Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hương Thanh Hẹn Ở Sài Gòn cùng Đức Trí, Nguyen Le và Franck Tortiller

(VOH) - Trở lại sân khấu quê nhà sau khoảng thời gian hoạt động ngoại quốc, Hương Thanh mang đến một đêm nhạc đầy cảm xúc với những bản dân ca phối jazz ấn tượng.

Tối 18/3, đêm nhạc Music de Salon lần thứ 4 với chủ đề Hương Thanh Hẹn Ở Sài Gòn đã chính thức được diễn ra tại nhà hát VOH Music One, TPHCM. Xuất hiện cùng "sứ giả nhạc dân tộc" - Hương Thanh trong buổi biểu diễn còn có những cái tên như: Đức Trí, Nguyên Lê, Franck Tortiller, Patrice Heral, Kengo Saito và Thanh Tân, đây đồng thời cũng là những người sẽ hỗ trợ nữ danh ca trong xuyên suốt buổi biểu diễn.

Gần 20 năm kể từ lần biểu diễn đầu tiên cùng nhau tại quê nhà, đây là lần hạnh ngộ thứ hai của bộ đôi Hương Thanh và Nguyên Lê. Họ là những nghệ sĩ có công mang âm nhạc truyền thống Việt Nam ra ngoài biên giới, đến với khán giả châu Âu, đặc biệt là Pháp. Hẹn ở Sài Gòn cũng là dịp hiếm hoi cặp đôi nghệ sĩ kề vai sát cánh với nhau sau album chung cuối cùng Fragile Beauty (phát hành 2007). 

Hương Thanh Hẹn Ở Sài Gòn cùng Đức Trí, Nguyen Le và Franck Tortiller 1
Music de Salon - Hương Thanh Hẹn Ở Sài Gòn show - Ảnh: Internet

Mở đầu đêm nhạc, Hương Thanh tâm sự: "Tôi hát dân ca ba miền trước hết là để trở về cội nguồn, tìm lại nguồn gốc của mình. Hôm nay, tôi hãnh diện khi đứng trên sân khấu, hát cho chính khán giả quê nhà". Sau hành trình dài phiêu lưu, đứa con nào cũng mong muốn được trở về cội nguồn nơi "chôn rau cắt rốn", dù chỉ lưu trú ít lâu với một buổi giao lưu âm nhạc nhẹ nhàng nhưng cũng đã quá đủ để nghệ sĩ lẫn khán giả cảm nhận được nhau.

Đêm nhạc được chia ra thành 3 phần với tổng cộng 15 bài hát được thể hiện. Trong đó nhiều bài được nhạc được phối hiện đại, sôi nổi theo âm hưởng world jazz (jazz pha trộn world music). 

Ca khúc mở màng mang tên Quê Hương Là Gì là một bài hát do Hương Thanh tự sáng tác từ câu hỏi của chính những đứa con mình - được sinh ra và lớn lên tại Pháp. Kế tiếp là những bài hát tiền chiến: Làng Tôi, Khúc Nhạc Dưới Trăng, Đường Lên Sơn Cước… Đây đều là những ca khúc thuộc album Sài Gòn, Saïgon do ghệ sĩ Franck Tortiller sản xuất, hòa âm phối khí.

Cái cách một người Pháp xử lý những ca khúc được mệnh danh là "tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu" thật lạ lẫm, khiến Đức Trí "cảm thấy sốc khi nghe lần đầu" và cũng rất bắt tai khán giả tại đêm diễn.

Hương Thanh Hẹn Ở Sài Gòn cùng Đức Trí, Nguyen Le và Franck Tortiller 2
Hương Thanh thăng hoa cùng những bản dân ca "kiểu mới" trong tiếng vỗ tay của khán giả - Ảnh: Internet

Ở phần hai, ban nhạc rời sân khấu, còn lại Hương Thanh và Đức Trí (anh chuyển từ piano sang chơi đàn tỳ bà và đàn kìm) cùng sự xuất hiện của nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Bộ ba mang đến những giai điệu như: Lý Qua CầuLý Trăng SoiLý Tình Tang và Ngũ Điểm Bài Tạ. Ở phần này khán giả hưởng ứng nhiệt tình, những tràn vỗ tay liên tục được ngân vang, Hương Thanh thật sự đã chạm được đến trái tim của những con người đang có mặt tại khán phòng.

Cuối chương trình Hương Thanh quay về những bài hát quen thuộc như: Thỏa Nỗi Nhớ Mong, Mời Trầu, Trống Cơm, Dạ Cổ Hoài Lang, Lý Ngựa Ô. Đây cũng là khoảnh khắc mà các nhạc công được thể hiện tài nghệ của bản thân bằng những phần solo điêu luyện, đẳng cấp. 

Hơn 2 giờ đồng hồ biểu diễn, nghệ sĩ Hương Thanh vẫn vô cùng rạng ngời, không giấu được niềm vui trên gương mặt. Bà xúc động nói: "Một khán giả thích nghe mình đã mừng, đàng này cả rạp hát khán giả ngồi xem đến phút cuối là quá hạnh phúc".

Từ Pháp về nước làm show, ca sĩ xúc động hồi tưởng năm tháng được tiếp xúc với âm nhạc cổ truyền. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi truyền thống, Hương Thanh được truyền cảm hứng hát dân ca từ cha - nghệ sĩ cải lương Hữu Phước và chị gái Hương Lan. Tám tuổi, Hương Thanh bước lên sân khấu làm đào hát, từ đó tình yêu cổ nhạc ngấm vào máu thịt. 

Hương Thanh Hẹn Ở Sài Gòn cùng Đức Trí, Nguyen Le và Franck Tortiller 3
Ảnh: VNExpress

Năm 1996, chị kết hợp Nguyên Lê - nghệ sĩ Pháp gốc Việt - trong album nhạc jazz - Tales from Vietnam. Album nhận nhiều lời khen của các tạp chí trên thế giới, đoạt nhiều giải thưởng ở châu Âu. Năm 1999, nghệ sĩ ra album đầu tiên - Moon and Wind - do Nguyên Lê thực hiện.

Năm 2007, bà nhận giải Prix Musiques du Mondedo đài phát thanh France Musique trao tặng vì đóng góp cho âm nhạc truyền thống. Những năm về sau, nữ nghệ sĩ tiếp tục phát hành nhiều dự án dân ca và hoạt động nghệ thuật, bà nhận được sự ủng hộ, yêu thích từ đông đảo khán giả trên khắp nơi.

Cùng VOH Giải trí cập nhật những thông tin show nhanh nhất tại chuyên mục tin show nhé!

Bình luận