Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đông chí 2024 là ngày nào? Ý nghĩa ngày Đông chí trong văn hóa các nước

VOH - Ngày Đông chí là gì? Thời điểm này có ý nghĩa như thế nào trong văn hóa các quốc gia ở phương Đông và phương Tây?

Một năm có 24 tiết khí, tương đương với 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Tiết khí hay tiết được sử dụng trong công tác lập lịch của các nền văn minh phương Đông cổ đại như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam để đồng bộ hóa các mùa trong một năm. Trong đó, tiết Đông chí là tiết khí thứ 22, trước tiết Tiểu Hàn và tiết Đại Hàn. Đây cũng là tiết khí thứ 4 của mùa Đông.

Thời điểm này còn là dịp sum họp, tổ chức các hoạt động ý nghĩa bên người thân, gia đình và bạn bè. Sau đây, hãy cùng VOH khám phá những điều thú vị xoay quanh tiết Đông chí.

Tìm hiểu về ngày Đông chí

Trong cuộc sống, chắc hẳn bạn đã nghe qua từ Đông chí. Vậy Đông chí là gì và có nguồn gốc như thế nào? 

Đông chí là ngày gì?

Theo quan niệm của người phương Đông, Đông chí là ngày ở giữa mùa Đông. Chữ chí (至) trong Đông chí (冬至) nghĩa là đã đạt đến điểm cùng cực.

Còn theo Thiên Văn học phương Tây, ngày Đông chí (Winter solstice) là ngày bắt đầu của mùa Đông ở bán cầu Bắc với thời gian ban đêm dài nhất trong năm và bắt đầu mùa Hè ở bán cầu Nam với thời gian ban đêm ngắn nhất trong năm. Vào ngày này, Mặt Trời sẽ nằm ở điểm cao nhất về hướng Nam trên bầu trời vào giữa trưa rồi từ từ quay trở lại phía Bắc.

Ngày Đông chí 2022 là ngày nào? Ý nghĩa của ngày Đông chí trong văn hóa các nước 1
Ngày Đông chí là ngày Mặt trời xa Bắc cực nhất - Ảnh: Internet

Nguồn gốc của ngày Đông chí

Ngày Đông chí có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại. Theo sử sách ghi chép, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp người Trung Quốc xác định ngày Tết Nguyên Đán cũng như tháng nhuận trong lịch âm. Vào thời phong kiến, Đông chí là thời điểm các vua chúa sẽ mở tiệc trong vòng 5 ngày, còn các gia đình dân thường sẽ quây quần bên nhau ăn uống và múa hát để mừng ngày lễ này.

Đông chí diễn ra vào ngày nào?

Đông chí thường bắt đầu từ khoảng ngày 21 hoặc 22/12 Dương lịch, kết thúc vào khoảng ngày 5 hoặc 6/1 Dương lịch của năm sau trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Tiểu hàn bắt đầu.

Đông chí năm 2024 là ngày nào?

Ngày Đông chí năm 2024 được tính theo lịch Âm hay lịch Dương? 

Theo lịch vạn niên, năm nay, Đông chí sẽ bắt đầu vào Thứ Bảy, ngày 21/12/2024 Dương lịch, tức ngày 21/11 Âm lịch.

Tiết khí này kết thúc vào Chủ Nhật, ngày 05/01/2025 Dương lịch, tức 06/12 Âm lịch.

Đặc điểm của tiết Đông chí

Vào thời điểm này sẽ xảy ra những điều thú vị sau. 

Vạn vật dung dưỡng khí lực, ngủ đông

Vì tiết Đông chí là thời điểm lạnh nhất trong năm. Vì vậy, các loài động vật, thực vật đều ở trong trạng thái thu hẹp, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, dung dưỡng khí lực, ngủ đông để chuẩn bị cho thời kỳ sinh sôi, phát triển trong mùa xuân

Đông chí 2023 là ngày nào? Ý nghĩa ngày Đông chí trong văn hóa các nước 3
Loài gấu thường ngủ suốt mùa Đông - Ảnh: Internet

Đêm dài nhất trong năm ở Bắc bán cầu

Đông chí và Hạ chí là 2 tiết khí đối lập nhau. Theo đó, vào ngày Hạ chí, Mặt Trời nằm cao nhất về hướng Bắc; vào ngày Đông chí, Mặt Trời nằm cao nhất về hướng Nam.

Vì vậy, nếu Hạ chí có thời gian ban ngày dài nhất ở bán cầu Bắc và ngắn nhất ở bán cầu Nam thì ngược lại, Đông chí lại là ngày mà thời gian ban ngày ngắn nhất trong năm ở bán cầu Bắc và dài nhất ở bán cầu Nam.

Thời tiết thay đổi lớn bậc nhất trong năm

Vào tiết khí này, gió Mậu dịch và khối khí đại dương sẽ làm thời tiết thay đổi rất nhiều. Hiện tượng mưa ẩm và nồm xuất hiện, khiến con người khó chịu. Vì vậy, mọi người cần sắp xếp lại sinh hoạt, ăn uống và tập luyện khoa học để thích ứng với những thay đổi này.  

Thêm vào đó, thời tiết trong những ngày Đông Chí rất lạnh. Đặc biệt là ở vùng núi phía Bắc, nhiệt độ xuống thấp, thường xảy ra rét đậm, rét hại, người dân phải lên kế hoạch bảo vệ cây trồng, vật nuôi vượt qua cái lạnh khắc nghiệt. 

Ý nghĩa ngày Đông chí trong văn hóa phương Đông và phương Tây

Vì Đông chí được xác định theo văn hóa Trung Quốc cổ đại, nên có ý nghĩa rất lớn đối với người dân nước này cũng như các dân tộc có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa.

Người Trung Quốc cổ đại có câu: "Ngày Đông chí cũng có ý nghĩa như Lễ hội Mùa xuân". Từ triều đại Thương, Chu đến triều Tần, đây là ngày quốc lễ. Về sau trở thành dịp để thờ cúng tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính với trời đất.

Vào thời điểm này, người Hoa tại Việt Nam và trên toàn thế giới thường tổ chức các lễ hội truyền thống; cúng gia tiên để cầu một năm an lành, khỏe mạnh và thành công.

Theo thời gian, ý nghĩa của Đông chí dần thay đổi. Đây còn được xem là ngày đoàn viên, cùng nhau ăn chè trôi nước, chè thang viên - món ăn tượng trưng cho sum họp gia đình.

Tại Việt Nam, dù không phải ngãy lễ lớn, nhưng tùy theo phong tục mỗi gia đình, mỗi vùng miền, nhiều người vẫn tổ chức lễ cúng gia tiên để cầu mong năm mới an lành, hanh thông.

Bên cạnh đó, nhiều nước khác vào ngày này đã tổ chức lễ Giáng Sinh. Bởi những người theo đạo Thiên Chúa Giáo cho rằng, đây là ngày mà Chúa Jesus ra đời. Vì thế mà các tín đồ Thiên Chúa giáo xem đây là ngày Tết chính và tổ chức rất trang trọng.

Ngày Đông chí 2022 là ngày nào? Ý nghĩa của ngày Đông chí trong văn hóa các nước 4
Một số nước khác trên thế giới vào ngày Đông chí đã tổ chức lễ Giáng Sinh - Ảnh: Internet

Với các quốc gia phương Tây, ngày Đông chí cũng rất đặc biệt và náo nhiệt với nhiều lễ hội được diễn ra, nhằm tạo mối liên kết và giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

  • Lễ hội Yule ở Bắc Âu: Với các hoạt động như thắp nến và trang trí cây thông Noel. Đây là dịp gia đình quây quần bên nhau, cầu nguyện cho sự phồn thịnh và an lành trong mùa đông.
  • Lễ hội Inti Raymi ở Peru: Mặc dù lễ hội này diễn ra vào mùa hè, nhưng một số sự kiện văn hóa diễn ra gần thời điểm Đông chí, tôn vinh vị thần Mặt trời. Đây là dịp thể hiện lòng tôn kính với các vị thần và thiên nhiên qua điệu nhảy và âm nhạc.
  • Lễ hội Yalda ở Iran: Lễ hội được tổ chức vào đêm dài nhất năm, mang ý nghĩa quây quần và tưởng nhớ ánh sáng. Người dân tụ tập thưởng thức các món ăn truyền thống và tham gia hoạt động vui chơi.
  • Các lễ hội khác: Nhiều nền văn hóa cũng tổ chức lễ hội quanh thời điểm Đông chí như: lễ hội Kwanzaa nhằm tôn vinh di sản châu Phi trong văn hoá Mỹ gốc Phi, lễ hội Saturnalia ở La Mã cổ đại, lễ hội Huma Light hay lễ hội Hanukkah trong cộng đồng Do Thái...

Những điều nên và không nên làm trong ngày Đông chí

Đây là thời điểm quan trọng, đánh dấu bước chuyển của mùa Đông. Do đó, vạn vật sẽ có sự thay đổi lớn. Dưới đây là một số điều nên và không nên làm mà bạn có thể tham khảo. 

Những điều nên làm 

  • Mua giày tất và quần áo mới: Vào ngày này, con cái thường sắm sửa giày tất và quần áo mới cho cha mẹ để gắn kết tình yêu thương, gia đình hòa thuận ấm no, tài lộc ngày càng suôn sẻ. 
  • Ăn chè trôi nước: Việc ăn chè trôi nước vào ngày Đông chí mang ý nghĩa “đoàn viên, đoàn tụ”. Bên cạnh đó, đây còn được xem là điều may mắn cho các thành viên trong gia đình. 
  • Thờ cúng ông bà, tổ tiên: Đông chí là thời điểm dương khí nhiều nhất nên rất thích hợp để cúng trời, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cầu mong đấng bề trên phù hộ, che chở cho gia đình. 
  • Ăn món thịt bò / dê / gà hầm: theo dưỡng sinh Đông y, vào đúng ngày Đông chí, mọi người nên ăn đồ bồi bổ ấm nóng giúp bổ gan thận, bổ khí huyết, bổ dương, bổ nguyên khí… sẽ tốt cho cơ thể. Trong đó, các món ăn từ dê / bò / gà hầm sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật, bồi bổ nguyên khí, khí huyết.
Ngày Đông chí 2022 là ngày nào? Ý nghĩa của ngày Đông chí trong văn hóa các nước 5
Vào ngày Đông chí người Trung Quốc sẽ ăn thang viên (món chè trôi nước) - Ảnh: Internet

Những điều không nên làm

  • Ăn chè số lẻ: Như đã nói ở trên, chè trôi nước là món ăn phổ biến trong ngày Đông chí. Trong đó, viên màu hồng tượng trưng cho tình yêu, viên màu trắng tượng trưng cho nhân duyên. Theo quan niệm dân gian, khi ăn chè trôi nước, bạn nên ăn theo số chẵn để tránh gặp vận hạn.
  • Kết hôn: Thời điểm này không tốt cho việc hôn nhân đại sự. Bởi lúc này, vũ trụ đang thay đổi, chuyển giao, âm khí và dương khí đang trong trạng thái lẫn lộn. Do đó, nếu thành gia lập thất vào ngày Đông chí thì hôn nhân kém may mắn, vợ chồng lục đục, bất hòa.
  • Cãi nhau: Trong ngày này, khí âm dương thay đổi rất lớn nên mối quan hệ giữa người nam và người nữ cũng bị ảnh hưởng. Do đó, mọi người cần chú ý để tránh xảy ra cự cãi không đáng có. 
  • Trồng trọt: Lúc này, không khí lạnh nhưng độ ẩm cao, cây cối thường trơ trụi, khó sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, nông lịch ra đời để tránh hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy. Bên cạnh đó, Đông chí cũng là thời điểm cuối mùa vụ, phù hợp để các gia đình tích trữ lương thực, sử dụng qua mùa Đông. 

Những lưu ý khi bước vào ngày Đông chí

Khi bước vào ngày Đông chí cũng là lúc thời tiết có nhiều biến chuyển nên bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Đây là ngày hàn lạnh nhất trong năm. Lúc này, tiết trời thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, âm thăng - dương giáng, giao thoa hòa quyện, tốt có xấu có… Vì vậy, mọi người cần giữ ấm, ăn uống và tập luyện khoa học để nâng cao sức khỏe cho mình và người thân. 
  • Ngày Đông chí đến kéo theo hiện tượng nồm khiến sàn nhà, tường nhà,... xuất hiện tình trạng ẩm ướt, tích nước bề mặt gây nguy hiểm và bất tiện cho sinh hoạt. Do đó, bạn cần trang bị các cách chống nồm ẩm nhanh chóng và hiệu quả, vừa giúp nhà khô thoáng vừa phòng chống bệnh tật.
  • Thời tiết nồm khiến quần áo phơi lâu khô, ám mùi ẩm mốc. Bạn có thể tham khảo những mẹo giúp quần áo nhanh khô để giải quyết tình trạng này. 
Ngày Đông chí 2022 là ngày nào? Ý nghĩa của ngày Đông chí trong văn hóa các nước 6
Ngày Đông chí là ngày hàn lạnh nhất trong năm - Ảnh: Internet

Ngày Đông chí là một trong bốn mốc thời gian quan trọng trong năm, bên cạnh Xuân phân, Hạ Chí và Thu phân. Nhân dịp này, đừng quên dành thời gian cho gia đình để lưu lại những phút giây hạnh phúc nhé!

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận