Tiêu điểm: Nhân Humanity

3.000 tấn giá đỗ chứa chất cấm: Lời khai của nhóm sản xuất

VOH - Ngày 29/12, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đang mở rộng điều tra vụ việc gần 3.000 tấn giá đỗ được sản xuất bằng cách sử dụng hoạt chất cấm 6-Benzylaminopurine để bán ra thị trường.

Đây là chất không được phép dùng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam do có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Tại cơ quan công an, bốn đối tượng là chủ của sáu cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã khai nhận hành vi sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất, bất chấp biết rõ tác hại.

Lâm Văn Đạo (34 tuổi, chủ Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo) cho biết bắt đầu sản xuất giá đỗ từ năm 2020 và sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine – được gọi là "nước kẹo" – để ngâm giá. Loại chất này có tác dụng làm thân giá đỗ mập, ít rễ, phù hợp với yêu cầu thị trường.

bach hoa xanh_voh
Một cơ sở sản xuất giá đỗ ủ chất cấm - Ảnh NLĐ

Từ tháng 5/2024, Đạo bắt đầu cung cấp giá đỗ cho hệ thống Bách Hóa Xanh. Để được chấp nhận, Đạo in bao bì, tem nhãn có các thông tin như "Không hóa chất", "Vì sức khỏe cộng đồng". Theo khai nhận, trung bình mỗi ngày, cơ sở của Đạo cung cấp hơn 300 kg giá đỗ cho hệ thống này.

Vũ Duy Tư (33 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột) cũng thừa nhận sử dụng "nước kẹo" từ khi mới vào nghề. Tư mua chất này từ TPHCM với số lượng lớn và sản xuất khoảng 2,2 tấn giá đỗ mỗi ngày, chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối.

Cả hai đối tượng đều khai rằng việc sử dụng chất cấm là để cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, quá trình điều tra đã phát hiện và thu giữ 20.357 kg giá đỗ được ngâm ủ bằng hoạt chất 6-Benzylaminopurine, cùng 37 can nhựa chứa 135 lít dung dịch chất cấm. Với lượng hóa chất này, các đối tượng có thể sản xuất thêm khoảng 675 tấn giá đỗ thành phẩm, tương đương giá trị 18,7 tỉ đồng.

Ước tính từ năm 2020 đến nay, các cơ sở này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm ủ chất cấm, gây nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, hoạt chất 6-Benzylaminopurine không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng:

Ảnh hưởng sức khỏe lâu dài: Tiếp xúc qua da hoặc hít phải có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, não úng thủy, và thai nhẹ ký.

Nguy cơ tử vong: Nếu tiêu thụ với liều lượng lớn, chất này có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Cơ quan công an đã khởi tố bốn đối tượng liên quan để điều tra hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Vụ việc cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường quản lý, kiểm tra nguồn gốc và quy trình sản xuất thực phẩm.

Đại diện Công an tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh rằng các hành vi tương tự sẽ bị xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh thực phẩm.

Bình luận