Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thuốc chữa bệnh hóa “độc dược”, giọt nước tràn ly của sự đổ vỡ niềm tin!

(VOH) - Cục Quản lý Dược thông báo dừng sử dụng 57 loại thuốc chứa chất valsartan của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical thuộc Trung Quốc được kết luận là có chứa tạp chất gây ung thư. 

 Đây là các loại thuốc được chỉ định sử dụng điều trị cao huyết áp, suy tim và sau nhồi máu cơ tim. Đợt thu hồi này trên quy mô lớn vì mấy chục mặt hàng thuốc đã được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, với 13 công ty dược phân phối. Ngay từ năm 2012, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu - EMA đã nghi ngờ valsartan của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical chứa chất NDMA. 

Nghiên cứu trên động vật của EMA cho thấy, NDMA dẫn đến ung thư gan, thận và đường hô hấp. NDMA là tạp chất dù không nguy hại tức thời nhưng có thể gây ung thư khi sử dụng trong thời gian dài.

Trong khi chờ kết luận sau cùng từ cơ quan chuyên môn, bắt đầu từ tháng 7/2018, 22 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thu hồi các mặt hàng thuốc chứa chất valsartan của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical với tác dụng điều trị được xem là chủ lực cho các loại bệnh như cao huyết áp, suy tim, chống kháng đông sau nhồi máu cơ tim. Nhận được thông tin này, bệnh nhân tim mạch thảng thốt như “sét đánh ngang tai”.

Nghe nội dung bình luận

 

 57 loại thuốc chứa chất valsartan, chứa tạp chất gây ung thư

Ảnh minh họa: Internet.

Các bệnh lý về tim mạch không ngừng gia tăng tại Việt Nam trong đó có ba bệnh lý phải có mặt loại thuốc vốn được xem là cứu cánh này. Mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 30% số người tử vong do các bệnh.

Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người trên 25 tuổi thì có 1 người mắc bệnh tim mạch. Nói điều này để thấy rằng, bấy lâu nay, cơ số thuốc chứa chất valsartan để dùng điều trị bệnh nhân trước khi thu hồi tại Việt Nam là rất lớn.

Vậy cơ quan chức năng có đo lường được mức độ thiệt hại tinh thần, sức khỏe thậm chí là cả mạng sống của bệnh nhân khi dùng các loại thuốc chứa tạp chất gây ung thư này như thế nào? 

Đây không phải lần đầu tiên bệnh nhân bức xúc vì thuốc điều trị bệnh kém chất lượng, gây nguy hại đến sức khỏe. Đằng sau câu chuyện này trách nhiệm thuộc về ai? Rõ ràng công tác quản lý dược thời gian qua lắm vấn đề. 

 57 loại thuốc chứa chất valsartan, chứa tạp chất gây ung thư

 57 loại thuốc chứa chất valsartan, chứa tạp chất gây ung thư

 57 loại thuốc chứa chất valsartan, chứa tạp chất gây ung thư

Không chỉ ở 57 mặt hàng thuốc chứa tạp chất gây ung thư, trước đây chưa đầy 4 tháng, dư luận cả nước khiếp vía trước vụ việc thuốc ung thư làm từ bột than tre. Sau khi phát hiện 2 cơ sở sản xuất bột than tre để làm ra sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2, Công an Hải Phòng đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Năm trước, dư luận đã dậy sóng về về tội buôn thuốc điều trị ung thư giả của Công ty VN Pharma mà cuối tháng 10 năm 2017, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM đã phải tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại vì tính chất, mức độ của vụ việc. Cuối tháng 6 vừa rồi, cũng liên quan công ty này,

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo làm rõ về việc nhập khẩu, lưu hành 6 loại thuốc mang nhãn hiệu từ Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada do Công ty VN Pharma nhập khẩu. Bởi vì trên thực tế, Công ty Health 2000 không có nhà máy sản xuất tại Canada.  

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.

Sự việc lần này là chuyện lớn khi thuốc tung ta thị trường trong thời gian rất dài. Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng có đến 13 công ty dược phân phối đủ để chứng minh cho quy mô của nó. Nếu không có sự cảnh báo đến từ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu thì bao giờ ngành chức năng mới phát giác?

Vì được đưa vào mạng lưới điều trị chính thống nên hậu quả của nó về lâu dài theo sự cảnh báo từ cơ quan chuyên môn quốc tế là không nhỏ. Bệnh nhân choáng váng khi giờ đây, đến thuốc trị bệnh cũng không đảm bảo chất lượng, có chất gây ung thư, ảnh hưởng đến sự sống. Hoang mang, tuyệt vọng dẫn đến sự ngờ vực, chẳng còn niềm tin khi thuốc chữa bệnh lại hóa “độc dược” hại chính mình.

Tiền mất tật mang, sao vẫn cứ lặp đi lặp lại. Trước khi được phanh phui, bao nhiêu bệnh nhân đã dùng loại thuốc này như sự cứu cánh, tiếp thêm sự sống cho mình. Không còn tội ác nào hơn thế, kiếm tiền ngay trên sức khỏe, trên mạng sống của đồng loại. Như vậy câu hỏi đặt ra là khi nhập khẩu bất cứ mặt hàng thuốc nào thì công tác kiểm định chất lượng ra sao trước khi cấp phép nhập khẩu và lưu hành? 

Muộn còn hơn không, bài học từ quản lý và trách nhiệm rõ ràng cần được thiết lập và thực thi nghiêm túc. Thấy sai phải sửa và nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm từ ngay tòa án lương tâm của người đứng đầu cơ quan quản lý.

Không thể rút kinh nghiệm mãi vì sợi dây này đã rất dài.

Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng. Do vậy, thuốc có chất lượng tốt, hiệu quả là mục tiêu sau cùng trong công tác quản lý và điều trị bệnh. Mục tiêu này không thể chệch hướng vì bất cứ lý do gì. Một khi thuốc đe dọa sức khỏe, tính mạng người sử dụng đó là tội ác./

Bình luận