Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bài phát biểu, diễn văn khai mạc lễ hội đình làng truyền thống

VOH - Gợi ý cách viết diễn văn khai mạc, phát biểu, bế mạc lễ hội đình làng truyền thống và một số bài phát biểu mẫu.

Cùng với hàng ngàn lễ hội lớn, nhỏ trên khắp cả nước, lễ hội đình làng đã đi vào đời sống, tâm thức của người Việt như một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng. Hàng năm, việc tổ chức các lễ hội này rất được chú trọng và quan tâm. Sau đây, VOH sẽ gợi ý một số mẫu diễn văn khai mạc lễ hội đình làng cũng như mẫu bài phát biểu, bế mạc dành cho sự kiện này.

Mẫu diễn văn khai mạc, phát biểu, bế mạc lễ hội đình làng

Theo thống kê sơ bộ của ngành văn hóa (năm 2021), nước ta có gần 9.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng… Các lễ hội diễn ra quanh năm và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nhân dân.

Lễ hội đình làng cũng góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử; lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và là hiện thân của tinh thần đoàn kết cộng đồng. Với những ý nghĩa to lớn đó, việc tổ chức lễ hội truyền thống này luôn được các cấp chính quyền chú ý.

Trong khâu chuẩn bị, bài diễn văn phát biểu lễ hội đình làng, bài phát biểu, diễn văn bế mạc cũng là một phần rất quan trọng. Đây là dàn ý mẫu do VOH tổng hợp, bạn đọc có thể tham khảo.

Dàn ý diễn văn khai mạc, phát biểu lễ hội đình làng truyền thống

Phần mở đầu:

  • Giới thiệu bản thân, chức vụ, đơn vị công tác và lý do phát biểu.
  • Gửi lời chào, cảm ơn và chúc đến các vị khách quý, cán bộ, đại biểu và nhân dân có mặt tại buổi lễ khai mạc lễ hội.

Phần thân:

  • Nêu tên, thời gian và địa điểm của lễ hội đình làng.
  • Giới thiệu về lịch sử, truyền thống và ý nghĩa của lễ hội đình làng (với bài phát biểu có thể bỏ qua hoặc giới thiệu sơ lược).
  • Trình bày chi tiết các hoạt động của lễ hội đình làng (có thể bỏ qua với bài phát biểu thông thường).
  • Khen ngợi, động viên và biểu dương những đóng góp, công sức và tinh thần của các cá nhân, tập thể và cộng đồng trong việc tổ chức và tham gia lễ hội đình làng.
  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng và đạo đức của lễ hội đình làng.
  • Kêu gọi, khuyến khích sự hưởng ứng, tham gia và ủng hộ của mọi người đối với lễ hội đình làng.

Phần kết:

  • Gửi lời cảm ơn, tri ân và chúc đến các vị khách quý, cán bộ, đại biểu và người dân có mặt.
  • Kết thúc diễn văn bằng lời chào, lời chúc mọi người, chúc thành công cho lễ hội và tuyên bố khai mạc (bỏ qua nếu phát biểu thông thường).

Dàn ý diễn văn bế mạc lễ hội đình làng

Phần mở đầu:

  • Giới thiệu bản thân, chức vụ, đơn vị công tác và lý do phát biểu.
  • Cảm ơn, tri ân các vị đại biểu, khách quý, người dân có mặt và chúc mừng lễ hội thành công tốt đẹp.

Phần thân:

  • Nhắc lại tên, thời gian và địa điểm diễn ra lễ hội đình làng.
  • Tổng kết sơ lược các hoạt động, nội dung và kết quả của lễ hội.
  • Trình bày các thành tích, giải thưởng kinh nghiệm và bài học.
  • Khen ngợi các cá nhân, tập thể, cộng đồng đã có những đóng góp trong việc tổ chức và tham gia lễ hội đình làng. 
  • Một lần nữa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng và đạo đức của lễ hội đình làng.
  • Đề xuất, góp ý và mong muốn sự phát triển, cải tiến và hợp tác của mọi người đối với lễ hội đình làng (nếu có).

Phần kết:

  • Gửi lời cảm ơn, tri ân và chúc phúc đến các vị khách quý, cán bộ, đại biểu và nhân dân.
  • Bày tỏ hy vọng lễ hội đình làng sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển và truyền bá cho nhiều thế hệ sau.
  • Kết thúc diễn văn bằng lời chào và lời tuyên bố bế mạc lễ hội.
Những mẫu diễn văn khai mạc lễ hội đình làng truyền thống 1
Lễ hội đình làng Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô/ Đức Dũng

Xem thêm:
Top bài phát biểu, diễn văn khai mạc lễ mừng thọ người cao tuổi
Tổng hợp các mẫu diễn văn khai mạc và bế mạc hội nghị hay nhất
8 mẫu bài phát biểu nhận chức, nhận nhiệm vụ mới nhất

Một số bài phát biểu lễ hội đình làng

Diễn văn khai mạc Lễ hội Kinh Dương Vương

Dưới đây là bài diễn văn khai mạc Lễ hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành, Bắc Ninh) Xuân Quý Tỵ năm 2013 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thị xã Thuận Thành.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân!

Trở về vấn tổ tìm tông, là trở về với tiếng vọng của Tổ Tiên, là hồn thiêng sông núi, là khát vọng ngàn lời của những người con Đất Việt, là thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

Việc dâng hương tưởng niệm Kinh Dương Vương vào dịp giỗ Thủy tổ là thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con cháu Lạc Hồng đối với Tiên Tổ đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi. Trên hành trình về Đền Hùng, trước hết chúng ta hãy đến viếng Lăng và Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

“Nhớ ngày 18 tháng Giêng

Ngày giỗ Thủy tổ thiêng liêng nước nhà

Dù ai xuôi ngược gần xa

Tìm về bái yết xứng là đạo con.”

Trong không khí trang nghiêm và trọng thể này, chúng ta thành kính dâng nén tâm nhang để tri ân công đức của các Vị vua Thủy tổ nước Nam.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý!

Theo truyền thuyết lịch sử và các tài liệu, thư tịch cổ:

Thời đại Hồng Bàng là thời đại thượng cổ của Lịch sử Việt Nam. Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, sinh 15 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (2919 TCN). Năm 2879 TCN, Kinh Dương Vương lên ngôi lập ra nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền  đầu tiên của dân tộc ta (Xích Quỷ là tên một ngôi sao sắc đỏ rực rỡ nhất trong 28 vì sao sáng trên bầu trời). Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng.

Bờ cõi nước Xích Quỷ lúc bấy giờ, phía Bắc giáp Hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Đông giáp bể Nam Hải, Phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Lúc đầu Vương đóng đô ở núi Ngàn Hống (Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), sau đó Vương dời đô về Ao Việt (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay).

Trong Lịch triều Hiến chương loại chí của Nhà sử học Phan Huy Chú cũng có nói tới việc Kinh Dương Vương dời đô ra đây. Hiện nay ở Thành phố Việt Trì còn có các di tích lâu đài cũ như: Minh Đường, Lâu Phượng, Lâu Hạ, Minh Nông, đặc biệt còn có di tích cung Tiên Cát dựng lên thời đó cho Quốc Mẫu Thần Long. Sau khi Thần Long mất, Tiên cung này được xây Đền thờ Quốc mẫu chính là Đền Tiên Cát (nay thuộc phường Tiên Cát, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Theo nguồn dẫn liệu khác của lịch sử: Do nhu cầu trị thủy, chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm và trao đổi kinh tế, văn hóa ngày càng tăng, lúc bấy giờ các thị tộc, bộ lạc sinh sống gần gũi nhau có xu hướng tập hợp thống nhất lại.

Trong số những người đứng đầu các bộ lạc Việt có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục xưng vương hiệu là Kinh Dương Vương, lập nên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của người Việt cổ, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của non sông đất nước ta từ đó đến nay.

Ngàn Hống (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh ngày nay), kinh đô đầu tiên của nhà nước Xích Quỷ còn in đậm những sự tích của Kinh Dương Vương với những chiến công oanh liệt dẹp giặc Ma Mặc rồi thu phục Vương Đạo Nhân trên đỉnh Tử Di Sơn. Công đức của vị vua Thủy Tổ nước Nam Kinh Dương Vương như non cao biển cả, mãi mãi như một thiên anh hùng ca bất hủ trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc, khai sáng nước Việt Nam ngày nay.

Tinh thần tự chủ, tự cường của Thời đại Hồng Bàng là tấm gương sáng ngời thể hiện ý chí tự tôn dân tộc. Tên nước Xích Quỷ là niềm tự hào và là sự hội tụ sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân muôn người như một.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý!

Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ xa xưa đã được các triều đại phong kiến xếp vào loại miếu thiêng thờ các bậc đế vương, mỗi lần Quốc lễ đều sai quan quân đến tế lễ, dân đến thờ phụng rất trang trọng.

Lễ hội Kinh Dương Vương từ xưa tới nay đã thấm sâu vào trái tim khối óc, trở thành tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Âm vang tiếng trống Lễ hội Kinh Dương Vương luôn luôn thôi thúc mỗi con người Việt Nam đoàn kết, vượt qua mọi gian nan, thử thách, nỗ lực phấn đấu, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước văn minh giàu đẹp.

Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết sức quan tâm bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Kinh Dương Vương. Năm 2012 tỉnh Bắc Ninh đã công bố Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo khu di tích trên diện tích trên 40 ha với nguồn vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Khu di tích lịch sử Kinh Dương Vương đã vinh dự được đón các đoàn đại biểu cao cấp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, cùng nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã về dâng hương bái yết vị Thủy tổ Việt Nam.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Lễ hội Kinh Dương Vương sẽ trở thành một ngày hội lịch sử văn hóa tiêu biểu, ngày càng được tổ chức trang trọng, ấn tượng với quy mô không chỉ ở cấp địa phương mà còn ở cấp Quốc gia.

Đây là nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng, là biểu tượng cao đẹp nhất về giá trị lịch sử và văn hóa, thể hiện đầy đủ vẻ đẹp thăng hoa muôn màu của giang sơn, gấm vóc, trí tuệ, đạo đức, cốt cách, bản lĩnh tâm hồn và niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở dòng máu huyết thống con Lạc, cháu Hồng hướng về cội nguồn của nước Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển vươn tới tương lai.

Vinh dự và tự hào được thay mặt đồng bào cả nước trực tiếp phụng thờ các bậc Thủy tổ của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Thuận Thành đã, đang và sẽ tiếp tục đem hết sức mình chăm lo gìn giữ tôn tạo khu di tích, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, du lịch để khu Di tích xứng đáng với tầm vóc lịch sử là nơi phụng thờ các bậc Thủy tổ đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho lớp lớp các thế hệ tương lai.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị  khách quý!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Hồng Bàng là Tổ nước Nam”. Tự hào với truyền thống vẻ vang của Thủy tổ Việt Nam, mỗi người dân con Lạc, cháu Hồng chúng ta càng nhận rõ trách nhiệm lớn lao trước lịch sử và dân tộc, càng phải quyết tâm xây dựng đất nước trên con đường hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tô thắm thêm truyền thống và sự nghiệp vẻ vang mà Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương đã trao và truyền lại cho chúng ta. Thật đúng là:

"Nước Việt rạng danh Á Lữ nay

Non sông gấm vóc thế rồng bay

Hồng Bàng một thuở sơ khai nghiệp

Lạc Việt muôn đời tiếp dựng xây

Vững dạ bền tâm đền đức lớn

Bền gan luyện trí đáp ơn dày

Muôn dân ghi tạc công Tiên tổ

Năm tháng trường xuân phúc, lộc đầy."

Một lần nữa nhân dịp Xuân Quý Tỵ 2013, xin được kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, các vị đại biểu, nhân dân địa phương, các quý khách thập phương về dự lễ hội dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Lễ hội Kinh Dương Vương- Xuân Quý Tỵ 2013 và Kỷ niệm 4892 năm ngày Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước.

Xin trân trọng cảm ơn!

Những mẫu diễn văn khai mạc lễ hội đình làng truyền thống 2
Lễ hội đình Làng Dạ ở Ba Chẽ, Quảng Ninh - Ảnh: Báo Quảng Ninh/ Phạm Học

Diễn văn khai mạc Lễ tiệc đình Thạch Đà 

Dưới đây là bài phát biểu khai mạc Lễ tiệc đình Thạch Đà (Mê Linh, Hà Nội) được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử huyện Mê Linh.

Kính thưa các quý vị đại biểu, hai giới các cụ cùng toàn thể nhân dân trong và ngoài địa phương.

Lời đầu tiên, thay mặt ban tổ chức tôi gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương các quý vị đại biểu, hai giới các cụ, các vị khách quý và toàn thể nhân dân lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân!

Theo vòng thiên vận tiết thu phân tháng 8 ngày 10 trường niên, nhân dân xã Thạch Đà hội tụ về linh từ, tổ chức lễ dâng hương, ngưỡng vọng ngài thành hoàng Đài công, nhị vị tiên nương, bách vị văn quan võ tướng thượng tọa tại ninh từ bản xứ.

Kính thưa các quý vị, thưa toàn thể nhân dân.

Theo thần tích xã Hoa Đà, ngược dòng thời gian của lịch sử: Dưới triều đại các vua Hùng, nước ta chưa có minh quân sáng suốt lãnh đạo, nhân dân lầm than khổ cực.

Năm 172 nhà Đông Hán sai Chu Tuấn sang làm Thứ sử nước ta dẹp giặc lương trị vì an dân, dẹp giặc xong, quan Thứ sử thường giao du với các bậc hào trưởng và dậy nhân dân trồng dâu nuôi tằm và trồng lúa. Nhân dân được an cư lạc nghiệp, nhân dân mến tài, đức độ vị quan anh minh.

Quan Thứ sử Chu Tuấn cầu hôn công chúa Lê Lan. Hai người sống hòa thuận và sinh được quý tử vào ngày mùng 7 tháng Giêng đặt tên là Đài Công. Đài Công lớn lên theo năm tháng. Đến năm 17 tuổi Đài Công đã trở thành người thanh niên tráng kiện văn võ song toàn có trong tay đội quân hùng mạnh

Khi quân Ngô đem quân xâm chiếm nước ta lần thứ nhất. Hiệu úy tướng quân Chu Đài đã là một vị tướng giỏi đem quân ra đánh giặc Ngô trăm trận trăm thắng.

Quân Ngô xâm chiếm lần thứ 2 đánh chiếm La thành, khi đó tướng quân Chu Đài đã già yếu, thế mỏng lực yếu. Chu Đài rút quân về Hoa Đà. Quân Ngô vây giáp ông khi đã cùng đường tướng quân Chu Đài tự liễu và tuẫn tiết.

Thật là:

“Anh hùng tráng sĩ bấy lâu nay

Sống chết vì dân giữa đất này

Sinh vi làm tướng trừ ngoại tặc

Tử vì làm thần quốc sắc phong.”

Nhân dân Hoa Đà ra trợ giúp và tin báo cho hai bà vợ của ông. Hai bà đôn đốc dân binh tiếp chiến, quân Ngô tan tác tháo chạy. Hai bà mang thi hài Đài Công và cùng nhân dân chôn cất. Mai táng xong hai bà phi ngựa tới đầm nước cạnh mộ Đài Công tuẫn tiết.

Hôm đó là ngày mùng 10 tháng 8 Âm lịch. Từ đó đến nay, nhân dân xã Thạch Đà lập đình thờ phụng ngày thánh hóa để tưởng nhớ người có công đánh giặc giữ nước.

Đến thời vua Lê Đại Hành dẹp xong giặc Tống mở hội mừng công, đất nước thái bình khao thưởng tướng sĩ và sắc phong.

Chu Đài đại vương

Mỵ Nương đại vương

Cầu Lương đại vương

Thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

Đến những năm 60 của thế kỷ trước, do tác động của chiến tranh, một phần do chính sách chống mê tín dị đoan đình Thạch Đà bị dỡ bỏ làm nơi sản xuất của hợp tác xã thủ công. Đến năm 2009 được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Thạch Đà đã khôi phục xây dựng lại ngôi đình làng tọa lạc trên nền đình cũ. Đình làng Thạch Đà hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Kính thưa các quý vị cùng toàn thể nhân dân.

Đất nước ta trải qua bao thăng trầm biến cố ngôi đình Thạch Đà cũng thăng trầm theo thời gian của lịch sử. Nhưng dù có biến cố thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì cán bộ và nhân dân xã Thạch Đà vẫn giữ gìn được nét đẹp văn hóa tâm linh bởi vậy ngôi Đình luôn được trân trọng bảo tồn.

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của đình Thạch Đà nơi thờ Thành hoàng làng, trong những năm vừa qua Ban quản lý di tích xã Thạch Đà đã nhận được nhiều tấm lòng phát tâm của các cá nhân và tập thể công đức vào đình Thạch Đà .

Vậy ban quản lý di tích xã Thạch Đà kêu gọi toàn thể nhân dân, mọi người hãy tiếp tục phát tâm nhiều hơn nữa cả về tinh thần lẫn vật chất vào nhà đình để đình Thạch Đà ngày càng khang trang và tố hảo hơn nữa. Đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương mỗi khi đến vãn cảnh và sinh hoạt văn hoá tâm linh tại đình Thạch Đà .

Thay mặt Ban quản lý di tích xã, tôi xin chân thành cảm ơn đến toàn thể nhân dân trong và ngoài địa phương, các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong giai đoạn vừa qua đã ủng hộ tiền của và công sức để cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích của xã được nhiều thuận lợi.

Tôi cũng mong rằng trong năm 2019 và những năm tiếp theo cán bộ và nhân dân xã Thạch Đà tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng được củng cố vững chắc, kinh tế tăng trưởng, tổ chức thành công đại hội đảng bộ xã Thạch Đà lần thứ 20 nhiệm kỳ 2020 - 2025, văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Mọi người tiếp tục tham gia ủng hộ và tạo mọi điều kiện để công tác tôn tạo di tích của xã Thạch Đà nói chung và Di tích đình Thạch Đà nói riêng đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa.

Kính thưa các đồng chí đại biểu, các vị khách quý và toàn thể nhân dân.

Lễ Tiệc đình Thạch Đà năm nay, quý khách bốn phương về đây với một ước mong: Mọi sự đều được bình an, tốt lành. Chúng ta cùng cầu chúc cho mọi người có sức khỏe tốt, nhà nhà ấm lo hạnh phúc, cùng nhau đoàn kết xây dựng gia đình, quê hương xã Thạch Đà ngày càng giàu đẹp văn minh.

Xin kính chúc các quý vị đại biểu, hai giới các cụ cùng toàn thể nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Chúc lễ tiệc đình Thạch Đà năm Kỷ Hợi 2019 thành công tốt đẹp!

Tôi xin tuyên bố Lễ khai tiệc đình Thạch Đà năm Kỷ Hợi 2019 bắt đầu.

Xin trân trọng cảm ơn.

Xem thêm:
Những câu nói hay về lịch sử, danh ngôn về lịch sử ý nghĩa
Những câu ca dao, bài thơ về lịch sử Việt Nam ý nghĩa
Top những câu nói hay về quê hương đong đầy tình cảm

Những mẫu diễn văn khai mạc lễ hội đình làng truyền thống 2
Lễ hội Đình làng Hải Châu, Đà Nẵng - Ảnh: SGGPO/Phạm Nga

Mẫu diễn văn bế mạc lễ hội đình làng

Tương tự như bài diễn văn khai mạc, bài diễn văn bế mạc lễ hội đình làng cũng giữ vai trò quan trọng với chương trình và cần được chuẩn bị cẩn thận. Dựa trên dàn ý chi tiết phía trên VOH xin gửi đến bạn đọc một mẫu bài phát biểu lễ hội đình làng cơ bản.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân!

Tôi là... Hôm nay, tôi vinh dự được đại diện cho Ban tổ chức phát biểu bế mạc lễ hội đình làng...

Trước hết, tôi xin gửi lời chào trân trọng, lời cảm ơn sâu sắc đến các vị khách quý, các cán bộ, đại biểu và toàn thể nhân dân trong làng đã có mặt tại đây để cùng chung vui, cùng tham gia buổi lễ ngày hôm nay.

Lễ hội đình làng... là một hoạt động văn hóa truyền thống của người dân... (địa điểm), được tổ chức vào ngày... tháng... hàng năm tại... (địa điểm).

Đây là dịp để nhân dân trong làng cùng thể hiện lòng thành kính, tri ân và tưởng nhớ đến... Lễ hội đình làng... cũng là dịp để nhân dân trong làng cùng giao lưu, học hỏi, chia sẻ và đoàn kết với nhau, cùng phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng và đạo đức của dân tộc.

Trong những ngày diễn ra lễ hội (thời gian cụ thể) chúng ta đã có nhiều hoạt động hấp dẫn, bao gồm:... Các hoạt động của lễ hội không chỉ mang tính giải trí, mà còn mang tính giáo dục, nhằm truyền bá và phổ biến những nét đẹp văn hóa, lịch sử và du lịch của... (địa điểm) nói riêng và tỉnh... (địa điểm) nói chung đến với mọi người.

Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin gửi lời khen ngợi, động viên và biểu dương những đóng góp, công sức và tinh thần của các cá nhân, tập thể và cộng đồng trong việc tổ chức và tham gia lễ hội đình làng...

Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn, tri ân và chúc tốt đẹp nhất đến các vị đại biểu, khách quý, các cán bộ và toàn thể người dân đã có mặt tại đây để cùng chung vui, cùng tham gia lễ hội đình làng... Hy vọng lễ hội đình làng... sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển và truyền bá cho nhiều thế hệ sau.

Cuối cùng tôi xin tuyên bố bế mạc lễ hội đình làng... Kính chúc quý vị và toàn thể nhân dân luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn.

Đình làng là biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Lễ hội đình làng cũng góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy du lịch và dịch vụ.

Qua những bài diễn văn khai mạc, bế mạc, phát biểu lễ hội đình làng truyền thống do VOH Sống đẹp gợi ý ở trên, hy vọng những người tham gia tổ chức có thể chuẩn bị thật tốt và tạo nên những lễ hội thành công.

Bình luận