Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng ngời tinh thần yêu nước

VOH - Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trong nền văn học Việt Nam. Ông là biểu tượng cho tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. 

Thầy giáo, thầy thuốc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiều là một tri thức yêu nước nổi tiếng vào thế kỷ XIX. Dù mù lòa, nhưng với ý chí kiên cường cùng tài hoa hơn người, ông đã dùng ngòi bút sắc sảo của mình để "chở Đạo, trừ gian", tham gia chống giặc ngoại xâm trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Thơ văn của ông ca ngợi những người dân bình dị mang khí phách phi thường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH khám phá cuộc đời và các tác phẩm bất hủ của nhà thơ kiệt xuất này.

Đôi nét về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Dù cuộc đời gặp nhiều gian truân, nhưng Nguyễn Đình Chiểu với tâm sáng, chí cao, đã thể hiện bản lĩnh vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, dành tâm huyết và trí tuệ để tạo dựng sự nghiệp của một nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc nổi danh khắp đất Nam Bộ. 

Tiểu sử

Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau này bị mù có hiệu là Hối Trai, sinh ngày 01/7/1822 (nhằm ngày 13/5 năm Nhâm Ngọ) tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM). 

Thân phụ của ông là Nguyễn Đình Huy, quê ở Thừa Thiên Huế, được bổ làm thư lại ở dinh tả quân Lê Văn Duyệt, sau lấy vợ thứ tên là Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, sinh được 7 người con (4 trai, 3 gái). Nguyễn Đình Chiểu là con đầu lòng của bà.

voh-tho-nguyen-dinh-chieu-2
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (Hoạ sỹ Hoàng Hiệp -bút danh Thanh Xuân  vẽ năm 1982) - Ảnh: ĐCSVN

Năm lên 6 - 7 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu theo học với một ông đồ là học trò ông nghè Chiêu - môn sinh Cụ Võ Trường Toản. Việc được sống và học tập có nề nếp dưới sự dạy bảo của cha mẹ, cùng sự giáo dục của thầy vỡ lòng đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tư tưởng sau này của Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu cùng cha về Thừa Thiên và theo thầy học suốt 8 năm liền. Cuộc sống ở Huế đã giúp Nguyễn Đình Chiểu có điều kiện tiếp thu văn hóa đất kinh đô.

Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê mẹ và thi đậu tú tài tại Gia Định, lúc bấy giờ ông 21 tuổi, có một nhà họ Võ hứa gả con cho ông.

Năm 1847, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế để tiếp tục “dùi mài kinh sử” chờ khoa thi Hội vào năm Kỷ Dậu 1849. Nhưng được tin mẹ mất, ông vội vã trở về Gia Định để thọ tang.

Trên đường đi, vì quá đau buồn nên ông đã khóc rất nhiều. Thêm việc đường xá xa xôi, thời tiết thất thường, ông ốm nặng và bị mù cả đôi mắt. Mặc dù được một vị danh y hết sức cứu chữa nhưng vẫn không khỏi. 

Con đường theo đuổi đèn sách khoa cử hơn 10 năm ròng rã để mong giúp việc cho đời của Nguyễn Đình Chiểu đã bị “đứt gánh giữa đường” khi mà sự thất sủng của người cha rồi tang mẹ dồn dập ập đến. Trong thời gian chữa bệnh, ông đã được vị danh y này truyền dạy nghề thuốc. 

Thân mù lòa, trở về nhà chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu đã bị vị hôn thê bội ước vì tình cảnh gia đình sa sút… Ông đóng cửa cư tang cho đến năm 1851 mãn tang, rồi mở trường dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn. Người đời thường gọi ông là cụ Đồ Chiểu. 

Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu cưới Lê Thị Điền (1835 - 1886, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc; trước thuộc Gia Định, nay thuộc tỉnh Long An) làm vợ và có với nhau 6 người con (3 trai, 3 gái).

Trong đó, con gái thứ 4 là Nguyễn Thị Khuê (tức nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, 1864 - 1922) - Nữ chủ bút tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam: "Nữ Giới Chung" (Tiếng chuông nữ giới); con trai thứ 5 là Nguyễn Đình Chiêm (1869 - 1935) - tác giả của các vở hát bội "Phấn Trang Lâu", "Nam Tống tình trung"… nổi tiếng.

voh-tho-nguyen-dinh-chieu-4

Cảnh đám tang cụ Đồ Chiểu ở Ba Tri ngày 3/7/1888 - tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Dân vẽ năm 2012 - Ảnh: Báo Đồng Khởi

Sau khi 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc, ông chạy về quê vợ ở Cần Giuộc, sau đó di dời về Ba Tri - Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng tác phục vụ nhân dân.

Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 03/7/1888 (nhằm ngày 24/5 năm Mậu Tý) ở làng An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngày cụ Đồ Chiểu mất, học trò và những người mến mộ ông đến đưa tang, khăn tang trắng cả một cánh đồng.

Ngày 23/11/2021, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần thứ 41 họp tại Paris (Pháp), đã quyết định vinh danh Nguyễn Đình Chiểu và khuyến nghị toàn nhân loại tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh (1822 - 2022) của cụ.

Sự nghiệp sáng tác

Sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc, Nguyễn Đình Chiểu sớm cảm nhận được nỗi bất công và đau khổ mà người dân phải chịu đựng. 

Không chỉ dạy học và chữa bệnh, Nguyễn Đình Chiểu còn là nhà thơ lớn trong dòng văn học yêu nước, chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Tên tuổi của ông gắn liền với phong trào đấu tranh oanh liệt của nhân dân miền Nam. Dù không trực tiếp ra chiến trường, nhưng cụ Đồ Chiểu vẫn nhiệt tình tham gia bàn tính mưu kế chống giặc. Đồng thời, tích cực sáng tác những bài văn thơ phục vụ cho kháng chiến, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta.

Hầu hết các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Lục Vân Tiên (bắt đầu soạn khoảng 1851) là tập thơ đầu tay và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông, gồm 2.082 câu thơ lục bát. Đây là một "bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý đáng trọng ở đời" và là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông còn sáng tác các truyện thơ dài khác là Dương Tử - Hà Mậu (bắt đầu soạn khoảng năm 1854) và Ngư Tiều y thuật vấn đáp (được viết vào thời cuối, trước khi ông qua đời).

Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiều còn có một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác kẻ thù như: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, 12 bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874)...

Những tác phẩm hay của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

"Thà đui mà giữ đạo nhà / Còn hơn có mắt ông cha không thờ" (Lục Vân Tiên) là hai câu thơ nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu, dù nghiêng ngả, dù nghiêng ngả, đổi dời ra sao, cũng không khuất phục trước kẻ thù. 

Với lòng yêu nước nồng nàn, ông liên tục "dời nhà" để không phải sống trong vùng đất đã rơi vào tay giặc; cự tuyệt với sự dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc của thực dân Pháp; ủng hộ mạnh mẽ các cuộc kháng Pháp của những anh hùng, nghĩa sĩ; phê phán nặng nề các phần tử chạy theo giặc… Tất cả đã được Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ qua những bài thơ ấn tượng sau. 

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

(Trích Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:

“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.

Trước gây việc dữ tại mầy,

Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”

Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Lâu la bốn phía vỡ tan,

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

Phong Lai trở chẳng kịp tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Dẹp rồi lũ kiến chòm om,

Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”

Thưa rằng: “Tôi thiệt người ngay,

Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.

Trong xe chật hẹp khôn phô,

Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng.”

Vân Tiên nghe nói động lòng,

Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la.

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Tiểu thơ con gái nhà ai,

Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ?

Chẳng hay tên họ là chi?

Khuê môn phận gái việc gì đến đây?

Trước sau chưa hãn dạ này,

Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra?”

Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,

Con này tì tất tên là Kim Liên.

Quê nhà ở quận Tây Xuyên,

Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.

Sai quân đem bức thơ về,

Rước tôi qua đó định bề nghi gia.

Làm con đâu dám cãi cha,

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.

Chẳng qua là sự bất bình,

Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.

Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,

Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.

Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Chút tôi liễu yếu đào thơ,

Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.

Hà Khê qua đó cũng gần,

Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng.

Gặp đây đương lúc giữa đàng,

Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.

Gẫm câu báo đức thù công,

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.

Vân Tiên nghe nói liền cười:

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Nay đà rõ đặng nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

(Truyện Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm có 2082 câu thơ lục bát, được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ 19. Đoạn trích trên nằm ở phần đầu của truyện.)

voh-tho-nguyen-dinh-chieu-3
Một bức tranh minh họa truyện "Lục Vân Tiên" từ thế kỷ 19 của người Pháp - Ảnh: Công An Nhân Dân

Chạy Tây (Chạy giặc)

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

(Hiện chưa thấy tài liệu nào nói rõ thời điểm ra đời của bài thơ. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu và nhất là nội dung tác phẩm, có người cho rằng bài thơ này đã được tác giả viết ngay sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp bắt đầu tấn công (ngày 17/2/1859). Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX.)

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Hỡi ơi!

Súng giặc đất rền;

Lòng dân trời tỏ.

 

Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao;

Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.

 

Nhớ linh xưa:

Cui cút làm ăn;

Riêng lo nghèo khó.

 

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ. 

 

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

 

Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa;

Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ.

 

Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;

Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

 

Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;

Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.

 

Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;

Chẳng thèm chốn ngược, chốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.

 

Khá thương thay:

Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh;

Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

 

Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;

Chín chục trận binh thư, đâu chờ bày bố.

 

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi;

Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.

 

Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;

Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

 

Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;

Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

 

Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh;

Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.

 

Những lăm lòng nghĩa lâu dùng;

Đâu biết xác phàm vội bỏ.

 

Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây;

Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.

 

Đoái sông Cầm Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;

Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ.

 

Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm;

Vốn không giữ thành, giữ luỹ bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số.

 

Nhưng nghĩ rằng:

Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;

Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.

 

Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương;

Vì ai xui hào luỹ tan tành, xiêu mưa ngã gió?

 

Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn;

Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

 

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh;

Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.

 

Ôi thôi thôi!

Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;

Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

 

Đau đớn bấy! mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều;

Não nùng thay! vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

 

Ôi!

Một trận khói tan;

Nghìn năm tiết rỡ.

 

Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, ai làm cho bốn phía mây đen;

Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ.

 

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen;

Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

 

Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia;

Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.

 

Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân;

Cây hương nghĩa sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ.

 

Hỡi ơi!

Có linh xin hưởng.

1861

voh-tho-nguyen-dinh-chieu-5
Tranh “Nhân dân Gò Công suy tôn Trương Công Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái” (tranh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Văn tế Trương Định

Hỡi ơi!

Giặc cỏ bò lan;

Tướng quân mắc hại.

 

Ngọn khói Tây bang đóng đó, cõi biên còn trống đánh sơn lâm;

Bóng sao Võ Khúc về đâu, đêm thu vắng tiếng canh dinh trại.

 

Nhớ tướng quân xưa:

Gặp thuở bình cư;

Làm người chí đại.

 

Từ thuở ở hàng viên lữ, pháp binh trăm trận đã làu;

Đến khi ra quản đồn điền, võ nghệ mấy ban cũng trải.

 

Lối giặc đánh, tới theo quan tổng, trường thi, mô súng, trọn mấy năm ra sức tranh tiên;

Lúc cuộc tan, về huyện Tân Hoà, đắp luỹ đồn binh, giữ một góc bày lòng địch khái.

 

Chợt thấy cánh buồm lai sứ, việc giảng hoà những tưởng rằng xong;

Đã đành tấm giấy tựu phong, phận thần tử há đâu dám cãi.

 

Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;

Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại.

 

Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ xui theo;

Tóm muôn dân gầy sổ mộ binh, luật lệnh mấy ai dám trái.

 

Văn thì nhờ tham biện, thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công;

Võ thì dùng tổng binh, đốc binh, coi các đạo sửa sang khí giái.

 

Khá thương ôi!

Tiền vàng ơn chúa, trót đã rỡ ràng;

An bạc mưu binh, nào từng trễ nải.

 

Chí lăm dốc cờ xuê lộ bố, chói sắc giữa trào;

Ai muốn đem gươm báu Can Tương chôn hơi ngoài ải.

 

Há chẳng thấy:

Sức giặc Lang Sa;

Nhiều phương quỷ quái.

 

Giăng dưới nước tàu đồng tàu sắt, súng nổ quá bắp rang;

Kéo trên bờ ma ní, ma tà, đạn bắn như mưa vãi.

 

Dầu những đại đồn thuở trước, cũng khó toan đè trứng nghìn cân;

Huống chi cô luỹ ngày nay, đâu dám chắc treo mành một giải.

 

Nhưng vậy mà: Vì nước tấm thân đã nấy, còn mất cũng cam;

Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại.

 

Rạch Lá, Gò Công mấy trận, người thấy đã kinh;

Cửa Khâu, Trại Cá khắp nơi, ai nghe chẳng hãi.

 

Nào nhọc sức họ tào biên sổ, lương tiền nhà ruộng, cho một câu háo nghĩa lạc quyên;

Nào nhọc quan võ khố bình cân, thuốc đạn ghe buôn, quyền bốn chữ giao thương đạo tải.

 

Núi đất nửa năm ngăn giặc, nào thành đồng luỹ sắt các nơi;

Giáo tre ngàn dặm đánh Tây, là ngựa giáp xe nhung mấy cái.

 

Ôi!

Chí dốc đem về non nước cũ, ghe phen hoạn nạn, cây thương phá lỗ chưa lìa;

Nào hay trở lại cảnh quê xưa, nhắm mắt lâm chung, tấm bảng phong thần vội quải.

 

Chạnh lòng tướng sĩ, thương quan tướng, nhắc quan tướng, chiu chít như gà;

Bậc trí, nhân dân, giận thằng tà, mắng thằng tà, om sòm như nhái.

 

Ôi!

Sự thế hỡi bên Hồ bên Hán, bao giờ về một mối xa thư?

Phong cương còn nửa Tống nửa Liêu, đâu nỡ hại một tay tướng soái.

 

Nào phải kẻ tán sư đầu giặc, mà để nhục miếu đường;

Nào phải người kiểu chiếu đánh phiên, mà gây thù biên tái.

 

Hoặc là chuộng một lời hoà nghị, giận nam phiên phải bắt Nhạc Phi về;

Hoặc là do trăm họ hoành la, hờn U địa chẳng cho Dương Nghiệp lại.

 

Vì ai khiến dưa chia khăn xé, nhìn giang san ba tỉnh luống thêm buồn;

Biết thuở nào cờ phất trống rung, hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái.

 

Còn chi nữa! Cõi cô thế riêng than người khóc tượng, nhắm mắt rồi, may rủi một trường không;

Thôi đã đành! Bóng tà dương gấm ghé kẻ day đòng, quày gót lại, hơn thua trăm trận bãi.

 

Ôi!

Làm ra cớ ấy, tạo hoá ghét nhau chi?

Nhắc tới đoạn nào, anh hùng rơi luỵ mãi.

 

Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước, nào hờn tiếng thị tiếng phi;

Cõi yên hà một chức chịu lãnh binh, lây lất theo thời, chưa chắc đâu thành đâu bại!

 

Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi;

Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phương tớ dại.

 

Tướng quân còn đó, các nơi đạo tặc thảy kiêng dè;

Tướng quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái.

 

Nào đã đặng mấy hồi nơi thích lý, màn hùm che mặt rằng xuê;

Thà chẳng may một giấc chốn trường sa, da ngựa bọc thây mới phải.

 

Ôi!

Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân;

Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái.

 

Xưa còn làm tướng, dốc rạng giồi hai chữ bình Tây;

Nay thác theo thần, nên dâng hộ một câu phúc thái.

1864

Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong

Hỡi ôi!

Tủi phận biên manh;

Căm loài dương tặc.

 

Ngoài sáu tỉnh hãy ngợi câu án đổ, dân nhờ vua đặng lẽ sống vui;

Trong một phương sao mắc chữ lục trầm, người vì nước rủ nhau chết ngặt!

 

Nhớ các linh xưa:

Tiếng đồn trung nghĩa đến xa;

Thói giữ cương thường làm chắc.

 

Từ thủa Tây qua cướp đất, xưng tân trào gây nợ oan cừu;

Chẳng qua dân mắc nạn trời, hoài cựu chúa mang lời phản trắc.

 

Các bậc sĩ nông công cổ, liền mang tai với súng song tâm;

Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mắc hại cùng cờ tam sắc.

 

Bọn tam giáo quen theo đường cũ, riêng than bất hạnh mang nghèo;

Bầy cửu lưu cứ nối nghề xưa, thầm tủi vô cô chịu cực.

 

Phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của quay treo;

tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật.

 

Trải mười mấy năm trầy khốn khó, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nghe nào xiết đến tên;

Đem ba tấc hơi mọn bỏ liều, hoặc sông hoặc biển hoặc núi hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt.

 

Khá thương thay!

Dân sa nước lửa chầy ngày;

Giặc ép mỡ giàu hết sức.

 

Đành những kẻ cha thù anh oán, nhảy vòng báo ứng đã cam;

Cực cho người vợ goá con côi, gây đoạn thảm sầu khôn dứt.

 

Man mác trăm chiều tâm sự, sống những lo trả nợ cho đời;

Phôi pha một mảnh hình hài, thác rồi bỏ làm phân cho đất.

 

Nghĩ nỗi anh hùng nạn nước, bãi khô lâu nào mấy kẻ khóc than;

Tưởng câu danh lợi tuồng đời, trường khối lỗi mặc dầu ai náo nức.

 

Trời hỡi trời!

Lòng nghĩa dân phải với ngô quân;

Tiếng nghịch đảng lỗi cùng địch vức.

 

Gần Côn Lôn xa đại hải, máu thây trôi nổi ai nhìn;

Hàng cai đội bậc quản cơ, xương thịt rã rời ai cất?

 

Sống thời chịu nắng sương trời một góc, khó đem sừng ngựa hẹn quy kỳ;

Thác rồi theo mưa ngút biển muôn trùng, khôn mượn thư nhàn đưa tin tức.

 

Thấp thoáng hồn hoa phách quế, lòng cố hương gửi lại bóng trăng thu;

Bơ vơ nước quỷ non ma, hơi âm sát về theo luồng gió bấc.

 

Như vậy thì:

Số dẩu theo sáu nẻo luân hồi;

Khí sao để trăm năm uất ức.

 

Trời Gia Định ngày chiều ráng bắn, âm hồn theo cơn bóng ác dật dờ;

Đất Biên Hoà đêm vắng trăng lờ, oan quỷ nhóm ngọn đèn trời hiu hắt.

 

An Hà quận đang khi bạch trú, gió cây vụt thổi cát xoáy bay con trốt dậy bên thành;

Long Tường Giang mỗi lúc hoàng hôn, khói nước sông mù, lửa huỳnh nháng binh ma chèo dưới vực.

 

Nhìn mất chặng cờ lau trống sấm, mỉa mai trận nghĩa gửi binh tình;

Thảm đòi ngàn ngựa gió xe mây, mường tượng vong linh về chiến lật.

 

Thôi!

Người lạc phách theo miền giang hải, cung ngao lẩn thẩn, dành một câu thân thế phù trầm;

Kẻ du hồn ở cõi sơn lâm, luỹ kiến đồn ong, còn bốn chữ “âm dung phảng phất”.

 

Ôi!

Sống muốn cho an;

Thác sao rằng bức?

 

Dẫu sớm thấy ngọn cờ điếu phạt, phận thần dân đâu chẳng toan còn;

Chưa kịp nghe tiếng trống an nhương, nghĩa quân phụ nào dè chết mất.

 

Hoặc là sợ như đất triêu Tần mộ Sở, cuộc can qua sông cũng ở ghê mình;

Hoặc là e như trời nam Tống bắc Kim, đường binh cách thác đi cho khuất mặt.

 

Tiếc non nước ấy nhân dân dường ấy, gây sự này nào thấy phép tẩy oan;

Biết cha mẹ đâu tộc loại ở đâu, chạnh tình đó mới ra ơn điếu tuất.

 

Tuy uổng mệnh hãy chờ khi sách mệnh, sẵn vòng quả báo vấn vương;

Song oan hồn chưa có kẻ chiêu hồn, khiến tấm linh bài bực tức.

 

Nhớ phận áo cơm đất nước, trọn mấy năm ngóng cổ trông quan;

So bề mồ mả ông cha, còn hơn đứa đành lòng theo giặc.

 

Đến nay:

Cám cảnh Nam Trung;

Trách lòng tạo vật.

 

Ví như sĩ sinh đời Đông Tấn, nay đánh Hồ mai dẹp Yết, thời phơi gan trong đám tinh chiên;

Nào phải dân ở cõi U Yên, sớm đầu Hạ, tối về Liêu, mà trây máu bên đường kinh cức.

 

Phải trời cho mượn cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh;

Ít người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc.

 

Muôn dặm giang sơn triều thánh đố, gian sơn còn hơi chính đều còn;

Nghìn năm hồn phách nạn dân này, hồn phách mất tiếng oan nào mất.

 

Dẫu đặng ơn nhuần khô cốt, cơn trị bình nào thấy đạo vương;

Muốn cho phép vớt linh hồn, buổi ly loạn khôn cầu kinh Phật.

 

Ôi!

Trời xuống nàn quỷ trắng mấy năm;

Người uống giận suối vào vàng lắm bực.

 

Cảnh Nam thổ phơi màu hoa thảo, đọng tình oan nửa úa nửa tươi;

Cõi Tây thiên treo bức vân hà, kết hơi oán chặng thưa chặng nhặt.

 

Ngày gió thổi lao xao tin dã mã, thoắt nhóm thoắt tan thoắt lui thoắt tới, như tuồng bán dạng linh tinh;

Đêm trăng lời giéo giắt tiếng đề quyên, dường hờn dường mến dường khóc dường than, đòi đoạn tỏ tình oan khuất.

 

Xưa nghe có bến sông Vị Thuỷ, lấy lễ nhân đầu tế lũ hồn oan;

Nay biết đâu bãi cát Trường Sa, mượn của âm phù độ bè quỷ ức.

 

Đốt lọn nhang trầm trời đất chứng, chút gọi là làm lễ vãn vong;

Đọc bài văn tế quỷ thần soi, xin hộ đó theo đường âm chất.

 

Hỡi ôi! Thương thay! Có linh xin hưởng.

1874 (có tài liệu ghi 1884)

Điếu Phan Công Tòng bài 02 

Anh hùng thà thác chẳng đầu Tây

Một giấc sa trường phận cũng may.

Viên đạn nghịch thần treo trước mắt,

Lưỡi gươm địch khái nắm trong tay.

Đầu tang ba tháng trời riêng đội,

Lòng giận nghìn thu đất nổi dày.

Tiếc mới một sồng ra đặt trụm.

Cài xên, con rã, nghĩ thương thay!

Hồi 39 (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Dẫn rằng: Ta dốc can thầy,

Nghe thầy phân giải lời này rất hay.

Thầy rằng: Trời đất xưa nay,

Khí vần vốn có đổi xay chính, tà.

Xen hình hơi chính trôi ra,

Dưới là ngũ nhạc, trên là tam quang,

Nhờ hơi quang nhạc sáng đường,

Ở đời ngũ đế tam vương trị vì,

Ấy rằng khí vận thịnh thì,

Ba giềng năm dạy trọn nghì nhân luân.

Đến khi vận ách thời truân,

Ghe keo chằm Sở tạm lần châu đông.

Nối ra năm bá, bảy hùng,

Đua tranh công lợi, lấp dòng nghĩa nhân.

Ấy rằng quang nhạc khí phân,

Thánh hiền dấu tối, di luân rối nùi.

Khiến nên mọi rợ dể duôi,

Tôi loàn, con giặc, phanh phui sự đời.

Hơi tà ngăn bủa khắp nơi,

May còn hơi chính ở đời bao nhiêu,

Cho hay hơi chính chẳng nhiều,

Thời cùng mới thấy tiết nêu phẩm đề.

Kìa như cái giản nước Tề,

Ba phen quan sử nối đề “thí vua”.

Cám vua nước Tấn vô cô,

Chính làm ngòi viết Đồng hồ biên ra.

Làm cây chuỳ Bác Lãng Sa,

Trương Lương vì chúa đánh xa Tần hoàng.

Làm cây cờ tiết Tô lang,

Đất Nô đày đoạ trải đàng gian nan.

Chính làm đầu lão Nghiêm Nhan,

Thua thời chịu chém, chẳng hàng Trương Phi.

Chính làm máu nhuộm đế y,

Như ngươi Kê Thiệu cứu nguy chúa mình.

Chính làm cái lưỡi Cảo Khanh,

Thường Sơn chửi giặc, chịu hình cũng ưng,

Chính làm lỗ miệng Trương Tuần,

Tuy Dương mắng giặc tưng bừng đều kinh,

Gặp cơn Tam quốc chia giành,

Chính làm cái mão Quản Ninh sạch mình,

Gặp khi Bắc Nguỵ tiếm danh,

Chính làm lời biểu Khổng Minh xuất Kỳ.

Hoặc làm chèo Tổ Địch đi,

Qua sông thề dẹp Yết Đê mọi loàn.

Hoặc làm cái hốt họ Đoàn,

Đánh đầu kẻ hoạn mưu gian soán Đường,

Ấy đều hơi chính vấn vương,

Người làm oanh liệt một trường dấu ghi.

Đời suy người triết phù trì,

Nên câu “thiên trụ địa duy” vững vàng.

Đến nay người triết xa đàng,

Dưới trời hơi chính cũng tan lần mòn.

Thử xem trong cuộc nước non,

Bốn chia, năm xé, thon von dường nào.

Nhảy vòng phú quý lao xao,

Sớm tôi, tối chúa, ra vào gườm nhau.

Muôn dân ép ráo mỡ dầu,

Ngày trau khí giới, tháng xâu điện đài.

Thêm bầy gian nịnh chen vai,

Gây nên mọi rợ từ ngoài lấn trong,

Đánh nhau thây bỏ đầy đồng,

Máu trôi đọng vũng, non sông nhơ hình,

Xừng xừng giành đất, giành thành,

Ngựa xe rần rộ, bụi binh tối trời,

Mây sầu gió thảm đòi nơi,

Sấm đông, tuyết hạ, khác đời trung nguyên,

Ấy rằng quang nhạc khí hôn,

Năm giềng ba mối rối dồn như tơ.

Dù sinh Y Phó đời giờ,

E khi cày ruộng cuốc bờ mà thôi.

Huống ta là kẻ không ngôi,

Tài chi lạy cúi làm tôi nước loàn?

Đã cam chút phận dở dang,

“Trí quân” hai chữ mơ màng năm canh.

Đã cam lỗi với thương sinh,

“Trạch dân” hai chữ luống doanh ở lòng.

Lại cam thẹn với non sông,

“Cứu thời” hai chữ luống trông thuở nào.

Nói ra thời nước mắt trào,

Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi.

Thời trời đã vậy, thôi thôi nào cầu.

Thà cho trước mắt mù mù,

Chẳng thà ngồi ngó kẻ thù quân thân.

Thà cho trước mắt vô nhân,

Chẳng thà ngồi ngó sinh dân nghiêng nghèo,

Thà cho trước mắt vắng hiu,

Chẳng thà thấy cảnh trời chiều phân xâm.

Thà cho trước mắt tối ngầm,

Chẳng thà thấy đất lục trầm can qua.

Dù đui mà giữ đạo nhà,

Còn hơn có mắt ông cha chẳng thờ,

Dù đui mà khỏi danh nhơ,

Còn hơn có mắt ăn nhơ tanh rình.

Dù đui mà đặng trọn mình,

Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu.

Sáng chi theo thói chiên cầu,

Dọc ngang chẳng đoái trên đầu có ai.

Sáng chi đắm sắc, tham tài,

Lung lòng nhân dục, chuốc tai hoạ trời

Sáng chi dua nịnh theo đời,

Nay vinh, mai nhục, mang lời thị phi.

Sáng chi nhân nghĩa bỏ đi,

Thảo ngay chẳng biết, lỗi nghì thiên luân,

Thấy rồi muôn việc trong trần,

Xin còn hai chữ “tâm thần” ở ta.

Nguyện cùng tạo hoá lại qua,

Làm xe, làm đạn, phận già thảnh thơi.

Kêu trâu, kêu ngựa mặc người,

Cánh trùng, gan chuột, theo trời phú cho.

Nói rồi Đạo Dẫn dặn dò,

Anh em ai nấy chớ cho lậu tình,

Nhân Sư dù đặng an mình,

Bọn ta lui tới sử kinh nhờ thầy.

Ngư rằng: Xin hỏi bạn thầy,

Thanh Phong, Minh Nguyệt, lối này ở đâu?

Hai ông là bạn đồng du,

Cớ sao nỡ để mắt mù Nhân Sư?

Dẫn rằng: Việc ấy hữu từ,

Hai ông bạn cũng vô như chi hà!

Hai ông thường nói cùng ta,

Khen rằng thầy ấy thật là triết nhân.

Như thầy chẳng những bảo thân,

Lại hay bảo đạo mười phân vững vàng.

Thánh xưa lời dạy rõ ràng,

“Nước an làm trí, nước loàn làm ngu”,

Từ xưa có kẻ cạo đầu,

Giả câm, giả dại, lánh xâu nước loàn,

Vả nay trời bước gian nan,

Thà không mắt thấy, khỏi mang dạ sầu,

Hoa Di mão dép lộn nhầu,

Mấy ai giữ phép Xuân Thu đặng rồi,

Chớ khinh mang tật đui ngồi,

Trời còn hơi chính gởi đôi mắt thầy,

Sau trời thúc quý tan mây,

Sông trong, biển lặng, mắt thầy sáng ra.

Khuyên ngươi lòng chớ sai ngoa,

Coi lời thơ tặng thầy ta hẳn hòi.

Minh nguyệt thanh phong

(hợp tặng nhân sư thi)

Dịch nghĩa:

Đang thuở tinh chiên giậm bấy đường,

Trăm nhà, mấy trọn dấu thư hương?

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,

Lòng đạo xin tròn một tấm gương.

Tần đế còn nhường danh họ Lỗ,

Hán vương đâu biết bệnh thầy Trương.

Thôi thôi đả vậy thôi thà vậy,

Một túi kiền khôn mặc mở mang.

Xúc cảnh / Ngóng gió đông (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa xuân đâu hỡi, có hay không?

Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn,

Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung.

Chừng nào thánh đế ân soi thấu,

Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

("Ngư Tiều y thuật vấn đáp" được viết trong khoảng năm 1874 trở về sau, khi cả Nam Bộ bị chiếm đóng. Do đó, những nhân vật trong tác phẩm như ông Ngư, ông Tiều, Đường Nhập Môn đều là phiên bản của Nguyễn Đình Chiểu. Bài thơ gửi thông điệp về tấm lòng son sắt, trung trinh với đất nước và niềm tin, hy vọng quê hương sẽ sạch bóng quân xâm lược của nhà thơ. "Xúc cảnh" hay còn gọi là "Ngóng gió đông" do nhân vật Đường Nhập Môn đọc.)

voh-tho-nguyen-dinh-chieu-6

Tranh của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh vẽ đề tài: Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, bà Sương Nguyệt Anh ghi chép - Ảnh: TTO

Thảo thử hịch

Tượng mảng:

Lẽ trời sinh vật;

Vật ấy nhiều loài.

 

Lấy câu thuận tính làm lành;

Thấy chữ nghịch thường mà ngán.

 

Nhỏ là loài ong kiến, còn biết nghĩa quân thần;

Lớn là loài hổ lang, cũng niệm tình phụ tử.

 

Kìa như thước báo tai, cưu báo hỷ, đời cũng nhờ lành dữ đem tin;

Nọ như khuyển thủ dạ, kê tư thần, người còn cậy sớm khuya an giấc.

 

Lò tạo hoá nhúm nhen khắp vật, vật nào hay khuấy rối sự nhà;

Thợ hoá công đúc nắng nhiều loài, loài nào dám xoi hao mạch nước?

 

Nay có loài chuột:

Lông mọc xồm xàm;

Tục kêu xù, lắt.

 

Tính hay ăn vặt;

Lòng chẳng kiêng dè.

 

Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề;

Đường qua lại đào ra hai ngách.

 

Nghe hơi động vội vàng chạy mất, nhát quá mẹ cheo;

Chờ đêm khuya sẽ lén lút nhau, liếng hơn cha khỉ.

 

Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột xù, chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên;

Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch, ở ngòi, bậu bạn non sông lắm lối.

 

Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm tối biết bao nhiêu;

Vắn dài râu mọc hai chỉa, vắng mặt chủ lung lăng đà lắm lúc.

 

Vả sáu mươi giáp hoa đứng trước, lẽ thì thiện tính linh tâm;

Thì mười hai chí tuế ở đầu, cũng đáng cư nhân do nghĩa.

 

Cớ sao lại đem lòng quỷ quái?

Cớ sao còn làm thói gian tham?

 

Túi đông pha thường bữa tha gừng;

Ruộng nam quách ghe phen cắn lúa.

 

Nếp gạo của trời nuôi mạng, ăn phá rồi còn kéo xuống hang;

Nệm mền của chúng che thân, cắn nát lại tha vào lỗ.

 

Hoặc nằm ngửa cắn đuôi tha trứng vịt, gây nên thằng tớ chịu đòn oan;

Hoặc leo dây ngóng cổ gặm giò heo, để án con đòi mang tiếng khổ.

 

Vậy cũng gọi mình hay ngũ kỵ;

Vậy cũng khoe ngồi trước tam tài.

 

Chẳng xét mình vò nuốt dưới cầu;

Lại quen lần mò ben vách.

 

Sách Lỗ sử biên câu thực giác, vì miệng ai nên vua lỗi đạo thờ trời;

Thơ Quốc phong để chữ thực miêu, vì miệng ai cho nên dan xa lăng bỏ đất.

 

Ghe phen trách quần hư áo lủng, vì miệng ai cho nên chồng vợ giận nhau;

Nhiều chỗ than vách ngã tường xiêu, vì miệng ai cho nên cha con đứt bẩn.

 

Nền xã tắc là nơi báo bổ, can chi mi đào lỗ, đào hang;

Chốn miếu đường là chỗ thanh tán, cớ chi ngươi cắn màn, cắn sáo.

 

Kẻ trinh nữ ghét thằng cuồng bạo, cũng còn mang tiếng thử dâm;

Án Long đồ tra đứa gian tà, hãy còn mắc cái câu thử thủ.

 

Gối ngoã chú Nghiêu phu đà đến bể, khen cho quỷ quái chẳng chừa;

Gây phi long Linh kiết đã tưng bừng, sao hãy yêu tinh không gớm.

 

Nham độn mười hai ngôi tướng, cho hay thần hậu thật tướng gian;

Diễn cầm bốn bảy vì sao, phải biết hư nhật là sao dữ.

 

Sâu hiểm bấy tấm lòng nghiệt thử cục cứt ra cũng nhọn hai đầu;

Báu xót chi manh áo thử cầu, tấm da lột không đầy ba tấc.

 

Tuy là tướng hữu bì hữu chất;

Thật là loài vô lễ vô nghi.

 

Luận tội kia đã đáng phân thi;

Thứ tay nọ cũng vì kiêng vật.

 

Giận là giận trộm đồ bàn Phật, trốn án mà xưng vương;

Căm là căm cắn sách kẻ nho, đành lòng mà phá đạo.

 

Ngao ngán bấy cái thân chuột thúi, biết ngày nào ô thước phanh phui;

Nực cười thay cái bụng chuột tham, uống bao thuở Hoàng Hà ráo cạn.

 

 

Ví có ngàn giòng nước khảm, khôn bề rửa sạch tội đa dâm;

Dẫu cho muôn nén vàng đoài, cũng khó mua riêng hình bất xá.

 

Tội dường ấy đã nên ác quá;

Ta tới đây há dễ nhiêu dung.

 

An tiên phuông nấy gã rắn rồng;

Phù tập hậu sai chim bả cắc.

 

Sắm sửa binh sương giáp sắt;

Trau giồi ngựa gió xe trăng.

 

Giống trống sấm xuất binh;

Phất cờ lau tập trận.

 

Đuốc Điền Đan sắm sẵn, để phòng khi un đốt ngạch u vi;

Đèn Lý Bạch đái tuỳ đặng chờ thuở xét soi hang uất khúc.

 

Hàng hàng bố liệt thương đao;

Nhập sào huyệt phá hồ lỗ chuột.

 

Phải nghe ta dặn, sắm sửa đủ đồ:

Cuốc xuổng đào hang, phảng mai chận ngách.

 

Trả, trách, nồi niêu rửa sạch, thượng kỳ: phù địch khái chi tâm;

Tiêu, hành, sả, ớt muối đâm, thứ dĩ: tạ chúng nhân chi khẩu.

 

Chớ để con nào sơ lậu, phải ra tay lấp lỗ tam bành;

Đừng cho chúng nó sẩy ra, phải hết sức trừ đồ lục tặc.

 

Bốn phương đều ngợi chữ thăng bình;

Thiên hạ cũng vui câu án đổ.

Than đạo

Ba vua năm đế dấu vừa qua,

Nối đạo trời rao đức thánh ta.

Hai chữ can thường dằn các nước,

Một câu trung hiếu dựng muôn nhà.

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Căm lấy lòng nhơ mong thói bạc,

Trời gần chẳng gánh gánh trời xa.

Từ biệt cố nhân

Vì câu danh nghĩa phải đi ra,

Day mũi thuyền nan dạ xót xa.

Người dễ muốn chi nương đất khách,

Trời đà khiến vậy mến vua ta.

Một phương thà tránh đường gai gốc,

Trăm tuổi cho tròn phận tóc dạ.

Chén rượu ấm lòng xin cạn chén,

Nhớ nhau ngày khác biết sao mà.

(Khi triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước 1862 nhường ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp, nhiều nhà nho tỏ thái độ bất hợp tác bằng cách rủ nhau tị địa. Tị địa, nghĩa là bỏ đất giặc chiếm, đi nơi khác, về ở Ba Tri, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre). Nguyễn Đình Chiểu là một trong số những nhà nho đó. Những người quen biết đến tiễn chân ông, Nguyễn Đình Chiểu đọc bài thơ này chia tay với bạn bè quen cũ.)

Mưa dầm

Văng vẳng vừa nghe tiếng sét ầm,

Giang sơn mấy dặm mắc mưa dầm.

Lá cây luống chịu màu sương nhuộm,

Hoa cỏ từng rơi nước mắt thầm.

Chắp cánh lên cây nghe quạ ó,

Vảnh râu trong miếu thấy dê nằm.

Trời cao khôn hỏi ngày nào tạnh,

Để nỗi dân đen chịu ướt dầm.

voh-tho-nguyen-dinh-chieu-7
Tranh minh họa Nguyễn Đình Chiểu bắt mạch của Kỷ lục gia thế giới, họa sĩ Đoàn Việt Tiến, năm 2022 - Ảnh: bentre.gov.vn

Trời bão

Phi liêm xe ngựa đóng phương nao?

Oai gió đưa ra nước bến trào.

Thổi thốc miếu chùa hơi vụt vụt,

Xô nhào cây đá tiếng ào ào.

Ai rằng đầm Lộc mê Ngu Thuấn?

Ta nhớ sông Tuy giải Hán Cao!

Một trận bão rồi bờ cõi sạch,

Trời thu như cũ mãi không xao.

Nước lụt

Trời mưa từng trận gió từng hồi,

Thế giới bao nhiêu nước khỏa rồi.

Lũ kiến bất tài đòi chỗ bợ,

Đấu bèo vô dụng kết bè trôi.

Lao xao rừng cụm nghe chim chíp,

Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi.

Nỡ để dân đen trên gác yếu,

Này ông Hạ Vũ ở đâu ôi!

Ngựa Tiêu Sương

Tiếng đồn ngàn dặm ngựa Tiêu Sương,

Lầm đứa gian mưu nghĩ khá thương.

Giậm vó chẳng màng ăn cỏ Tống,

Quày đầu lại hí nhớ tàu Lương.

Chẳng cho chủ khác ngồi lưng cổ,

Thà chịu vua ta nắm khớp cương.

Ngựa nghĩa còn cưu nhà nước cũ,

Làm người bao nỡ phụ quê hương!

(Tiêu Sương là ngựa quý của vua nhà Lương, bị vua Tống sai người lén bắt, nhưng ngựa có nghĩa nhớ nước cũ mà bỏ ăn đến chết.)

Con dê

Ngọn roi Tô Vũ dấu vừa qua,

Dê của ai nuôi lại thả ra.

Bờ cõi mấy năm từng dọn dẹp,

Râu ria một lũ tới xông pha.

Nằm cao đầu chẳng kiêng thần miếu,

Ăn bậy sao không sợ chủ nhà.

Phải đặng lưỡi gươm người Hứa Chử,

Be be đâu dám giẫm vườn ta.

Đạo trời (Đạo người)

Đạo trời nào phải ở đâu xa,

Gội tấm lòng người có giải ra.

Mến nghĩa bao đành làm phản nước,

Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.

Xưa nay đều chọn đường trung hiếu,

Sách vở còn ghi lẽ chánh tà.

Năm phẩm rừng nhu săn sóc lấy,

Ấy là đạo vị ở mình ta.

Đơn đao phó hội

Hiểm nguy đâu núng chí anh hào,

Phó hội mình đeo một lưỡi đao.

Chén rượu vội vàng khi tiếp rước,

Ngọn gươm thong thả lúc ra vào.

Oai hùm gặp gió đưa hơi mạnh,

Lũ chó rùng mình nép trí cao.

Theo gót Kinh Châu nên nghiệp cả,

Nghìn năm còn để tiếng vườn đào.

Đưa chồng 

Nghìn dặm lương nhân vó bạch câu,

Tràng đình xăn vắn nước non thâu.

Tay nâng chén ngọc lòng khăn khắn,

Mắt ngó người thương dạ đắn đo.

Ôm gối riêng than ngày tháng hiếm,

Tách vời thêm hận cỏ cây dàu.

Non sông đã vậy thôi thời vậy,

Mặt đất ven trời chí trượng phu.

Hoa sen lỗi thì

Sen hỡi là sen! tiếng chẳng hèn,

Thấy sen lỡ vận tiếc cho sen.

Ngậm cười gió hạ thơm nhiều thuở,

Đua nở hồ thu trót mấy phen.

Gương mặt bất phàm đâu đặng biết,

Bèo tai vô dụng gọi rằng quen.

Phải mà sinh gặp nơi tiên cảnh,

Lá rộng cao che khắp các bèn.

Làm thuốc

Trời đông sụt sùi gió mưa tây,

Đau ốm lòng dân cậy có thầy.

Phương cũ vua tôi gìn trước mắt,

Mạng nay già trẻ gởi trong tay.

Trận đồ tám quẻ còn roi dấu,

Binh pháp năm mùi sẵn cỏ cây.

Hỡi bạn y lâm! ai muốn hỏi,

Đò xưa, bến cũ, có ta đây.

Tứ dân - công

Hoá công máy móc ở đâu nà,

Trăm thợ nhân gian nghẻ ngóc ra.

Sáu tỉnh đua làm nghề khéo léo,

Năm châu sắm đủ của xây xoa.

Mẫu tuồng đơn kép theo hình thế,

Mỗi việc lâu mau tại ý ta

Máy tạo trong tay nào có vụng,

Chi lăm lương đống nước cùng nhà.

Tứ dân - nông

Trải qua nắng hạ lúc mưa thu,

Cày cấy ghe phen sức dãi dầu.

Ấm lạnh trọn bề vài đám ruộng,

Làm ăn giữ bổn mấy con trâu.

Chuyên nghề Hậu Tắc nhà hằng đủ,

Giỏi việc Mân phong nước chẳng sầu.

Nhờ gặp mùa màng trời đất thuận,

Cứ trăm giống thóc một tay thâu.

Tứ dân - sĩ

Lòng hềm kinh sử mấy mươi pho,

Vàng ngọc nào qua báu học trò.

Hoa trái rừng nhu ra sức hái,

Nghê kình biển thánh ráng công mò.

Cẩm văn thêu dệt đời đời chuộng,

Mùi đạo trau giồi bữa bữa no.

Gặp thuở mày xanh siêng đọc sách,

Mỗi câu đều hưởng phúc trời cho.

Tứ dân - thương

Một câu thế lợi mở muôn nguồn,

Giàu có đua nhau việc bán buôn.

Các chợ sinh tài trăm họ nhóm,

Chiếc thuyền trực hoá bốn phương luồn.

Trái cân Yến tử không rơi dấu

Cuốn sách Đào công chẳng hết tuồng.

Chờ giá rủi may may gặp vận,

Ra vào biết mấy của nghìn muôn.

Dù mù lòa, không thể cầm gươm giáo, nhưng cụ Đồ Chiểu, với ngòi bút sắc bén đã trực tiếp "đánh giặc" suốt đời mình. Thơ Nguyễn Đình Chiểu là di sản quý báu của dân tộc, cũng là ngọn đuốc sáng mãi cho tinh thần yêu nước, được bao thế hệ lưu truyền.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.

Bình luận