Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vượt qua Covid-19 tại nhà: Hãy yêu quý và chăm sóc sức khỏe mỗi ngày

(VOH) - VOH giới thiệu đến độc giả bài viết về kinh nghiệm vượt qua bệnh Covid-19 của gia đình 4 người tại quận Bình Thạnh – TPHCM.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TPHCM đã bước qua giai đoạn mới khi thành phố thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà từ ngày 16/8. Việc cách ly, theo dõi điều trị có kiểm soát F0 tại nhà thành công sẽ góp phần rất lớn giảm tải áp lực cho ngành y tế để tập trung sức lực điều trị cho các F0 chuyển biến nặng. 

Trong thời điểm này, VOH giới thiệu đến độc giả bài viết về kinh nghiệm 10 ngày kiên trì vượt qua bệnh Covid-19 của một gia đình 4 người (chồng 45 tuổi - 60kg, vợ 38 tuổi - 53kg, con trai 9 tuổi - 28kg, con gái 4 tuổi - 16kg) tại quận Bình Thạnh – TPHCM. 

***

Do có vấn đề sức khoẻ, vợ chồng chưa kịp kiểm tra tại bệnh viện để tiêm vắc xin thì đã nhiễm Covid-19 do đó triệu chứng bệnh nặng hơn các các trường hợp đã tiêm vắc xin. Khi xét nghiệm, 3/4 người trong gia đình đều "dính" Covid-19, trừ cô con gái 4 tuổi âm tính.

Chúng tôi đã trải qua những khoảng thời gian khó khăn nhưng bằng nỗ lực, sự động viên của cơ quan, đồng nghiệp, bạn bè… và áp dụng các biện pháp chữa trị phù hợp với sự tư vấn của các bác sĩ, chúng tôi đã vượt qua và khỏe mạnh trở lại.

Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và thực tế gia đình đã trải qua để mọi người có thêm thông tin tham khảo khi chẳng may nhiễm Covid-19.

Xem thêm: Cẩm nang phòng, chống Covid-19: Đăng ký tiêm vaccine và điều trị F0 tại nhà như thế nào?

Chủ động theo dõi sức khỏe với các thiết bị cần có

Gia đình tôi xác định phải có máy đo huyết áp, nhiệt kế, máy đo spO2 trong máu để chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà và kịp thời cung cấp thông tin cho bác sĩ tư vấn.

thuốc, điều trị covid-19
Một số loại thuốc cần có để điều trị F0 tại nhà

Xem thêm: Danh sách các loại thuốc thiết yếu để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà

Đặc biệt là loại máy đo spO2 trong máu là thiết bị “sống còn” do đó anh chị nên mua loại rời, tốt, có thương hiệu. Một số thời điểm, phải đo spO2 liên tục thì việc dùng app hay đồng hồ với người bệnh sẽ không tiện. Máy đo SpO2 cho biết lượng oxy trong máu. Nếu phổi bị tấn công, lượng oxy này sẽ giảm dần.

Khi bị Covid-19, gia đình tôi ai cũng rất mệt nhưng khái niệm mệt này rất chung chung, khó xác định vì tùy thể trạng mọi người. Do đó mình phải có máy để đo những chỉ số cụ thể, khi đó các đơn vị y tế sẽ hỗ trợ dễ dàng hơn.

Lúc nào phải đo spO2?

Là khoảng từ ngày thứ 3 sau khi phát bệnh cho đến ngày thứ 14. Đây là khoảng thời gian mình cần theo dõi lượng spO2 chặt chẽ, thường xuyên, đặc biệt là ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của kỳ bệnh, thời điểm này bệnh dễ trở nặng.

Chỉ số an toàn là từ 96 - 99%. Thực tế trong thời gian bị bệnh, lượng spO2 của gia đình đều nằm ở khoảng 97 - 99% nên giúp gia đình tự tin hơn nhiều.

Anh chị nên nhìn vào số đo spO2, đừng quá tin vào cảm giác. Khi spO2 ở mức 95%, đối với nhiều người vẫn thở bình thường nên không hề biết phổi đã bắt đầu bị vi rút tấn công (hiện tượng thiếu oxy thầm lặng). Có nhiều trường hợp trở nặng bất ngờ dù trước đó vẫn bình thường là do lượng spO2 này giảm sâu xuống 70%, 80% mà không có máy đo nên không biết.

Triệu chứng phát bệnh không giống nhau

Triệu chứng chung

Mất vị giác, khứu giác. Cơ thể đau cơ bắp, nhức đầu, nhừ người, đắng miệng, đau họng. Người uể oải, ăn không nổi, nằm li bì.

- Mất khứu giác (không ngửi được mùi) xuất hiện trước, thường ở ngày thứ 3 của kỳ bệnh. Mất vị giác (lưỡi không cảm giác) xuất hiện sau đó 1-2 ngày (từ ngày thứ 4, 5 của kỳ bệnh). Cảm giác chán ăn xuất hiện ở ngày thứ 3, 4 của kỳ bệnh. Cảm giác chán ăn do mất vị giác, khứu giác và do cảm giác nôn, ăn là ói.

Khứu giác sẽ có trở lại ở tầm ngày 7, 8 của kỳ bệnh, vị giác có trở lại ở ngày thứ 9 của kỳ bệnh. Khi đó, cơ thể đang phục hồi.

- Hụt hơi, khó thở, đau ngực: hiện tượng này xuất hiện ở khoảng ngày thứ 4 của kỳ bệnh. Khi mình hít hơi vào, có cảm giác bị tức ngực, hụt hơi, không giữ được hơi và bị ho; Có khi hít vào bị đau ngực. Nếu đo spO2 vẫn ở ngưỡng an toàn (trên 95%), anh chị đừng lo lắng. Hãy tập thở.

Mình hít vào thật sâu bằng mũi và thở ra hết bằng miệng. Khi thở ra, miệng khép lại như đang thổi bong bóng và cho luồng hơi ra từ từ. Nếu ngồi khó thở, đau ngực, anh chị có thể chuyển sang nằm nghiêng, co 1 chân lên sẽ dễ chịu hơn khi tập thở.

Thời điểm ngày thứ 7 đến ngày thứ 9 của kỳ bệnh, một số lúc đo spO2 rớt xuống 97% (trước đó là 98-99%), gia đình đều thực hiện tập thở và khi đo lại chỉ số này có nhích lên 98%. Hiện tượng này giảm dần và hết hẳn ở ngày thứ 13, 14 của kỳ bệnh.

- Bị Tào Tháo rượt: hiện tượng này xuất hiện ở ngày 5, 6 của kỳ bệnh và chỉ xuất hiện khoảng 1, 2 lần trong đợt bệnh của gia đình. Triệu chứng này chỉ xuất hiện ở tôi trong khi vợ và con trai không bị.

- Ngủ chập chờn: Hiện tượng này vợ chồng đều bị, xuất hiện từ khoảng ngày thứ 3 đến ngày 8 kỳ bệnh do cơ thể mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, nhức đầu.

- Ho: thỉnh thoảng xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 14. Sau khi hết bệnh, vợ chồng thỉnh thoảng vẫn ho 1, 2 tiếng. Theo tư vấn bác sĩ thì hiện tượng này bình thường.

Triệu chứng riêng

- Sốt: Cơn sốt bắt đầu từ ngày đầu tiên kéo dài đến tầm ngày thứ 7. Nhiệt độ trung bình khoảng 38, 39 độ C.

Thời gian đầu (khoảng 2,3 ngày đầu), các cơn sốt xuất hiện thường xuyên. Uống thuốc hạ sốt thì giảm được khoảng 2, 3 tiếng, sau đó sốt lại. Tầm ngày thứ 4 của kỳ bệnh, các đợt sốt giảm dần. Có khi cách đến 5,6 tiếng mới sốt lại.

Đến ngày thứ 6, 7 của kỳ bệnh, các cơn sốt giảm hẳn. Chỉ sốt 1 buổi sáng và sau đó không sốt cả ngày. Đến ngày thứ 8 thì dứt hẳn cơn sốt. Lúc này, bắt đầu cảm giác cơ thể phục hồi.  

Tuy nhiên, tôi bị sốt nhưng vợ lại không sốt.

- Lở miệng, loét miệng: vợ tôi bị hiện tượng này. Miệng bị phồng rộp, lở loét trong vòm họng, dưới lưỡi. Điều này dẫn đến ăn uống không được. Có thời điểm chỉ ngậm bánh và uống nước. Triệu chứng này hết hẳn ở ngày thứ 8, 9 của kỳ bệnh.

Các triệu chứng bệnh của gia đình chấm dứt hoàn toàn ở khoảng ngày thứ 11, 12 của kỳ bệnh.

Xem thêm: TPHCM: Nhận biết các dấu hiệu chuyển nặng của F0 theo dõi sức khỏe tại nhà

Những việc cần làm tại nhà khi bị nhiễm Covid-19

  • Tôi mở ở cửa sổ tất cả các phòng, có quạt thổi, quạt hút khu nhà vệ sinh mở mức cao nhất để tản bớt lượng vi rút để thông thoáng nhà cửa.
  • Dùng cồn 70 độ C khử khuẩn toàn bộ bề mặt, sàn, tay vịn trong nhà.
  • Uống thật nhiều nước ấm (4 lít đến 6 lít/ngày) để giúp hạ sốt và tản lượng vi rút qua đường nước tiểu, tránh mất nước.
  • Có thể xông mũi bằng nước chanh, xả pha tinh dầu khuynh diệp. Làm 1-2 lần/ngày. Gia đình chỉ thực hiện xông mũi khoảng 2,3 ngày thì ngưng.
  • Rửa mũi, súc họng thường xuyên vì nghe nói những nơi này vi rút chọn làm “căn cứ” để nhân bản, phát tán tiếp. Rửa mũi là dùng dạng chai nhỏ nước mũi, ngửa đầu và xịt toàn bộ 1 chai vào 1 bên mũi.

Thời gian đầu khi rửa mũi sẽ thấy đờm, nhầy trong mũi chảy ra. Hãy rửa đến khi nào anh chị thấy sạch mũi, thông mũi (nước nhỏ vào mà chảy thẳng xuống họng). Trong giai đoạn cao điểm, gia đình rửa đến 2 chai cho 1 bên mũi.

Sau khi rửa mũi, anh chị súc miệng lại bằng nước muối (dạng chai to, pha sẵn). Sau đó, dùng dung dịch súc họng sát khuẩn. Chế 1 ít nước rửa họng, khoảng 5ml (rất ít) và ngửa cổ để nước xuống cổ họng càng sâu càng tốt và khò. Có khi vợ chồng nuốt luôn vì nước súc họng xuống quá sâu. Không sao cả! Để yên, không uống nước và đi ngủ.

Trong cao điểm bệnh từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7, mỗi khi bị thức giữa đêm, gia đình đều phải rửa mũi và súc họng như vậy liên tục.

Đối con nít nhiễm Covid-19, bé 4 tuổi và 9 tuổi ở nhà không ảnh hưởng gì. Thằng nhóc 9 tuổi (cân nặng 28 kg) chỉ sốt đúng 1,2 bữa, cho uống hạ sốt là xong. Không hề có triệu chứng “bị quần” như người lớn. Con bé 4 tuổi mà kết quả âm tính luôn. Theo tìm hiểu chỉ những bé bị béo phì mới đáng lo.

Mình phải ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể trong cuộc chiến này. Khi không ăn được, cơ thể suy kiệt dần sẽ tạo điều kiện cho vi rút tấn công nhanh. Trong tình huống ăn không được thì nấu 1 nồi cháo trắng, đậu xanh (đừng cố phải có thịt, cá vì cơ thể lúc này cần giảm béo, đạm để tăng oxy tối đa cho tế bào) và cứ cách 2 tiếng thì húp. Có thể ngậm bánh, uống sữa, cơm pha nước… miễn cung cấp năng lượng cho cơ thể mà cảm thấy dễ chịu.

Tránh nằm vùi. Vận động giúp cơ thể hồi phục dễ dàng hơn, khoẻ hơn. Nếu mệt thì mình có thể ngồi dựa vào tường trên giường, cử động tay chân tại chỗ để máu huyết lưu thông.

Không chủ quan ngay khi đã hết triệu chứng bệnh

Dù đã có kết quả âm tính nhưng gia đình vẫn duy trì thói quen rửa mũi, súc họng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ; Vẫn duy trì việc đo spO2 để kiểm tra sức khoẻ của phổi vào buổi sáng vừa thức, buổi tối trước khi đi ngủ, đề phòng tình trạng “thiếu oxy thầm lặng”.

  • Nên tiếp tục tập thở đều đặn vì cơ thể, đặc biệt phổi vừa trải qua một “trận chiến” do đó cần được phục hồi.
  • Có cảm giác buồn ngủ thường xuyên do cơ thể cần thêm thời gian phục hồi.
  • Tăng cường chất lượng bữa ăn, đa dạng các món ăn, ăn thoải mái, không kiêng cử gì hết, cứ chia nhỏ bữa ăn kèm theo uống sữa để cơ thể sớm phục hồi năng lượng.
  • Ăn đầy đủ dinh dưỡng: bột, đường, béo đạm để cơ thể hồi phục, uống nhiều nước, vận động nhẹ nhàng.

Xác định nguy cơ lây nhiễm:

Sau khi bình phục, gia đình mới xác định nguồn lây. Do tầng ở chung có 2 F0 (căn hộ xéo) đã được phát hiện trước đó nên khả năng lây nhiễm qua hành lang chung không thông thoáng khí (cửa sổ hàng lang bị đóng do mấy đợt mưa), khả năng lây qua không gian kín như thang máy dùng chung, tay nắm cửa phòng bỏ rác chung…

Do đó, anh chị ở chung cư đặc biệt lưu ý khả năng này vì chủng Delta này tồn tại và lây nhanh hơn chủng cơ bản.

"Vũ khí" tinh thần và tăng cường chăm sóc bản thân

Đừng hốt hoảng, đừng hoảng loạn khi nhận biết bị nhiễm Covid-19. Dù nhiều người nói rằng rất khó làm nhưng anh chị phải cố gắng giữ sự bình tĩnh. 

Suy nghĩ tiêu cực chỉ khiến mình bị sức ép tinh thần và sớm suy sụp dẫn đến tình trạng “triệu chứng giả, ảnh hưởng thật”. Y tế phường tôi ở có chia sẻ những trường hợp đáng tiếc: đang bình thường khoẻ mạnh, sáng test ra kết quả dương tính và vài ngày sau suy sụp tinh thần, suy hô hấp và không qua khỏi.

Tại tầng tôi ở, có 2 F0 trong đó có bà cụ hơn 80 tuổi nhiễm Covid-19 vẫn vượt qua khi cách ly tại nhà. Do đó, mình cần kế hoạch, phương án để ứng phó hơn là suy nghĩ tiêu cực về nó.

Đừng ngần ngại chia sẻ với đồng nghiệp và bạn bè. Nhiều người có tâm lý giấu bệnh, tự tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội rồi rơi vào “ma trận” thông tin tạo ra tâm lý tiêu cực. Khi bệnh, những lời động viên từ lãnh đạo, đồng nghiệp, người thân, bạn bè...những thông tin hỗ trợ từ các bác sĩ, nhân viên y tế cùng với ý chí của bản thân chính là thứ vũ khí mạnh mẽ, hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh.

Hãy liên hệ bằng được với y tế phường. Có thời điểm đội ngũ y tế phường quá tải, thiếu nhân lực không thể có mặt ngay khi ta cần nhưng ít nhất họ sẽ cập nhật ngay thông tin F0 cho gia đình mình. Đây là điều rất quan trọng trong trường hợp không may trở nặng phải đi bệnh viện. Lúc đó, bệnh viện gọi xác minh qua y tế phường sẽ dễ dàng và có đầy đủ thông tin.

Hãy dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc sức khỏe khi bình thường. Khi bệnh, rất tội nghiệp là cơ thể chúng ta vì sự sống mà huy động một lượng lớn năng lượng để chiến đấu với vi rút. Do đó, nếu được trang bị đầy đủ “vũ khí” cho cơ thể trong lúc bình thường, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để chiến thắng.

Bài viết là trải nghiệm cá nhân, mang tính tham khảo. Trên thực tế, việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 cần dựa trên diễn biến của bệnh và tư vấn của các bác sĩ. 

Bình luận