Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những cái tên cấm đặt cho con, cha mẹ nhớ kỹ!

VOH - Đặt tên cho con không khó, nhưng nhiều cha mẹ lại khá băn khoăn trong việc chọn tên cho trẻ, bởi không biết đâu là những cái tên không nên đặt cho con?

Trong hàng trăm ngàn tên gọi cho bé, sẽ có những cái tên không nên đặt cho con, cha mẹ đã biết chưa? Cùng đọc bài viết dưới đây để không phải đặt nhầm những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam hoặc phạm phải điều kiêng kỵ khi đặt tên cho con.

Những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam

Mỗi cá nhân đều có quyền có họ, tên và được xác định theo tên trong giấy khai sinh của người đó, nhưng theo Bộ luật Dân sự và Thông tư 04/2020/TT - BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch, một số trường hợp đặt tên con sẽ không được chấp nhận ở Việt Nam. Cụ thể:

Đặt tên con không phải tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc của Việt Nam

Khoản 3, Điều 26 Bộ luật Dân sự yêu cầu đặt tên cá nhân phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam. Vì thế, khi điền tên trong giấy khai sinh của trẻ, cha mẹ bắt buộc phải đặt tên bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam. Những cái tên không đặt bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam có thể sẽ bị từ chối khai sinh.

Ví dụ: Nguyễn Văn Tulen, Đặng Ngọc Aya, Võ Thị  krixi…

Việc đặt tên cho con bằng tiếng nước ngoài sẽ gây khó khăn trong việc quản lý hộ tịch. Do đó, trường hợp trẻ là con lai nhưng mang quốc tịch Việt Nam thì tên của bé phải được đặt bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam, không được có yếu tố nước ngoài trong tên, kể cả tên đệm. Cha mẹ có thể gọi con bằng tên nước ngoài như một biệt danh ở nhà.

Trường hợp trẻ sinh ra không có quốc tịch Việt Nam mà mang quốc tịch nước ngoài thì việc đặt tên sẽ không phải áp dụng quy định này.

Đặt tên con bằng số, ký tự đặc biệt

Cũng trong khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự, tên của công dân Việt Nam không đặt bằng số, hoặc bằng các ký tự đặc biệt mà không phải là chữ. Điều này nhằm tạo nên sự thống nhất của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia trong dân cư cũng như đơn giản hóa các hoạt động quản lý hộ tịch.

Như vậy, những cái tên như Ngô Thị 1, Phạm Văn #, Nguyễn Thị Diễm @... đều là những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam.

(chèn link) Những cái tên không nên đặt cho con, cha mẹ nhớ kỹ! 1
Khi đặt tên cho trẻ cha mẹ nên tránh dùng những con số, ký tự đặc biệt - Ảnh: Internet

Đặt tên châm biếm, xúc phạm người khác

Theo Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 ghi rõ “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”.

Như vậy, những tên gọi cha mẹ đặt cho con với ngụ ý sỉ nhục, lăng mạ người khác sẽ không được chấp nhận khi làm giấy khai sinh cho trẻ.

Hiện những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam có ý nghĩa châm biếm, xúc phạm người khác còn mang tính chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa thể biết biết đâu là những cái tên xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, khi đặt tên cho con, cha mẹ cũng nên lưu ý vấn đề này.

Đặt tên con quá dài

Trong Khoản 4 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT - BTP của Bộ Tư Pháp có quy định về việc “không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng”.

Ví dụ: Đặng Trần Linh San Như Mai Sương Ngọc, Trần Trường Kỳ Quyết Tâm Đỗ Đạt Thành Tài,…

Bởi lẽ các giấy tờ tùy thân được sử dụng chung kích thước và sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào cho người có tên gọi quá dài. Mặc dù việc đặt tên bao nhiêu ký tự là dài, khó sử dụng thì pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng cha mẹ vẫn nên lưu ý tránh đặt cho trẻ cái tên quá dài đọc mãi không hết.

Đặt tên con không giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa Việt Nam

Kể từ ngày 16/7/2020, pháp luật Việt Nam đã quy định những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam trong Khoản 4 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT - BTP của Bộ Tư Pháp có ghi như sau: “Việc xác định họ, dân tộc đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.”

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho nên để xác định tên có bị cấm hay không cần phải xem xét cụ thể về tên gọi đó, bản sắc dân tộc của người đó cũng như những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà người đó đang mang hoặc tập quán cộng đồng dân cư người đó sinh sống.

Xem thêm:
Đặt tên con họ Huỳnh hay cho bé trai, bé gái
“Bật mí” cách đặt tên con họ Vũ hay và ý nghĩa nhất
Gợi ý cách đặt tên con họ Ngô cho bé trai và bé gái

Một số điều cần tránh khi đặt tên cho con

Ngoài việc lưu ý những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam thì theo quan niệm dân gian, ý nghĩa tâm linh… một số cái tên cha mẹ cũng không nên đặt cho con đó là:

Không đặt tên con với ý nghĩa xấu

Quan niệm ngày xưa cho rằng, đặt tên con càng xấu càng dễ nuôi. Do đó, rất nhiều cái tên “đẹp độc” đã ra đời như:  Hận Tình, Báo Đời, Lâu Ra, Lập Lờ,… Tuy nhiên, những danh xưng này thường sẽ khiến trẻ bị trêu chọc và cũng không mang lại ảnh hưởng tốt cho cuộc đời của trẻ.

Không đặt tên con quá phóng đại

Hầu hết cha mẹ đều mong muốn con mình có một tương lai xán lạn, rực rỡ như ý. Vì thế, họ đặt hết niềm hy vọng vào cái tên đặt cho trẻ. Thế nhưng, những cái tên “quá kêu”, quá phóng đại như: Vương Gia, Kiều Nữ, Xuất Chúng, Triệu Phú… là những danh xưng nên hạn chế.

Mặc dù, những cái tên này đại diện cho kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái, tuy nhiên, khi người khác nhìn vào lại thấy nó khác cực đoan và có phần kỳ cục.

Không đặt cho con những cái tên phạm húy, trùng với tên gọi ông bà, tổ tiên

Khi đặt tên cho con, cha mẹ không nên chọn những cái tên trùng với tên của ông bà, cô, dì, chú, bác… Thậm chí, đặt tên con cái cũng không được trùng với tên của tổ tiên đã mất.

Những cái tên này không bị cấm theo pháp luật Việt Nam, nhưng theo quan niệm dân gian và để tiện cho việc xưng hô thì tốt nhất là không nên đặt.

(chèn link) Những cái tên không nên đặt cho con, cha mẹ nhớ kỹ! 2
Theo quan niệm dân gian không nên đặt cho bé trùng tên với tiền nhân - Anh: Internet

Không đặt cho con những cái tên khó gọi, khó nghe

Vì tên gọi sẽ đi theo trẻ suốt cuộc đời và được người khác phát âm hàng ngày. Cho nên, cha mẹ không nên chọn đặt cho con những cái tên khó phát âm, dễ phát âm nhầm, ngữ điệu gây khó khăn phiền toái…

Cha mẹ nên tránh chọn cho bé những cái tên có nhiều âm cùng dấu đi kèm, đặc biệt là dấu nặng. Một số tên được cho là khó đọc như: Trịnh Trọng Việt, Nguyễn Hữu Vĩnh, Nguyễn Nguyệt, Huỳnh Hoàng, Trịnh Triệu Thủy, Thủy Tạ, Đạt Nguyện, Tạ Thị Hiện, Triệu Thuyết,….

Không đặt tên con khó phân biệt nam nữ

Đây là một trong những yếu tố cha mẹ cần cân nhắc khi chọn tên hay đặt cho con. Việc đặt tên khó phân biệt giới tính dễ gây gây rắc rối cho trẻ khi đi học. Khi làm các thủ tục hành chính, tên gọi khó phân giới tính rất dễ dẫn đến sai sót, nhầm lẫn trong giấy tờ.

Một số tên gọi đặt cho bé trai nhưng dễ gây hiểu lầm là giới tính nữ có thể kể đến như: Việt An, Ngọc Thủy, Thanh Dương, Hải Châu, Hải Quỳnh,…

Tương tự, một số cái tên được đặt cho bé gái nhưng lại hay bị nhầm lẫn là tên con trai đó là: Hà Duy, Phương Nguyên, Minh Việt, Việt Anh,…

Không đặt tên con dễ liên tưởng đến ý nghĩa không hay

Không nên đặt tên con bằng những danh xưng dễ bị nói lái khi đọc ngược. Ví dụ: tên Tùng Tú bị nói lái thành Tù Túng, hoặc Tiến Tùng bị nói lái thành Túng Tiền,… Khi đặt tên con bằng những cái tên này vô hình trung khiến tên của trẻ trở thành chủ đề bàn tán, trêu chọc.

Xem thêm:
Cách đặt tên cho bé trai và 200 tên hay cho bé trai
1001 tên hay cho bé gái dễ thương mang lại may mắn
Tổng hợp 100 tên ở nhà cho bé gái hay và dễ thương nhất

Nguyên tắc cần nhớ khi đặt tên con

Có rất nhiều gia đình cảm thấy rất khó khăn khi chọn tên cho bé, nhưng cũng có những gia đình đặt tên cho trẻ rất nhanh. Tuy nhiên, nguyên tắc chung cần nhớ khi đặt tên cho con đó là:

Không quá mong đợi một cái tên hoàn hảo

Tên gọi mang nhiều ý nghĩa, gửi gắm hy vọng, ước mong của cha mẹ đến con trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên đặt mục tiêu phải tìm được một cái tên thật hoàn hảo, chứa được tất cả mọi tinh túy đất trời, niềm tin, hy vọng của gia đình, dòng tộc.

Khi đặt con một cái tên quá nhiều ý nghĩa có thể sẽ khiến bé lớn lên bị áp lực vì cảm thấy bản thân không được như kỳ vọng của gia đình. Ngoài ra, những cái tên quá mức hoàn hảo, vĩ đại còn khiến bé dễ bị bạn bè trêu chọc.

Cha mẹ chỉ cần chọn cho bé một cái tên dễ nghe, dễ gọi, mang một phần ý nghĩa nào đó và không phạm phải những điều kiêng kỵ là được.

(chèn link) Những cái tên không nên đặt cho con, cha mẹ nhớ kỹ! 3
Một số nguyên tắc cha mẹ cần nhớ khi đặt tên cho trẻ - Ảnh: Internet

Không đặt tên con vội vàng

Dành thời gian suy nghĩ về việc đặt tên cho con là cần thiết. Việc đặt tên con một cách quá nhanh, quá gấp sẽ khiến cha mẹ cảm thấy không hài lòng sau khi suy nghĩ lại.

Không ảnh hưởng bởi những nhận xét của người khác

Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của những người xung quanh về việc tìm kiếm tên gọi hay cho trẻ. Tuy nhiên, 9 người 10 ý và hầu như sẽ không có một cái tên nào có thể làm vừa lòng hết mọi người.

Do đó, cha mẹ có thể lắng nghe ý kiến một vài người thân trong gia đình, nhưng đừng quá ảnh hưởng bởi sự khen chê. Hãy đặt tên cho con dựa trên sở thích, suy nghĩ và sự thống nhất của hai vợ chồng.

Một số lưu ý khác khi đặt tên cho con

Ngoài ra, còn một số lưu khác cha mẹ cũng cần nhớ khi đặt tên cho con là:

  • Không đặt tên con liên quan đến chính trị hoặc mang màu sắc chính trị.
  • Không đặt tên con theo trào lưu, trend.
  • Không đặt tên con mà nếu viết các chữ cái đầu sẽ ra ý nghĩa xấu.
  • Không đặt tên con quá cực đoan, hoặc mang ý nghĩa thô tục, xấu xí.
  • Hạn chế đặt tên con theo người tên người nổi tiếng.
  • Không dùng những từ ngữ ít dùng, quá xa lạ, khó hiểu.
  • Tránh đặt cho con những cái tên vô nghĩa.
  • Tránh đặt tên con có từ đồng âm hoặc ngữ âm nghe không hay, đa âm, đa nghĩa.

Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn cho con có được những điều tốt đẹp. Một trong những điều đầu tiên mà cha mẹ có thể làm là đặt cho con một cái tên thật đẹp. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp cha mẹ biết được đâu là những cái tên không nên đặt cho con, từ đó có được quyết định đúng đắn khi lựa chọn tên gọi cho bé.

Bình luận