Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khởi tố hai mẹ con chống người thi hành công vụ tại Quận 8 TPHCM

(VOH) - Dù đã được giải thích không thuộc đối tượng nhận tiền trợ cấp đợt 3 nhưng hai đối tượng đã la hét, gây mất trật tự và có hành vi nắm tóc, cào cấu... cán bộ chiến sỹ công an.

Công an Quận 8 cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Thị Bông (sinh năm 1966), Thái Kim Yến (sinh năm 1994, con ruột của bà Bông; cả 02 cùng thường trú quận Bình Thạnh) về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Khởi tố hai mẹ con chống người thi hành công vụ tại Quận 8 TPHCM 1
Hình ảnh đối tượng gây rối tại khu vực phát tiền trợ cấp. 

Theo Công an quận 8, vào ngày 15/10, đối tượng Bông và Yến đến trụ sở Ủy ban nhân dân Phường 6, Quận 8 yêu cầu được nhận tiền trợ cấp đợt 3 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Qua rà soát, đại diện chính quyền giải thích bà Bông không thuộc đối tượng được nhận tiền trợ cấp theo quy định.

Lúc này, cả 02 đối tượng la hét, gây mất trật tự ở khu vực phát tiền trợ cấp. Để đảm bảo trật tự, cán bộ chiến sĩ Công an Phường 6, Quận 8 yêu cầu bà Bông và Yến không được gây rối, ảnh hưởng đến việc phát tiền trợ cấp cho người dân.

Tuy nhiên, cả 02 đối tượng không những không chấp hành mà còn hung hăng kéo áo, nắm tóc, cào cấu,... và làm hư hỏng bảng tên của cán bộ chiến sĩ Công an.

Sau đó, lực lượng chức năng đã khống chế, đưa bà Bông và Yến đến trụ sở Công an Phường 6, Quận 8. Tại cơ quan Công an, bà Bông và Yến tiếp tục la hét, có thái độ không hợp tác.

Hiện Công an Quận 8 tiếp tục điều tra, xử lý vụ án trên theo đúng quy định của pháp luật.

Không chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

Bộ Công an cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, người thi hành công vụ được hiểu bao gồm những người sau: Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Khoản 2, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân: Không chấp hành các quy định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ; lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống người thi hành công vụ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ; các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ.

Theo đó, đối với người không chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 và có hành vi chống người thi hành công vụ, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. 

Bình luận