Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thành đoàn cùng quân dân chiến đấu kiên cường trong mùa xuân lịch sử

VOH - Cách đây 48 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đạt được thành công vang dội: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến tranh nhân dân cho đến ngày ca khúc khải hoàn, tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định luôn là lực lượng cách mạng, là mũi xung kích đi đầu trên các mặt trận chính trị, quân sự, binh vận; Trên khắp các chiến trường: rừng núi, nông thôn, đô thị; Từ vùng giải phóng cho đến nổi dậy trong lòng địch.

Đó là phong trào của thanh niên, học sinh, sinh viên ở các vùng đô thị đấu tranh đòi dân chủ, hòa bình, chấm dứt chiến tranh.

GỬI CHỊ THI Thành đoàn cùng quân dân chiến đấu kiên cường trong mùa xuân lịch sử 1
Bằng mọi phương tiện, các chiến sĩ Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định và người dân hướng về thành phố, dẫn quân giải phóng tiến về nội đô Sài Gòn ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu

Đó là sự chuẩn bị lực lượng chính trị quân sự từ nhiều năm trước rất căn cơ. Các lớp huấn luyện cán bộ từ trường Đoàn Lý Tự Trọng đến trường Đảng Nguyễn Văn Cừ, trường Đảng của Trung ương Cục Miền Nam, đưa nhiều đoàn cán bộ ra miền Bắc và nước ngoài học tập.

Đó là những tổ chức thanh niên vũ trang (Trung đoàn Gia Định 2) mới thành lập tại vùng ngoại thành. Đó là không khí sôi nổi tại các điểm khởi nghĩa, nổi dậy giành chính quyền tại các khu vực nội thành do Thành đoàn phụ trách.

5 khu vực khởi nghĩa trong nội thành trong chiến dịch Hồ Chí Minh do Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo gồm Khu vực Ngã Bảy – Bàn Cờ - Vườn Chuối; Khu vực cầu Kiệu – Phú Nhuận; Khu vực Cầu Bông – Bà Chiểu; Khu vực Xóm Chiếu – Khánh Hội; Khu vực Tân Phú – Tân Sơn – Bà Quẹo.

Ban chỉ huy chỉ đạo khởi nghĩa của Thành đoàn gồm đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), chỉ huy chung, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân), đồng chí Trần Thị Ngọc Hảo (Tư Tín), đồng chí Trần Thị Mỹ Thành (Chín Bảo), đồng chí  Phan Công Trinh (Năm Thế), đồng chí Hứa Thị Tuyết Hoa (Chín Vy); Nguyễn Văn Ngọc (Năm Tranh).

Đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) quyền Bí thư Thành đoàn từ tháng 1/1975 đến tháng 6/1975, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn TPHCM chia sẻ:

"Thành đoàn chịu trách nhiệm chính các trường đại học, trường trung học lớn. Từ năm 1973, hướng chỉ đạo của cấp trên cũng như của Thành đoàn, mỗi một trường phải gắn với 1 khu dân cư để làm căn cứ lõm chính trị”.

"Năm 1974, 1975, khi chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có sẵn những địa bàn chuẩn bị từ trước. Rồi chuẩn bị lương thực thực phẩm, vật dụng cứu thương rất kỹ lưỡng. Một nhà in ở 146 đường Lý Thái Tổ (Quận 3) chuyển tài liệu vào, nhà in sẽ in ra nhiều bản để phát cho đồng bào".

“Theo phân công, 5 điểm khởi nghĩa sẽ có 5 đơn vị từ ngoài căn cứ vào chi viện cho nội thành”. Bà xúc động khi nhớ lại: “trong khi chuẩn bị mình nghĩ còn đánh nhau nhiều ngày, không nghĩ có thể gọn ghẽ vậy”.

Ngày thống nhất đến sau bao năm dài đằng đẵng gian lao chiến đấu, hi sinh, mà với những người cầm súng, với cả hậu phương, với tất thảy đồng bào như vỡ òa. Khát vọng thống nhất đất nước, giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc đã thành hiện thực.

Bao đồng chí đã chiến đấu anh dũng và hy sinh khi ngày giải phóng đã gần trước mắt. Thanh xuân họ dành cho Tổ quốc, mà không kịp có được giây phút hít thở bầu không khí của hòa bình. Đó là đồng chí Hồ Trọng Quý (Năm Trí) hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn 1 ngày trước khi đất nước hòa bình, độc lập.

Đó là đồng chí Lê Quang Lộc (Sáu Ngọc, Sáu Quý) hy sinh ngày 10/4/1975, đồng chí Trần Văn Quang (Mười Để) hy sinh ngày 12/2/1975 và còn bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống, bao nhiêu đồng bào đã góp máu xương cho độc lập đáng giá này.

Được sống trong bầu không khí hòa bình hạnh phúc, người trẻ hôm nay cần hiểu đúng giá trị lịch sử của những tháng ngày rực lửa, để thể hiện sự biết ơn bằng lòng yêu nước đúng đắn, để kiên tâm trước những âm mưu chống phá, để vững lòng tin tưởng vào hành trình cách mạng đất nước đang đi.

Bình luận