, trái cây, cà rốt và khoai lang.

Một điều quan trọng là hãy uống đủ nước, từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và táo bón sau sinh. Ngoài ra, sản phụ có thể uống sữa, nước trái cây, ăn sữa chua ít béo để đáp ứng nhu cầu canxi của cơ thể và làm tăng tiết sữa mẹ.

Nhìn chung, sinh mổ là phương pháp sinh đẻ hiện đại mang lại hiệu quả và an toàn cho mẹ bầu. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến khích mẹ bầu nên lựa chọn hình thức sinh thường nếu như không gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào, bởi đây là phương pháp sinh thuận tự nhiên mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất cho cả hai mẹ con.