Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” nói đến điều gì?

(VOH) - Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền là câu nói được lưu truyền trong dân gian như một bài học kinh nghiệm. Vậy câu tục ngữ trên có ý nghĩa như thế nào?

Những câu tục ngữ thành ngữ trong dân gian luôn giúp con người đút kết kinh nghiệm qua nhiều thế hệ. Một trong số đó có câu tục ngữ “Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền”. Đây là một câu tục ngữ chứa đựng kinh nghiệm của người xưa trong lao động sản xuất.

1. “Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” là gì?

Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền là câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta trong lĩnh vực nông nghiệp. Câu tục ngữ có văn tự chữ Hán cho nên để hiểu rõ ý nghĩa của câu nói này, cần rõ ý nghĩa của từng cụm từ cụ thể.

Theo đó:

  • “Canh trì” nghĩa là canh tác ao nước, phát triển các nghề liên quan đến ao hồ: như nuôi cá, chăn bèo,...

  • “Canh viên” nghĩa là canh tác vườn tược, ở đây chỉ các nghề liên quan đến làm vườn làm rẫy: như trồng vườn, trồng cây ăn quả,...

  • “Canh điền” nghĩa là canh tác trên đồng ruộng.

“Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền” được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong lao động sản xuất theo kinh nghiệm ngày xưa để nền nông nghiệp có thể vận hành hợp lý và bền vững .

Người ta còn hiểu theo hướng Trì - Viên - Điền (Ao - Vườn -  Ruộng) là những yếu tố rất quan trọng trong đời sống của mỗi nông dân, ba yếu tố này bổ trợ và cùng phát triển.

Xem thêm: Tổng hợp 58 câu tục ngữ ca dao về lao động sản xuất

“Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” có ý nghĩa gì? 1
Thành ngữ "Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền"

2. Nguồn gốc của “Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền”

Thành ngữ được truyền miệng qua nhiều thế hệ và là bài học kinh nghiệm quý báo cho thế hệ sau. Đất nước ta từ xưa đã theo nghiệp Nông gia. Đến tận bây giờ nông nghiệp vẫn chiếm vai trò tương đối quan trọng trong hoạt động kinh tế. Lúc bấy giờ, “Trì - Viên - Điền” đại diện cho ba trụ cột chính của nông nghiệp là Nuôi cá - Trồng vườn và Làm ruộng. 

Do sự phân hóa trong nông nghiệp, sản lượng và lợi nhuận thu lại của nông dân không giống nhau giữa các nhóm ngành. Người ta bắt đầu dựa vào đó để đánh giá và xếp hạng ba yếu tố chính yếu của ngành nông nghiệp.

“Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” có ý nghĩa gì? 2
"Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền" từ kinh nghiệm nhà nông

Không phải hiển nhiên mà “Trì” (nuôi cá) được trở thành “ngành hot” thời điểm đó. Nghề nuôi cá không tốn nhiều công sức, lợi nhuận lại cao hơn so với trồng trọt ngoài ra người nông dân còn không bị phụ thuộc vào mùa vụ, hơn nữa nuôi cá là nhóm ngành “sinh sau đẻ muộn” hơn cả nên người nông dân ít bị cạnh tranh. Người xưa còn có câu “Muốn giàu nuôi cá,...” như ngầm ủng hộ quan điểm này.

“Viên” (trồng cây ăn quả) được xếp ở vị trí thứ hai. Sở dĩ ngành trồng cây ăn quả được khuyến khích thứ hai bởi vì người nông dân co thể thu hoạch theo mùa vụ, kể cả xen canh để tăng lợi nhuận hơn so với làm ruộng thông thường. Tuy nhiên, ngành trồng cây ăn quả dễ bị cạnh tranh hơn nuôi cá.

Sau cùng là “Canh điền”. Được ra đời sớm nhất, nhưng làm ruộng trồng lúa dần nhường lại vị thế đỉnh cao của mình, bởi vì người nông dân phải bỏ ra khá nhiều công sức và phụ thuộc nhiều bởi thời tiết khí hậu bên ngoài. Hơn nữa lợi nhuận mang lại không cao bằng hai nhóm ngành còn lại. Tuy vậy, “Canh điền” vẫn là một trụ cột quan trọng của nền nông nghiệp nước nhà.

Xem thêm: Hiểu rõ đạo lý uống nước nhớ nguồn bài học về lòng biết ơn

3. “Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” trong nền nông nghiệp hiện đại

Khi chất lượng cuộc sống của chúng ta được nâng cao, thì mọi mặt của đời sống cũng tiến bộ dần, trong đó có sự hội nhập của ngành nông nghiệp. Trong thời buổi hiện đại, sự xếp hạng “Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” không còn đúng trong mọi trường hợp. Bởi vì khoa học công nghệ đã thay đổi cách canh tác truyền thống. 

Có thể nói sự thành-bại, hay xếp loại “nhất nhị tam tứ” sẽ phụ thuộc vào người nông dân và cách mà họ hiện đại hóa như thế nào. 

Ngoài ra, người nông dân hiện đại cho xu hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp, không còn ranh giới giữa “canh trì”, “canh viên” và “canh điền nữa”.

Xem thêm: Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tính siêng năng

“Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” có ý nghĩa gì? 3
Kinh nghiệm trong tăng gia sản xuất

4. Những câu thành ngữ, tục ngữ đúc kết về kinh nghiệm nông nghiệp

Nghề nông ngày càng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tuy nhiên những câu thành ngữ, tục ngữ đúc kết về kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp vẫn còn giá trị và ý nghĩa. Ngoài câu “Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền”, còn có rất nhiều câu thành ngữ tục ngữ có ý nghĩa tương tự như:

  • Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống.

  • Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân.

  • Nhất thì, nhì thục.

  • Thứ nhất phân ngấu, thứ nhì trấu tươi.

  • Được mùa lúa, úa mùa cau / Được mùa cau, đau mùa lúa.

  • Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt.

  • Đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau.

  • Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa.

  • Hòn đất nỏ là một giỏ phân.

  • Nhất sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.

  • Lúa chiêm ăn nhánh. Lúa mùa ăn cây.

  • ….

“Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” có ý nghĩa gì? 4
Một số câu thành ngữ tục ngữ về sản xuất nông nghiệp

“Nhất canh trì nhị canh viên tam canh điền” là một câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm có giá trị và ý nghĩa đến tận hôm nay. Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn nhiều góc nhìn thú vị về nông nghiệp nói riêng và văn hóa dân gian nói chung. 

Nguồn: Internet

Sưu tầm.

Bình luận