Tiêu điểm: Nhân Humanity

COP21 - Bước ngoặt cơ bản chống biến đổi khí hậu toàn cầu

(VOH) - Cuối cùng, sau 2 tuần làm việc căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Paris COP21 tới hồi kết có hậu. Một thỏa thuận tạo mốc lịch sử để giới hạn nhiệt độ tăng trên toàn cầu dưới 2 độ C được 195 quốc gia thông qua.

Các đại biểu dự COP21 vui mừng với thỏa thuận lịch sử đuợc thông qua. Ảnh: Washington Post

Hãy cứu lấy trái đất ! 

Sau nhiều thảo luận gay gắt tưởng như khó tìm được tiếng nói chung, rạng sáng 13/12 (giờ Hà Nội), đại diện nước chủ nhà, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố kết thúc đàm phán toàn cầu về biến đổi khí hậu. Sự đồng thuận của bộ trưởng các nước cho thấy thế giới đã bắt tay, nhìn về một hướng để giải quyết thực trạng hết sức cấp bách: sự nóng lên của trái đất, biến đổi khôn lường của khí hậu đã và đang ảnh hưởng ghê gớm tới cuộc sống nhân loại.

Điều này lý giải vì sao sau tuyên bố của nước chủ nhà là sự vỡ òa vì vui sướng và cả giọt nước mắt của người dự khán. Đây không phải là lần đầu tiên mà nhiều năm qua, các hội nghị quốc tế, thương thảo toàn cầu được tổ chức mà không đem lại kết quả đáng kể nào bởi sự tranh cãi kéo dài giữa các nước giàu và nước nghèo.

Cũng ngần ấy thời gian, thế giới "nếm trải" bao cơn thịnh nộ của thiên nhiên như sóng thần, lũ lụt, hạn hán.. với thiệt hại tồi tệ nhất và không lường trước. Sự "cuồng nộ" xảy ra ở khắp nơi, trải dài trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tới mức không một nước có thể đứng ngoài cuộc chơi.

Ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ kêu gọi ngoại trưởng các nước hãy nhanh chóng hoàn tất công việc và cho rằng phải bảo vệ hành tinh đang duy trì sự tồn tại bền vững của chúng ta.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận định, thỏa thuận Paris là cơ hội thuận lợi nhất để cứu hành tinh. Đây là chiến thắng cho toàn bộ hành tinh và cho thế hệ tương lai. Ông ca ngợi, đây là thỏa thuận khí hậu nhiều tham vọng nhất trong lịch sử, đồng thời kêu gọi các quốc gia tích cực cắt giảm lượng khí thải nhà kính và không nên tự mãn. Vấn đề không được giải quyết nếu chỉ là thỏa thuận.

Mỹ  - quốc gia gây ô nhiễm môi trường thứ hai thế giới - cam kết cắt giảm từ 26-28% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất thế giới cũng ca ngợi thỏa thuận và cam kết tham gia tích cực.

Làm sao vượt rào cản tài chính ? 

Chính Mỹ và các quốc gia phát triển khác phản đối và cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng có trách nhiệm và phải làm nhiều hơn nữa, bởi họ cũng là tác nhân trực tiếp tạo ra lượng khí thải hiện nay.

Thực tế, các nước phát triển đồng ý góp ít nhất 100 tỷ đô la/năm từ năm 2020, để giúp các quốc gia đang phát triển, nhưng do sự phản đối của Mỹ, nên điều này không được ghi trong phần ràng buộc pháp lý của thỏa thuận. Để thực hiện cam kết, từ 2030, 5 năm một lần, thỏa thuận sẽ được đánh giá cụ thể.

Hội nghị khí hậu tại Paris đặt ra mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ cách mạng công nghiệp và thậm chí là 1,5 độ C vào năm 2030. Muốn vậy, các quốc gia phải chuyển qua dùng năng lượng sạch hơn như mặt trời và gió, cũng như nâng cao hiệu suất năng lượng sạch. Bên cạnh đó, việc một số nước theo đuổi nguồn năng lượng hạt nhân, không tạo ra hiệu ứng nhà kính cũng là hướng đi đáng quan tâm.

Mọi công việc triển khai để thỏa thuận của COP21 có hiệu lực vào 2020 còn phức tạp. Tuy nhiên những gì mà hội nghị mang lại cho thấy những dấu hiệu cải thiện đáng kể môi trường sống cho 7 tỷ người trên hành tinh này trong tương lai gần, là rất đáng khích l. Vấn đề còn lại là chấp hành mang tính pháp lý của thỏa thuận Paris và sự tự nguyện của các quốc gia thành viên.

Bình luận