Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2: 65 năm son sắt một lời thề!

(VOH) - Những lời căn dặn của Bác về tinh thần đoàn kết, về tấm lòng thương yêu người bệnh, về xây dựng nền y học nước nhà dựa trên nguyên tắc “khoa học, dân tộc và đại chúng” mãi còn nguyên giá trị.

Đã 65 năm trôi qua, Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để mỗi người lắng lòng lại tưởng nhớ, tri ân với những nỗ lực của người thầy thuốc đã dốc hết lòng, hết sức kể cả tính mạng của mình để đổi lấy sức khỏe, niềm vui cho người bệnh. 

65 năm, những lời căn dặn của Bác về tinh thần đoàn kết, về tấm lòng thương yêu người bệnh, về xây dựng nền y học nước nhà dựa trên nguyên tắc “khoa học, dân tộc và đại chúng” mãi còn nguyên giá trị. 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Bệnh viện đa khoa Hùng Vương báo động đỏ toàn viện cấp cứu bệnh nhân sốc mất máu. Ảnh: Toquoc 

Việc xây dựng một nền y học như lời căn dặn của Bác “khoa học, dân tộc và đại chúng” đã được đội ngũ cán bộ y tế lĩnh hội với một tinh thần mạnh mẽ trên nền tảng kế thừa và phát huy. Cho đến nay, y tế Việt nam nói chung và ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có thể tự hào với các nước bạn bè anh em trong khu vực và thế giới. Từng người một, đã góp viên đá tảng để gầy dựng. Chính những “chuẩn mực y đạo” đã thể hiện đúng với nghề nghiệp, trở thành ánh dương soi đường. Tự hào làm sao với những thành tựu mà ngày xưa cứ ngỡ trong mơ như ghép tim, ghép gan, thận từ người cho sống, người chết não hay ngưng tim. Rồi ứng dụng robot trong phẫu thuật. Là nơi đầu tiên triển khai phẫu thuật robot cho người lớn tại Việt Nam, với kinh nghiệm 3 năm thực hiện thành công trên 800 người bệnh, Bệnh viện Bình Dân luôn nhận được sự đánh giá cao của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế về công nghệ này. Điều vui hơn nữa là ê kíp các bác sĩ tại đây đã sang Philippines để chuyển giao kỹ thuật này tại nước bạn. Bệnh viện Bình Dân từ vị thế tiên phong trong lĩnh vực này tiến tới phát triển thành Trung tâm đào tạo phẫu thuật Robot cho các bệnh viện trong nước và khu vực Đông Nam Á. 

Càng tự hào với y tế Thành phố khi giờ đây, báo động đỏ đã trở thành “đặc sản” với quy trình phối hợp khẩn cấp những chuyên gia có kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành khác nhau trong nội viện, liên viện đã cứu sống được hàng trăm trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Hay việc ứng dụng y tế thông minh với hình thức hội chẩn trực tuyến, chẩn đoán từ xa đã làm nên kỳ tích cứu sống những bệnh nhân ở các tỉnh xa mà nếu chuyển viện lên tuyến trên thì khó lòng đảm bảo tính mạng. Chuyên sâu hơn, ở lĩnh vực huyết học, đã có ứng dụng thành công “kỹ thuật dị ghép tế bào gốc trong điều trị hội chứng thực bào máu nguyên phát”. Với thành tựu này, một lần nữa bệnh viện Truyền máu Huyết học được ghi nhận là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đã thực hiện thành công kỹ thuật kỹ thuật dị ghép tế bào gốc trong điều trị hội chứng thực bào máu nguyên phát. Bên cạnh những tiến bộ vượt bậc trong phẫu thuật nội soi, tim mạch can thiệp, chúng ta tự hào khi có kỹ thuật cao ECMO hồi sức tim phổi triển khai cho cả người lớn và bệnh nhi. Gần đây nhất, tín hiệu về lộ trình góp phần xây dựng đô thị thông minh của ngành y tế đã hiện thực hóa khi mới đây, Thành phố đã chính thức cho ra mắt trung tâm điều hành y tế thông minh.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12/2019, sau đó lan rộng toàn bộ 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và lan qua các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, lĩnh hội tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị vào cuộc và tiên phong trong cuộc chiến thầm lặng này hơn ai hết, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên  y tế vẫn là lực lượng đứng mũi chịu sào. Khi  mà cả 3 trường hợp CoVid – 19 tại Thành phố Hồ Chí Minh được điều trị thành công, Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới -  Bệnh viện Chợ Rẫy – có tản mạn vài dòng, ông nói rằng : “Trong 30 năm làm việc, không nhớ rõ có bao nhiêu bệnh nhân đã hồi phục, vượt qua lưỡi hái tử thần trở về với gia đình. Niềm hân hoan của họ khi xuất viện là niềm hạnh phúc, một đóa hoa tô điểm cho cuộc sống của nhân viên y tế nói chung và của tôi nói riêng. Bất kể bệnh nhân là ai, người Việt hay người ngoại quốc, hầu hết họ đều muốn cảm tạ nhân viên y tế bằng cách này hay cách khác. Đối với chúng tôi, một lời cảm ơn cũng được coi như là phần thưởng quý giá cho thành quả đã đạt được.”

Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Gia đình bệnh nhân Li Ding đoàn tụ trong ngày xuất viện và liên tục cảm ơn bác sĩ Việt Nam. (Ảnh: TTO)

Từ đêm 28 Tết, ngay sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân là hai cha con có quê ở Vũ Hán vào Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác định coi như anh chị em trong khoa sẽ rất vất vả, ca trực không còn theo ca kíp như ngày thường, mỗi người không có Tết cho bản thân, cho gia đình. Tình riêng gác lại để dành tất cả cho việc điều trị cho 2 cha con người Trung Quốc với 1 căn bệnh mà dường như, chữa bệnh đó là sự tập hợp của tất cả kinh nghiệm, cá thể hóa người bệnh. Trên tất cả, mục tiêu lớn nhất phải chữa khỏi cho họ. Và trường hợp thứ ba cũng thế, chị Lại Thị Hoài Thu  - điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Việt Kiều 73 tuổi tại khoa Nhiễm D – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố, ngày ông xuất viện là ngày chị xúc động đến nghẹn ngào. Phỏng vấn, chị không trả lời được vì nghẹn giọng. Chuỗi ngày biền biệt ở Khoa Nhiễm D, những bữa tranh thủ về thăm con nhỏ trong vội vã coi như đã tạm khép lại. Việt Nam đang thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid – 19 trong một tâm thế rất chủ động. Điều này đó là nhờ sự đồng tâm hiệp lực, không nệ hà của chính đội ngũ y bác sĩ, họ làm việc với tinh thần trách nhiệm, với chữ Tâm sáng ngời và không bao giờ toan tính lẽ thiệt hơn. Chính sức người cùng hiệp lực trên nền tảng hệ thống y tế dự phòng một chân trụ khá vững nên đã phát huy được sức mạnh chống dịch. Năm nay ngày 27 tháng 2 vào dịp để mọi người dành chút lòng mình tri ân với đội ngũ cán bộ  y tế - những người đã luôn âm thầm hy sinh đổi lấy sức khỏe, nụ cười, hạnh phúc cho người khác thế nhưng, năm nay cũng là năm chính ngành không tổ chức tôn vinh để tập trung các nỗ lực chống dịch Covid – 19. 

“Lương y như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng trong mọi hoàn cảnh khi đã chọn nghiệp y đạo soi đường. Người thầy thuốc luôn vận động để theo đuổi niềm đam mê khoa học trong thế giới y văn mỗi ngày mỗi giờ đầy ắp kiến thức mới để không tụt hậu. Khi dấn thân vào ngành y, người thầy thuốc đã chọn lấy sứ mệnh “chữa bệnh, cứu người” dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và dù đường đời có như thế nào, khi đối diện với căn bệnh có nguy hiểm ra sao thì lời thề Hippocrates với những  chuẩn mực của y đức luôn trở nên son sắt hơn bao giờ hết. 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, nhìn lại để thấy rằng, sự tôn vinh cho nghề Y với những chân giá trị cao quý luôn trường tồn mãi với thời gian.

Bình luận