Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bình Nhưỡng phóng tên lửa - bán đảo Triều Tiên lại “dậy sóng”!

(VOH) - Hôm qua 21/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp khẩn về vấn đề Triều Tiên, chỉ một ngày sau Bình Nhưỡng thông báo đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Tuy nhiên, không có tuyên bố chung nào được đưa ra trong cuộc họp, cho thấy quan điểm vẫn khác biệt giữa các nước trong tiếp cận và xử lý điểm nóng này. Trong khi đó, bán đảo Triều Tiên còn đang “tăng nhiệt” với các động thái tăng cường quân sự của Hàn Quốc, báo hiệu một cuộc chạy đua vũ trang nóng bỏng mới.

Bình Nhưỡng phóng tên lửa - bán đảo Triều Tiên lại “dậy sóng”! 1
Người dân Hàn Quốc theo dõi về vụ thử tên lửa của Triều Tiên qua truyền hình

Rạng sáng nay 21/10, (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp kín khẩn cấp về vấn đề Triều Tiên, một ngày sau khi hãng thông tấn của nước này đưa ra thông tin họ đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Các nguồn tin ngoại giao cho hay không có thành viên nào của Hội đồng Bảo an đề xuất ra thông cáo chung sau phiên họp. Ba nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an là Mỹ, Anh, Pháp cho biết trong thời gian tới, những nước này sẽ thúc đẩy nhằm thực thi nghiêm túc hơn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Trong khi đó, hai nước ủy viên thường trực còn lại là Trung Quốc và Nga không phát biểu ý kiến.

​Trong thông cáo riêng phát cùng ngày 20/10, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại LHQ, đã kêu gọi Triều Tiên tránh khiêu khích và hãy tham gia đối thoại thực chất, đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên mà không đi kèm điều kiện và cũng không có ý định thù địch đối với Bình Nhưỡng. ​Các nước ủy viên châu Âu trong Hội đồng Bảo an gồm Ireland, Estonia và Pháp ra thông cáo chung lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nghiêm túc thực thi các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Bình Nhưỡng bị cấm phát triển vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa đạn đạo, đồng thời cũng bị áp rất nhiều lệnh trừng phạt. 

Trong một phản ứng mới nhất, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định sẽ thiết lập vững chắc trạng thái đối phó ngay lập tức khi phát hiện dấu hiệu các vụ thử của Triều Tiên. 

Theo Đài KBS, tại cuộc Đối thoại quốc phòng tích hợp Hàn-Mỹ (KIDD) diễn ra ở Seoul gần đây, Mỹ đã tái khẳng định về cam kết hỗ trợ Hàn Quốc về năng lực răn đe mở rộng, đồng thời thảo luận về phương án tăng cường răn đe nhằm đối phó với các mối uy hiếp hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa của Triều Tiên.

Một trong những biện pháp răn đe này, đó là việc Hàn Quốc đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới phóng thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm từ tàu ngầm. Đài KBS cũng trích dẫn đánh giá của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc về vụ phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của miền Triều Tiên, cho rằng trình độ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên vẫn còn "non nớt". 

Bình luận về các động thái đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, giới phân tích cho rằng dường như đang có một cuộc chạy đua quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Trang RFI cho biết vụ phóng tên lửa hôm thứ Ba của Triều Tiên là thí dụ mới nhất về cuộc chạy đua vũ trang giữa hai miền Triều Tiên. Seoul quyết định phát triển nhanh chóng hệ thống vũ khí của mình. Một xu hướng khiến giới quan sát tình hình trong khu vực không khỏi lo ngại. Điều gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, thùng thuốc súng ở Đông Bắc Á?

Ông Sebastian Harnisch, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Heidelberg của Đức nhận định trên kênh truyền hình Pháp France 24: “Hiện nay leo thang chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra nhanh chóng và đạt đến cao độ”.

Timothy Wright chuyên gia về các vấn đề quân sự thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở London cũng khẳng định: “Trên phương diện kiểm soát phổ biến vũ khí, tình hình đã xấu đi rõ rệt những tháng qua ở trong vùng”.

Tuy nhiên, Hàn Quốc không khoanh tay nhìn Triều Tiên liên tiếp bắn tên lửa. Hàn Quốc hôm 19/10, đã khai mạc một cuộc triển lãm vũ khí lớn nhất trong lịch sử. Hàn Quốc đã chứng minh khả năng tấn công quân sự riêng của mình. Chính phủ nước này thông báo hồi giữa tháng 9, đã thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm thông thường. Vài ngày sau đó, Seoul khẳng định đã phát triển được loại tên lửa hành trình tầm xa mới. Nhưng thông báo của Seoul được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa siêu thanh từ đoàn tàu lửa.

Từ tháng 4/2021, Hàn Quốc đã gia nhập câu lạc bộ gồm rất ít các nước (khoảng trên một chục quốc gia) có máy bay chiến đấu siêu âm. Hàn Quốc cũng đã không bỏ lỡ các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với Hoa Kỳ hồi tháng 8, cho dù Triều Tiên vẫn chính thức tố cáo các cuộc tập trận kiểu như vậy là sự chuẩn bị cho động thái quân sự.

​Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 19/10 cho biết, Mỹ vẫn sẵn sàng can dự trong vấn đề ngoại giao với Triều Tiên, đồng thời cho rằng việc nước này liên tục thử tên lửa gần đây đã nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết xúc tiến đối thoại và thúc đẩy ngoại ngoại với quốc gia Đông Bắc Á này. Bà Psaki khẳng định Mỹ vẫn duy trì các đề xuất gặp đại diện của Triều Tiên ở bất cứ thời gian, địa điểm nào và vô điều kiện. Bà kêu gọi Triều Tiên tham gia cuộc đối thoại bền vững và thực chất, đồng thời cho biết Washington đang tham vấn các nước đồng minh về tình hình hiện nay. 

​Về phía Hàn Quốc, nước này giờ đây không còn bị ràng buộc hạn chế phát triển tên lửa. Cuối thập niên 1970, Washington đã áp đặt một loạt giới hạn với Seoul nhằm tránh phổ biến vũ khí trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng từ năm 2017, khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, Washington đã dần dần gỡ bỏ các hạn chế với Seoul. Hồi tháng 5/2021, chính Tổng thống Joe Biden đã bỏ giới hạn cuối cùng về tầm bắn tối đa cho tên lửa Hàn Quốc. Phát triển kho tên lửa, Hàn Quốc không chỉ nhằm đe dọa Triều Tiên mà còn mang mục tiêu đối nội. Chuyên gia Sebastian Harnisch nghiên cứu về Triều Tiên nhận định: « Phát triển khả năng quốc phòng còn là lập luận mang tính chính trị của tổng thống Moon Jae In để củng cố lòng tin của dân chúng ». 

Những yếu tố như vậy rõ ràng là nguyên nhân  của việc leo thang chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu giải trừ quân bị cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên xa vời, và các cuộc thương lượng với Triều Tiên nếu có được nối lại, cũng sẽ phức tạp hơn.

Bình luận