Theo nội dung cáo trạng, VKSND Tối cao đề nghị áp dụng 9 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Theo cơ quan công tố, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan và 5 bị cáo đang bị truy nã (5 cựu cán bộ Ngân hàng SCB), 80 bị cáo còn lại trong vụ án đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố.
Nhiều bị cáo được xác định đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án là: Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh, Trương Huệ Vân, Dương Tấn Trước, Trần Hoàng Giang, Từ Văn Tuấn, Cao Việt Dũng…
Các bị cáo tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra.
Người nộp nhiều nhất là bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) đã trả cho Ngân hàng SCB hơn 813 tỷ đồng, xin được nộp lại hơn 2.200 tỷ đồng nhận của bị cáo Trương Mỹ Lan, nộp khắc phục 52 tỷ đồng. Người nộp ít nhất là 2 triệu đồng.
Bị cáo Trương Huệ Vân, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan nộp 1 tỷ đồng và 3.000 USD. Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) nộp 1 tỷ đồng/người.
Ông Nguyễn Cao Trí (bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) đã nộp hơn 657 tỷ đồng.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước) nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Các tình tiết giảm nhẹ khác được đề nghị áp dụng là: các bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác; bị bệnh, sức khỏe yếu; nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng...
Nội dung cáo trạng được công bố cũng thể hiện, VKSND Tối cao nhận định quá trình điều tra, công tố đối với vụ án đã cho thấy nhiều sơ hở trong một số Văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước và lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo.
VKSND Tối cao cho biết sẽ kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.