Review Inside Out 2: “nội chiến” cảm xúc, hài nhưng nhức não!

VOH - Phần 2 bổ sung thêm 4 cảm xúc mới, có hay nhưng bị thành tích của phần 1 đè bẹp.

Hãng Pixar có rất nhiều phim hoạt hình “ăn nên làm ra”, trong đó, Inside Out (2015) trở thành một trong những tượng đài không thể bỏ lỡ của “ông lớn” này. Tác phẩm cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và bộ não cực kỳ sáng tạo của ekip thực hiện khi mang đến thế giới bên trong tâm trí của Riley 11 tuổi. 

Sự xung đột của các cảm xúc, hình ảnh những ký ức xấu và tốt được lưu trữ trong các viên bi nhiều màu... tạo nên thế giới lạ lẫm với người xem, mở ra cái nhìn hoàn toàn khác về những yếu tố quyết định cảm xúc của con người.

“Bỏ đói” người hâm mộ sau gần 10 năm, năm 2024, Pixar mang câu chuyện về thế giới bên trong Riley trở lại màn ảnh rộng, khác biệt là lần này có sự xuất hiện của 4 cảm xúc mới, hứa hẹn tạo nên cuộc chiến cực căng không thể rời mắt.

Tuy nhiên, sau xuất chiếu sớm, một bộ phận khán giả chia sẻ họ không “cảm” được phim và Inside Out 2 tựa như chiếc “thùng rỗng kêu to”. Những mong đợi bị đánh tan bởi tình tiết xáo trộn, nông cạn… Sự thật có phải như vậy? Cùng theo dõi bài review sau đây của VOH nhé!

Câu chuyện về chứng “dở dở ương ương” của thanh thiếu niên

  • Ngày phát hành: 14/6/2024
  • Thể loại: Trẻ em, hài
  • Đạo diễn: Kelsey Mann
  • Biên kịch: Meg LeFauve, Dave Holstein
  • Diễn viên lồng tiếng: Amy Poehler, Maya Hawke, Kensington Tallman, Liza Lapira, Tony Hale, Lewis Black, Phyllis Smith, Ayo Edebiri, Adèle Exarchopoulos, Diane Lane, Kyle MacLachlan, Paul Walter Hauser
  • Phân loại độ tuổi: PG
  • Điểm IMDb: 8.2/10

Lấy bối cảnh khoảng hai năm sau các sự kiện trong Inside Out (2015), Inside Out 2 (Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2) bắt đầu khi Riley (do Kensington Tallman lồng tiếng) đang ở giai đoạn đỉnh cao trong tuổi học sinh: cô bé đạt điểm cao ở trường, đang dẫn dắt đội khúc côn cầu giành nhiều thành tích. Các cảm xúc tại Trung khu não bộ cũng đang sống chan hòa với nhau gồm Vui Vẻ (Amy Poehler), Buồn (Phyllis Smith), Giận Dữ (Lewis Black), Sợ Hãi (Tony Hale) và Chán Ghét (Liza Lapira). 

review-inside-out-2 (18)
Sự góp mặt của 4 nhân vật mới

Sau đó, Riley bước sang tuổi 13, cái tuổi dậy với sự thay đổi 180 độ trong tính cách, mang theo một số cảm xúc mới gồm Lo Lắng (Maya Hawke), Đố Kỵ (Ayo Edebiri), Xấu Hổ (Paul Walter Hauser) và Buồn Chán (Adèle Exarchopoulos).

Khi tất cả các cảm xúc đều cố gắng tìm hiểu và hòa hợp với nhau, Riley đến trại khúc côn cầu để tìm cơ hội vào đội tuyển nổi tiếng, tuy nhiên, quá trình này diễn ra không hề suôn sẻ, khiến Riley rơi vào vòng xoáy nghi ngờ bản thân, đe dọa đến ý thức cốt lõi của cô bé về con người của mình. 

Inside Out 2 có điểm gì đáng chú ý?

Tác phẩm là sự trở lại đầy cảm xúc về thế giới bên trong Riley, thừa kế và phát huy khá tốt những gì mà Inside Out 1 để lại. Mặc dù không có gì để làm khán giả ngạc nhiên tựa như khi xem phần trước đó, nhưng Inside Out 2 vẫn gần như chạm đến mốc mà phần 1 làm được.

Dàn diễn viên lồng tiếng là điểm sáng (dù có sự thay đổi so với ban đầu). Ngoài ra, câu chuyện về tình bạn tuổi teen được truyền tải dễ hiểu, những vấn đề về tuổi dậy thì và hành vi của tuổi thiếu niên được điểm xuyết bằng những tình tiết vui nhộn. Song song đó, các thông điệp về ý nghĩa của việc sống thật với bản thân, tình yêu bản thân và những người xung quanh đặc biệt phù hợp với người xem ở mọi độ tuổi.

review-inside-out-2 (20)
review-inside-out-2 (9)
Luôn trong thế đối đầu nhưng Vui Vẻ và Lo Lắng có chung mục đích giúp Riley tốt hơn

Inside Out 2 mang nhiều sắc thái và gợi sự đồng cảm trong cách miêu tả việc đối phó với sự lo lắng. Giống như Vui Vẻ trong phần 1, Lo Lắng làm những gì cô cho là tốt nhất với Riley, nhưng những ý định tuyệt vời nhất của Lo Lắng trở nên tồi tệ và nhân vật này cần học cách làm việc với những cảm xúc khác để thực sự giúp chủ nhân mình thành công. 

Thông điệp “chống thấm” người xem 

Thông điệp của Inside Out 2 phổ quát và nhân hậu như phần trước. Khi xung đột giữa các cảm xúc nổ ra, phim không cố gắng mổ xẻ cảm xúc nào là xấu. Tác phẩm chỉ ra rằng hành động của mỗi người trong một khoảnh khắc nào đó đều có lợi và hại, điều quan trọng là mạnh mẽ đối diện để sống thật và trở thành phiên bản tốt hơn.

Trong một môi trường mới, cảm giác xa lạ và ý chí muốn được hòa nhập để đạt được thành tựu luôn âm ỉ xuất hiện trong tâm trí mỗi người. Qua quá trình Riley tham gia trại hè khúc côn cầu, Inside Out 2 chỉ ra rằng sự hòa nhập là cần thiết nhưng liệu có cần phải thay đổi bản thân, trở thành phiên bản mà người khác muốn?

review-inside-out-2 (2)
review-inside-out-2 (4)
review-inside-out-2 (14)
review-inside-out-2 (10)
Inside Out 2 sẽ hay hơn nếu không bắt người xem vận não quá nhiều

Không có gì sai khi làm những bộ phim mang thông điệp ý nghĩa, có thể giúp thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về bản thân và đồng cảm với nhau. Nhưng riêng Inside Out 2, phim vô tình hạn chế khán giả bởi cách truyền tải rối rắm. Ngoài các thông điệp nêu trên, phim còn nhiều ẩn ý hay nhưng vì mãi thể hiện theo cách “cưỡi ngựa xem hoa” nên ấn tượng của khán giả về chúng gần như bằng 0.

Đối tượng thanh thiếu niên sẽ phải mất khá nhiều thời gian để xem lại và cảm được những ý nghĩa mà Inside Out 2 gửi gắm. Hơn nữa, vì tiết tấu kể chuyện nhanh, lời thoại liên tục nên việc theo dõi phiên bản phụ đề trở thành thử thách khi người xem mãi bám lấy các dòng chữ, quên đi những diễn biến trên màn hình.

Ý tưởng hay nhưng khai thác chưa tới

Inside Out 2 mô tả những lo lắng về giá trị bản thân đang sụp đổ của Riley khi đứng trước tương lai bất định bằng cách bổ sung thêm 4 cảm xúc mới, tuy vậy, cách lột tả lại thiếu chuyên nghiệp và có phần nông cạn. Không bàn đến việc khán giả đã quen với hội cảm xúc cũ, dàn cảm xúc mới chỉ có Lo Lắng và Xấu Hổ sở hữu những khung hình chất lượng, ghi dấu ấn trong lòng người xem. 

Đôi lúc phim cố làm khán giả cảm thấy giải trí thông qua những trò đùa được lặp đi lặp lại, nhưng so với tổng thể, những chi tiết này thiếu sự liên kết với câu chuyện chính. 

review-inside-out-2 (1)
Inside Out 2 giảm ý nghĩa khi khai thác thiếu yếu tố quan trọng

Tác phẩm cố gắng cho thấy sự thay đổi của một thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì, nhưng vì mải tập trung vào những thay đổi trong tính cách nên phim đã bỏ qua sự thay đổi về thể chất, thứ luôn gắn liền với thanh thiếu niên giai đoạn này. 

Kết luận

Inside Out 2 trình bày ẩn dụ hơn là phô bày các thông điệp đến khán giả. Tác phẩm giải thích rất nhiều về việc cảm xúc liên quan thế nào đến tuổi dậy thì, có sự sáng tạo, nhưng khó để cảm nhận hoặc trải nghiệm như cách mà người tiền nhiệm đã làm.

Với một bộ phận khán giả, phim cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn của người xem về một tác phẩm của Pixar - một câu chuyện đầy cảm xúc của tuổi mới lớn, tương tự những bộ phim như LucaTurning Red – nên có cảm giác như Inside Out 2 là bước thụt lùi về một số mặt.

review-inside-out-2 (19)
Độ hoàn chỉnh không bằng Inside Out 1 nhưng tác phẩm vẫn được lòng khán giả với điểm đánh giá cao trên IMDb - Ảnh: chụp màn hình

Dẫu vậy, phim vẫn tạo nên những trải nghiệm điện ảnh đáng xem với hình ảnh lung linh, sự hài hước của nhân vật, của tình tiết và những bài học đáng quý về tâm, tính con người. Ngoài tính giải trí, Inside Out 2 sẽ giúp kết nối phụ huynh và con cái, phần nào giúp người lớn hiểu được những lo lắng, suy tư của trẻ nhỏ trong giai đoạn dậy thì.

Inside Out 2 khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc kể từ ngày 14/6/2024. 

Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.