Tiêu điểm: Nhân Humanity

78 năm giữ vững mạch máu thông tin

VOH - Sinh ra vì nhu cầu Cách mạng, trưởng thành để phục vụ Cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến, lực lượng cán bộ Ngành Bưu điện ở hai miền Nam, Bắc không tiếc xương máu, giữ vững mạch máu thông tin.

Cách đây 78 năm, ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Nghị quyết về Thông tin liên lạc.

Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam. Ngày 15/8/1945 đã đi vào lịch sử và chính thức trở thành Ngày truyền thống của Ngành Bưu điện.

Trong lịch sử phát triển, ngành trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Nha Bưu điện, Nha Bưu điện - Vô tuyến, Tổng cục Bưu điện, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu điện Việt Nam.

Sinh ra vì nhu cầu của Cách mạng, trưởng thành để phục vụ Cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến, lực lượng cán bộ Ngành Bưu điện ở cả hai miền Nam, Bắc đã không tiếc xương máu để giữ vững mạch máu thông tin, đảm bảo vận chuyển công văn, tài liệu cho Đảng và Nhà nước an toàn, bí mật.

Gần một vạn cán bộ công nhân viên Ngành Bưu điện đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường.

78 năm giữ vững mạch máu thông tin 1
Dịch vụ mới triển khai tại TPHCM: “Phát 4 giờ nội thành” gọi tắt là “X4H” - Ảnh: Vietnam Post

Khi nước nhà thống nhất và trong thời kỳ đổi mới (1986-1992), Bưu điện Việt Nam đã trở thành Ngành tiên phong thực hiện đường lối Đổi mới một cách sáng tạo với quyết sách “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”.

Ngành tiếp tục thực hiện chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” cho giai đoạn 1993 – 2000.

Kết quả là mạng lưới viễn thông đã được số hóa, tự động hóa hoàn toàn, thị trường phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mới được cung cấp cho xã hội, mở rộng vùng phục vụ, bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp mới, tập dượt cạnh tranh, chuẩn bị cho mở cửa thị trường.

Năm 2007, sau khi được thành lập với tên gọi mới – Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chính thức có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối Viễn thông, hoạt động độc lập với tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam.

Năm 2012, Tổng công ty được đổi tên thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hình thành một Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt trong lĩnh vực bưu chính và hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Ông Lê Hải Hòa - Chánh Văn phòng Bưu điện TPHCM cho biết: “Trước muôn vàn khó khăn, Tổng công ty đã xác định phát huy hiệu quả mạng lưới 13.000 điểm phục vụ đến tận cấp xã, đa dạng hóa, sản phẩm, dịch vụ và đổi mới hoạt động trên tất cả các lĩnh vực với 3 trụ cột dịch vụ bưu chính, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông để xây chắc ngôi nhà Bưu điện Việt Nam. Tại mỗi trụ cột, tất cả các dịch vụ đều được đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường. Đây là điều hoàn toàn mới đối với người Bưu điện và khách hàng lúc đó.

Tổng công ty đã điều chỉnh mô hình kinh doanh các nhóm dịch vụ, triển khai thêm 2 dịch vụ mới, tạo thành 5 trụ cột kinh doanh: Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối bán lẻ, logistics và dịch vụ số”.

Trong suốt chặng đường lịch sử của ngành Bưu điện, các thế hệ giao bưu, thông tin đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ mới của đất nước, ngành Bưu điện đã đổi mới tư duy và hành động thực hiện mục tiêu: Đi thẳng lên hiện đại, phát triển nhanh mạng lưới và dịch vụ, tăng nhanh lưu lượng và doanh thu, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của xã hội.

Bình luận