Tiêu điểm: Nhân Humanity

‘Tri âm’ là gì mà nhiều người mất cả một đời cũng không tìm được?

(VOH) - Là một từ Hán Việt nhưng 'tri âm' được rất nhiều người sử dụng và yêu thích. Vậy bạn đã hiểu rõ từ 'tri âm' này nghĩa là gì chưa?

Ai cũng mong muốn có được những mối quan hệ bạn bè thân thiết, trở thành “tri âm” với ai đó. Mối quan hệ được coi là “tri âm” cần rất nhiều yếu tố và thời gian, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

1. “Tri âm” là gì?

tri-am-la-gi-voh-1
Thế nào là "tri âm" 

Tri âm (知音) vốn là một từ ghép tiếng Hán được sử dụng rộng rãi trong tiếng Việt. Trong đó, từ  “tri” có nghĩa là biết, còn từ “âm” mang nghĩa là âm điệu.

Ban đầu, từ “tri âm” được hiểu với nghĩa ám chỉ ai đó biết thưởng thức âm nhạc, biết lắng nghe những giai điệu của ca từ. Qua thời gian phát triển của ngôn ngữ, “tri âm” hiện nay được biết đến nhiều hơn theo nghĩa là những người bạn bè thấu hiểu nhau. 

Người bạn “tri âm” chính là người biết rõ tính cách, cảm xúc của bạn mà chẳng cần bạn phải nói ra. Họ hiểu bạn luôn ở bên và sẵn sàng giúp đỡ bạn, tiếp thêm cho bạn sức mạnh, sự lạc quan để bạn vượt qua khó khăn. 

Hơn thế, những người bạn “tri âm” thực thụ sẽ luôn biết tôn trọng bạn, biết quan tâm đến bạn. Họ luôn mong muốn bạn thành công trong công việc và hạnh phúc trong chuyện tình cảm. Có thể nói “tri âm” là người bạn có thể đặt niềm tin để chia sẻ bất cứ khó khăn gì, họ là điểm tựa vững chãi cho bạn sau những thất bại mà bạn gặp. 

“Tri âm” là thứ tình cảm vô cùng đặc biệt, họ có thể không phải bạn đời hay người thân của bạn, nhưng luôn đem đến cảm giác thoải mái mỗi khi bạn ở gần họ. Thế nhưng, dù xã hội có muôn vạn người thì không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy được tri âm của đời mình. 

Xem thêm: Giải thích cụm từ viết tắt BFF thường gặp trong các status trên facebook

2. Nguồn gốc ra đời của từ “tri âm”

tri-am-la-gi-voh-2
Nguồn gốc ra đời của từ tri âm 

Ngạn ngữ cổ Trung Quốc có một câu nói như thế này: “Tri âm thuyết dự tri âm thính, bất thị tri âm mạc dữ đàm” - 知音说与知音听, 不是知音莫与谈 (Tri âm chuyện với tri âm, chẳng tri âm gảy đàn cầm làm chi). Câu nói này xuất phát từ một điển tích xưa được kể lại để giải thích cho sự ra đời của từ “tri âm”. 

Tương truyền rằng, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc có Bá Nha, một người nước Sở, làm quan nước Tấn, có tài năng đánh đàn nổi tiếng. Vào ngày trên đường công tác trở về, Bá Nha nổi hứng muốn ngắm trăng nên dừng lại đánh đàn. 

Không ngờ lại gặp được Chung Tử Kỳ, một ẩn sĩ làm nghề tiều phu sống bên sông. Bá Nha bèn mời Chung Tử Kỳ đến đàm đạo cùng, cả hai nhanh chóng bị ấn tượng và khâm phục bởi tâm hồn và chí khí của người kia. 

Chỉ qua một lần trò chuyện đó mà Bá Nha và Chu Tử Kỳ đã kết thành tri âm với nhau. Mùa thu năm sau, Bá Nha quay lại bến sông ngày ấy để tìm bạn mình thì hay tin Chu Tử Kỳ đã mất. Bá Nha đến mộ bạn mình thắp hương, gảy đàn rồi đập vỡ cây đàn, thề rằng từ giờ sẽ không bao giờ gảy đàn nữa vì không còn ai có thể cảm được tiếng đàn của ông nữa. 

Từ “tri âm” cũng xuất hiện rất nhiều trong văn chương Việt Nam, tựa như dòng thơ của Huỳnh Thúc Kháng “Có bạn tri kỷ, tri âm / Là người hạnh phúc trăm năm cõi đời” hay được nhà văn Nguyễn Du nhắc đến trong tác phẩm “Truyện Kiều” nổi tiếng “Ai tri âm đó, mặn mà với ai?”

3. “Tri âm” và “tri kỷ” khác nhau như thế nào?

tri-am-la-gi-voh-3
Phân biệt "Tri âm" và "Tri kỷ" 

Dân gian thường có câu rằng “Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen”, điều đó cho thấy, mặc dù “tri âm tri kỷ” là cụm từ thường xuất hiện cùng nhau nhưng chúng có ý nghĩa tương đối khác biệt.

Đầu tiên, chữ “tri” trong tri âm và tri kỷ có nghĩa là “hiểu”, còn chữ “kỷ” nghĩa là “chính bản thân mình, chính ta”. Qua đó, thấy được cụm từ “tri âm” ý chỉ chúng ta hiểu rõ về người khác trên một phương diện nào đó, trong khi “tri kỷ” lại là người hiểu được lòng mình, và mình cũng hiểu người đó. “Tri âm”, “tri kỷ” rất thường đi chung với nhau, chúng có nghĩa là “hiểu người khác và hiểu rõ bản thân mình”

Với “tri âm”, từ này dùng để chỉ 2 người có chung sở thích, họ tán thưởng và trân trọng tài năng người kia. Tuy nhiên, những người được gọi “tri âm”, có thể họ vẫn chưa thực sự biết rõ tính cách, thói quen, tật xấu, sự thấu hiểu lẫn nhau... Chỉ đơn giản là do sự đồng điệu trong sở thích đã giúp hai người gắn kết, thân thiết cùng nhau. 

Trong khi đó, người được xem là “tri kỷ” là khi giữa hai người có sự kết nối về mặt tâm hồn, họ thấu hiểu, sẻ chia, chấp nhận những ưu khuyết điểm của nhau, luôn ủng hộ, xây dựng và hết lòng giúp đỡ đối phương, không ganh ghét, đố kỵ… Hơn thế, bạn tri kỷ phải là những người đã cùng nhau trải qua nhiều thử thách trong cuộc sống.

Như vậy, nếu xét về mặt ngữ nghĩa thì tri kỷ và tri âm là hai cụm từ hoàn khác nhau. Đã gọi là “tri kỷ” chắc chắn đó phải là người thật lòng, thấu hiểu, chấp nhận những bất đồng để ở bên đồng hành cùng bạn. Và khi nhắc đến “tri kỷ” thì đó có thể là người bạn đời, người yêu, người bạn thân thiết. Trong khi “tri âm” thường ám chỉ về mặt bạn bè nhiều hơn. 

Tuy nhiên, trong tiếng Việt dường như người ta ít phân biệt rạch ròi ý nghĩa của tri âm và tri kỷ, bởi chúng thường được xem như một từ đồng nghĩa. Điểm khác biệt duy nhất chính là “tri âm” thường được sử dụng nhiều trong văn chương, còn “tri kỷ” được dùng rộng rãi, không bó hẹp trong một khía cạnh, hay lĩnh vực nào.

Xem thêm: Cách tìm kiếm và nhận biết soulmate của cuộc đời bạn

Trong cuộc đời, con người ta đôi khi không thể chịu đựng nổi nỗi đau không phải vì nó đau đến mức không chịu được, mà bởi vì chẳng có ai để thấu hiểu, để sẻ chia nó cả. Bạn bè thì dễ kiếm nhưng để tìm được một người hiểu mình quả thật không phải dễ. Do đó, hy vọng những ai đã tìm được “tri âm” của đời mình hãy thật trân trọng mối quan hệ đó, bởi tri âm hay tri kỷ cũng đều khó tìm như nhau!

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận