Ngày 1/4, cảnh sát Singapore cho biết, 27 người đàn ông và 7 người phụ nữ - độ tuổi từ 17 đến 46 - đã bị bắt giữ trong các cuộc đột kích nhằm vào những nghi phạm đã cung cấp tài khoản ngân hàng cho những kẻ lừa đảo để sử dụng vào mục đích rửa tiền. 5 người khác đang bị điều tra.
Trong chiến dịch từ ngày 17 đến ngày 28/3, các cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy chống lừa đảo của Sở Thương mại đã làm việc với các ngân hàng địa phương để truy tìm số tiền bị mất của các nạn nhân bị lừa đảo.

Ít nhất 955.000 đô la nghi ngờ là tiền lừa đảo đã bị tịch thu và các tài khoản ngân hàng liên quan đến việc chuyển tiền đã bị đóng băng.
Cảnh sát cho biết, họ cũng đã làm việc với các công ty viễn thông để chấm dứt hơn 700 đường dây điện thoại có liên quan đến các vụ lừa đảo.
Trong các vụ lừa đảo mạo danh viên chức chính phủ, kẻ lừa đảo sẽ liên lạc với nạn nhân thông qua số điện thoại lấy được hoặc qua nền tảng nhắn tin.
Một số người sẽ giả làm nhân viên của các công ty như DBS Bank, Maybank, OCBC Bank, NTUC Union, Income Insurance và UnionPay, trong khi những người khác có thể đóng giả là viên chức cảnh sát, Trung tâm chống lừa đảo (ASC) hoặc Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS).
Cảnh sát cho biết các nạn nhân nhận được cuộc gọi từ các nhân viên ngân hàng giả mạo sẽ được yêu cầu xác minh các giao dịch mà họ cho là đã thực hiện. Cuộc gọi sẽ được chuyển đến một kẻ lừa đảo thứ hai tự xưng là viên chức chính phủ…
Những kẻ lừa đảo cũng sẽ giả danh là nhân viên của NTUC Union, Income Insurance hoặc UnionPay thông báo cho nạn nhân rằng, họ có các khoản phí bảo hiểm chưa thanh toán liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới hoặc sắp hết hạn.
Sau đó, họ sẽ được chuyển hướng đến một kẻ lừa đảo khác, kẻ này sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như thông tin tài khoản ngân hàng với lý do xác minh thông tin của họ.
Các nạn nhân sẽ được thông báo rằng số tiền phí còn nợ sẽ tự động được khấu trừ từ tài khoản ngân hàng của họ trừ khi họ hủy hợp đồng bảo hiểm.
Để làm như vậy, các nạn nhân được yêu cầu xác minh tài khoản ngân hàng bằng cách chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng cụ thể. Những kẻ này khẳng định với các bị hại là tiền của họ sẽ được hoàn lại sau khi hợp đồng bảo hiểm của họ bị hủy bỏ.
Nạn nhân của cả hai hình thức lừa đảo cuối cùng sẽ bị chuyển hướng đến một kẻ lừa đảo khác đóng giả làm cảnh sát, ASC hoặc sĩ quan MAS.
Sau đó, họ sẽ được thông báo rằng tài khoản ngân hàng liên quan đến các hoạt động rửa tiền hoặc thông tin cá nhân của họ đã bị xâm nhập và được nhắc chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng cụ thể để hỗ trợ điều tra.
Nạn nhân chỉ nhận ra mình bị lừa đảo khi không nhận được tiền hoàn lại hoặc không thể liên lạc được với kẻ lừa đảo.

Theo cảnh sát, có 1.504 vụ lừa đảo mạo danh viên chức chính phủ được báo cáo vào năm 2024, khiến nạn nhân mất 151,3 triệu đô la.
Trong tuyên bố của mình, cảnh sát nhắc nhở người dân rằng các quan chức chính phủ sẽ không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu thông tin liên quan đến ngân hàng, Singpass hoặc Quỹ dự phòng trung ương qua điện thoại.
Đại diện của NTUC Union, Income Insurance và UnionPay cũng không yêu cầu thông tin cá nhân hoặc thanh toán vào tài khoản ngân hàng cá nhân thông qua các cuộc gọi điện thoại, email, tin nhắn WhatsApp hoặc tin nhắn SMS.