Thớt là một vật dụng nhà bếp không thể thiếu trong đời sống. Thớt làm bằng chất liệu gỗ thường bền đẹp, chắc chắn, được nhiều người ưa dùng. Tuy vậy, nếu không vệ sinh và cất giữ đúng cách thì thớt gỗ dễ xảy ra tình trạng nấm mốc.
Để giúp bạn bảo vệ sức khỏe gia đình, VOH sẽ hướng dẫn bạn cách làm sạch thớt gỗ bị mốc hiệu quả và nhanh chóng ngay tại nhà.
Nguyên nhân thớt gỗ bị mốc
Thớt là một loại đồ dùng nhà bếp có vai trò quan trọng trong chế biến thức ăn hằng ngày. Tuy nhiên, nếu không vệ sinh và bảo quản đúng cách sẽ khiến thớt gỗ bị nấm, mốc gây ảnh hưởng sức khỏe. Các nguyên nhân khiến thớt gỗ bị mốc có thể kể đến như:
- Thớt bị ẩm: Thớt gỗ tuy nhanh ráo nước nhưng lại dễ thấm hút nước vào bên trong. Nếu không phơi khô trước khi cất, thớt vẫn sẽ bị ẩm ướt bên trong, tạo điều kiện cho các loại nấm hình thành và phát triển.
- Nhiều vết xước sâu trên bề mặt thớt: Khi cắt thức ăn, bạn sẽ để lại vết trầy xước trên thớt. Những rãnh nhỏ này rất khó để làm sạch hoàn toàn, gây nấm mốc.
- Vệ sinh thớt không đúng cách: Nếu bạn sử dụng chung một cái thớt cho cả thực phẩm sống và chín, nếu không vệ sinh đúng cách sẽ khiến thớt bị mốc. Nguy hiểm hơn là gia tăng khả năng nhiễm khuẩn chéo.
Tác hại khi sử dụng thớt gỗ bị mốc
Thớt gỗ bị mốc thường sẽ là nơi trú ẩn của các loại vi khuẩn có tên là E.coli, Fecal, là tác nhân gây nên các bệnh tiêu chảy, đường ruột. Đáng lưu ý hơn, chúng có tốc độ lây lan nhanh từ bề mặt thớt sang thức ăn một cách dễ dàng.
Nhóm vi khuẩn này có thể gây hại nghiêm trọng tới sức khoẻ của con người. Đó là lý do mà thớt nên được bảo quản đúng cách để giữ gìn sức khoẻ của bạn và những người xung quanh.
Xem thêm:
6 tuyệt chiêu làm sạch cho xoong nồi inox sáng bóng
Hai cách dễ dàng đánh bay nấm mốc trên đồ nhựa trong bếp của bạn
10 lời khuyên cần lưu ý khi vào bếp
Nên vệ sinh thớt bao lâu một lần?
Bạn phải luôn vệ sinh thớt sau mỗi lần sử dụng, đặc biệt nếu bạn dùng thớt để cắt thịt, cá hoặc thịt gia cầm sống. Nếu bạn chế biến thịt sống, điều đặc biệt quan trọng là phải làm sạch thịt ngay vì điều này có nguy cơ lây nhiễm chéo cao với các vi khuẩn có hại như salmonella hoặc E. coli và gây ra các bệnh do thực phẩm.
Bạn cũng nên vệ sinh nó ít nhất một lần một tuần hoặc thường xuyên hơn nếu bạn sử dụng thường xuyên.
Chuẩn bị vệ sinh thớt
Dụng cụ
- Miếng bọt biển hoặc bông rửa chén.
- Vải khô.
- Nước ấm.
Nguyên liệu
- Nước rửa chén.
- Nửa quả chanh.
- Baking soda.
Cách làm sạch thớt gỗ bị mốc bằng baking soda
Làm sạch thớt gỗ bị mốc cực dễ dàng chỉ với những bước sau đây.
Rửa sạch thức ăn thừa
Sau khi sử dụng, rửa thớt để loại bỏ cặn thức ăn còn sót lại. Sử dụng miếng rửa chén mềm để loại bỏ sạch các thức ăn thừa. Việc rửa thớt ngay sau khi chế biến thực phẩm sẽ giúp quá trình khử mốc trên thớt gỗ dễ dàng hơn.
Tạo dung dịch làm sạch
Nhỏ vài giọt nước rửa chén vào nước ấm. Sau đó dùng miếng rửa chén lau sạch cả hai mặt của thớt. Không nên ngâm thớt quá lâu.
Chà sạch vết bẩn
Rắc một lượng vừa đủ baking soda lên thớt. Dùng nửa quả chanh để chà sạch khu vực đó. Axit từ chanh sẽ tăng cường khả năng làm sạch mốc và khử mùi hiệu quả.
Rửa sạch và lau khô
Rửa sạch thớt bằng nước ấm. Sau đó, lau khô thớt bằng vải mềm hoặc khăn giấy.
Phơi khô hoàn toàn
Đặt thớt vào nơi khô ráo, thoáng mát, tốt nhất là treo hoặc dựng thẳng tấm thớt. Không đặt thớt nằm trên quầy vì mặt dưới của thớt sẽ ẩm ướt.
Không được cất thớt gỗ vào kệ, tủ trước khi khô hoàn toàn.
Cách vệ sinh thớt gỗ bằng hỗn hợp chất tẩy
Bên cạnh cách đã nêu trên, bạn cũng có thể làm sạch thớt bằng các nguyên liệu dễ tìm sau đây sau đây.
Hỗn hợp muối và chanh
Muối ăn là loại hóa chất tự nhiên có khả năng kháng khuẩn cao. Vì vậy, thường được sử dụng để ngăn chặn vi khuẩn phát triển trên bề mặt của thực phẩm hoặc vật dụng. Làm sạch thớt gỗ bị mốc bằng muối ăn và chanh là phương án đơn giản và tiết kiệm tại nhà.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Cho khoảng 2 - 3 thìa muối lên bề mặt thớt gỗ.
- Bước 2: Dùng chanh chà xát thật kỹ bề mặt thớt gỗ và để nguyên trong 15 phút.
- Bước 3: Rửa sạch thớt với nước ấm và dùng bàn chải cứng để làm sạch bề mặt. Sau đó rửa lại bằng nước và lau khô thớt.
Hỗn hợp giấm trắng và baking soda
Sử dụng hỗn hợp giấm trắng và baking soda có thể giúp khử mốc và mùi hôi trên thớt hiệu quả. Giấm có đặc tính axit cao, có thể loại trừ phần lớn các vi khuẩn có hại. Đồng thời ngăn chặn nấm mốc sinh sôi. Còn baking soda có thể loại bỏ các vết bẩn sâu trong các vết cắt trên bề mặt thớt.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Rửa sạch thớt với nước ấm để loại bỏ bụi bẩn và thực phẩm thừa.
- Bước 2: Cho một ít giấm lên bề mặt thớt.
- Bước 2: Rắc bột baking soda lên bề mặt và dùng bàn chải chà sạch.
- Bước 4: Rửa lại thớt bằng nước ấm và lau khô.
Lưu ý: Do đặc tính axit mạnh của giấm, cách làm này có thể khiến bề mặt thớt dễ bị xỉn màu.
Lưu ý khi sử dụng thớt gỗ
Để thớt gỗ luôn được sạch bóng, an toàn cho sức khỏe, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Vệ sinh thớt sạch sẽ ngay sau khi sử dụng.
- Không nên cho thớt vào máy rửa chén.
- Tránh ngâm thớt trong nước quá lâu.
- Không nên sử dụng cùng một thớt để chế biến cả đồ sống và chín.
- Thường xuyên sử dụng nước sôi để tráng thớt hoặc dùng muối để loại bỏ vi khuẩn.
- Nên để thớt khô hoàn toàn trước khi cất.
- Nên thay mới khi thấy có nhiều vết xước hoặc đã sử dụng thớt khoảng 6 tháng.
Trên đây là những chia sẻ của VOH về cách làm sạch thớt gỗ bị mốc đơn giản và nhanh chóng ngay tại nhà. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để làm sạch thớt, đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Mẹo vặt để cập nhật thêm nhiều mẹo hữu ích cho cuộc sống nhé!