Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Thắng không kiêu bại không nản’ và bài học phía sau

(VOH) - ‘Thắng không kiêu bại không nản’ bàn về chuyện thắng thua, thành công, thất bại trong cuộc sống. Cùng tìm hiểu ý nghĩa đầy đủ của câu tục ngữ này qua bài viết sau đây.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, thắng thua là chuyện mà hầu hết mọi người đều phải đối mặt. ‘Thắng không kiêu bại không nản’ là một trong những câu tục ngữ điển hình nói về vấn đề này. Cùng phân tích rõ hơn để thấy được những bài học mà ông cha ta muốn nhắn nhủ qua câu tục ngữ này nhé!

1. “Thắng không kiêu bại không nản” nghĩa là gì?

“Thắng” ý muốn nói đến việc thắng lợi, thành công trong một vấn đề hay lĩnh vực nào đó. “Bại” là sự thua cuộc, không thành công. Trong cuộc sống việc thắng - thua là chuyện rất thường tình, bất cứ ai cũng đã từng hoăc sẽ trải qua.

“Thắng không kiêu” tức khi bạn là người chiến thắng mà không kiêu căng, tự đắc.

“Bại không nản” là khi gặp thất bại cũng không trở nên thất vọng, chán nản, tuyệt vọng mà vẫn luôn giữ được tinh thần tích cực để làm lại từ đầu.

Nghĩa đen của câu tục ngữ “Thắng không kiêu bại không nản” là khi thành công trong cuộc sống thì không nên kiêu ngạo, tự đắc. Ngược lại khi thất bại cũng không nên buồn rầu, nản chí.

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Thắng không kiêu bại không nản’ 1
“Thắng không kiêu bại không nản” là bài học cuộc sống mà mỗi người cần ghi nhớ

Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ  “Thắng không kiêu bại không nản” là muốn khuyên răn con người khi chiến thắng hay thành công trong cuộc sống thì hãy biết khiêm tốn. Bởi việc khoe khoang tài năng, thành công của bạn sẽ dễ gây mất thiện cảm và thậm chí khiến cho nhiều người ganh ghét.

Nếu thất bại thì cũng chớ nản lòng, từ bỏ bởi chỉ cần có ý chí, kiên định với mục tiêu thì rất có thể trong tương lai bạn sẽ là người chiến thắng và thành công.

2. Bài học cuộc sống qua câu tục ngữ “Thắng không kiêu bại không nản”

Câu tục ngữ “Thắng không kiêu bại không nản” để lại nhiều bài học ý nghĩa mà cha ông ta muốn nhắn gửi đến thế hệ sau.

1. Bài học về đức tính khiêm tốn 

Khiêm tốn là một đức tính tốt cần có trong mỗi chúng ta, cho dù là ở bất cứ công việc hay hoạt động nào trong cuộc sống. Khiêm tốn thể hiện sự khiêm nhường, không tự cao tự đại cho dù bạn là người thành công. 

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Thắng không kiêu bại không nản’ 2
Đức tính khiêm tốn luôn rất cần thiết trong mọi hoàn cảnh 

Ví dụ như bạn là một học sinh giỏi của lớp, đạt nhiều thành tích trong học tập nhưng vẫn luôn hòa đồng với bạn bè. Không có tính tự kiêu, tự mãn, tự phụ, hay ích kỷ cá nhân.

Bạn là một nhân viên xuất sắc, mang lại nhiều lợi ích cho công ty nhưng vẫn rất khiêm tốn khi tiếp xúc với đồng nghiệp. Đây là điều rất cần thiết trong môi trường làm việc tập thể. 

Đức tính khiêm tốn sẽ giúp bạn có được nhiều mối quan hệ tốt đẹp, rất nhiều người muốn được kết giao với bạn. Đồng thời, khi bạn gặp khó khăn, hoạn nạn, họ cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn.

Ngược lại nếu bạn thành công mà tự cao, tự đại sẽ khiến cho nhiều người đố kỵ, ganh ghét. Không những vậy, đến lúc bạn gặp thất bại trong cuộc sống cũng sẽ không một ai muốn đứng ra giúp đỡ.

2. Bài học về ý chí

Trong suốt một đời người, rất khó để tránh việc gặp phải những khó khăn, thất bại. Thất bại có thể đến từ nhiều khía cạnh khác nhau như: thất bại trong sự nghiệp học hành, thất bại trong công việc, thất bại trong chuyện tình yêu, hôn nhân, thất bại trong các mối quan hệ bạn bè… 

Điều quan trọng khi gặp phải những thất bại là bạn cần học cách đứng dậy, nhanh chóng lấy lại tinh thần để bắt đầu lại. Không vì chán nản, tuyệt vọng của những thất bại gặp phải mà đánh mất bản thân, không thể đứng dậy được. 

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Thắng không kiêu bại không nản’ 3
Cần đứng dậy sau vấp ngã một cách mạnh mẽ 

Thất bại có nhiều mức độ từ nhẹ nhàng đến nặng nề, chúng sẽ khiến cho người trong cuộc cảm thấy chán nản, thậm chí là suy sụp. Tuy nhiên bạn hãy coi thất bại đó là những bài học quý giá để mình có thể đứng dậy một cách mạnh mẽ hơn, tạo động lực để thành công ở những lần sau. 

Một người bản lĩnh là người dám đương đầu với thất bại và sẵn sàng làm lại từ đầu, cho dù con đường đi có khó khăn, gập ghềnh, nhiều gian nan.

Nếu thất bại mà bạn phải nhận quá nặng nề, rất khó chấp nhận được thì đừng quên bạn vẫn có gia đình, hãy nhờ những người thân, bạn bè hỗ trợ trong giai đoạn này. Chắc chắn họ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích nhất giúp bạn lấy lại tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Xã hội ngày càng phát triển dẫn đến các mối quan hệ cũng được mở rộng hơn để phục vụ cho công việc và cuộc sống. Con người ngày càng được tiếp cận với những lĩnh vực mới lạ, được thử thách và có nhiều cơ hội khẳng định mình. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh, khó khăn và thậm chí là thất bại nhiều lần. Nếu như không rèn luyện cho mình ý chí kiên cường cùng sự sáng suốt, con người sẽ rất khó để vượt qua.

Bên cạnh đó, thất bại cũng chưa hẳn đã là điều không tốt, bởi chỉ có trong thất bại con người mới nhận ra được chính mình. Thất bại dạy cho ta cách để thành công, cũng như sai lầm dạy cho ta cách để sáng suốt. Và thất bại thường sẽ tồn tại như một phần tất yếu trên con đường dẫn đến thành công.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” là gì?
16 cách giúp bạn vượt qua khó khăn trong cuộc sống, công việc
Ý nghĩa và cách kiểm soát trạng thái bi quan của mỗi người

3. Một số câu tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa với “Thắng không kiêu bại không nản”

Còn rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ mà ông cha ta muốn truyền đạt cho con cháu về tinh thần, ý chí vươn lên trong cuộc sống, đức tính khiêm nhường. Cùng tham khảo ngay nhé!

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Thắng không kiêu bại không nản’ 4
 

1. Thất bại là mẹ thành công.

2. Chân cứng đá mềm.

3. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.

4. Còn răng nào, cào răng nấy.

5. Chớ vì nghẹn một miếng mà bỏ bữa ăn,
Chớ vì ngã một lần mà chân không bước.

6. Lửa thử vàng, gian nan thử sức.

7. Thua keo này, bày keo khác.

8. Có chí làm quan, có gan làm giàu.

9. Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn,
Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim.

10. Đây ta như cây giữa rừng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.

Thông qua bài viết này, bạn đọc đã có thể hiểu rõ hơn về câu tục ngữ “Thắng không kiêu bại không nản”. Mong rằng mỗi người chúng ta hãy luôn là chính mình, sống tích cực và có trách nhiệm cho dù thành công hay thất bại và luôn tiến về phía trước.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận