Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nghị quyết 98: Tăng thu nhập cho nhà khoa học mới chỉ là ‘yếu tố cần’

VOH - Nghị quyết 98 đã thổi một luồng gió phấn chấn và tinh thần dấn thân vào giới nghiên cứu khoa học, tuy nhiên, đây mới chỉ là ‘yếu tố cần’.

Kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 9 nghị quyết liên quan đến Nghị quyết 98 của Quốc hội… trong đó có Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút.

Theo đó, về thu nhập, mức hỗ trợ cho các nhà khoa học ban đầu tối đa 100 triệu đồng (chỉ áp dụng một lần). Nâng mức thu nhập hằng tháng lên cao hơn từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng/người/tháng (theo Nghị quyết 20 của HĐND TP trước đây là từ 30 triệu - 50 triệu đồng).

Mức thu nhập khuyến khích nghiên cứu khoa học phát huy năng lực trí tuệ cá nhân được hưởng là 5% kinh phí ngân sách thành phố chi cho công trình, sản phẩm khoa học nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng và không vượt quá 1 tỷ đồng.

Đối với các đề tài, đề án, công trình thực hiện theo nhóm, tổng mức thu nhập khuyến khích là 5%, không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình và tổng mức khuyến khích dành cho cả nhóm không quá 2 tỷ đồng...

Dự kiến tổng kinh phí thu hút một chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt khoảng 1,484 tỷ đồng/người/năm. Trường hợp mỗi cá nhân có 1 công trình/năm và tổng ngân sách chi cho công trình là 2 tỷ đồng, cá nhân được hưởng 5%, tức tương đương 100 triệu đồng.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Nghị quyết 98 đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ các nhà khoa học - Ảnh: T.Huy

PGS. TS. Nguyễn Đình Quân - Giảng viên Bộ môn Quá trình & Thiết bị, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) kiêm Trưởng Phòng Thí nghiệm Nhiên liệu Sinh học & Biomass đánh giá, chính sách ưu đãi của Nghị quyết 98 đã thổi một luồng gió phấn chấn vào đam mê và tinh thần dấn thân của giới nghiên cứu khoa học. Đó là chính sách có ý nghĩa tích cực, góp phần đảm bảo đời sống kinh tế cho nhà khoa học để toàn tâm toàn ý với con đường cống hiến trí tuệ của mình vào phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Đình Quân đây chỉ là một 'điều kiện cần', chưa phải 'điều kiện đủ' để phát huy sức mạnh của lực lượng khoa học và trí thức bởi khoa học công nghệ phục vụ nhu cầu sản xuất với năng suất và hiệu suất cao hơn, thực tiễn hơn, giải quyết những nhu cầu hiện hữu của xã hội và của quốc gia.

“Bên cạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Nhưng hiện nay, chúng ta chỉ đang chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng. Và ngay cả với chất lượng, thì cũng phải đặt câu hỏi là nghiên cứu đó có giá trị như thế nào đối với vô vàn những khó khăn, tồn đọng trong nhu cầu sản xuất của nền kinh tế?” - PGS. TS. Nguyễn Đình Quân nêu.

Theo ông, cần có thêm những chính sách gắn liền quyền lợi lâu dài của nhà khoa học với công trình của họ bằng cơ chế quản lý ‘buộc các nghiên cứu phải gắn liền với đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh’.

Ông cho rằng, đây là một bài toán khó về mặt quản lý, nhưng không phải là không thể làm được. Thành phố cấp vốn cho nhà khoa học phát triển dự án của mình, nhưng sản phẩm không thể chỉ nghiệm thu một lần là xong, vì như thế sẽ dẫn đến những tiêu cực, gian dối, hoặc xa rời thực tế, chỉ để lấy kinh phí nghiên cứu mà không cần quan tâm đến nghiên cứu đó có thực sự mang lại giá trị kinh tế hay không.

Xem thêm: Quy định chồng chéo là rào cản lớn khi thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học

PGS. TS. Nguyễn Đình Quân kiến nghị, cần có cơ chế cấp vốn cho nhà khoa học làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo hình thức quỹ đầu tư. Các thủ tục nên siết chặt ràng buộc đầu ra, hướng đến sản phẩm cuối cùng, không nên quá rườm rà và thừa thãi, cồng kềnh trong việc quản lý cấp kinh phí và quá trình làm nghiên cứu.

Ông Quân lý giải, thường các thủ tục cấp kinh phí bắt buộc nhóm nghiên cứu phải kê khai rất chi tiết việc sử dụng kinh phí là chỉ nặng về hình thức. “Điều này thực tế dẫn đến việc mua bán hóa đơn, ký khống thuê khoán chuyên môn, làm các biên bản, biên nhận giả dối, dẫn tới hiện tượng một số người 'luồn lách' thực hiện thủ tục, trục lợi tiền ngân sách để làm những nghiên cứu giá trị thấp” – ông nói.

Hiện nay, kinh phí nghiên cứu được cấp chỉ một lần và việc quản lý cũng rất nặng nề về thủ tục. Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Quân, việc cấp kinh phí cho các nhà khoa học nên theo lộ trình các bước, bám sát thực tiễn.

  • Bước 1: Kinh phí xây dựng thuyết minh. Ở bước này, kinh phí không cần nhiều, nhưng phải có để khuyến khích nhà khoa học không lo rằng mình viết ra rất nhiều, thậm chí lộ ý tưởng ấp ủ của mình, rồi không được gì.
  • Bước 2. Kinh phí cho việc chứng minh tính khả thi của đề tài và minh chứng cho ý nghĩa thực tiễn của nó.
  • Bước 3. Kinh phí cho việc phát triển nghiên cứu thành các kết quả cụ thể.
  • Bước 4. Kinh phí cho việc phát triển sản xuất thử nghiệm, liên kết với doanh nghiệp hoặc hình thành doanh nghiệp.

Ông Quân cũng đề cập tới quy định trong việc lập các hội đồng khoa học. Theo ông, Hội đồng không thể lộ danh tính thành viên cũng như nhóm nghiên cứu được phản biện.

“Tựa như học sinh đi thi. Lẽ nào chúng ta làm rất nghiêm chặt với các bài thi rọc phách và giữ kín việc người chấm và người được chấm liên lạc thỏa thuận với nhau, nhưng với các hội đồng khoa học thì lại không làm như vậy, trong khi thành viên hội đồng và nhóm nghiên cứu thường là ‘người quen biết nhau’" - ông nói.

Trăn trở với việc phát triển khoa học kỹ thuật của thành phố trong thời gian tới, PGS. TS. Nguyễn Đình Quân cho rằng, có rất nhiều cách để có thể quản lý nghiên cứu khoa học tốt hơn, hiệu quả hơn, nhưng trên tất cả, nghiên cứu khoa học phải phục vụ cho nền kinh tế, phải bám sát thực tiễn nhu cầu của xã hội. Còn nếu chỉ phát triển về lượng, đuổi theo thành tích, thì sẽ rất lãng phí và không có được thay đổi tích cực trong thời gian ngắn và trung hạn.

Bình luận