Từ lâu, con người đã tạo những kịch bản loạn lạc qua văn học và điện ảnh, nhằm khám phá những tương lai đầy bi kịch hoặc tuyệt vọng.
Mary Shelley, trong tác phẩm The Last Man (1826), vẽ ra bức tranh ảm đạm về châu Âu, khi nơi này bị một đại dịch hạch tàn phá vào thế kỷ 21.
Sau đó, vào năm 1927, Fritz Lang tạo nên Metropolis, phim khoa học viễn tưởng mở ra cuộc phê phán về sự phân chia giai cấp trong xã hội công nghiệp hóa.
Năm 2011, Charlie Brooker mang đến Black Mirror, series truyền hình làm nổi bật những nguy cơ của công nghệ hiện đại và mối đe dọa mà chúng có thể gây ra đối với nhân loại.
Đến cuối năm 2024, một phiên bản với màu sắc tương tự, mang đậm ảnh hưởng của Black Mirror, do Thái Lan sản xuất, với tên gọi Tomorrow And I được phát hành.
Được sáng tạo bởi Paween Purijitpany, series này khai thác những chủ đề quen thuộc như nhân bản, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo, nhưng điều đặc biệt là tác phẩm cũng đi sâu vào những vấn đề mà Black Mirror chưa đề cập đúng mức, chẳng hạn như tôn giáo.
Cốt truyện của Tomorrow And I có sự khác biệt rõ rệt so với những tác phẩm tương tự, không chỉ nhắm đến các vấn đề công nghệ mà còn mở ra cuộc đối thoại về văn hóa, xã hội và giá trị nhân văn trong bối cảnh thế giới hiện đại.
Series dài 4 tập với 4 chủ đề khác nhau được đạo diễn Goff Paween Purijitpanya sáng tạo dựa trên nỗi băn khoăn: "Liệu tư tưởng truyền thống của Thái Lan có còn phù hợp với thế giới hiện đại?"
Black Sheep - Tình yêu và giới tính
Tập đầu tiên, Black Sheep, mở ra với câu chuyện của Noon (do Ink Waruntorn Paonil thủ vai), nữ phi hành gia đầu tiên của Thái Lan, đang thực hiện nghiên cứu tạo ra các cơ quan nhân tạo trong không gian.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh kéo dài ba năm trên trạm vũ trụ, Noon gặp tai nạn trong hành trình trở về Trái Đất và qua đời. Lúc này, Nont (Boy Pakorn Chatborirak), chồng của Noon, trong nỗi đau khôn xiết quyết định sử dụng công nghệ nhân bản để mang Noon trở lại. Tuy nhiên, quyết định của anh bị gia đình Noon phản đối và Nont phải đánh cắp thi thể của vợ để tiến hành thực hiện mục đích của mình.
Trong Black Sheep, việc nhân bản là cuộc đấu tranh với đạo đức và cái chết. Sự sáng tạo trong khoa học và công nghệ, như việc tạo ra cơ quan nhân tạo trong không gian hay việc chuyển giao ký ức, mở ra những câu hỏi về sự tồn tại của con người, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Trong bối cảnh này, sự ra đời của Noon dưới hình thức một bản sao không chỉ là phép thử về khả năng của khoa học mà còn là màn đối mặt với các giới hạn đạo đức.
Thông điệp về giới tính và bản sắc cá nhân cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong Black Sheep. Tập này đặt câu hỏi: Liệu quan điểm về sự đa dạng giới tính tại Thái Lan trong tương lai có thay đổi?
Trong quá trình nhân bản Noon, Nont gần như chết lặng khi phát hiện vợ có thể chỉ cưới mình để làm hài lòng cha, người luôn phản đối giới nam trong cô.
Từ Noon, Black Sheep gợi mở bi kịch, những áp bức mà cộng đồng LGBT phải đối mặt trong xã hội Thái Lan. Không phải ai cũng được người thân ủng hộ xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình, không phải ai cũng có can đảm để sống thật với mình. Vì bị gia đình, xã hội ràng buộc mà họ phải giấu nhẹm con người thật, sống vì người khác.
Tập phim Black Sheep nhấn mạnh rằng, trong một thế giới nơi mà công nghệ có thể tạo ra con người nhân tạo, sự tự do trong việc xác định giới tính và bản sắc cá nhân là điều không kém phần quan trọng.
Nhìn vào Noon, cô không phải là một phụ nữ muốn trở thành đàn ông, mà là một phụ nữ muốn được là chính mình, không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu xã hội hay giới hạn của cơ thể. Thông điệp này được thể hiện rõ nhất ở đoạn kết phim, khi nam diễn viên Gee Sutthirak Subvijitra trong vai bác sĩ Noon với mái tóc dài đầy ẩn ý xuất hiện.
Lời chỉ trích về sự giả dối và một xã hội bảo thủ - Paradistopia
Paradistopia lấy bối cảnh tương lai, xoay quanh chủ đề thách thức và gây tranh cãi là vấn nạn mại dâm.
Nhân vật chính trong tập này là Jessica (Violette Wautier), con gái của gái mại dâm. Cô lớn lên trong thành phố Gamalore, trung tâm của ngành công nghiệp người lớn tại Thái Lan.
Với tài năng xuất sắc, Jessica tốt nghiệp tại một ngôi trường danh giá và sau đó thành lập công ty khởi nghiệp có tên ParadiseX. Công ty của Jessica chuyên sản xuất robot tình dục để thay thế con người trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, ý tưởng của cô vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người bảo thủ. Đây là nút thắt chính của phim, khi Jessica phải đối mặt với những áp lực từ xã hội.
Tính cách mạng trong Paradistopia không chỉ thể hiện ở việc tạo ra công nghệ mới mà còn từ việc Jessica thách thức các giá trị xã hội truyền thống. Cô không chỉ muốn thay đổi cách mọi người nhìn nhận về tình dục mà còn muốn khơi dậy cuộc đối thoại công khai về ngành công nghiệp người lớn, một chủ đề mà xã hội vốn dĩ rất ngại thảo luận.
Sự phản đối của người dân Thái Lan trong phim về các sản phẩm của Jessica phản ánh cuộc chiến về sự giả dối của con người. Ai cũng có nhu cầu, tuy nhiên, họ không dám đứng lên thừa nhận. Ngoài mặt chỉ trích, nhưng đằng sau ống kính, họ tích cực sử dụng sản phẩm của nữ chính, thậm chí sản sinh ra những nhu cầu chạm đến những giới hạn đạo đức.
Bên cạnh đó, Paradistopia còn đặt ra thách thức về lòng tham của con người khi đứng trước tiền tài.
Thời thơ ấu, Jessica từng bị khách hàng của mẹ lạm dụng. Chính nỗi đau này đã hình thành trong cô lòng thù hận và quyết tâm thay đổi thực trạng, thúc đẩy cô nghiên cứu và phát triển robot tình dục sau khi du học nước ngoài.
Mục đích của Jessica giai đoạn đầu là nâng tầm ngành công nghiệp người lớn cũng như bảo vệ trẻ em khỏi bi kịch tương tự cô từng trải qua khi còn nhỏ.
Qua thời gian, mục đích của Jessica dần thay đổi, cô đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Những sản phẩm của ParadiseX đều đánh vào nhu cầu của khách hàng, theo góc độ báng bổ các chuẩn mực đạo đức và xã hội.
Jessica muốn bảo vệ trẻ em, nhưng đến cuối cùng, người dùng của cô lại hướng đến sản phẩm có độ tuổi nhỏ.
Buddha Data - Tu sĩ cũng là con người
Tôn giáo vốn là chủ đề nhạy cảm, ít có nhà làm phim nào mạo hiểm khai thác bởi nếu "sai một li đi một dặm".
Tập thứ ba của Tomorrow And I, Buddha Data, không chỉ xoáy vào chủ đề tôn giáo, mà còn sáng tạo, khai thác qua lăng kính công nghệ, mở ra câu hỏi: Liệu AI có thể thay thế vai trò của các vị sư trong việc giảng dạy Phật pháp?
Buddha Data tiếp tục lấy bối cảnh hiện đại, nơi mà mọi thứ đều có thể được số hóa và tối ưu hóa bằng công nghệ. Lúc này, tôn giáo được chuyển hóa thành hệ thống có thể đo lường, theo dõi và thậm chí trao thưởng bằng điểm số.
ULTRA, một hệ thống AI được phát triển bởi Neo, là sản phẩm của sự sáng tạo trên. Nó không chỉ thu thập và truyền đạt lời dạy của Đức Phật, mà còn trao cho người sử dụng điểm công đức có thể đổi thành các lợi ích vật chất.
ULTRA có vẻ như là công cụ hữu ích cho xã hội, đặc biệt trong bối cảnh giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến những giá trị tôn giáo truyền thống. Dẫu vậy, thông qua ULTRA, Buddha Data đặt ra câu hỏi liệu những hành động thiện lành này có thực sự phản ánh đúng tinh thần của Phật giáo, hay chúng chỉ là những hành động lợi dụng và vật chất hóa những giá trị tâm linh?
Trong khi ULTRA được Neo tạo ra với mục tiêu "hiện đại hóa" Phật giáo, để phù hợp với xã hội tiêu dùng hiện đại. Phía ngược lại, nhà sư Anek (MacDonald Ray) cho rằng ULTRA là sự phỉ báng đối với giáo lý Phật giáo.
Chính vì những nhận định ngày càng lệch lạc của xã hội về Phật giáo, Anek và cậu bạn Atom, một kỹ sư AI, đã tạo ra hệ thống AI mang tên iBuddha, nhằm duy trì các phương pháp giảng dạy truyền thống của Phật giáo.
Với quan niệm Phật giáo không thể đơn giản hóa hay vật chất hóa bằng một hệ thống điểm số, Anek tạo nên sản phẩm công nghệ mà anh cho rằng sự giảng dạy chân chính từ một người có đạo hạnh (tức thầy của anh), có thể dẫn dắt tín đồ giác ngộ.
Nỗ lực của Anek thực ra rất đáng nghi nhận. Thế nhưng, tham vọng về lối giảng dạy hợp thời đại khiến anh đánh mất đạo hạnh khiêm tốn, nhún nhường mà một Phật tử cần có. Tham vọng đó khiến Anek quên rằng, thầy của anh cũng là con người.
Dù đã giác ngộ thì những suy nghĩ phàm tục trong quá khứ của thầy Anek vẫn còn đó. Phần ký ức không ngờ đó là đòn chí mạng, khiến Anek phạm phải sai lầm lớn và bị người dùng quay lưng.
Thông qua câu chuyện về cuộc đối đầu giữa ULTRA và iBuddha, Tomorrow And I không chỉ thể hiện thông điệp về sự xung đột giữa truyền thống và hiện đại, giữa công nghệ và tôn giáo mà còn mời gọi người xem suy ngẫm về những giá trị cốt lõi của tôn giáo, của người tu hành trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Octopus Girl - Câu chuyện tầm vóc toàn cầu dưới lăng kính trào phúng
Tập cuối cùng, Octopus Girl, trong Tomorrow And I là câu chuyện về hai đứa trẻ, Kalapangha (Wanichaya Pornpanarittichai) và Mook (Tangkwa Chananticha Chaipa), khi thế giới đang phải chịu đựng trận mưa kéo dài suốt hai năm do tác động của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, dịch bệnh xuất hiện, đe dọa sự sống của loài người.
Để giải quyết tình trạng cấp bách, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát triển một loại vaccine mang tên AquaVac, có thể giúp con người sống sót trong môi trường nước nhưng đổi lại, họ phải chấp nhận một hệ quả là mọc ra các xúc tu giống như bạch tuộc.
Chủ đề của tập phim này không mới – xoay quanh vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên và bất công xã hội – nhưng cách mà bộ phim xử lý những vấn đề tạo nên góc nhìn khá đặc biệt về xã hội hiện đại.
Kalapangha và Mook lớn lên trong khu ổ chuột nghèo khó của Bangkok. Khi mà phần lớn cư dân trong thành phố đã di cư lên các khu vực cao hơn để tránh lũ, gia đình hai đứa trẻ vẫn phải vật lộn để sinh tồn trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.
Mặc dù vậy, hai đứa trẻ không từ bỏ hy vọng mà cố gắng thay đổi cộng đồng của mình, tìm kiếm cơ hội để thoát khỏi tình trạng bế tắc bằng cách tham gia vào cuộc thi hát.
Tập phim Octopus Girl phê phán một xã hội mà ở đó những người nghèo, những người bị bỏ lại phía sau luôn phải vật lộn để tồn tại, trong khi những người giàu có và quyền lực thì tìm cách bảo vệ bản thân bằng những giải pháp tạm thời nhưng đầy bất công.
Bằng cách đưa vào yếu tố vaccine AquaVac, bộ phim phản ánh cách thức xã hội phân chia giàu nghèo. Đồng thời, phim cũng phản ánh sự thay đổi sinh lý học của con người, tượng trưng cho những biến đổi không thể tránh mà con người phải đối mặt khi không thay đổi cách sống của mình.
Octopus Girl cũng chỉ ra vấn đề mang tính châm biếm rằng, con người đang tự đưa mình vào thế xoay vòng. Biến đổi khí hậu là kết quả do con người gây ra, nhưng thay vì ngăn chặn, con người lại tìm cách ứng biến với hậu quả của thiên tai. Giống như tình tiết ở cuối phim, khi mưa bão và ngập lụt qua đi, con người lại đối mặt với "thành quả" mới do mình tạo ra, đó là sự nóng lên toàn cầu.
Nhìn chung, Tomorrow And I tập hợp các ý tưởng hay. Không phải lúc nào các vấn đề đặt ra cũng được phát triển đủ để làm cho các tập phim trở nên đáng nhớ. Tuy nhiên, loạt phim này hoàn toàn có khả năng đứng vững và tạo được sức hút theo cách riêng với các ý tưởng thời đại cùng cách đầu tư chi tiết vào hình ảnh.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.