Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Đủ nếp đủ tẻ” là gì? Bạn đã hiểu đúng dụng ý của người xưa?

VOH - Người ta vẫn thường nói, “Đủ nếp đủ tẻ” hay “Có nếp có tẻ” là gia đình viên mãn. Quan niệm của người xưa được thể hiện thế nào qua câu thành ngữ này?

Với bất kỳ thế hệ nào, tình yêu, hôn nhân, gia đình, con cái… cũng là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm. Kho tàng tri thức dân gian cũng có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ nói về vấn đề này. Song có lẽ “Đủ nếp đủ tẻ” là một trong số ít những câu chuyện “chưa bao giờ cũ”.

“Đủ nếp đủ tẻ” là gì?

Thành ngữ “Đủ nếp đủ tẻ” hay “Có nếp có tẻ” thường được dùng để chỉ những gia đình có đầy đủ cả con trai và con gái. Còn khi đề cập đến các gia đình chỉ có con gái hoặc con trai, người ta thường nói là sinh con một bề.

“Đủ nếp đủ tẻ” là gì? Bạn đã hiểu đúng dụng ý của người xưa? 1
Người ta thường dùng thành ngữ "Đủ nếp đủ tẻ" để chỉ những gia đình có cả con trai và con gái - Ảnh: Canva

Cách nói “Đủ nếp đủ tẻ” này được sử dụng khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. Người xưa cho rằng, “Có nếp có tẻ” nghĩa là có đường con cái đẹp và viên mãn, hạnh phúc. Bởi lẽ, gia đình có cả con trai và con gái được đánh giá là cân bằng, hài hòa.

Quan niệm trong thành ngữ “Đủ nếp đủ tẻ”

Nhắc đến thành ngữ “ Đủ nếp đủ tẻ” chúng ta thường liên tưởng đến tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” - một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Vì vậy, nếu chỉ giải nghĩa thông thường mà không phân tích thì có lẽ sẽ có người không hiểu “Có nếp có thể” là gì, mang nghĩa tích cực hay tiêu cực.

“Nếp” là loại lúa có hạt to, trắng, nấu chín thì dẻo và trong. Gạo nếp được dùng để làm bánh, nấu xôi  - những món ăn thường chỉ xuất hiện vào một số dịp nhất định. Còn “tẻ” là giống lúa cho hạt nhỏ, dài, nấu thì có ít nhựa, được dùng để nấu cơm ăn hàng ngày.

Trên thực tế, “nếp” có phần được coi trọng hơn “tẻ”. Tuy nhiên, trong câu nói “Đủ nếp đủ tẻ” chỉ chuyện có cả con trai lẫn con gái, ông cha ta không hề có ý phân biệt giá trị.

Điều này được thể hiện hết sức khéo léo và ý nhị ở cách sắp xếp “nếp” và “tẻ” trong thành ngữ. Gạo tẻ được dùng thường xuyên, có thể ăn mãi, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của con người nên dù được đánh giá kém hơn chúng cũng không hề tầm thường. Gạo nếp có thể được đánh giá cao hơn về mặt giá trị nhưng chúng ta lại khó có thể ăn mãi không chán như cơm tẻ.

“Đủ nếp đủ tẻ” là gì? Bạn đã hiểu đúng dụng ý của người xưa? 2
Câu nói "Có nếp có tẻ" nhấn mạnh tầm quan trọng, cần thiết của cả con trai lẫn con gái, không mang ý nghĩa phân biệt - Ảnh: Unsplash

Cho nên, “Có nếp có tẻ” ở đây nhấn mạnh vào sự cần thiết của cả hai. Dụng ý của việc để “nếp” trước “tẻ” sau là có thứ tốt, quý hơn (nếp) vẫn chưa đủ, cần có thêm cả “tẻ”. Quan hệ ở đây là khác biệt và cùng hiện diện, không phải quan hệ so sánh hơn - kém, trọng - khinh.

Có thể nói, “Đủ nếp đủ tẻ” ở đây được dùng để mô tả sự vẹn tròn, đủ đầy, hạnh phúc của một gia đình có cả con trai và con gái chứ không mang ý phân biệt đối xử.

Trai gái như nhau, đều là “lộc trời cho” nên trước câu hỏi nếp là trai hay gái, chúng ta không nhất thiết phải gắn “nếp” với một giới tính cụ thể. Bởi quan điểm của mỗi thời đại, mỗi cá nhân lại có sự thay đổi, khác biệt. Hơn nữa, ý nghĩa, thông điệp mà người muốn nhấn mạnh cũng không liên quan đến vấn đề này.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con hư tại mẹ cháu hư tại bà’ là gì?
Ý nghĩa câu tục ngữ 'Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư'
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con dại cái mang’ nói về điều gì?

Chuyện “Có nếp có tẻ” trong xã hội hiện đại

So với xã hội phong kiến, ngày nay tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã giảm. Tuy nhiên, quan niệm phải có con trai để nối dõi đã “ăn sâu” vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Cho nên, câu chuyện sinh con vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Người xưa dùng thành ngữ “Đủ nếp đủ tẻ” để diễn tả sự hạnh phúc, hoàn thiện của một gia đình có con trai và con gái. Song, có lẽ vì chưa hiểu hết dụng ý mà có không ít người biến “Có nếp có tẻ” thành mục tiêu, thành tiêu chuẩn của một cuộc hôn nhân viên mãn.

“Đủ nếp đủ tẻ” là gì? Bạn đã hiểu đúng dụng ý của người xưa? 3
"Nếp" hay "tẻ", con trai hay con gái đều là "lộc trời cho" - Ảnh: Unsplash

Điều này dẫn đến tình huống có “nếp” thì đòi “tẻ”, có “tẻ” lại đòi “nếp” cho đủ. Đặc biệt là những trường hợp có suy nghĩ phải sinh bằng được con trai hoặc con gái mà không quan tâm đến những yếu tố khác.

Vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vì đôi câu cửa miệng như “sinh thêm cho nhà có đủ nếp đủ tẻ” mà làm khổ bao người phụ nữ, làm tan nát bao gia đình. Có lẽ, người ta đã quên mất rằng, con cái là tài sản quý giá nhất của người làm cha, làm mẹ.

Có con đã là một điều tuyệt vời, một món quà vô giá rồi, cớ sao phải phân biệt “nếp - tẻ”, phải nhất thiết “Đủ nếp đủ tẻ”?

Xem thêm:
Top 15 bài thơ về con trai cưng, con gái rượu trong gia đình
Con gái rượu là gì? Vì sao gọi con gái là "bình rượu mơ"?
Những câu nói hay về con gái đầu lòng, thơ ca dao tục ngữ về con gái đầu lòng

Thành ngữ, tục ngữ về chuyện sinh nở, con cái

Khám phá kho tàng tri thức dân gian cụ thể là tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, chúng ta có thể thấy một phần quan điểm của người xưa với chuyện sinh nở, con cái. Dưới đây là một số ví dụ điển hình do VOH tổng hợp, mời bạn tham khảo, cùng suy ngẫm.

“Đủ nếp đủ tẻ” là gì? Bạn đã hiểu đúng dụng ý của người xưa? 4
Thành ngữ, tục ngữ bàn về chuyện con cái - Ảnh: Canva

1. Con đầu cháu sớm

2. Đau đẻ còn chờ sáng trăng

3. Mẹ tròn con vuông

4. Ba tháng mười ngày hết tuần chay gái đẻ

5. Một con sa bằng ba con đẻ

6. Gái đẻ ăn ngon, chồng con trả người

7. Mang nặng đẻ đau

8. Khai hoa nở nhụy

9. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính

10. Trẻ lên ba cả nhà học nói

11. Con vua, vua dấu, con chúa, chúa yêu

12. Của không ngon, nhà nhiều con cũng hết

13. Bênh con, lon xon mắng người

14. Bán vợ đợ con

15. Con gái, cái bòn

16. Của đau con xót

17. Đàn ông vượt bể có chúng có bạn,

Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình

18. Con vào dạ,

Mạ đi tu

19. Con so ba tháng mười ngày

Con rạ một tháng đôi ngày cũng nên

20. Khó con đầu

Giàu con út

21. Cây khô không có lộc

Người độc không có con

22. Con người ỉa đầu đường thì thối

Con mình ỉa đầu gối thì thơm

23. Con voi, voi dấu

Con châu chấu, châu chấu yêu

24. Con có cha có mẹ đẻ

Không ai ở lỗ nẻ mà lên

25. Có phúc đẻ con biết lội,

Có tội đẻ con hay trèo

Từ xưa đến nay, “Có nếp có tẻ” vẫn là mong ước của nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được chính xác thông điệp mà ông cha gửi gắm trong câu thành ngữ.

Qua bài giải thích “Đủ nếp đủ tẻ” là gì của VOH Sống đẹp, hy vọng mỗi độc giả sẽ tìm được ý nghĩa thực sự của câu nói này.

“Đủ nếp đủ tẻ” là gì? Bạn đã hiểu đúng dụng ý của người xưa? 5
Bình luận