Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tìm hiểu ý nghĩa các chỉ số của xét nghiệm bilirubin

(VOH) –  Bạn có biết, khi nồng độ bilirubin tăng cao thì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh nhất định, đặc biệt là về gan. Vậy xét nghiệm bilirubin là gì và khi nào thì cần làm xét nghiệm này?

Bilirubin (bil-ih-ROO-bin) là một chất màu vàng cam được tạo ra trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường. Bilirubin đi qua gan và cuối cùng được đào thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu và phân.

Nếu nồng độ bilirubin cao hơn mức bình thường thì đó có thể dấu hiệu của các vấn đề về gan khác nhau. Đôi khi, nồng độ bilirubin cao hơn có thể cho thấy tốc độ phá hủy các tế bào hồng cầu tăng lên.

1. Xét nghiệm bilirubin là gì?

Xét nghiệm Bilirubin dùng để kiểm tra nồng độ bilirubin trong máu. Trước khi tới gan, bilirubin chưa được liên hợp (hay gọi là chưa kết hợp). Khi đến gan, bilirubin kết hợp với các loại đường nhất định để tạo ra một dạng hòa tan trong nước gọi là bilirubin liên hợp. Bilirubin liên hợp ra khỏi gan, vào trong ruột già và được chuyển hoá lại thành dạng chưa kết hợp trên đường đào thải ra khỏi cơ thể.

Hầu hết các phòng thí nghiệm sẽ đo nồng độ bilirubin liên hợp (trực tiếp). Rồi sau đó lấy tổng lượng bilirubin trong cơ thể trừ cho lượng liên hợp, từ đó sẽ ước tính được lượng bilirubin không liên hợp (gián tiếp) có trong cơ thể.

Lượng bilirubin trực tiếp hay gián tiếp nếu hơn hạn mức bình thường sẽ có thể chỉ ra nhiều loại bệnh về gan. Chính vì thế, xét nghiệm bilirubin thường được thực hiện như một phần của một nhóm các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe của gan. Thông thường, lượng bilirubin cao sẽ cho thấy tỷ lệ tế bào máu đỏ ngày càng tăng.

tim-hieu-y-nghia-cac-chi-so-cua-xet-nghiem-bilirubin-voh

Xét nghiệm bilirubin nhằm giúp phát hiện các vấn đề về gan (Nguồn: Internet)

Ở người lớn và trẻ lớn, xét nghiệm bilirubin có thể được thực hiện để:

  • Chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý liên quan đến gan mật như xơ gan, viêm gan, sỏi mật...
  • Đánh giá bệnh hồng cầu lưỡi liềm hoặc các bệnh lý khác gây thiếu máu tán huyết. Những người này có thể có những đợt hồng cầu bị phá vỡ làm tăng nồng độ bilirubin trong máu.

Ở trẻ sơ sinh, xét nghiệm bilirubin có thể giúp phát hiện bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh (trẻ sơ sinh bị vàng da thường do da trẻ tích tụ quá nhiều chất bilirubin). Đồng thời việc xác định nhanh chóng nồng độ bilirubin trong máu cũng là một biện pháp giúp các bilirubin không liên hợp không gây tổn thương cho những tế bào não của trẻ. Não trẻ bị tổn thương có thể khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ, suy giảm khả năng học tập và phát triển, mất thính lực, rối loạn vận động mắt và tử vong.

2. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm bilirubin?

Bác sĩ thường yêu cầu làm xét nghiệm bilirubin toàn phần cùng với các xét nghiệm khác (xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm albumin và tổng protein, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm thời gian đông máu của huyết tương) khi bạn có những dấu hiệu bất thường về chức năng gan như:

  • Có triệu chứng vàng da
  • Tiền sử uống chất có cồn quá nhiều
  • Nghi ngờ ngộ độc thuốc
  • Tiếp xúc với virus viêm gan.

Những triệu chứng khác có thể cũng cần phải xét nghiệm bilirubin là:

  • Nước tiểu màu đậm hổ phách
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau hay sưng bụng
  • Mệt mỏi, uể oải kèm theo bệnh gan mãn tính.

Xét nghiệm bilirubin cũng có thể được yêu cầu khi bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh thiếu máu tán huyết. Trong trường hợp này, xét nghiệm sẽ được thực hiện chung với các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng tán huyết, như: thử máu, đếm hồng cầu lưới, haptoglobin và LDH.

Những lưu ý cần nhớ

  • Nồng độ bilirubin trong máu nam giới có thể hơi cao hơn so với nữ giới.
  • Tập luyện gắng sức quá có thể làm tăng nồng độ bilirubin.
  • Những loại thuốc có thể làm giảm nồng độ bilirubin bao gồm: barbiturate, caffein, penicillin và salicylate liều cao. Thuốc làm tăng nồng độ bilirubin gián tiếp: Atazanavir – một loại thuốc kháng virus HIV.
  • Đối với phụ nữ mang thai, bilirubin có thể được đo trong nước ối nếu bác sĩ nghi ngờ thai nhi có tình trạng hủy hoại hồng cầu.
  • Bilirubin cũng có thể được đo trong nước tiểu. Thông thường, nước tiểu không chứa bilirubin nhưng nếu bilirubin được tìm thấy trong nước tiểu, bác sĩ sẽ cho bạn làm xét nghiệm liên quan để tìm ra nguyên nhân. Lượng bilirubin lớn trong nước tiểu cho thấy bilirubin chưa được đào thải khỏi cơ thể bằng gan.

3. Quy trình thực hiện xét nghiệm bilirubin

3.1 Trước khi xét nghiệm

Không nên ăn hay uống trong vòng 4 giờ trước khi làm xét nghiệm bilirubin. Bác sĩ cũng sẽ báo bạn dừng uống những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Hãy báo với bác sĩ nếu bạn có đang dùng một loại thuốc nào đó hoặc bị:

  • Dị ứng với thuốc
  • Hay chảy máu hoặc dùng các loại thuốc chống đông máu.
  • Có nguy cơ mang thai.

3.2 Trong lúc xét nghiệm

tim-hieu-y-nghia-cac-chi-so-cua-xet-nghiem-bilirubin-1-voh

Xét nghiệm bilirubin thường được thực hiện bằng cách lấy máu (Nguồn: Internet)

Xét nghiệm bilirubin được thực hiện bằng cách sử dụng mẫu máu. Thông thường, máu được rút ra thông qua một cây kim nhỏ chèn vào tĩnh mạch ở cánh tay và được chứa trong một ống xét nghiệm.

Máu của bạn sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn thường có thể trở lại hoạt động bình thường ngay sau khi lấy máu.

3.3 Sau khi xét nghiệm

Đặt miếng băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm trong 10 - 20 phút và tránh dùng tay nâng vật nhanh ngay sau khi vừa được lấy máu.

4. Ý nghĩa xét nghiệm bilirubin được thể hiện như thế nào?

4.1 Kết quả bình thường

Ở trẻ lớn và người lớn, giá trị bình thường của bilirubin liên hợp (trực tiếp) sẽ từ 0 – 0.3 mg/dL. Giá trị bình thường của bilirubin tổng hợp (gồm cả trực tiếp và gián tiếp) 0.3 – 1.9 mg/dL.

Ở trẻ sơ sinh, lượng bilirubin bình thường là dưới 5 mg/dL. Tuy nhiên, hơn 60% trẻ sơ sinh mắc bệnh vàng da khi lượng bilirubin đo được hơn 5 mg/dL.

Những kết quả này có thể thay đổi nhẹ tuỳ vào phòng xét nghiệm. Kết quả bình thường có thể sẽ khác nhau đối với phụ nữ và trẻ em và kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi một vài loại thực phẩm, liều thuốc hay tập luyện quá sức. Vì thế, bạn cần báo với bác sĩ loại thuốc hay thức ăn bạn đang dùng cũng như hoạt động hằng ngày để kết quả của bạn được nghiên cứu một cách chính xác.

4.2 Kết quả bất thường

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng bilirubin cao trong máu thường sẽ do một số căn bệnh gây ra như:

  • Nhiễm trùng túi mật hay viêm túi mật.
  • Một số bệnh di truyền như hội chứng Gilbert (căn bệnh ảnh hưởng tới việc gan xử lý bilirubin thế nào). Mặc dù bệnh vàng da có thể xảy ra ở một số người mắc hội chứng Gilbert, tình trạng này thường không nguy hiểm.
  • Bệnh gây ra tổn thương gan như viêm gan, xơ gan hay bạch cầu đơn nhân.
  • Bệnh gây tắc nghẽn đường mật như sỏi mật hay ung thư tuyến tụy.
  • Huỷ hoại nhanh chóng hồng cầu trong máu, như bệnh hồng cầu hình liềm hoặc dị ứng với máu nhận từ việc truyền máu.
  • Thuốc làm tăng nồng độ bilirubin, bao gồm kháng sinh, một vài loại thuốc kiểm soát sinh sản...

Trên đây là những chia sẻ về xét nghiệm bilirubin, tuy nhiên cần lưu ý khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế được đưa ra trong bài viết có thể không thống nhất ở các cơ sở thực hiện xét nghiệm bạn chọn. Vì thế, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về kết quả xét nghiệm mình nhận được.

Bình luận