Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ý nghĩa 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân Việt Nam

(VOH) - Trong vô vàn di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng công an nhân dân Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo xây dựng, rèn luyện lực lượng Công an nhân dân “tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với Nhân dân”. Những lời dạy sâu sắc, quý báu của Người mà điển hình là 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt lực lượng Công an nhân dân làm nên những chiến công to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. 

1. Nội dung 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Hiện nay, một số người vẫn nhầm rằng có 5 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Tuy nhiên, căn cứ theo những ghi chép từ lịch sử, Bác Hồ dạy Công an nhân dân 6 điều vô cùng quý báu mà cho đến nay và mãi về sau vẫn luôn là mục tiêu phấn đấu của toàn thể lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ vai trò quan trọng của lực lượng Công an nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, độc lập của dân tộc. Ngày 11/3/1948, trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII, về “Tư cách người công an cách mệnh”, Bác Hồ đã nêu rõ những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng phải có là: 

"Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo".

6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành kim chỉ nam cho quá trình công tác, hoạt động chiến đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Những lời răn dạy của Người vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Bác đã khái quát nên hình mẫu chuẩn mực của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thống nhất với chuẩn mực về tư cách, đạo đức của người đảng viên cộng sản.

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 1
Các cán bộ chiến sĩ bảo vệ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang vinh dự chụp ảnh cùng Bác

2. 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân ra đời vào hoàn cảnh nào?

Từ ngày 25 đến ngày 29/1/1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Tuyên Quang đã phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong toàn lực lượng Công an nhân dân. 

Hưởng ứng phong trào này, các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an đã phấn đấu thi đua, nhiệt huyết trong công tác, chiến đấu, rèn luyện đạo đức, lối sống. Song song với đó, trên mặt trận tư tưởng, các đơn vị công an cũng ra nội san nhằm tuyên truyền giáo dục chính trị, huấn luyện nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, tờ Nội san “Bạn dân” của Công an Khu XII là một trong những nội san tiêu biểu nhất trong công tác tuyên truyền về phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”.  

Sau khi dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, Giám đốc Sở Công an Khu XII lúc này là đồng chí Hoàng Mai đã viết thư kính gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ Nội san “Bạn dân” số Tết Mậu Tý (1948). 

Trong thư, đồng chí Hoàng Mai báo cáo với Bác về chiến thắng Thu – Đông năm 1947; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho cán bộ, chiến sĩ Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an.

Đáp ứng nguyện vọng này, ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai để nói về “Tư cách người công an cách mệnh”, trong đó có 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. 

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 2
Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, ngày 11/3/1948

3. Ý nghĩa sâu sắc của 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tuy ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của Công an nhân dân Việt Nam.

3.1 Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Đây là những phẩm chất không thể thiếu, luôn phải được đặt lên hàng đầu với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Trong đó:

3.1.1 Cần 

Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải làm việc một cách cần mẫn, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm và tỉnh táo; đồng thời phải xây dựng một ý chí vững chắc, chủ động khắc phục mọi khó khăn, không ngại hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

3.1.2 Kiệm 

“Kiệm” là tiết kiệm cả về thời gian, tài sản của mình và của Nhân dân. Yêu cầu cơ bản của tiết kiệm là làm việc có chi tiêu, có kế hoạch, không lãng phí, xa hoa, phô trương trong mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu chống tội phạm; đồng thời cần không ngừng chống lại thói xa hoa, tham ô, lãng phí. 

3.1.3 Liêm

“Liêm” chính là liêm khiết, trong sạch, không lạm dụng của công, không tham lam địa vị, quyền lực, tiền tài. Đây là phẩm chất đạo đức quan trọng, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

3.1.4 Chính

“Chính” là không tà, là thẳng thắn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cán bộ, chiến sĩ công an chính trực là người “việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh”. Lực lượng Công an nhân dân cần: phải biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải; tránh những việc trái với lợi ích của nhân dân.

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 3
Lực lượng Công an nhân dân bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I, ngày 02/3/1946

3.2 Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Trong hàng ngũ những người cách mạng, tình đồng chí, đồng đội rất thiêng liêng, keo sơn, gắn bó với nhau hợp thành sức mạnh của tổ chức. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện. Đây cũng là truyền thống quý báu của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. 

3.3 Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công an nhân dân muốn hoàn thành nhiệm vụ thì trước hết phải tuyệt đối trung thành với Đảng”; “đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”. Đây không chỉ là truyền thống quý báu của lực lượng Công an nhân dân mà còn là bản chất của người chiến sĩ công an cách mệnh. Lòng trung thành với Đảng của người cán bộ, chiến sĩ công an được hình thành trên cơ sở giác ngộ lý tưởng cách mạng, tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu nghề; đồng thời được hình thành, trau dồi và tôi luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu. 

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đơn vị bảo vệ cơ quan Trung ương tại Việt Bắc, năm 1954

3.4 Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép

Lực lượng Công an nhân dân từ dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Do đó, cán bộ, chiến sĩ công an phải gần dân, kính trọng và lễ phép với nhân dân. Điều này được biểu hiện qua sự tôn trọng, gần gũi bảo vệ, chăm lo lợi ích cho dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ những trăn trở, bức xúc trong nhân dân. Đây là tiền đề để xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với lực lượng công an. 

3.5 Đối với công việc, phải tận tụy

Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần tận tụy trong công việc thể hiện ở đức tính bền bỉ, chủ động, sáng tạo, không ngại khó, không ngại khổ, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Hiệu quả trong công việc, sản xuất, chiến đấu và trong công tác chính là thước đo sự tận tụy của cán bộ, chiến sĩ công an.

3.6 Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo

Cương quyết và khôn khéo là vũ khí sắc bén, là nguyên tắc, phương châm hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Để hình thành được phẩm chất, năng lực này, mỗi cán bộ chiến sĩ công an cần xây dựng cho mình bản lĩnh chiến đấu, lập trường kiên định, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức để gày càng trưởng thành trong công tác.

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 5
Lực lượng Công an nhân dân bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác từ Thái Nguyên đến Tuyên Quang, ngày 07/10/1947

4. Đẩy mạnh thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân trong thời kỳ mới

Qua 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, có thể thấy rõ tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Người dành cho lực lượng công an. Ngày nay, những lời chỉ dạy của Bác được triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc; đồng thời trở thành một phong trào thi đua lớn trong toàn lực lượng Công an nhân dân. 

Trong thời kỳ mới, đất nước ta nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng cùng những lời chỉ dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để xứng đáng trở thành “công cụ tin cậy của Đảng, vũ khí sắc bén của Nhà nước và là con em yêu quý của Nhân dân”.

Việc tổ chức học tập, tích cực rèn luyện, thi đua, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy chính là hành động thiết thực của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 6
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị tại lớp Công an Trung cấp khóa 1, tháng 5/1950

5. Hình ảnh Bác Hồ với bộ đội, với Công an Nhân dân

Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những hình ảnh rất đỗi gần gũi, bình dị của Bác với bộ đội và Công an Nhân dân.

Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 7
Bác Hồ quan sát trận địa ở chiến dịch Biên giới 1950
Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 8
Bác Hồ ăn cơm cùng bộ đội Hải quân tàu 154 trong chuyến thăm Vịnh Hạ Long năm 1959
Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 9
Bác Hồ trao huy hiệu cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Công an nhân dân vũ trang tại Đại hội mừng công ngày 21/12/1965
Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 10
Bác Hồ chơi bóng chuyền với các cán bộ chiến sĩ bảo vệ ở chiến khu Việt Bắc, thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Tìm hiểu về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 11
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập năm 1957

Suốt 74 năm qua, 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc. Nhớ lời Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an luôn phấn đấu hết mình, tích cực rèn luyện, học tập, làm việc tốt nhất để hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “trung với Đảng, hiếu với dân”.

Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận