Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cuộc gặp gỡ đỉnh cao Nga Mỹ và nỗ lực làm tan băng giữa hai siêu cường

(VOH) - Những ngày gần đây, dư luận quốc tế tập trung tâm điểm vào chuyến viếng thăm xứ sở bạch dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chương trình nghị sự sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/7, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận các vấn đề được xem là rất nóng trong quan hệ song phương Nga Mỹ lâu nay.

Bình luận: Cuộc gặp gỡ đỉnh cao Nga Mỹ và nỗ lực làm tan băng giữa hai siêu cường.

 

(VOH) - Những ngày gần đây, dư luận quốc tế tập trung tâm điểm vào chuyến viếng thăm xứ sở bạch dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chương trình nghị sự sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/7, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận các vấn đề được xem là rất nóng trong quan hệ song phương Nga Mỹ lâu nay.

 

Trước tiên và trên hết là việc cắt giảm kho vũ khí chiến lược của hai bên. Khi mà hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START-1 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay thì rõ ràng đây là vấn đề quá cấp bách. Hồi tháng 5 vừa qua, các quan chức cấp cao của 2 nước đã cùng bàn bạc thảo luận và dự kiến mỗi bên sẽ cắt giảm lượng dự trữ vũ khí mang đầu đạn hạt nhân của mình từ khoảng 2200 xuống còn từ 1000 tới 1500 tức là giảm hẳn 50%. Giới quan sát cũng cho rằng việc đi tới giải giáp hoàn toàn vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ là chuyện không tưởng và đó cũng là điều dễ hiểu.

 

Một thoả thuận chung về vận chuyển quân sự của Mỹ bằng đường hàng không qua không phận của Nga tới Apghanistan hàng ngàn lần một năm cũng sẽ là đề tài mà tổng thống 2 nước quan tâm. Hiện nay Mỹ có 56 ngàn quân và NATO có 32 ngàn quân tại chiến trường Nam Á này, cho nên việc mở đường bay qua Nga để vận chuyển vũ khí, quân dụng và binh lính đối với Mỹ là hết sức cần thiết.

 

Bên cạnh đó câu chuyện về chương trình lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ dự kiến triển khai ở châu Âu, đương nhiên sẽ vẫn là một trong những trọng tâm được thảo luận. Các vấn đề cùng quan tâm khác là tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và CHDCNDTriều Tiên cũng nằm trong chương trình nghị sự.

 

Trước thềm cuộc viếng thăm lịch sử này, TT Mỹ Obama đã kêu gọi : “ Nga hãy chấm dứt thái độ chiến tranh lạnh trong ngoại giao và điều đó đã thuộc về quá khứ…” Đáp lại, TT Nga Dimitry Medvedev cho rằng: “ Chính quyền của TT Obama đã thể hiện sự sẵn lòng xây dựng các mối quan hệ hiệu quả, tin cậy và hiện đại hơn. Chúng tôi cũng sẵn sàng thực hiện vai trò của mình…” Trước đó, Sergei Prikhodko- Cố vấn ngoại giao của ông Medvedev đã chuyển lời rằng: “ Nga đã cảm nhận được sự mong muốn của đối tác về sự hợp tác nhiều mặt…với một thái độ sẵn sàng thổi nguồn sống mới vào quan hệ song phương và hợp tác kinh tế hai nước...”

 

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng thống Nga Dimitry Medvedev

 

Thật ra đây không phải là vấn đề giản đơn, bởi Nga và Mỹ từng có những bất đồng sâu sắc về kế hoạch triển khai xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu, về cuộc chiến ngắn ngày giữa Nga - Grudia và việc kìm hãm chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và CHDCND Triều tiên. Dưới thời cựu TT George.W. Bush trước đây, việc này đã làm cho quan hệ Nga NATO căng thẳng kéo dài. Còn nhớ, để khai thông tình trạng bế tắc và căng thẳng nói trên, Tổng thống Nga khi đó là Vladimir Putin đã thúc giục cải thiện quan hệ hai bên bằng việc xoá bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa tại Châu Âu, nhưng rất tiếc là không được chính quyền Mỹ đương nhiệm chấp nhận. Nay thì tình thế có vẻ như đã khác trước. Trong lời kêu gọi Nga chấm dứt thái độ chiến tranh lạnh trong quan hệ ngoại giao TT Obama tỏ ý rằng: “ Thủ tướng Putin dường như vẫn dẫm một chân trong quá khứ ”. Thể hiện sự e ngại về một thủ tướng Nga cứng rắn và bảo thủ. Song ông Putin lại cho rằng: “ chúng tôi - tức phía Nga, không bao giờ chân nọ chân kia. Chúng tôi đứng vững trên 2 bàn chân của mình và luôn nhìn về tương lai…”

 

Bằng lời lẽ thẳng thắn và có phần cương quyết của mình, Thủ tướng Vladimir Putin đã buộc Tổng thống Hoa Kỳ Barac Obama hiểu rằng những vấn đề gì có thể đạt được với người đồng nhiệm phía Nga thì cũng cần phải thuyết phục cả Putin- người được tin là vẫn đang thống lĩnh và chi phối chính trường nước Nga hiện nay. Vậy là trong chuyến thăm Nga lần này, ông Obama sẽ có những buổi bàn bạc và thoả thuận với cả Tổng thống và Thủ tướng Nga về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Liệu rằng cuộc gặp gỡ đỉnh cao này có góp phần làm tan băng và hạ nhiệt quan hệ giữa hai siêu cường Nga Mỹ? Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào những cái đầu tỉnh táo của Nhà trắng và điện Kremlin.

 

Việt Anh

Bình luận