Tiêu điểm: Nhân Humanity

64 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về ăn trộm

VOH - Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về ăn trộm phê phán thói hư tật xấu trong xã hồi, đồng thời khuyến khích lối sống trung thực, ngay thẳng. 

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ là kho tàng trí tuệ của nhân dân, truyền đạt kinh nghiệm sống, đề cao giá trị con người và đạo lý làm người. Đồng thời lên án hành vi sai trái và gửi gắm nhiều bài học sâu sắc. Trong đó, ca dao, tục ngữ, thành ngữ về ăn trộm được VOH tổng hợp dưới đây không chỉ phê phán thói hư tật xấu, mà còn dùng hình ảnh này để ẩn dụ hoặc phản ánh hoàn cảnh xã hội. 

Thành ngữ, tục ngữ về ăn trộm

Tuy ngắn gọn nhưng những câu thành ngữ, tục ngữ về ăn trộm sau vừa chỉ trích hành vi sai trái, vừa thể hiện góc nhìn sâu sắc của cha ông ta về đạo đức và cách ứng xử trong đời sống. 

  1. Ăn quen chầy ngày phải mắc. 
    (Chầy ngày: lâu ngày)
    → Ăn vụng ăn trộm lâu ngày thế nào cũng bị bắt.
  2. Ăn trộm chiêng, không dám đánh.
    → Làm việc vụng trộm nên không dám đàng hoàng.
  3. Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích.
    (Tang: vật làm chứng cho việc làm sai trái phi pháp; Tích: dấu vết để lại.)
    → Kẻ xấu, làm những chuyện xấu có chứng cứ đàng hoàng.
    → Có chứng cứ cụ thể mới quy tội lỗi cho người ta được.
  4. Dâm vô tang, đạo vô tích.
    (Đạo: đạo tặc, trộm cắp.)
    → Nghĩa đen: Dâm đãng không có tang chứng, trộm cắp không có dấu vết.
    → Nghĩa bóng: Không có tang chứng cụ thể (thì cũng chẳng làm gì được).
  5. Bé ăn trộm gà, cả ăn trộm trâu, lâu lâu làm giặc / Bé ăn trộm gà, già ăn trộm bò. 
    (Cả: lớn.)
    → Không nên coi thường một lỗi nhỏ, cần đề phòng hậu quả lớn hơn.
    → Răn đe trẻ mới mắc phải thói hư.
  6. Chỉ đường cho mọi ăn trộm trâu / Đọc đàng cho mọi ăn trộm trâu / Vẽ đường cho hươu chạy.
    → Bày vẽ, bao che, tạo điều kiện cho kẻ khác làm điều xấu.
  7. Cơ hàn khởi đạo tâm.
    (Cơ: đói; Hàn: rét; Khởi: dấy lên; Đạo: ăn trộm; Tâm: lòng dạ, tâm địa.)
    → Đói rét quá sinh lòng trộm cắp.
  8. Đào tường khoét ngạch / Đào tường khoét vách.
    → Hành động để ăn trộm.
  9. Đừng chui vụng vườn rau, chớ ăn trộm vườn dưa. 
    → Phải ăn ở ngay thật, không được tắt mắt của người khác.
  10. Nhờ thầy tăng ăn trộm.
    (Thầy tăng: thầy tu, người đàn ông xuất gia tu hành theo đạo Phật, chỉ làm điều thiện.)
    → Nhờ cậy không đúng người, phản tác dụng.
voh-ca-dao-tuc-ngu-ve-an-trom
Ảnh: Canva
  1. Đá cá lăn dưa.
    (Đá con cá văng đi xa rồi tới bắt, lăn trái dưa ra khỏi hàng rồi ôm đi.)
    → Hành động của bọn lưu manh trộm cắp.
  2. Gà gáy canh một hoả tai, gà gáy canh hai đạo tặc.
    → Người xưa cho rằng, gà gáy vào canh một là báo hiệu điềm cháy nhà, gà gáy vào canh hai là báo có trộm cắp, theo mê tín.
  3. Phú quý sinh lễ nghĩa, cơ hàn khởi đạo tâm / Bần cùng sinh đạo tặc, cơ hàn khởi đạo tâm / Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc.
    → Ảnh hưởng của hoàn cảnh vật chất đối với con người: cuộc sống đầy đủ, sung sướng khiến cho con người giữ được đạo đức
    → Đói rách, khổ sở cùng cực dễ sinh lòng trộm cắp, đẩy người ta vào con đường bất chính.
    → Giàu sang, có tiền của, có điều kiện thì hay bày vẽ nhiều chuyện phiền phức, cầu kỳ, tốn kém.
  4. Quan viên Tháng Giêng, tuần phiên Tháng Mười.
    (Quan viên: người có địa vị ở làng xã, được miễn phu phen tạp dịch; Tuần phiên: người dân được cắt phiên làm công việc tuần phòng ở xã thôn thời phong kiến.) → Cương vị xã hội thay đổi nhanh chóng.
    → Tháng Giêng hay có hội hè đình đám, quan viên được mời nhiều; Tháng Mười cuối năm, trộm cắp nhiều, tuần phiên vất vả.
  5. Trộm cắp như rươi / Trộm cướp như ong / Trộm cướp như rươi.
    (Rươi: giun đốt, thân có nhiều tơ nhỏ, vào mùa sinh sản nổi từng đám đông đặc ứ vùng nước lợ.) 
    → Trộm cắp rất nhiều, tình cảnh xã hội rối ren, loạn lạc.
  6. Trộm chẳng vật, vật thầy tu / Giặc chẳng bắt, bắt thầy tu / Trụi chẳng vật, vật thầy tu / Vật trụi không được, vật thầy tu.
    → Không trừng trị kẻ có tội lại đánh vào kẻ vô tội, không làm gì được người khoẻ lại đi bắt nạt kẻ yếu.
  7. Ăn cướp cơm chim / Ăn chặn cả cơm chim.
    (Cơm chim: phần cơm rất ít ỏi, đáng cho chim ăn.) 
    → Nhẫn tâm, ăn cả phần nhỏ nhoi dành cho kẻ yếu đuối, thiếu thốn.
  8. Ăn trộm ăn cướp thành phật thành tiên, đi chùa đi chiền bán thân bất toại.
    (Bán thân bất toại: Bị liệt nửa người.)
    → Những người ăn trộm ăn cướp thì được giàu có sung sướng như Phật như tiên. Những người mộ đạo chăm chỉ lễ bái thì lại gặp phải những bệnh tật khổ não.
    Câu này nêu thực trạng xã hội ngụ ý phàn nàn xã hội bất công, không trừng trị những kẻ có tội, không nâng đỡ những người làm lành.
    → Cũng có thể giảng, kẻ trộm kẻ cướp mà biết ăn năn hối lỗi chừa điều dữ làm việc lành, thì thành Phật thành tiên ngay. Còn những người ngày ngày vẫn đi chùa đi chiền lễ bái nhưng bụng dạ tham lam độc ác, làm bậy làm xằng, thì lễ bái lại phải tội thêm.
  9. Bảy ngày tìm ra anh hào, một ngày vào nhà kẻ cướp.
    → Tìm người tài giỏi thì khó, gặp kẻ xấu thì dễ.
  10. Chợ chưa họp kẻ cắp đã đến / Làng chưa ăn, lằng đã tới / Chợ chưa họp kẻ cướp đã tới.
    → Chủ nhà chưa chuẩn bị xong, chưa khởi sự công việc thì người ngoài đã tới nhòm ngó, quấy nhiễu.
  11. Chứa tiền chứa thóc thì giàu, chứa thằng ăn cướp mất đầu như chơi. 
    → Không nên chứa chấp kẻ phạm pháp, kẻ làm ăn bất chính.
  12. Cướp quan thì tha, cướp ma thì bắt.
    → Dưới chế độ phong kiến, kẻ có quyền thế làm việc xấu được lờ đi, kẻ không có quyền hành gì lại bị trừng trị.
  13. Đầu trộm đuôi cướp.
    → Kẻ chuyên nghề trộm cướp, lừa đảo.
  14. Kẻ cướp la làng / Vừa ăn cướp vừa la làng / Vừa đánh trống, vừa ăn cướp.
    → Chính mình làm bậy nhưng lại bù lu bù loa để lấp liếm, làm ra vẻ người khác hại mình.
  15. Chó ngao đạo Chích sủa vua Nghiêu / Ai bênh chúa nấy.
    (Đạo chích: kẻ trộm chuyên nghiệp; Vua nghiêu: Vị vua nổi tiếng hiền đức.)
    → Ai cũng bênh vực chủ của mình chẳng kể người đó tốt hay xấu.
  16. Gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn / Gần nhà giàu đau răng ăn cốm, gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn / Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm, ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn.
    → Gần nhà giàu hay gặp những chuyện bực mình (như người đau răng mà phải nhai cốm), gần kẻ xấu dễ bị vạ lây.
    → Cần chọn láng giềng tốt mà quan hệ.
  17. Giàu nhìn ngõ, khó nhìn sân. 
    (Ngõ: cổng, lối vào sân nhà; Sân: khoảng trống trước cửa nhà, dùng để phơi hong các loại hoa màu mới thu hoạch về.)
    → Nhìn sân ngõ biết được nhà giàu hay nghèo (nhà giàu cổng ngõ xây cất rào giậu chắc chắn đề phòng trộm cắp; nhà nghèo cổng ngõ sơ sài, sân đất cỏ mọc không có thóc lúa hoa màu phơi hong).
  18. Mất bò mới lo làm chuồng / Hổ vồ lợn mới lo làm chuồng / Mất dê rồi mới sửa chuồng / Mất trộm mới rào giậu.
    → Không biết lo liệu đề phòng trước, để việc đã hỏng rồi mới bổ cứu, đối phó.
  19. Nghèo ngáy sâu, giàu lâu ngáy. 
    (Ngáy: thở ra thành tiếng trong khi ngủ.)
    → Nghĩa đen: Người nghèo không lo mất trộm, đặt lưng là ngủ ngon, nhà giàu lo lắng trông coi của cải, khó ngủ.
    → Nghĩa bóng: Cái sung sướng thanh thản của người nghèo.
  20. Người bệnh sợ bụng trướng
    Trộm cướp sợ chiếu tướng.

Ca dao về ăn trộm

Dưới đây là những câu ca dao về ăn trộm mà bạn có thể tham khảo.

  1. Con ơi nhớ lấy câu này,
    Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
    → Câu ca dao tố cáo sự tham lam, độc ác của quan lại thời xưa. Quan được ví với cướp, bởi bọn chúng đều ăn cắp của cải, vật chất của những người dân vô tội.
  2. Những người tí hí mắt lươn
    Trai thời trộm cướp, gái buôn chồng người. 
    → Một kinh nghiệm xem tướng của người xưa.
  3. Người ta đi giáo tiền, giáo gạo,
    Tiểu tôi đi giáo án, giáo nồi,
    Nhà nào công đức thì thôi,
    Nhà nào đi vắng, tiểu tôi giáo bò…
    → Có những kẻ ban ngày lần tràng hạt, ban đêm đi ăn cướp, lại có kẻ giả vờ đi quyên giáo để thừa cơ chủ nhà đi vắng thì ăn trộm ngay giữa ban ngày.
  4. Nửa đêm chó sủa ngõ ngoài
    Coi chừng thằng bẻ bí, bắt gà, bắt heo.
  5. Chó đâu chó sủa lỗ không,
    Không thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.
  6. Chó cắn chẳng cắn chỗ không
    Chẳng thằng ăn trộm, cũng ông ăn mày.
  7. Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
    Ăn trộm bẻ bầu, tôi chẳng dám la.
  8. Có trộm mới đi ăn đêm
    Ai người tử tế ra đường nửa khuya.
  9. Mèo hoang lại gặp chó hoang
    Anh đi ăn trộm gặp nàng nhổ khoai.
  10. Cha đời con gái xứ Đông
    Ăn trộm tiền chồng mua khố cho trai
    Cha đời con gái xứ Đoài
    Ăn trộm tiền mẹ mua khoai cho chồng.
  11. Cấy lúa, lúa trở ra năn,
    Kẻ trộm gặt mất, con ăn bằng gì?
    Con ăn lộc sắn, lộc si,
    Con ăn bằng gì cho đến tháng năm?

Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về ăn trộm không chỉ là lên án hành vi sai trái, mà còn thể hiện trí tuệ sâu sắc của người xưa. Qua từng câu chữ mộc mạc, ông cha ta đã để lại những giá trị đạo đức bền vững, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.

Bình luận