Tiêu điểm: Nhân Humanity

Câu tục ngữ ‘Kiến tha lâu cũng đầy tổ’ có nghĩa là gì?

(VOH) - ‘Kiến tha lâu cũng đầy tổ’ là bài học mà ông bà, cha mẹ đã dạy chúng ta từ khi tấm bé. Vậy cụ thể, ý nghĩa của câu thành ngữ này là gì?

Chăm chỉ, kiên nhẫn là những đức tính đáng quý của dân tộc ta. Cha ông ta đã đúc kết bài học này qua câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, nhằm nhắc nhở con cháu phải thấu hiểu giá trị của sự kiên nhẫn, siêng năng thì mới nhận được thành quả xứng đáng.

1. “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” nghĩa là gì? 

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa khuyên nhủ, răn dạy chúng ta làm điều hay lẽ phải, giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc. Câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” chính là một trong số đó.

“Kiến tha lâu cũng đầy tổ” miêu tả hình ảnh con kiến khi đi kiếm mồi. Chúng là những chú kiến nhỏ bé nhưng cần mẫn, chăm chỉ, chịu thương chịu khó gánh miếng thức ăn trên lưng, vượt cả chặng đường dài trước khi về tổ.

Bởi vì con kiến rất nhỏ bé, mỗi lần chỉ tha được một chút mồi nên thành quả thu được rất ít ỏi. Tuy nhiên, chỉ cần kiến tha mồi đủ lâu, số lương thực ít ỏi mỗi lần lấy được sẽ nhiều dần lên, sẽ đầy ắp tổ.

'Kiến tha lâu cũng đầy tổ’ – câu tục ngữ nhắc nhở con người phải chăm chỉ, chịu khó mới đạt được thà 1
“Kiến tha lâu cũng đầy tổ" sử dụng hình ảnh gần gũi với người đọc

Như vậy, mượn hình ảnh quen thuộc, gần gũi là “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, người xưa đã răn dạy con cháu không nên lười biếng, phải kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Bởi nhiều cái nhỏ sẽ hợp được thành cái lớn, bỏ công sức, không ngại khó, chẳng ngại khổ thì ắt đạt được thành tựu lớn lao. 

Xem thêm: Câu tục ngữ “Tích tiểu thành đại” và bài học về tính tiết kiệm của người xưa

2. “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” còn phù hợp với đời sống hiện nay không?

Trong đời sống hiện tại đề cao sự tiện dụng, nhanh gọn, con người có xu hướng ỷ lại vào công nghệ, phương tiện, máy móc thậm chí là ỷ lại vào người khác để hoàn thiện công việc. Vậy thì bài học về sự bền bỉ, nhẫn nại, chăm chỉ của câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” có còn giữ nguyên giá trị hay không?

'Kiến tha lâu cũng đầy tổ’ – câu tục ngữ nhắc nhở con người phải chăm chỉ, chịu khó mới đạt được thà 2
Câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ" có còn phù hợp với hiện tại?

Câu trả lời là có. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận rằng, các phương tiện máy móc, công nghệ đang giúp con người tối ưu hoá quá trình hoạt động rất hiệu quả hơn các giai đoạn trước rất nhiều. Và hệ quả tương ứng là con người không cần phải nỗ lực quá nhiều cũng có thể hoàn thành được công việc.

Tuy nhiên, điều khiến đức tính kiên nhẫn, nhẫn nại vẫn luôn cần thiết và có giá trị là tất cả mọi người đều có thể tận dụng sự tiện ích của máy móc. Nghĩa là nhờ vào máy móc, ai cũng có thể hoàn thành công việc, nhưng tiêu chuẩn hoàn thành chỉ đạt mức độ trung bình hay nói cách khác là quá đồng đều, không có sự nổi bật, vượt trội.

Để đạt được thành tựu, có sự đột phá con người vẫn cần cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ nhiều hơn nữa. Ngoài ra, dựa vào bản thân cũng là một trong những cách giúp chúng ta tạo nên sự khác biệt với những người lười biếng, lựa chọn cách làm việc ở mức độ trung bình.

Xem thêm: Lời dạy quý báu của cha ông ta qua câu thành ngữ ‘há miệng chờ sung’

3. Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao nói về sự siêng năng, kiên nhẫn

Để đạt được thành công, chúng ta phải siêng năng và kiên trì. Đây cũng chính là lý do mà kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn mà ông cha ta để lại vô cùng đa dạng và phong phú.

  1. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
  2. Cần cù bù thông minh.
  3. Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.
  4. Có công mài sắt có ngày nên kim.
  5. Thua keo này bày keo khác.
  6. Có chí thì nên.
  7. Trăm bó đuốc cũng vớ được con ếch.
  8. Một nắng hai sương.
  9. Năng nhặt chặt bị.
  10. Muốn ăn thì lăn vào bếp.
Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Kiến tha lâu cũng đầy tổ’ 3
  1. Người đời ai khỏi gian nan

           Gian nan có thuở thanh nhàn có khi.

  1. Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn,

           Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim.

  1. Người có chí thì nên

           Nhà có nền thì vững.

  1. Dẫu rằng chí thiện tài hèn, 

           Chịu khó nhẫn nại làm nên cơ đồ.

  1. Hãy cho bền chí câu cua,

           Dầu ai câu chạch câu rùa mặc ai.

Xem thêm: 45 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tính siêng năng, kiên trì

4. Danh ngôn hay bàn về sự chăm chỉ, kiên trì

Dưới đây là một số câu danh ngôn sâu sắc, thấm thía nói về giá trị của sự chăm chỉ, cần mẫn để vươn tới thành công

  1. Thành công của tôi đến từ việc tôi chẳng bao giờ cần đồng hồ trong phòng làm việc của mình. – Thomas Edison
  2. Thành công là gì? Tôi nghĩ đó là sự trộn lẫn giữa có tài trong chuyện bạn đang làm; biết rằng như thế là không đủ, và rằng bạn phải chăm chỉ và có nhận thức nhất định về mục đích. – Margaret Thatcher
  3. Kiên nhẫn, bền bỉ và đổ mồ hôi là sự kết hợp không thể đánh bại của thành công. – Napoleon Hill
  4. Thành công không phải ngẫu nhiên. Đó là sự chăm chỉ, bền bỉ, học hỏi, nghiên cứu, hy sinh và quan trọng nhất, tình yêu đối với việc mình đang làm. – Pele
  5. Thành công 90% là mồ hôi và 10% là cảm hứng. – Thomas Edison
  6. Mong muốn có thành công mà không làm việc chăm chỉ cũng giống như cố gắng thu hoạch khi chưa hề gieo trồng. – David Bly
  7. Bạn dậy sớm vào buổi sáng và bạn làm việc cả ngày. Đó là bí mật duy nhất. – Philip Glass
  8. Lúc nhàn nhã là lúc làm điều gì đó hữu ích. Sự nhàn nhã này người siêng năng sẽ đạt được còn kẻ lười biếng thì không bao giờ. – Benjamin Franklin
  9. Giàu sang chỉ đạt được nhờ những gì mà sự chăm chỉ kiếm ra và sự tằn tiện tiết kiệm được. – John Tyler
  10. Không có sự chăm chỉ, chẳng gì mọc được ngoài cỏ dại. – Gordon B. Hinckley
Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Kiến tha lâu cũng đầy tổ’ 4
  1. Không có bí mật nào cho sự thành công. Thành công là kết quả của sự chuẩn bị kỹ càng, sự chăm chỉ và học hỏi từ thất bại. – Colin Powell
  2. Chăm chỉ là mẹ của may mắn. – Benjamin Franklin
  3. Sự cẩn thận và chăm chỉ mang tới may mắn. – Thomas Fuller
  4. Người lao động chăm chỉ không bao giờ cần tuyệt vọng, bởi tất cả đều đạt được bằng sự chăm chỉ và lao động. – Menander
  5. Tôi học được giá trị của sự chăm chỉ nhờ làm việc chăm chỉ. – Margaret Mead
  6. Chăm chỉ chiến thắng tài năng khi tài năng không chịu chăm chỉ. – Tim Notke
  7. Điều làm nên sự khác biệt giữa người tài và người thành công là sự vất vả, chăm chỉ. – Stephen King
  8. Những gì chúng ta muốn làm một cách thoải mái, chúng ta phải học làm một cách siêng năng trước. – Samuel Johnson
  9. Chưa ai chết đuối trong mồ hôi của chính mình. – Ann Landers
  10. May mắn là món lãi của mồ hôi. Bạn càng đổ mồ hôi, bạn càng may mắn. – Ray Kroc

Thông qua bài viết này, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” cũng như bài học được rút ra từ câu nói này. Và đặc biệt là hiểu rõ tầm quan trọng của sự kiên trì, chăm chỉ trong cuộc sống.

(Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận