Tiêu điểm: Nhân Humanity

166 câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ về môi trường sống và thiên nhiên

VOH - Thông qua những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ về môi trường và thiên nhiên, ông bà ta đã truyền đạt lại cho con cháu nhiều tri thức quý báu.

Từ xa xưa, nhằm phục vụ cho lao động, sản xuất cũng như cuộc sống, con người đã biết quan tâm đến môi trường sống cùng các yếu tố trong thiên nhiên. Để lưu giữ lại những kinh nghiệm này, người xưa chọn cách gửi gắm qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam.

Những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ về môi trường sống

Môi trường là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sự phát triển của con người cũng như các sinh vật khác. Về vấn đề này, ông cha ta đã đúc kết ra một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ sau.

  1. Đất lành chim đậu
  2. Gạo trắng nước trong
  3. Rừng già nhiều voi, rừng còi nhiều cọp
  4. Rừng nào cọp nấy
  5. Thấy cây mà chẳng thấy rừng
  6. Cá nước chim trời
  7. Đèo heo hút gió
  8. Đồng trắng nước trong
  9. Ở chọn nơi, chơi chọn bạn
  10. Vượn lìa cây có ngày vượn rũ
ca-dao-tuc-ngu-moi-truong-song-voh[1]
Tục ngữ, thành ngữ về môi trường sống - Ảnh: Canva
  1. Bờ xôi, ruộng mật
  2. Ruộng sâu trâu nái
  3. Sơn cùng thuỷ tận
  4. Giếng đâu thì ếch đó
  5. Ao sâu tốt cá
  6. Cá mạnh về nước
  7. Đồng không mông quạnh
  8. Nhất duyên, nhì phận, tam phong thổ
  9. Gần sông quen tiếng cá, gần rừng không lạ tiếng chim
  10. Nhà sạch thì mát,
    Bát sạch ngon cơm. 
  11. Muốn chắc ở nhà gạch,
    Muốn sạch quét chổi cùn.

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về các yếu tố môi trường

Không khí, đất, nước, ánh sáng, núi, rừng, sông, biển, thắng cảnh, di tích… đều là các yếu tố thuộc môi trường. Cho nên trên thực tế, ca dao, tục ngữ, thành ngữ về môi trường có thể đề cập đến rất nhiều vấn đề. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu do VOH tổng hợp.

  1. Danh lam thắng cảnh
  2. Khoai đất lạ, mạ đất quen
  3. Đồng chua nước mặn
  4. Bén rễ đâm chồi
  5. Năm châu bốn biển
  6. Thứ nhất leo rễ, thứ nhì trễ cành
  7. Tấc đất tấc vàng
  8. Đá đổ mồ hôi, mưa trôi đầy đồng
  9. Rừng vàng biển bạc
  10. Đông cây xây lá
  11. Gió táp mưa sa
  12. Lạnh như đồng
  13. Sơn hào hải vị
  14. Vật đổi sao dời
  15. Không mưa thì gió, khi mặt trời đỏ như son
  16. Biết chiều trời, nước đời chẳng khó
  17. Lóc xóc không bằng một góc ruộng
  18. Sấm kêu rêu mọc
  19. Sơn lam chướng khí
  20. Bương già nhà vững
  21. Nhà ngói, cây mít
  22. Đâm chồi, nảy lộc
ca-dao-tuc-ngu-moi-truong-tai-nguyen-voh[1]
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về môi trường thiên nhiên - Ảnh: Canva
  1. Vô rú mà đốn săng
    Vào rừng mà đẵn gỗ.
  2. Rác thì chôn lấp gốc cây
    Còn đem vứt bậy bệnh lan cả làng. 
  3. Mưa rừng cọ,
    Gió rừng thông.
  4. Thứ nhất canh trì,
    Thứ nhì canh viên,
    Thứ ba canh điền
  5. Núi kia ai đắp nên cao
    Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
  6.  Ai về Non Nước thì về
    Trước sông, sau biển, núi kề một bên
  7. Ai lên nhắn tới nậu nguồn
    Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên.
    Ai về nhắn với miệt trên,
    Rừng cây chặt trụi lụt lên tới nguồn. 
  8. Bãi biển Nha Trang mịn màng, trắng trẻo
    Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh
    Đêm đêm thơ thẩn một mình
    Đố sao cho khỏi vướng tình nước mây? 
  9. Bến Tre biển rộng sông dài
    Ao trong nuôi cá, bãi ngoài thả nghêu. 
  10. Đường vô xứ Huế quanh quanh
    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. 
  11. Tôm càng xanh nước quơ râu
    Rừng vàng biển bạc còn đâu phải tìm. 
  12. Ai về đất Trúc xa xăm
    Viếng hồ Chung Thủy sau thăm xứ dừa. 
  13. Rừng U Minh có tiếng muỗi nhiều
    Sông Bến Hải tiêu điều nước non. 
  14. Chim quyên dại lắm, không khôn
    Sơn lâm không đậu, đậu cồn cỏ may. 
  15. Dinh Trấn Biên rừng xanh đất đỏ
    Bởi vận nghèo mới bỏ vô đây
    Chiều chiều lên núi trông mây
    Ngó về quê cũ nhớ cây da tàn!
  16. Qua đồng ngả nón thăm đồng
    Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu.
  17. Sông sâu mà biển cũng sâu
    Muốn ăn cá lớn, rong câu cho dài.
  18. Trời sinh có biển có nguồn
    Có ta, có bạn, còn buồn nỗi chi?
  19. Rung kêu đàng nam, cá vàng cá bạc
    Rung kêu đàng bắc, bốc muối ra ăn
  20. Rừng thiêng nước độc thú bầy
    Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh.
  21. Tới đây những núi cùng khe
    Chân sim bóng núi, tiếng ve gọi sầu
  22. Đố ai đếm được lá rừng
    Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
  23. Anh đi ba tháng thì về
    Rừng thiêng nước độc chớ hề ở lâu.
  24. Muốn ăn măng trúc măng giang
    Măng tre măng nứa cơm lam thì chèo
    Người xuôi lên thác xuống đèo
    Chim kêu núi nọ, vượn trèo non kia. 
  25. – Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
    Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?
    Sông nào bên đục bên trong?
    Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
    Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh?
    Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
    Ở đâu là chín từng mây?
    Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
    Chùa nào mà lại có hang?
    Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
    Ai mà xin lấy túi đồng?
    Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?
    Nước nào dệt gấm thêu hoa?
    Ai mà sinh cửa, sinh nhà, nàng ơi?
    Kìa ai đội đá vá trời?
    Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
    Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
    Xin em giảng rõ từng nơi từng người.
    – Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi
    Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng
    Nước sông Thương bên đục bên trong
    Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh
    Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
    Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
    Trên trời có chín từng mây
    Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng
    Chùa Hương Tích mà lại ở hang
    Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không
    Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
    Trên trời lại có con sông Ngân Hà
    Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
    Ông Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi
    Bà Nữ Oa đội đá vá trời
    Vua Đại Vũ trị thủy cho đời yên vui
    Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
    Em xin giảng rõ từng nơi từng người.
  26. Ở đâu sáu tỉnh anh ơi
    Sông nào chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
    Sông nào có nước trong luôn
    Núi nào có tiếng cả muôn dặm ngoài
    Con gì có cánh không bay
    Con gì không cẳng, chạy ngay trăm rừng
    Con gì giống chó có sừng
    Anh mà đáp được, em cùng theo anh
    – Nam Kỳ sáu tỉnh em ơi
    Sông Cửu Long chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
    Sông Đồng Nai nước sạch trong luôn
    Núi Thất Sơn danh tiếng cả muôn dặm ngoài
    Con gà có cánh không bay
    Con rắn không cẳng, chạy ngay trăm rừng
    Con dê giống chó có sừng
    Anh đà đáp được, em cùng.

Những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ về môi trường và thời tiết

Hầu hết những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ về môi trường và thời tiết đều được ông cha ta đúc kết từ quá trình lao động sản xuất. Thông qua việc quan sát các hiện tượng tự nhiên, dân gian đã khái quát thành những tri thức và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

  1. Bà rú Lông đi ông rú Trà
  2. Đông the, hè đụp
  3. Cơn truông Nu, đập tru mà chạy
  4. Nắng tháng ba, hoa chẳng héo
  5. Chớp ngã Cồn Tiên, mưa liền một trộ
  6. Nắng ông Từa, mưa ông Gióng
  7. Kẻ Cài reo, kẻ Treo khóc
  8. Mống cụt không lụt thì bão
  9. Mống bạc sạch đồng
  10. Một cơn mống bạc, một đạc nước xanh
  11. Mống Hòn Sang lấy ang đựng nước
  12. Quầng cạn tán mưa
  13. Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống
  14. Mưa tháng ba, hoa đất
  15. Mưa tháng tư, hư đất
  16. Đông bắc chớp nháy mừng lòng, tức là mai tới đầy đồng mương khe
  17. Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm
  18. Động bể đông, bắc nồi rang thóc; động bể bắc, đổ thóc ra phơi
  19. Trống tháng bảy chẳng hội thì chay, tháng sáu heo may chẳng mưa thì bão
  20. Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang, mây kéo lên ngàn thì mưa như trút
  21. Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa
ca-dao-tuc-ngu-moi-truong-thoi-tiet-voh[1]
Ca dao, tục ngữ về môi trường và thời tiết - Ảnh: Canva
  1. Mưa chẳng qua Ngọ,
    Gió chẳng qua Mùi. 
  2. Sáng bể chớ mừng
    Tối rừng chớ lo. 
  3. Nắng sớm thì đi trồng cà,
    Mưa sớm ở nhà phơi thóc. 
  4. Mưa bên Quát lấy quạt mà che
    Mưa kẻ E lấy bè mà chở
  5. Mống mọc đàng đông, bồ không lại có
    Mống mọc đàng tây bồ đầy lại lưng.
  6. Tháng ba, mười ba còn ghi
    Nhựt thực giờ Ngọ, vậy thì tối tăm.
  7. Năm Thìn mười sáu tháng ba
    Gặp một trận bão cửa nhà tan hoang.
  8. Lụt bão rồi, ngành ngọn xơ rơ,
    Con chim không nơi đậu, biết dật dờ phương nao.
  9. Ong vò vẽ làm tổ bụi gai
    Thấp thời lụt nhỏ, cao thời lụt to.
  10. Gió nào độc bằng gió Gò Công
    Sông nào nông bằng sông Châu Đốc.
  11. Trời làm bão lụt mênh mông,
    Cầu trôi, bực lở, ai bồng em qua?
  12. Mưa chi mưa oán, mưa thù
    Mưa quanh, mưa quất bàu Thần Phù không mưa. 
  13. Mây chòm, mây đống không lo
    Lo đàn mây mỏng nó bò qua trăng. 
  14. Bao giờ Đại Huệ mang tơi
    Rú Đụn đội nón thì trời mới mưa.
    Bao giờ mống Mắt mống Mê
    Thuyền câu thuyền lái chèo về cho mau.
  15. Động bể đông bắc nồi rang thóc
    Động bể bắc đổ thóc ra phơi
    Trời mưa cho lúa thêm bông
    Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền. 
  16. Khi mô rú Quyết có mây,
    Cửa Lò có chớp ngày rày hẵng mưa. 
  17. Tháng chín mưa giông thuyền mong ghé bến
    Từ nơi bãi biển qua đến buổi chợ chiều
    Nuôi con chồng vợ hẩm hiu
    Nhà tranh một mái tiêu điều nắng mưa. 
  18. Người ta đi cấy lấy công
    Tôi nay đi cây còn trông nhiều bề.
    Trông trời, trông đất, trông mây,
    Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm,
    Trông cho chân cứng đá mềm,
    Trời êm, bể lặng mới yên tâm lòng. 
  19. Trời mưa mang áo ra phơi
    Đến khi trời nắng mang tơi đi cày
    Hạn hán thì ruộng nước đầy
    Mưa giông nứt nẻ ruộng lầy ai ơi.
  20. Trời làm bão lụt mênh mông
    Sông khô hồ cạn, cá trên đồng còn chi
    Trời làm phong vũ bất kì
    Xuân thu đáo hạn cá quy về hồ
    Trời làm bàu cạn hói khô
    Hữu ngư hồ thủy chỗ mô tui cũng tầm.
  21. Ai về Quảng Ngãi mà xem
    Bãi tơ vàng óng đồng ken lúa vàng
    Xóm thôn sực nức mùi đàng
    Nhắp chè Tam Bảo luận bàn văn chương.
  22. Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
    Có về An Phú với anh thì về
    An Phú có ruộng tứ bề,
    Có ao tắm mát, có nghề mạch nha.

Ca dao, thành ngữ, tục ngữ về môi trường và các bài học cuộc sống

Khác nhóm ca dao, tục ngữ, thành ngữ về môi trường, thiên nhiên… ở trên, những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ dưới đây mượn các yếu tố của môi trường, các quy luật của tự nhiên để phản ánh bài học, triết lý trong cuộc sống.

  1. Người ta là hoa đất
  2. Sóng sau xô sóng trước
  3. Thả hồ về rừng
  4. Điệu hổ ly sơn
  5. Tiền rừng bạc bể
  6. Thệ hải minh sơn
  7. Sông cạn đá mòn
  8. Sông lở, sóng còn
  9. Ăn cây nào rào cây ấy
  10. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
  11. Đất khách quê người
  12. Đất sỏi có chạch vàng
  13. Được lòng đất mất lòng đò
  14. Tiếng oan dậy đất
  15. Chở củi về rừng
  16. Tiền rừng bạc bể
  17. Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại
  18. Đi cúi mặt xuống đất, về cất mặt lên trời
  19. Sống cục đất, mất cục vàng
  20. Gần đất xa trời
  21. Đất có thổ công, sông có hà bá
  22. Đất có lề, quê có thói
  23. Già sinh tật như đất sinh cỏ
  24. Làm thân đất ta, làm ma đất người
  25. Ghét đào đất đổ đi
ca-dao-tuc-ngu-moi-truong-bai-hoc-voh[1]
Ca, dao, tục ngữ về môi trường và các bài học cuộc sống - Ảnh: Canva
  1. Đất chuyển trời rung
  2. Non mòn biển cạn
  3. Rút dây động rừng
  4. Đất bằng nổi sóng
  5. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
  6. Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay
  7. Ngang trời, dọc đất
  8. Đạp đất đội trời
  9. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
  10. Bạo thiên nghịch địa
  11. Gai trên rừng ai vót mà nhọn, trái trên cây ai vo mà tròn
  12. Nhổ cây sống, trồng cây chết
  13. Nước có nguồn, cây có gốc
  14. Cây không trồng không tiếc, con không đẻ không thương
  15. Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
  16. Cây ngay chẳng sợ chết đứng
  17. Đời cha trồng cây, đời con ăn quả
  18. Biết sự trời, mười đời chẳng khó
  19. Một cây làm chẳng nên non
    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
  20. Làm thần đất ta
    Làm ma đất người. 
  21. Hơi đâu mà giận người dưng
    Bắt sao được cái chim rừng nó bay! 
  22. Chợ rộng thời lắm lái buôn
    Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra.
  23. Sông dài thì lắm đò ngang
    Anh nhiều nhân ngãi thì mang oán thù. 
  24. Khúc sông chật hẹp phải tùy
    Bấy lâu còn đợi, sá gì đôi năm.
  25. Sông sâu mà biển cũng sâu
    Muốn ăn cá lớn, rong câu cho dài. 
  26. Người đời ai có dại chi
    Khúc sông rộng hẹp phải tùy khúc sông. 
  27. Dù cho đất đổi trời thay
    Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời. 
  28. Ngó lên Đất Đỏ cỏ dày
    Nghĩa nhơn thăm thẳm mỗi ngày mỗi xa.
  29. Sông kia bên lở bên bồi
    Bên lở thì đục bên bồi thì trong
    Sông kia nước chảy đôi dòng
    Biết rằng bên đục bên trong bên nào.

Những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ về môi trường của người xưa không chỉ là lời nhắn nhủ về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên cũng như vai trò của môi trường sống mà còn đem lại cho chúng ta nhiều bài học nhân sinh. Hy vọng từ đây, mỗi người sẽ có ý thức đóng góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ, xây dựng môi trường sống bền vững cho tương lai.

Theo dõi VOH Thường thức để cập nhật thêm nhiều bài viết hay!

Bình luận