Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ muốn nhắc nhở điều gì?

(VOH) - “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài” là câu thành ngữ không còn quá xa lạ với mục đích nhắc nhở chúng ta về lối sống, nếp sống. Đây là bài học rất quan trọng bất kể xưa nay.

Câu thành ngữ “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nhắc nhở chúng ta sống ở đâu cần theo phong tục, nếp sống ở đó, cần học cách thích nghi với hoàn cảnh sống. Tuy là một đạo lý rất quen thuộc, song không phải ai cũng biết cách sống đúng như vậy, nhất là trong xã hội ngày nay.

1. Ý nghĩa của thành ngữ “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài” là gì?

o-bau-thi-tron-o-ong-thi-dai-voh-1
Ý nghĩa của thành ngữ "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"

Vận dụng hình ảnh vật chất tự nhiên, ông cha ta đã đúc kết lên bài học kinh nghiệm ẩn chứa qua câu thành ngữ “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. 

Trong cuộc sống, “bầu” thì dáng ắt phải tròn, còn “ống” thì phải dài, đây là quy luật tự nhiên không thể thay đổi. Không có cái “ống” nào tròn như “bầu”. Điều này thể hiện tập tính thích nghi của mọi vật trong tự nhiên, cũng như sức sống mãnh liệt của các loài cỏ cây. 

Từ hình ảnh “bầu” và “ống” đó, câu thành ngữ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” muốn ám chỉ sự tác động của môi trường, cuộc sống, các mối quan hệ và sự giáo dục sẽ ảnh hưởng đến con người. Sống trong môi trường nào, chúng ta cũng sẽ học cách thích nghi, tồn tại theo phong tục, nếp sống ở đó, dù cho có đang ở trong hoàn cách khắc nghiệt, khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” cũng nói lên tính cách và lối sống của mỗi người đều do ảnh hưởng của môi trường số mà tạo nên. Được sống trong một môi trường giáo dục tốt, khả năng thành công của chúng ta sẽ cao hơn và ngược lại. 

Xem thêm: “Cái khó ló cái khôn” câu tục ngữ phản ánh thực tại khó khăn tạo ra tính cách cho mỗi con người

2. Lời khuyên qua câu thành ngữ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”

o-bau-thi-tron-o-ong-thi-dai-voh-2
Bài học gửi gắm sau thành ngữ "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” - câu thành ngữ dân gian này chính là một lời khuyên về thông điệp sống vô cùng bổ ích. Nó mang đến cho chúng ta cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường và xã hội có tác động đến việc hình thành nhân cách bản thân mỗi người.

Trong đời sống thực tế, mỗi khi con người chúng ta bước chân vào một môi trường mới, như đổi chỗ làm, tham gia câu lạc bộ mới hay bắt đầu học một bộ môn mới. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là học cách “nhập gia tùy tục”, hòa nhập theo văn hóa, nếp sống của địa phương đó. 

Mỗi một tổ chức đều có những quy định, luật lệ riêng, nếu chúng ta cứ “khư khư giữ mình”, không chịu thích nghi, thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ bị đào thải ra khỏi nơi đó. Nếu biết sống theo thời thế, nhu thuận với cuộc đời thì mọi việc luôn êm thấm, luôn trơn tru!

Lấy hình ảnh của “bầu” và “ống”, cha ông ta muốn nhắc nhở mỗi người cần chọn lọc môi trường sinh sống hay kết giao các mối quan hệ bạn bè. Đồng thời cần học cách thích nghi, linh hoạt, tùy cơ ứng biến trước mọi tình huống, không nên ngại khó ngại khổ mà lảng tránh sự thay đổi. Chỉ có vậy, mỗi người mới có thể phát triển và hoàn thiện bản thân, nắm bắt những cơ hội mới.

Xem thêm: ‘Cần cù bù thông minh’ - đức tính tốt để thành công trong cuộc sống

3. “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài” liệu có luôn đúng?

o-bau-thi-tron-o-ong-thi-dai-voh-3

Dựa vào những tình huống có thực trong cuộc sống của con người, câu thành ngữ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” phản ánh rất đúng với thực tế. Con người luôn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống của họ. Phát triển trong gia đình, môi trường giáo dục tốt thì bản thân họ gần như cũng sẽ trở thành người có giáo dưỡng, trong khi thường xuyên giao du với những thành phần bất hảo thì cũng khó mà nên người. 

Môi trường tốt, lành mạnh sẽ tạo những ảnh hưởng tốt, ngược lại môi trường không lành mạnh sẽ rất dễ hủy hoại con người. Thực tế cho thấy, để tiếp thu và hình thành những thói quen xấu sẽ nhanh và dễ hơn rất nhiều so với những thói quen tốt. Không biết bao nhiêu người vì cả tin mà bị lôi kéo vào những hành vi phạm pháp, mất đi cả tương lai tươi sáng phía trước.  

Tuy nhiên, không phải bao giờ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” cũng đúng, vì con người có khả năng vượt qua nghịch cảnh, thay đổi linh hoạt để hòa nhập nhưng không “hòa tan”. Con người biết cách ứng xử, xoay xở để dù ở trong nghịch cảnh, trong môi trường bất lợi nhưng vẫn có thể vượt qua để nắm bắt những cơ hội tốt hơn cho bản thân

Xem thêm: Thành ngữ ‘Đứng mũi chịu sào’ và nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa

4. Một số câu thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa với “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”

Không chỉ có “ở với bầu thì tròn ở với ống thì dài”, kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu nói hay khác về đạo lý làm người cần phải biết học cách thích nghi, hòa nhập với những môi trường sống khác nhau, “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

  1. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
    o-bau-thi-tron-o-ong-thi-dai-voh-4
  2. Đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy
  3. Thói thường gần mực thì đen/ Anh em bằng hữu phải nên chọn người
  4. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
  5. Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở / Bé chẳng vin, cả gãy cành.

Bài học nhân văn từ câu thành ngữ “ở với bầu thì tròn với ống thì dài” vẫn giữ nguyên tính đúng đắn từ xưa đến nay. Hi vọng qua bài viết này, các bạn trẻ sẽ có thêm những kinh nghiệm để sống đúng đắn, tích cực, luôn trau dồi cho bản thân để trở thành người có ích cho xã hôi.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận