Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ và cách sử dụng trong cuộc sống

(VOH) - ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ là một trong những câu những câu thành ngữ quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Vậy ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ là gì và thường được dùng trong trường hợp nào?

Từ xưa đến nay thành ngữ, tục ngữ ca dao không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền văn học Việt Nam mà còn là nơi gửi gắm những lời khuyên bổ ích của thế hệ trước dành cho con cháu. Câu thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ là một ví dụ. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ này.

1. “Xanh vỏ đỏ lòng” là gì?

“Xanh vỏ đỏ lòng” là một câu thành ngữ với 4 âm tiết đơn giản. Để hiểu hết lời dạy của người xưa, trước hết chúng ta cùng xem xét nghĩa đen của câu thành ngữ.

Thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ có nghĩa là gì? 1
”Xanh vỏ đỏ lòng” gợi liên tưởng đến hình ảnh quả dưa hấu, nói lên sự đối lập giữ bên ngoài và bên trong
  • Xanh vỏ: Từ “vỏ” được hiểu là vỏ bọc bên ngoài, cái bên ngoài hoặc phía ngoài bao bọc của một thứ gì đó. “Xanh” là một tính từ chỉ màu sắc. Thông thường “xanh vỏ” được dùng để chỉ những loại trái cây chưa chín, chưa ăn được.
  • Đỏ lòng: Từ “lòng” được hiểu là phía bên trong hoặc chỉ chung mọi thứ nằm trong của một thứ gì đó. Từ “đỏ” là tính từ chỉ màu sắc. Cụm từ “đỏ lòng” được hiểu đơn giản là ở phía bên trong có màu đỏ.

Như chúng ta đã biết, đối với những loại quả thông thường như quả: cà chua, gấc, hồng, … khi chưa đến vụ mùa thu hoạch thì vỏ ngoài sẽ có màu xanh, lúc này quả được hiểu là còn non, chưa chín. Khi vỏ chuyển sang màu đỏ hay hồng tức là quả đã chín, người dân có thể thu hoạch và sử dụng. Tuy nhiên, có những loại quả lại không đi theo quy luật ấy, cụ thể như quả dưa hấu. Dù rằng vỏ bên ngoài quả dưa hấu có màu xanh nhưng khi bổ ra lại chín đều, đỏ rực hoặc vàng tươi. Sự đối lập này có thể coi là ý tưởng cho câu thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng”.

Câu thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” mượn đặc điểm quen thuộc của một số loại trái cây để thể hiện sự khác biệt giữa bên ngoài và bên trong, giữa hình thức và nội dung. Từ đó muốn nhắn nhủ chúng ta không nên nhìn vẻ ngoài mà đánh giá một ai đó hay một thứ gì đó.

2. Thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” có ý nghĩa gì và được sử dụng như thế nào?

Hiểu được câu thành ngữ “Xanh vỏ, đỏ lòng” rồi liệu bạn có biết câu thành ngữ này có ý nghĩa gì không?

Câu thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” thể hiện được sự khác nhau giữa bên ngoài và bên trong, giữa hình thức và nội dung. Thường câu thành ngữ trên sẽ được dùng để nói đến tích cách của con người.

“Xanh” và “đỏ” là nói cho có vần chứ không phân biệt màu nào là tốt và màu nào là xấu. Hiểu một cách tích cực thì câu thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng” có thể nói đến những người bên ngoài có vẻ xấu nhưng bên trong tốt bụng. Còn hiểu theo nghĩa tiêu cực thì câu thành ngữ trên chỉ những người bên ngoài thể hiện là tốt nhưng bên trong lại xấu.

Đến đây chắc hẳn bạn đọc đã hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng”. Vậy trong cuộc sống hàng ngày chúng ta sử dụng câu thành ngữ này như thế nào?

Thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ có nghĩa là gì? 2
“Xanh vỏ đỏ lòng” có thể chỉ những người bên ngoài hung dữ nhưng bên trong ấm áp

Như đã giải thích ở phần ý nghĩa chúng ta có thể sử dụng câu thành ngữ trên theo hai cách trái ngược nhau.

Cách thứ nhất, “Xanh vỏ đỏ lòng” có thể dùng để chỉ những người có vẻ bên ngoài hung dữ, cáu kỉnh, xấu xí nhưng thực chất bên trong họ lại ấm áp, tốt đẹp. Những người này cũng có thể ăn nói không được nhẹ nhàng, hành động thì khó ưa nhưng bản chất thực sự thì không làm hại ai. Chính sự đối lập này khiến họ được gọi là những người “Xanh vỏ đỏ lòng”.

Cách thứ hai, “Xanh vỏ đỏ lòng” để chỉ những người bên ngoài thì tỏ ra hiền lành, tử tế như chiếc vỏ xanh nhưng bên trong lại sâu cay, thâm thúy. Chúng ta thường sử dụng câu: “Rõ quân xanh vỏ đỏ lòng” trong trường hợp này.

Thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ có nghĩa là gì? 3
“Xanh vỏ đỏ lòng” cũng có thể chỉ những người bên ngoài tỏ ra tốt bụng ấm áp nhưng bên trong lại xấu xa

Có thể nói, hai cách sử dụng thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” trên đều đúng với tinh thần của câu thành ngữ xưa bởi lẽ cả hai đều thể hiện được sự đối lập giữa bản chất bên ngoài cũng như nội tâm bên trong của con người. Tùy vào trường hợp khác nhau bạn đọc có thể sử dụng câu thành ngữ trên sao cho hợp lý nhất.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Ở trong chăn mới biết chăn có rận' nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Cái nết đánh chết cái đẹp' nói về điều gì?
Học cách bớt sân si cho đời bớt khổ để có một cuộc sống nhẹ nhàng

3. “Xanh vỏ đỏ lòng” trong chứng khoán là gì?

Thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ có nghĩa là gì? 4
“Xanh vỏ đỏ lòng” trong chứng khoán là tình trạng trên thị trường chỉ số chính thì xanh nhưng đa phần điểm lại giảm

Trong những năm gần đây, “Xanh vỏ đỏ lòng” được dùng rất phổ biến trong thị trường chứng khoán. Vậy bạn có biết “Xanh vỏ đỏ lòng” trong chứng khoán có ngụ ý gì không?

“Xanh vỏ đỏ lòng” trong chứng khoán là tình trạng mà trên thị trường chỉ số chính VN - INDEX thì xanh nhưng đa phần điểm lại giảm. Tình trạng này thường xảy ra ở những đợt điều chỉnh hoặc những đợt phân phối. Khi đó,  “tay to” (thường dùng để chỉ giới đầu tư có nguồn lực vốn lớn, nhà đầu tư tổ chức có ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường) vẫn giữ thị trường xanh cho người chơi cảm thấy an tâm nhưng họ bán cổ phiếu ra rất nhiều, hầu hết các cổ phiếu khác đều giảm giá chỉ có mỗi chỉ số chính tăng điểm. Đây là một tình trạng nguy hiểm đối với người chơi chứng khoán báo hiệu những đợt giảm sắp tới.

4. Một số câu thành ngữ, tục ngữ bàn về sự đối lập giữa bên ngoài và bên trong

Bên cạnh câu thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” trong dân gian cũng còn có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ mang ý nghĩa tương đồng. Cùng điểm qua một số câu gần nghĩa với “Xanh vỏ đỏ lòng” nhé!

Thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ có nghĩa là gì? 5

1. Khẩu xà tâm phật

Giải thích: Câu tục ngữ chỉ những bên ngoài ăn nói không được nhẹ nhàng, hay mắng chửi người khác nhưng bên trong không thâm độc sâu cay mà luôn có ý tốt.

2. Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm

Giải thích: Câu tục ngữ chỉ những người bên ngoài thì ăn nói dễ nghe, hay thể hiện mình là một người tốt nhưng nội tâm bên trong xấu xa hay tìm cách làm hại người khác.

3. Trong tốt ngoài xấu

Giải thích: Trong cuộc sống có những người không có được vẻ ngoài ưa nhìn hay là cách thể hiện của họ không được người khác đánh giá cao gọi là “ngoài xấu” tuy là vậy bản chất bên trong của họ lại tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Đó chính là “trong tốt”.

4. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Giải thích: Giống như chọn đồ vật, đừng nhìn vẻ bên ngoài “tốt nước sơn” mà vội đánh giá cao. Hãy nhìn bên trong “tốt gỗ” rồi hãy đánh giá đồ vật hay một ai đó. Ngoài ra, câu nói này cũng đề cao bản chất tốt đẹp ở bên trong hơn là hình thức bóng bẩy bên ngoài.

5. Trông mặt mà bắt hình dong.

Giải thích: Câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta đừng vội nhìn bề ngoài của một ai đó mà vội đánh giá bản chất bên trong.

Ngoài ra, chúng ta còn có một số câu thành ngữ, tục ngữ như:

1. Bằng mặt chẳng bằng lòng.

2. Cái nết đánh chết cái đẹp.

3. Thật thà ma vật không chết.

4. Thấy đỏ tưởng chín.

5. Chùa rách, Bụt vàng.

6. Hữu danh vô thực.

7. Không có tinh lại có tướng.

8. Tốt mã giẻ cùi.

9. Vẽ mày vẽ mặt.

10. Xấu chữ nhưng lành nghĩa.

11. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.

Có thể nói, câu thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” là một trong những câu thành ngữ quen thuộc được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. “Xanh vỏ đỏ lòng” có thể được sử dụng theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Hi vọng rằng, với giải thích câu thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” trên bạn đọc có thể có một câu nhìn sâu sắc hơn về bản chất con người.

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận