Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đừng để “con sâu làm sầu” hình ảnh du lịch Việt Nam

VOH - Những câu chuyện “chặt chém” là đề tài được du khách quốc tế lẫn trong nước tặc lưỡi ngao ngán, kể lại nhiều nhất, khi nhắc về từ khóa “điểm mờ” của ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam.

Những “con sâu làm sầu” hình ảnh du lịch Việt

Từng là điểm đến lý tưởng, Việt Nam vốn nổi tiếng bởi sự thân thiện và hiếu khách. Thế nhưng, việc các vụ “chặt chém” khách du lịch nước ngoài liên tiếp xảy ra, đang làm buồn lòng không chỉ ngành du lịch mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín quốc gia.

Không dừng lại chỉ ở du khách nước ngoài mà nhiều khách du lịch trong nước cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vụ việc nhận được sự quan tâm của dư luận gần đây nhất là câu chuyện một tài xế taxi tại Hà Nội thẳng thừng thu 500.000 đồng của hai du khách người Pháp, cho cuốc xe chỉ dài vỏn vẹn gần 200m. Đáng nói hơn, người này còn đòi thêm 500.000 đồng nữa mới chịu hoàn trả lại tài sản mà khách bỏ quên trên xe.

Chat-Chem-Taxi
Chiếc taxi “chặt chém” 2 du khách nước ngoài - Ảnh: TTO

Có hơn 8 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài tại TP.HCM và các tỉnh miền tây, anh Lê Tuấn Kiệt cho rằng việc “chặt chém” đã tồn tại từ rất lâu và mang lại nhiều hệ quả tiêu cực.

Theo anh, chợ Bến Thành và các địa điểm du lịch nổi tiếng quanh trung tâm quận 1 là khu vực mà vấn nạn này xuất hiện khá nhiều. Đặc biệt là đối với những khách tham quan tự do (không có hướng dẫn viên đi kèm) và không thông thạo tiếng Việt.

Anh 2 (1)
Anh Lê Tuấn Kiệt (bìa trái) cho rằng nhiệm vụ của một HDV là bảo vệ được du khách của mình và giữ gìn hình ảnh đất nước. Ảnh: NVCC

“Một bộ phận nhỏ đang tạo nên ấn tượng xấu trong mắt du khách. Tuy nhiên không thể đánh đồng tất cả, vì ở đâu cũng sẽ có người này, người khác. Và chúng ta phải chấp nhận rằng việc tạo ra một môi trường du lịch hoàn hảo là rất khó, tất cả đang dừng lại ở mức tương đối!” – anh Tuấn Kiệt chia sẻ.

Thực trạng hiện nay cho thấy, một bộ phận người bán hàng rong và tài xế chưa ý thức về hình ảnh của đất nước. Nhiều người có suy nghĩ bán cho khách du lịch chỉ được một lần, vì vậy khi có cơ hội là hét giá không thương tiếc. Trong suy nghĩ của họ, việc giữ hình ảnh du lịch cho đất nước không quan trọng, hoặc đó không phải là nhiệm vụ của họ.

Hay đối với họ, phải chăng khi đi du lịch, khách du lịch sẽ phải trả giá cao hơn?

Tìm đường tính kế lâu dài

Cuốc xe taxi có giá cả biến thiên không theo một quy định nào hay những gánh hàng rong bán hoa quả Việt nhưng lại có giá cao ngất ngưỡng, so kè ngấp nghé với trái cây ngoại nhập,... Chắc chắn, những câu chuyện trên sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế lẫn khách du lịch trong nước. Thậm chí, có những khách chỉ “một đến không trở lại”.

Như một vòng lập chưa có hồi kết, sau khi được báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc chỉnh đốn, câu chuyện đó vẫn tồn tại và tiếp tục xảy ra. Đặc biệt, khi mùa du lịch bước vào giai đoạn cao điểm như hiện nay.

Muốn dẹp bỏ nạn “chặn chém” du khách, đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức của người dân về những mặt tích cực khi làm du lịch bền vững, không chụp giật, bỏ tư duy làm du lịch theo kiểu “mùa vụ”, “ăn xổi ở thì”.

Đồng thời, cần lắm sự hợp tác từ các bên, từ phía người bán hàng rong, cánh tài xế taxi, các hộ kinh doanh và sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, chế tài mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, các địa phương để tránh xảy ra những trường hợp tương tự. Từ đó sẽ lập ra quy củ và hạn chế việc “chặt chém” du khách.

Xem cách Thái Lan bảo vệ khách du lịch

Thái Lan là một nước gần Việt Nam, được mệnh danh “đất nước của những nụ cười” và đặc biệt là nơi hàng rong hoạt động rất nhiều. Thế nhưng du khách quốc tế đều ưa chuộng đến đây, bởi vì gần như họ không bao giờ bị lừa đảo ngoài phố.

Anh 3 (1)
Khu bán hàng rong theo quy hoạch ở bãi biển Phuket (Thái Lan) - Ảnh: TTO

Lực lượng cảnh sát du lịch ở Thái Lan làm việc rất nghiêm túc. Họ luôn túc trực tại các điểm du lịch nổi tiếng như Bangkok, Chiang Mai, Phuket, Pattaya…, đảm bảo vấn đề an ninh cho các du khách.

Họ sử dụng tiếng Anh tốt và được huấn luyện đầy đủ các kỹ năng cần thiết. Khi du lịch ở Thái Lan, du khách gặp bất cứ trường hợp nào khẩn cấp, có thể liên lạc với cảnh sát du lịch qua các đường dây nóng miễn phí.

“Chặt chém” du khách coi chừng phạm luật

Căn cứ Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật và niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Bình luận