Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm tinh hoàn ở trẻ là gì? Nhận biết triệu chứng và điều trị

(VOH) - Viêm tinh hoàn là một căn bệnh hay gặp ở nam giới, thậm chí những diễn biến của bệnh nếu không kịp thời phát hiện sẽ rất khó kiểm soát. Vậy viêm tinh hoàn ở trẻ em có gì khác với người lớn?

Trong giai đoạn dưới 10 tuổi, các bé trai rất hiếu động, thường không chú ý tới những thay đổi trên cơ thể mình, do đó cha mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu bất thường và tìm hiểu những triệu chứng, phương pháp điều trị cũng như chủ động phòng ngừa viêm tinh hoàn cho con. 

1. Viêm tinh hoàn ở trẻ là gì?

Viêm tinh hoàn là bệnh về tinh hoàn rất dễ mắc phải. Sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus khiến tinh hoàn của trẻ bị viêm nhiễm. Tình trạng viêm tinh hoàn còn có thể xảy ra khi viêm mào tinh hoàn trở nên nghiêm trọng. Khi bị viêm, tinh hoàn của bé sẽ bị tổn thương và sưng đau.

2. Triệu chứng viêm tinh hoàn ở trẻ 

Để có thể tránh những ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của con, khi vệ sinh cơ thể cho bé, hãy lưu tâm quan sát những biến đổi ở vùng kín, nếu xuất hiện những triệu chứng dưới đây, nên cho bé đi thăm khám để xác định có bị viêm tinh hoàn hay không.

  • Tinh hoàn sưng đỏ, đau, phù nề: Biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi bị viêm đó là tinh hoàn của bé sưng đỏ, nếu nặng có thể thấy phù nề. Chạm vào sẽ cảm thấy cứng, bé khó chịu và đau nhức. 
  • Sốt: Cơn sốt nhẹ thường được hiểu như cơ thể bé đang chống lại chứng nhiễm trùng.  
  • Nước tiểu có máu: Giai đoạn tinh hoàn sưng viêm có thể ảnh hưởng tới đường tiết niệu (đường tiểu) của bé. Một ngày con sẽ đi ngoài nhiều hơn, xuất hiện máu trong nước tiểu. 
  • Giảm vận động: Khi cơ thể mệt mỏi, bé không còn hứng thú với các hoạt động vui chơi như mọi ngày, vì việc vận động đi lại khó khăn hơn. 

3. Nguyên nhân gây viêm tinh hoàn ở trẻ 

Tình trạng viêm nhiễm tinh hoàn xảy ra do sự tác động của nhiều yếu tố, nắm rõ những nguyên nhân gây bệnh dưới đây để không chủ quan, lơ là với các bé.  

viem-tinh-hoan-o-tre-la-gi-nhan-biet-trieu-chung-va-dieu-tri-voh-0
Virus quai bị có thể gây viêm tinh hoàn (Nguồn: Internet)
  • Bất cẩn khi điều trị quai bị: Virus quai bị gây nên bệnh quai bị (viêm tuyến nước bọt) có thể di chuyển, lây lan đến tinh hoàn. Khi đã xâm nhập vào tinh hoàn có thể gây viêm, thậm chí có thể làm cho tế bào sinh tinh xơ hóa. 
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ: Việc vận động nhiều có thể tích tụ mồ hôi vùng kín của bé, nếu không vệ sinh thường xuyên có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. 
  • Tổn thương khi vận động: Chạy nhảy, vui chơi là điều bình thường ở các bé trai, tuy nhiên những bất cẩn khi nô đùa quá mức có thể gây tổn thương vùng bìu, khiến tinh hoàn bị viêm nhiễm. 
  • Hẹp bao quy đầu: Chất thải và nước tiểu có thể sẽ không thoát hết ra ngoài khi bé bị hẹp bao quy đầu. Tình trạng ứ đọng này sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm ở bao quy đầu, rồi lan tới tinh hoàn. 

Xem thêm: Những điều cần biết về hẹp bao quy đầu ở bé trai và nam giới trưởng thành

4. Điều trị viêm tinh hoàn ở trẻ 

Tinh hoàn của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, nên việc điều trị viêm nhiễm cho các bé cần cẩn trọng, tránh để lại những biến chứng khó kiểm soát. 

  • Cố định tinh hoàn: Các bác sĩ sẽ tiến hành cố định tinh hoàn của bé, nâng cao phần bìu, sử dụng phương pháp chườm lạnh để giảm sưng viêm. 
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Việc sử dụng thuốc kháng sinh đặc trị sẽ tiêu diệt cũng như ngăn chặn vi khuẩn phát triển. Đồng thời, giảm cảm giác đau nhức cho bé. 
  • Kỹ thuật miễn dịch truyền nhiễm dùng ánh sáng (CRS): Kỹ thuật này hiện được áp dụng khá nhiều cho trẻ. Bằng phương pháp này thuốc sẽ được đưa vào vị trí vi khuẩn cư ngụ bằng tần sóng, không làm tổn hại tới các mô bình thường và dây thần kinh cùng với kết cấu sinh lý khác. Đồng thời có thể tăng cường khả năng hấp thụ thuốc.

5. Biến chứng viêm tinh hoàn ở trẻ 

Biến chứng của viêm nhiễm thường rất khó lường. Với độ tuổi nhỏ và khả năng kháng bệnh kém, nếu không phát hiện điều trị đúng thời điểm, về lâu dài, trẻ có thể phải chịu những di chứng xấu. 

  • Teo tinh hoàn: Teo tinh hoàn là biến chứng thường gặp khi viêm tinh hoàn nhưng không được điều trị kịp thời. Khi tinh hoàn teo, tế bào sinh tinh ít đi, không sản sinh được tinh trùng, điều này có thể ảnh hưởng đến việc sinh sản của bé sau này. 
  • Áp xe tinh hoàn: Nếu tinh hoàn bị viêm quá nặng, các ổ mủ xuất hiện và gây áp xe tinh hoàn. Khi áp xe ngày một to lên sẽ chèn ép các bộ phận lân cận. 
  • Hoại tử tinh hoàn: Sưng viêm tinh hoàn có thể gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử. 

Xem thêm: Những chia sẻ từ bác sỹ nam khoa dưới đây, sẽ giúp bạn ‘cảnh tỉnh’ khi tinh hoàn bị sưng đau bất thường

6. Phòng ngừa viêm tinh hoàn ở trẻ 

Việc điều trị viêm tinh hoàn cho các bé thường khó khăn hơn, chính vì vậy, chăm sóc và phòng bệnh cho con là điều nên làm. 

viem-tinh-hoan-o-tre-la-gi-nhan-biet-trieu-chung-va-dieu-tri-voh-1
Nhắc nhở con vệ sinh vùng kín kĩ càng (Nguồn: Internet)
  • Bổ sung thực phẩm tăng đề kháng: Bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh hay các loại rau lá xanh như cải bó xôi, bông cải xanh để tăng cường hệ miễn dịch cho bé. 
  • Vệ sinh vùng kín cẩn thận: Sau khi vui chơi, chạy nhảy ngoài trời hay khi đi vệ sinh xong (đặc biệt là thời tiết nóng bức), con cần vệ sinh sạch sẽ, tránh để ứ đọng mồ hôi, nước tiểu. 
  • Tiêm phòng vắc xin quai bị: Tiêm phòng vắc xin sẽ giúp giảm nguy cơ mắc quai bị cho bé, giảm thiểu khả năng gây viêm tinh hoàn. 
  • Nhắc nhở trẻ vận động cẩn thận: Cha mẹ nên khuyên con vui đùa cẩn thận, không nghịch nguy hiểm, tránh để cơ thể bị thương, để ý bảo vệ vùng kín của mình. 

Khi có nghi ngờ con bị viêm tinh hoàn, cha mẹ không nên quá lo lắng và cần bình tĩnh xử trí. Để có thể chữa trị sớm cho con, hãy liên hệ ngay các cơ sở y tế, tránh áp dụng phương pháp chữa được “truyền miệng” chưa kiểm chứng. 

Bình luận