Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải pháp triển khai Nghị quyết 31 Bộ Chính trị để TPHCM phát triển bứt phá

VOH) - Ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khi triển khai nội dung Nghị quyết 31 hồi đầu năm 2023, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã khẳng định, đây là nghị quyết có tính lịch sử, tạo ra bước ngoặt mới cho TPHCM tăng tốc, bứt phá, dẫn đầu, mạnh dạn áp dụng những cơ chế "vượt trội" để phát huy hết tiềm năng phát triển của thành phố.

Nhằm làm rõ hơn về tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết 31 (NQ31), những giải pháp tổng thể để triển khai hiệu quả nội dung nghị quyết, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện tọa đàm “Nghị quyết 31 - Phát triển TPHCM mạnh mẽ, toàn diện, xứng tầm là trung tâm của trung tâm”.

Các vị khách mời:
- Ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố
- Bà Trần Kim Yến - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM
- Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức
- Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1
- Ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND Huyện Bình Chánh
- PGS. TS Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc Hội - Thành ủy viên
- TS Thân Ngọc Anh - Trưởng khoa Triết học - Học viện Chính trị Khu vực 2.

Tầm quan trọng của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển của TPHCM 1
Toàn cảnh khách mời tại buổi tọa đàm - Ảnh: Khiêm Huân

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng, Trung ương nhận thức và đánh giá đúng vị thế, vai trò và tầm ảnh hưởng của Thành phố đối với cả nước. Nghị quyết 31 sẽ kích hoạt giúp cho thành phố đề ra những mục tiêu, giải pháp đột phá cho mỗi bước tiến của thành phố trong tình hình mới.

Nghị quyết 31 có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy TPHCM phát triển, trở thành trung tâm của trung tâm.

Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 đô la Mỹ; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng.

Bộ Chính trị cũng định hướng cho thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

*VOH: NQ31 tạo những đột phá về cơ chế cho TPHCM phát triển xứng tầm như thế nào?

- Bà Tô Thị Bích Châu: Nghị quyết 31 có nhiều điểm nổi trội cụ thể hóa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với TPHCM mong muốn thành phố vẫn là đầu tàu kinh tế của cả nước, có tính dẫn dắt, tiên phong với cơ chế, tiềm năng của một đô thị trung tâm.

- TS Thân Ngọc Anh: Tầm quan trọng của Nghị quyết 31 đối với sự phát triển của TPHCM biểu hiện ở 3 điểm:

Là cơ sở về mặt đường lối, từ đó Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền TPHCM cụ thể hóa thành các chính sách đưa vào thực tiễn, phát triển các lĩnh vực ở TPHCM.

Những chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị, của Đảng rất rõ ràng cho từng mục tiêu, từng lĩnh vực sẽ là tiền đề để TPHCM phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Thứ ba, Nghị quyết 31 chính là bệ đỡ, bệ phóng, động lực để các cấp lãnh đạo của thành phố quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.

*VOH: So với Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị được ban hành cách đây 10 năm thì Nghị quyết 31 lần này có sự khác biệt thế nào?

- Ông Phạm Chánh Trực: Một là bối cảnh tình hình khác, hai là mục tiêu có cao hơn, ba là có nhiều nhiệm vụ mới để đạt được mục tiêu đó.

Việc điều chỉnh không gian đô thị thành phố đa trung tâm. Đây là vấn đề rất lớn đối với một đô thị 10 triệu dân, mà lâu nay chúng ta không có phân bố, không có tổ chức không gian đô thị hợp lý.

Mục tiêu, nhiệm vụ mới thứ hai đó là liên kết vùng Nam Bộ bằng đường sắt vận tải nặng, tốc độ cao, lần này Nghị quyết 31 đặt ra vấn đề rất quan trọng.

Thứ ba là cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội. Chữ “vượt trội” xuất hiện đầu tiên ở trong Nghị quyết 31 này.

Tôi cho rằng các nhà kinh tế, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu sâu sắc về cơ chế, chính sách "vượt trội" để có thể kiến nghị với Trung ương cho phép thí điểm.

Thứ tư là có những biện pháp mới cụ thể và khả thi hơn. Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển TPHCM, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn.

Nghị quyết 31 cũng sẽ tạo điều kiện để thành phố mạnh dạn thí điểm chính sách mang tính đột phá, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế đất nước, với phương châm TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM.

Đặc biệt, Nghị quyết 31 yêu cầu Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu ban hành các chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.

Tầm quan trọng của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển của TPHCM 2
Ông Phạm Chánh Trực (phải) nguyên Phó Bí thư Thành ủy - nguyên Chủ tịch HĐNDTP - Ảnh: Khiêm Huân

- TS Thân Ngọc Anh:  TPHCM là trung tâm, đầu tàu trên nhiều lĩnh lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Nam Bộ và có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Nghị quyết ra đời nhằm phát triển đột phá TPHCM xứng với tiềm năng của mình.

Khi Thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại sẽ nâng cao đời sống của nhân dân, là động lực, điều kiện kéo theo cả khu vực Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung phát triển. Từ đó góp phần to lớn vào quá trình đưa nước ta trở thành một nước phát triển trong tương lai. 

*VOH: Để đạt mục tiêu tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách có tính đột phá, thành phố cần làm những gì?

- Ông Phạm Chánh Trực: Một số tập trung ưu tiên mà thành phố cần phải làm:

Phải hoàn thiện cơ chế chính quyền đô thị. Phải chuyển toàn bộ chính quyền thành phố, Nhà nước ở địa phương này trở thành chính quyền đô thị đúng mức, bao trùm cả những chính sách, cơ chế đặc thù.

Thứ hai là thành phố được phép thực hiện các dự án loại A.

Thứ ba, thành phố cần có chính sách đãi ngộ trí thức trong và ngoài nước không thua kém các nước để có thể huy động được trí tuệ đội ngũ trí thức khoa học-kỹ thuật-công nghệ, văn nghệ sĩ trí thức... để từ đó phát triển kinh tế xã hội

Một ưu tiên nữa theo tôi, đó là kiến nghị với Chính phủ cho phép thành phố huy động vốn trong và ngoài nước mới có thể phát triển nhanh được. Bởi với ngân sách để lại cho thành phố, chúng ta chỉ duy trì là chính, chứ khó thể phát triển nhanh được.

Thành phố cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội trong thời gian tới đây.

*VOH: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo tập trung xây dựng TPHCM trở thành trung tâm của trung tâm. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần tập trung vào những nhóm giải pháp trọng tâm nào?

- PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Như Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo và xác định TPHCM sẽ trở thành trung tâm của trung tâm. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

TPHCM từ lâu là một trung tâm lớn, kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước. Để thực hiện được chúng ta cần nhiều giải pháp.

Giải pháp cần ưu tiên đó là về thể chế. Chính phủ sẽ cùng với thành phố nỗ lực xây dựng các thể chế, các dự thảo nội dung để thay thế Nghị quyết 54, làm sao đến kỳ họp Quốc hội gần nhất vào tháng 5/2023 - có được một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Điểm thứ hai là phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, phải có tầm nhìn xa, phù hợp với việc biến đổi khí hậu, phù hợp với mục tiêu là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Điểm thứ ba là phải tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

*VOH: Ý nghĩa NQ31 đối với tiềm năng phát triển của thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh?

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Nghị quyết 31 về những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển TPHCM có đề cập cụ thể đến tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách phát triển thành phố Thủ Đức.

Với mô hình thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên cả nước có quy mô trên một triệu dân, NQ31 được thành phố Thủ Đức đón nhận với tất cả niềm tin, quyết tâm thực hiện theo những định hướng, chỉ đạo của Nghị quyết.

- Ông Nguyễn Văn Tài: Nghị quyết 31 ra đời giúp cho Bình Chánh có điều kiện rà soát các điều kiện về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong quy hoạch chung của huyện. Bình Chánh có thêm nhiều điều kiện để trình phê duyệt sử dụng đất và quy hoạch với dân số phát triển hàng năm.

*VOH: Theo tinh thần Nghị quyết 31, Thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Điều này có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của từng địa phương?

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Đây được xem là nội dung mang tính chiến lược, mở ra cơ chế đặc biệt cho thành phố Thủ Đức. Bởi thành phố Thủ Đức cần hai nguồn lực quan trọng là tài chính và con người.

Muốn trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao trên cơ sở phát triển kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo thì trên hết và trước hết giải quyết được hai vấn đề mấu chốt.

Cơ chế phát triển phải đột phá và nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội phải tương xứng với tiềm năng và định hướng phát triển. Song hành với đó là quan điểm nhất quán, cái gì thành phố Thủ Đức có thể làm tốt thì mạnh dạn phân cấp, giao quyền cho thành phố Thủ Đức.

Tầm quan trọng của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển của TPHCM 3
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, UV Ban Thường vụ Thành ủy - Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức - Ảnh: Khiêm Huân

- Bà Tô Thị Bích Châu: Nghị quyết 31 như là chìa khóa rất quan trọng để mở ra những cánh cửa mới cho sự phát triển ở các địa phương của TPHCM.

Đây là một trong những điều cốt lõi, giúp cho Quận 1 tháo gỡ vướng mắc, vượt qua những khó khăn, phát huy sự năng động, chủ động và tự chủ của chính quyền địa phương.

Cái thuận lợi là sự mạnh dạn hơn khi Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì sẽ có những chủ trương sát với từng địa phương.

Khi ấy, mỗi cán bộ phải thấy được trách nhiệm của mình hết lòng vì lợi ích chung và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ và đạt mục tiêu của quận, cũng như góp phần đạt được mục tiêu cho thành phố.

-Ông Nguyễn Văn Tài:  Đặc thù của huyện Bình Chánh là tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số hàng năm tăng trên 30.000 dân thì yêu cầu về quản lý kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự ngày càng cao.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn huyện, xã dẫn đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn còn khó khăn, hạn chế.

Do đó để đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền, huyện Bình Chánh mong muốn Nghị quyết 31 có sự quan tâm cân đối giữa phân cấp, phân quyền đi đôi với đảm bảo các nguồn lực về tài chính, con người, cơ sở vật chất và các điều kiện khác, nhất là việc đầu tư xử lý hạ tầng kỹ thuật chống ngập, ùn tắc giao thông.

Thứ hai là các chủ trương đầu tư mang tính đột phá còn bị động trong đầu tư về quản lý tài nguyên, về đất đai.

*VOH: Nghị quyết 31 sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn gì cho thành phố Thủ Đức, thưa ông Hiệp?

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Trước mắt đó là tổ chức bộ máy, bởi Nghị quyết 31 giao cho Hội đồng nhân dân, UBND TPHCM xác định về tổ chức bộ máy, thành lập các đơn vị trực thuộc trong phạm vi thành phố Thủ Đức, nó sẽ thuận lợi cho hoạt động.

Khi thành phố Thủ Đức thành lập trên cơ sở của 3 quận: 2, 9, Thủ Đức thì tổ chức bộ máy vận hành của một cơ thể lớn, nhưng vẫn là một cơ quan của cấp huyện.

*VOH: NQ31 cũng đề ra mục tiêu tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về mọi mặt. Phải chăng đây cũng là nhiệm vụ mang tính cấp thiết?

- Ông Phạm Chánh Trực: Tình trạng xã hội hiện nay bị phân hóa, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, bị chủ nghĩa cá nhân thôi thúc đua đòi vật chất, chạy theo danh lợi và quyền hành.

Nạn tham nhũng, thâm nhập vào nội bộ của Đảng, Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, có thể dẫn tới nguy cơ khủng hoảng xã hội, khủng hoảng chính trị và phải được chấn chỉnh kịp thời.

Việc tiến hành chỉnh đốn Đảng là một vấn đề đặc biệt cần thiết, quan trọng và tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng.

- Bà Trần Kim Yến: Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp đã ban hành rất nhiều văn bản, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt các nhóm giải pháp.

Khi ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch cũng như việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội thì phải hướng đến giải quyết nhu cầu,  nguyện vọng của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Trước khi ban hành sẽ tổ chức lấy ý kiến của nhân dân cũng như tổ chức phản biện xã hội đối với các dự thảo, các dự án trước khi chính quyền các cấp ban hành đề ra.

Nhóm giải pháp thứ hai, đã và đang thực hiện là giám sát việc tổ chức hội nghị nhân dân, tiếp công dân; việc tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân, của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp.

Mặt trận Tổ quốc thành phố đã và đang triển khai thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện Đề án 06 về nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân, giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp.

Thông qua việc thực hiện nội dung này kịp thời chỉ ra những hạn chế, những thiếu sót của tổ chức đảng, của đảng viên, của chính quyền các cấp để góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ.

Nếu chúng ta phát huy tốt vai trò của chủ thể, của nhân dân trong giám sát sẽ góp phần củng cố lòng tin đối với Đảng.

Tầm quan trọng của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển của TPHCM 4

Bà Trần Kim Yến (phải) UV Ban Thường vụ Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQVM TTPHCM và Bà Tô Thị Bích Châu (trái) UV Ban Thường vụ Thành ủy - Bí thư Quận ủy quận 1 - Ảnh: Khiêm Huân

*VOH: Triển khai NQ31, cần ưu tiên tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nào để tạo động lực cho TPHCM phát triển?

- PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Để thực hiện được mục tiêu kinh tế xã hội 2020-2025 thì năm 2023 là năm bản lề, rất quan trọng, phải thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, phấn đấu tăng trưởng kinh tế của thành phố năm nay trên 8%.

Phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, hiệu quả hoạt động công vụ. Hướng dẫn người dân tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ lãi suất cho cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, lãnh đạo thành phố đang lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, để đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Từ đó sẽ góp phần thực hiện được các chỉ tiêu về kinh tế xã hội ở mức cao nhất.

- TS Thân Ngọc Anh: Nghị quyết 31 phải được cụ thể hóa thành các chính sách theo từng nhóm, lĩnh vực, phù hợp với đặc thù, thế mạnh, tiềm năng của TPHCM.

Xây dựng các nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực và xác định rõ được chủ thể đối tượng thực hiện các nhiệm vụ đó.

Thực hiện thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc. Phải huy động được sức mạnh, vai trò của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, bao gồm cả kiều bào ở nước ngoài và đặc biệt là sức mạnh của các cơ quan truyền thông.

*VOH: Điểm mới của NQ31 định hướng thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo. Ý nghĩa của định hướng này đối với xu thế phát triển?

- PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo, thành phố đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ lực.

Phát triển hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo, phải huy động được các trung tâm nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Phải thúc đẩy được các hoạt động về nghiên cứu phát triển không chỉ ở các viện, trường nghiên cứu mà tại các sở, ban, ngành; khuyến khích tư duy, đổi mới sáng tạo trong từng việc làm, từng chương trình.

Thành phố đang cơ cấu lại các cơ sở nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả, đáp ứng được thị trường. Chúng ta phải xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút được đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phải có cơ chế chính sách ưu đãi cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cả các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo.

- Ông Nguyễn Văn Tài: Chuyển đổi số là một trong những nội dung rất quan trọng để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Từ năm 2021, Bình Chánh đã thành lập Trung tâm dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chương trình, kế hoạch, ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khai thác lợi thế về công nghệ số.

- Bà Tô Thị Bích Châu: Nhiều năm qua, Quận 1 cũng có Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, đã triển khai nhiều nội dung quan trọng trong ứng dụng chuyển đổi số.

Chúng tôi cũng thực hiện thủ tục hành chính không giấy, định danh khách hàng điện tử, cấp phép điện tử bằng chữ ký số, con dấu số để hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Trong tháng 3/2023 chúng tôi sẽ hoàn chỉnh hệ thống thông tin địa lý - quản lý hộ kinh doanh, kết nối dữ liệu của các thủ tục như đăng ký hộ kinh doanh, thuế, quản lý hoạt động bán lẻ rượu, thuốc lá và an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Chúng tôi đã ra đời được trung tâm điều hành kỹ thuật số, hình thành những trang thông tin của thành phố Thủ Đức và tiến hành cải cách thủ tục hành chính cấp độ 3,4 ở tất cả các phường.

Về kinh tế xanh, thành phố Thủ Đức tiếp tục mở ra khu công nghệ cao số 2; được quy hoạch là khu công viên phần mềm Quang Trung-Thủ Đức sản xuất ra những sản phẩm trí tuệ nhân tạo; từng bước sẽ chuyển đổi các khu công nghiệp theo xu hướng kinh tế xanh.

Tầm quan trọng của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển của TPHCM 5
PGS TS Trần Hoàng Ngân (bìa trái) Đại biểu Quốc hội - Thành ủy viên - phát biểu tại tọa đàm - Ảnh Khiêm Huân

- PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Với mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại thì việc chuyển nhanh kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ cũng là theo hướng mục tiêu đó.

Khi thực hiện được kinh tế số sẽ mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước rất lớn. Chúng ta sẽ xử lý nhanh các hồ sơ, thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Chúng ta thu thập được dữ liệu phong phú, đa chiều, từ đó đưa ra quyết định trong điều hành quản lý sát với thực tiễn, phù hợp thực tế.

Về phát triển nền tầng số, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông phải đầu tư nhiều hơn nữa và tiếp tục có những cơ chế, chính sách ưu đãi về nguồn lực và đặc biệt là những ưu đãi về tài chính, thuế, lãi suất.

Chính sách kích cầu phải ưu tiên nguồn lực cho đầu tư, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo...

Và trong dự thảo nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù, chúng ta sẽ dành những điều khoản để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, ưu đãi cho những nhà đầu tư vào lĩnh vực này để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của thành phố nhanh và hiệu quả hơn.

*VOH: Xin cảm ơn các vị khách mời.

Bình luận