Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ý nghĩa thành ngữ "Đàn gảy tai trâu" là gì?

VOH - Khi nói đến một vấn đề nào đó cho người khác nhưng họ lại không hiểu, không chịu tiếp thu thì ông bà ta hay dùng câu “Đúng là đàn gảy tai trâu”. Vậy đàn gảy tai trâu là gì?

“Đàn gảy tai trâu” là thành ngữ thường được dân gian sử dụng trong đời sống hàng ngày. Câu nói không chỉ mô tả về một hành động mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu về ý nghĩa của thành ngữ “Đàn gảy tai trâu”.

“Đàn gảy tay trâu” là gì?

“Đàn gảy tai trâu” là một thành ngữ gốc Hán, được Việt hóa và sử dụng trong dân gian khi muốn nói đến một vấn đề nào cho người khác nhiều lần mà họ không hiểu, không tiếp thu.

voh-dan-gay-tai-trau-1
"Đàn gảy tai trâu" là thành ngữ gốc Hán được sử dụng trong việt

Nghĩa đen câu thành ngữ có thể hiểu là dùng đàn để gảy (làm nảy dây đàn để rung lên thành âm thanh) cho trâu nghe tiếng. Thế nhưng, trâu lại không biết nghe đàn, nên việc đem đàn đến gảy cho trâu nghe thì chỉ là tốn công phí sức.

Còn theo nghĩa bóng, ý nghĩa thành ngữ “Đàn gảy tai trâu” chính là muốn nói đến những trường hợp dùng lời dạy bảo, khuyên can với người bảo thủ, người “ngu dốt” cũng chỉ là thừa thãi, không có tác dụng gì.

Hai câu thành ngữ có ý nghĩa tương tự như “Đàn gảy tai trâu” là “Nước đổ lá khoai” hay “Nước đổ đầu vịt”. Ngoài ra, Ngạn ngữ Anh cũng cũng có một câu chứa tư duy tương tự chính là “ Water on duck’s back" (Nước đổ lưng vịt).

“Đàn gảy tai trâu” tiếng Trung là gì?

“Đàn gảy tai trâu” vốn là thành ngữ Hán Việt. Trong tiếng Trung câu thành ngữ này được đọc là "Đối ngưu đàn cầm - 對牛彈琴 ". Nguồn gốc của nó xuất phát từ một điển cố Trung Hoa. Câu chuyện được ghi chép trong cuốn Hoằng Minh Tập.Lý hoặc luận như sau:

Vào thời Chiến quốc (475 - 221 TCN) có một nhạc sư lỗi lạc tên Công Minh Nghi, tiếng đàn của ông nổi tiếng là có thể làm lay động lòng người.

Một ngày nọ, Công Minh Nghi ra ngoại thành du ngoạn thì nhìn thấy một con trâu đang gặm cỏ trong tiết xuân gió nhè nhẹ làm rung động những hàng liễu rủ bên đường. Tức cảnh sinh tình, ông liền lấy đàn ra gảy điệu “Thanh giác chi tao” - một khúc nhạc vô cùng tao nhã. Thế nhưng, con trâu ấy vẫn cứ thản nhiên gặm cỏ.

voh-dan-gay-tai-trau
Thành ngữ "Đàn gảy tai trâu" có nguồn gốc từ một điển cố ở Trung Quốc

Nghĩ rằng, khúc nhạc này quá thanh cao, ông liền đổi sang một khúc nhạc dân dã hơn. Tuy vậy, con trâu nghe xong vẫn không có phản ứng gì, tiếp tục thong dong gặm cỏ.

Ông liền vận dụng hết toàn bộ tài nghệ, đàn hết tất cả những bài mà mình giỏi nhất. Tuy nhiên, con trâu vẫn thờ ơ, cúi đầu gặm cỏ như không hề nghe thấy gì.

Cuối cùng, ông đã sử dụng đàn để tạo ra âm thanh của ruồi, muỗi vo ve và tiếng nghé con kêu mừng rỡ, thì con trâu lại dừng lại không gặm cỏ nữa mà dỏng tai chăm chú lắng nghe.

Mọi người xung quanh nhìn thấy liền nói rằng là do con trâu không hiểu nhạc chứ không phải do ông đàn không hay.

Lúc này, Công Minh Nghi nhận ra rằng bản nhạc có hay đến mấy thì con trâu cũng không thể hiểu được, đơn giản là vì nó không nhận thức được, nếu là âm thanh quen thuộc với nó thì mới có thể khiến nó chú ý.

Ý nghĩa sâu xa của thành ngữ “Đàn gảy tai trâu”

Có thể thấy, mỗi câu thành ngữ đều sẽ chứa đựng một ý nghĩa riêng, thành ngữ “Đàn gãy tai trâu” cũng vậy. Câu thành ngữ thường được dùng cho những người không có khả năng tiếp thu, hoặc nói về vấn đề gì mà họ không chịu tiếp thu, không quan tâm đến vấn đề ấy. Hay nói một cách đơn giản là việc giảng đạo lý cao thâm cho người không hiểu đạo lý là chuyện phí công.

Kỳ thực, đây là một câu nói chê bai trí thông minh và sự tiếp thu của người khác, thậm chí nó còn nhắm đến cả trí tuệ của người nói. Cụ thể, chính là khuyên răn người nói trong bất kỳ tình huống nào cũng cần phải xem xét đến đối tượng.

Khi chúng ta muốn đối phương có thể hiểu và tiếp thu tốt điều mình muốn truyền đạt thì trước hết lời nói và việc làm của ta phải phù hợp với đối phương. Bởi trình độ, kiến thức chuyên môn của mỗi người là không giống nhau, cho nên trong cùng một tình huống mỗi người khác nhau sẽ có cách hiểu và nhìn nhận khác nhau. Đôi khi, chính cách diễn đạt của ta cũng là một phần lý do khiến người khác không hiểu được.

Hơn thế, cần nhớ chúng ta có thể giỏi ở phương diện này nhưng không nhất định là giỏi phương diện khác. Nếu mang một thái độ xem thường, hạ thấp người khác khi trao đổi, chẳng hạn như dùng câu “Đàn gảy tai trâu” để nói về người khác là điều tuyệt đối không nên.

Trong cuốn Mưu tử lý hoặc luận có đoạn, khi Mưu Dung giảng về Phật gia cho nho sinh lại thường trích dẫn các câu nói kinh điển của Nho gia để giảng giải và cắt nghĩa điều mình muốn nói.

Khi các nho sinh nghe vậy liền thắc mắc hỏi ông vì sao làm vậy, ông liền nói: “Các ngươi có thể thông hiểu kinh điển Nho gia cho nên ta cần dùng những lời nói của Nho gia để giảng giải. Các ngươi không hiểu về Phật, nếu ta dùng kinh điển Phật gia để giảng trực tiếp, các ngươi nghe không hiểu, thì chẳng phải cũng giống như không giảng gì hay sao?”

Đây là một đạo lý rất hay của người xưa “Tùy theo tài năng đến đâu mà dạy”. Trong một tình huống, nhưng người nghe khác nhau thì ta cần có cách lý giải khác nhau, không thể áp dụng cùng một cách nói cho tất cả mọi người.

Một người thông minh, khéo léo và trí tuệ sẽ biết cách tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể mà dùng cách nói phù hợp. Có lẽ đây chính là ngụ ý sâu xa mà người xưa muốn nhắc đến.

banner-bottom-thuongthuc
 

Áp dụng thành ngữ “Đàn gảy tai trâu” thời hiện đại thế nào?

Trong xã hội hiện đại, “Đàn gãy tai trâu” là một trong những câu thành ngữ được sử dụng rất phổ biến trong đời sống. Thế nhưng, chúng ta tuyết đối không nên đánh đồng tất cả đối tượng nghe là “đàn gãy tai trâu” nếu họ không thể tiếp thu điều chúng ta nói.

Thứ nhất, mỗi người có một tính cách khác nhau, cách suy nghĩ khác nhau. Và những người có quan điểm sống khác nhau thường hay tranh luận với nhau, bởi vì họ đều có lý lẽ riêng mình. Do đó, trong trường hợp ta đưa ra lời nhận xét, khuyên can mà họ không nghe thì cũng không nên quá soi mói hay phán xét. Hãy học cách tôn trọng sự khác biệt từ người khác.

Thứ hai, không chỉ suy nghĩ mà cách nhìn nhận của mỗi người cũng không hề giống nhau. Chúng ta sẽ không thể hiểu được người khác nếu chưa từng trải qua cảm giác của họ. Vậy nên, ta có thể đưa ra lời khuyên nhưng họ sẽ lựa chọn những lời khuyên phù hợp nhất. Còn nếu họ không làm theo, hẳn là những lời khuyên ta đưa ra vốn không phù hợp với họ.

voh-dan-gay-tai-trau-2
Không nên tùy tiện dùng  thành ngữ "Đàn gảy tai trâu" bởi rất dễ làm mất hòa khí đôi bên

Cuối cùng, khi đưa ra lời nhận xét hay khuyên răn một người hãy sử dụng ngôn từ thật khéo léo, đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, bởi sẽ khiến họ khó chịu. Cũng đừng nói họ là “Đàn gảy tai trâu” bởi đây chính là một câu nói có ý chê bai, rất dễ làm mất hòa khí đôi bên.

Vậy nên, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng khi muốn dùng thành ngữ “Đàn gảy tai trâu” để nói về một người. Khi chúng ta chưa thể đánh giá được đúng người, đúng tình huống mà nói họ “đàn gảy tai trâu” chính là một hành đồng vô cùng thiếu lịch sự.

Đừng quên cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận