Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột và cách điều trị

(VOH) – Trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột là một bệnh lý tương đối thường gặp. Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bé.

1. Nhiễm khuẩn đường ruột là gì?

Nhiễm khuẩn đường ruột (nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột) là bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phần lớn trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột là do các vi khuẩn dạng campylobacter và vi khuẩn Escherichia coli (E.Coli) hay còn được gọi là vi khuẩn đại tràng xâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ gây tổn thương.

2. Nguyên nhân trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột

Hệ tiêu hóa của trẻ những năm đầu đời còn quá non yếu nên trở thành môi trường lý tưởng của các vi khuẩn, virus tấn công. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ em bị nhiễm khuẩn đường ruột:

  • Mầm bệnh: Các mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập qua miệng đi vào cơ thể và gây kích thích các mô trong đường tiêu hóa.
  • Vệ sinh kém: Trẻ thực hiện việc vệ sinh cá nhân chưa kỹ có thể làm lây lan vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Nước bị ô nhiễm: Tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột.

3. Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột

Các triệu chứng trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột cha mẹ cần phải chú ý là:

  • Mầm bệnh gây nhiễm khuẩn đường ruột có thể làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Vì thế, trẻ có thể sẽ bị ho, sổ mũi khi tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
  • Giảm ăn, chán ăn là một dấu hiệu chung của nhiễm khuẩn đường ruột cũng như các loại nhiễm trùng đường tiêu hóa khác.
  • Buồn nôn có thể xuất hiện.
  • Bé đi phân lỏng có thể lẫn với chất nhầy hay bạch cầu nhiều lần trong ngày dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu nước, xanh xao, hốc hác và kèm theo triệu chứng sốt.
  • Bé thường xuyên quấy khóc hoặc bị đau bụng dữ dội do vi khuẩn gây ra những cơn co thắt ở bụng. Mỗi cơn sẽ thường kéo dài từ 3 – 4 phút và có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

dau-hieu-tre-bi-nhiem-khuan-duong-ruot-va-cach-dieu-tri-voh

Một trong những dấu hiệu thường gặp là trẻ đi phân lỏng, có thể lẫn với chất nhầy (Nguồn: Internet)

Tùy theo thể trạng từng bé mà thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 2 – 5 ngày hoặc cũng có thể từ 1 – 10 ngày. Vì thế, cha mẹ cần lưu ý cũng như theo dõi những dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột để có thể kịp thời đưa trẻ đi điều trị

4. Điều trị nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ em như thế nào?

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột cha mẹ cần quan sát, nếu thấy trẻ sốt nhẹ và có xuất hiện những triệu chứng nhiễm khuẩn đường ruột nhưng không quá nghiêm trọng thì có thể chăm sóc và điều trị nhà, trên nguyên tắc chung là phải giữ đủ nước và tránh các biến chứng.

  • Cho bé uống nước thường xuyên, với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi thì phải được bú sữa.
  • Cho trẻ ăn hoặc uống các loại tránh trái cây có kali như chuối, cam, nước dừa... Lưu ý, những trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa thể ăn những loại này.
  • Trong một số trường hợp, mẹ có thể cho bé uống Oresol nhưng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn trên bao bì hoặc nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng.

dau-hieu-tre-bi-nhiem-khuan-duong-ruot-va-cach-dieu-tri-1-voh

Trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột mức độ nhẹ mẹ có thể chăm sóc và điều trị tại nhà (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu thấy trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn kèm theo sốt cao, nôn mửa nhiều, đi ngoài phân lỏng có chất nhầy lẫn máu hoặc phân toàn nước, đục, không tiểu tiện hoặc tiểu rất ít, trẻ lừ đừ, bỏ bú, không ăn uống được... thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị.

Tuyệt đối không nên cho trẻ uống thuốc đau bụng hay thuốc kháng sinh, đặc biệt với trẻ sơ sinh, vì điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

5. Trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột nên ăn gì, kiêng gì?

Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột là một trong những cách giúp con yêu sớm đẩy lùi bệnh tật nhanh chóng và phòng ngừa bệnh quay trở lại.

  • Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày của bé, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé tương đối yếu.
  • Các món ăn cần được chế biến kỹ lưỡng, ưu tiên những loại giàu dinh dưỡng, nấu dưới dạng lỏng hay mềm để giúp trẻ dễ tiêu hóa và hấp thụ như: sữa, cháo, súp...
  • Nên thay đổi món ăn theo sở thích và khẩu vị của trẻ.
  • Giá đỗ hay các loại hạt nảy mầm sẽ được khuyến khích sử dụng vì có thể giúp trẻ bổ sung thêm men tiêu hóa và tăng thêm năng lượng cho cơ thể.
  • Nếu bé còn đang bú mẹ thì mẹ nên tăng thêm thời gian bú cũng như các cữ bú của con.
  • Những loại thực phẩm mẹ cần ưu tiên như: gạo, khoai tây, thịt gà hay bò, trứng... Một số loại trái cũng cần nên có trong bữa ăn của trẻ như: cam, chuối, đu đủ, xoài, bưởi....
  • Ngoài ra, mẹ cần tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu chất xơ như như bắp hạt, rau cần, rau bí, măng... và các loại nước uống có ga hay đồ ăn lạnh.

6. Phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Thực hiện vệ sinh là cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em. Cụ thể:

  • Vệ sinh sạch sẽ, tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh.
  • Lựa chọn thức ăn tươi ngon, sạch, an toàn và nấu chín. Hạn chế ăn những loại thức ăn chưa chín, uống sữa chưa tiệt trùng.
  • Vệ sinh nhà bếp sạch sẽ, sử dụng các loại thớt và dao riêng cho đồ chín và đồ sống.
  • Bảo quản thức ăn cẩn thận, tốt nhất là nên sử dụng trong vài giờ, tránh để qua đêm.
  • Uống nước đun sôi để nguội.

Có thể nói, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em và tiêu chảy do nhiễm trùng vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em các nước châu Phi. Vì thế, cha mẹ nên chủ động phòng ngừa ngay từ đầu bằng chế độ ăn uống, vệ sinh, lối sống lành mạnh. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh hãy chăm sóc bé một cách hợp lý để giúp bé nhanh hồi phục.

Bình luận